CỬU PHẨM VÃNG SINH (.PDF)
Hán văn: chỉnh lý Nhiên Đăng tạp chí
Việt dịch: HUYỀN THANH
Quán Vô Lượng Thọ Kinh với A Di Đà Kinh, Vô Lượng Thọ Kinh hợp xưng là Tịnh Thổ Tam Bộ Kinh. Kinh này trình bày rõ tư tưởng Tịnh Thổ của Vô Lượng Thọ Kinh, kể lại chuyện Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Śākya-muṇi) ứng với sự thỉnh cầu của phu nhân Vi Đề Hy (Vaidehī) ở trong cung của Tần Bà Sa La (Bimbisāra) vì Tín Chúng giảng thuật quán tưởng thân tướng của Đức Phật A Di Đà (Amitāyus: Vô Lượng Thọ) với 16 phương pháp quán tưởng trang nghiêm Tịnh Thổ Cực Lạc (Sukha-vatī)
Trong 16 Quán “Tây Phương Tịnh Thổ” thì 13 Quán trước là:
Nhật Lạc Quán (Quán mặt trời sắp lặn)
Thủy Tịnh Quán (Quán sự trong sạch của nước)
Bảo Địa Quán (Quán đất báu)
Bảo Thụ Quán (Quán cây báu)
Bảo Trì Quán (Quán ao báu)
Bảo Lâu Quán (Quán lầu gác báu)
Bảo Tòa Quán (Quán tòa báu)
Phật Kim Thân Quán (Quán thân vàng ròng của Đức Phật)
Phật My Gian Bạch Hào Tướng Quán (Quán tướng lông mày trắng ở tam tinh của Đức Phật)
Quán Thế Âm Bồ Tát Quán (Quán Bồ Tát Quán Thế Âm)
Đại Thế Chí Bồ Tát Quán (Quán Bồ Tát Đại Thế Chí)
Cực Lạc Thế Giới Quán (Quán Thế Giới Cực Lạc)
Tạp Tưởng (Tưởng tạp)
Trong 16 Quán thì Quán thứ 14 là Thượng Phẩm Sinh Quán, quán thứ 15 là Trung Phẩm Sinh Quán, quán thứ 16 là Hạ Phẩm Sinh Quán. Ba Quán này lại chia ra làm ba Phẩm Thượng Trung Hạ, đây là Cửu Phẩm Liên Hoa Sinh
_Quán Vô Lượng Thọ Kinh: phần đầu nói rõ tu ba Phước làm Nhân (Hetu) chính của nghiệp trong sạch (Viśuddha-karma:Tịnh Nghiệp). Trong ba Phước thì Phước thứ nhất là căn lành của Thế Gian, Phước thứ hai tức là sự tốt lành của việc giữ Giới, Phước thứ ba tức là hành Thiện độ người. Phần sau nói rõ Nhân Quả vãng sinh của chín Phẩm khiến cho người có nghiệp chướng nặng, xưng niệm danh hiệu của Đức Phật làm Hạnh chính. Do xưng danh hiệu của Đức Phật cho nên hay trừ tội của nhiều Kiếp, liền được sinh về Tây Phương Tịnh Thổ.
_Trong Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh ghi chép là:
Nhóm bậc Thượng là: buông bỏ nhà cửa, vứt bỏ ái dục mà làm Sa Môn, phát Tâm Bồ Đề, một hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, tu các Công Đức, nghiện sinh về nước ấy.
Nhóm bậc Trung là: tuy chẳng thể hành làm Sa Môn, tu Công Đức lớn, một hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, tùy theo sự tu hành của chính mình: các Công Đức tốt lành, phụng trì Trai Giới, dựng lập Tháp Tượng, dâng thức ăn cho Sa Môn, treo lụa là, thắp đèn, rải hoa, đốt hương… đem điều này hồi hướng, nguyện sinh về nước ấy
Nhóm bậc Hạ là: chẳng thể làm các Công Đức, chỉ một hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, vui vẻ tin tưởng ưa thích, chẳng sinh nghi ngờ. Dùng Tâm chí thành nguyện sinh về nước ấy.
_Đại Sư Ấn Quang nói rằng: “Quán chín Phẩm chẳng qua là khiến cho người biết Nhân Quả của Vãng Sinh. Chỉ cần hiểu rõ liền xong, chẳng cần phải tác Quán. Người ấy một lòng trì danh hiệu, chỉ cần chí Tâm quy nơi một thì cảnh thanh tịnh tự tụ hội, hiện ra trước mặt vậy”
Tuy nhiên, Thế Giới Cực Lạc ở phương Tây có cấp bậc khác biệt chẳng đồng của ba nhóm, chín Phẩm. Chỉ là sự tất yếu cần có đầy đủ niềm tin, ước nguyện, một lòng niệm Phật thì chẳng luận nghiệp tội là nhẹ hoặc nặng, đều có thể được sinh về Tây Phương Tịnh Thổ.
19/01/2014
Comment