TỨ TÝ QUÁN ÂM
Biên soạn: HUYỀN THANH
Tứ Tý Quán Âm (Tên Phạn là: Caturbhūja-avalokiteśvara), là Tôn Chủ Đại Bi Quán Âm của Tạng Mật, đại biểu cho Đại Bi, Đại Trí, Đại Lực, là pháp môn của người tu theo Mật Thừa. Tôn này có tên gọi là Lục Tự Đại Minh (Ṣaḍ-akṣarī-mahā-vidya) cùng với Văn Thù Bồ Tát, Kim Cang Thủ Bồ Tát hợp lại gọi là “Tam Tộc Tính Tôn”. Ngài có địa vị là Hộ Chủ của vùng núi Tuyết, là Bản Tôn tối cao của Tạng Mật và Tạng Địa.
Trong Tạng truyền Phật giáo, Tôn này là Chủ Tôn của Lục Tự Đại Minh Chú “Oṃ maṇi-padme hūṃ” là Chân Ngôn có lợi ích với Công Đức vô cùng rộng lớn cho nên được lưu truyền rất rộng lớn ở các vùng Hán với Tạng.
Các vị Đạo sư Mật giáoTây Tạng đều nhận định rằng: “OṂ MAṆI PADME HŪṂ là tinh túy Trí Tuệ của chư Phật, là tinh hoa của 05 cõi Phật và các vị Thượng sư. Văn tự Thần chú của 06 âm vận thể hiện là nguồn gốc của tất cả sự thiện mỹ, căn nguyên của mọi sự lợi lạc tốt lành, hoàn toàn viên mãn con đường thẳng tắt vượt qua Thế gian, thành tựu sự giải thoát Xuất Thế gian”.
Để cho nhận định trên được rõ ràng hơn, các vị Đạo sư Tây Tạng đã minh họa Lục Tự Đại Minh Chú như sau:
OṂ (ཨོཾ ) màu trắng, âm vận thể hiện Thánh Đức của Quán Thế Âm Bồ Tát được phát ra từ Thần lực du hý tự tại. OṂ là tướng thể của Thiền định viên mãn, hằng diệt trừ tính kiêu ngạo, nhất là tính tự cao của cõi Trời, vì đó là cội nguồn phát sinh phiền não sa đọa (rơi xuống các cõi thấp hơn). OṂ tiêu trừ kiêu ngạo và nghiệp phiền não. OṂ đồng với hình tướng và công năng uy lực của vua trời Đế Thích (Indra), vị Thánh của hàng Trời. OṂ thể hiện cho Bình Đẳng Tính Trí (Samatā-jñāna) hướng dẫn chúng sinh vượt qua phương Nam vào thế giới Chúng Bảo Trang Nghiêm của Đức Phật Bảo Sinh (Ratna-saṃbhava).
MA (མ ) màu xanh lục, âm vận tiêu biểu cho công hạnh, phát sinh từ năng lực Thần thông Từ Bi vô ngại của Quán Thế Âm Bồ Tát, thị hiện trước tất cả chúng sinh. MA là tính thể của Nhẫn Nhục Ba La Mật, có công năng tiêu trừ tính ganh ghét đố kỵ đặc biệt đang ngự trị cõi A Tu La (Asura). MA đồng hóa với Tướng và Dụng của Ngài Dũng Hiền (Vīra-bhadra hay Vemacitra), vị Thánh trong hàng A Tu La. MA thể hiện cho ánh sáng của Thành Sở Tác Trí (Kṛtya muṣṭhāna jñāna) hướng dẫn chúng sinh vượt qua phương Bắc vào thế giới Thanh Tịnh Diệu Hạnh Thành Tựu của Đức Phật Bất Không Thành Tựu (Amogha-siddhi).
ṆI (ནི ) màu vàng, âm vận biểu hiện cho Trí Tuệ bao hàm Thân, Khẩu, Ý, Đức và Hạnh. ṆI hoán chuyển bản tính vượt qua Thế gian luân hồi khổ não. ṆI biểu hiện cho năng lực Thần thông Du Hý rộng lớn bao trùm tất cả, tùy duyên thị hiện của Đức Đại Bi Quán Thế Âm. ṆI là tính thể của Trì Giới Ba La Mật, hay diệt trừ sự si mê, là nguyên nhân đưa đến sự sinh già bệnh chết của loài người. ṆI đồng với hình tướng và công hạnh của Đức Thích Ca Mâu Ni (Śākya-siṃha: Thích Sư Tử) hóa thân của những vị Thánh trong loài người. NI thể hiện ánh sáng Trí Tuệ Thần thông diệu dụng, dẫn dắt chúng sinh vào thế giới Thanh Tịnh Viên Mãn của Đức Phật Thứ Sáu là Ngài Chấp Kim Cương (Vajra-dhāra: Trì Kim Cương).
PAD (པད) màu xanh da trời, âm vận tiêu biểu cho bản thân (THÂN) , thể hiện Thần thông du hý bình đẳng vô tận của Đức Đại Bi Quán Thế Âm. PAD là tính thể của Tinh Tiến Ba La Mật có công năng diệt trừ sự vô minh, là nguyên nhân đưa đến các sự khổ đau của cõi Súc sinh. PAD đồng với hình tướng và công hạnh của Ngài Sư Tử Dũng Mãnh (Siṃha-Ugra hay Dhruva-siṃha ), vị Thánh trong cõi Súc sinh. PAD là ánh sáng Pháp giới Thể Tính Trí (Dharma-dhātu-parakṛti-jñāna) hướng dẫn 06 loài chúng sinh đi vào Thế Giới Trung Ương Mật Nghiêm của Đức Phật Tỳ Lô Giá Na (Vairocana).
ME (མེ) màu đỏ, âm vận của ngôn ngữ (KHẨU) biểu hiện cho năng lực Thần thông an lạc vô tận của Đức Đại Bi Quán Thế Âm ban bố cho tất cả chúng sinh. ME là tính thể của Bố Thí Ba La Mật có công năng tẩy trừ tính tham lam, tham dục, keo kiệt là nguồn gốc sinh ra sự khổ não đói khát của loài Ngạ Quỷ. ME đồng hóa với sắc thân và công hạnh của Tiêu Diện Đại Sĩ (Diệm Khẩu:Jvala-mukha) vị Thánh trong cõi Ngạ Quỷ. ME là ứng hiện của ánh sáng Diệu Quán Sát Trí (Pratyave-kṣana-jñāna) hướng dẫn chúng sinh vượt qua phương Tây đi vào Thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà (Amitābha).
HŪṂ (ཧཱུྃ) màu đen, âm vận của ý, biểu hiện cho năng lực Thần thông du hý của Tâm Từ vô tận mà Đức Quán Thế Âm đã nhìn tất cả chúng sinh như con một của Ngài. HŪṂ là tính thể của Trí Tuệ Ba La Mật, có công năng tiêu trừ tính giận dữ và thù hận là nguyên nhân đưa đến quả báo phải chịu cực hình khổ não ở cõi Địa ngục. HŪṂ đồng với sắc tướng và công hạnh của Đức Diêm La Pháp Vương (Yama-dharma-rājā hay Dharma-rāja ), vị Thánh cứu tinh cho chúng sinh trong cõi Địa ngục. HŪṂ là ứng hiện của ánh sáng Đại Viên Kính Trí (Adarśa-jñāna) hướng dẫn chúng sinh vượt qua phương Đông đi vào Thế giới Diệu Lạc của Đức Phật Bất Động (Akṣobhya).
Ngoài ra, các danh sư Tây Tạng còn cho biết rằng 06 chữ này có rất nhiều nghĩa lý nhiệm màu bí mật, không ai có thể hiểu biết hết được. Tuy nhiên, do câu chú này quá thông dụng lại có công năng vô cùng màu nhiệm nên được nhiều nhà Luận giải giải thích theo sự hiểu biết của riêng mình. Tựu trung đối với giáo đồ Phật giáoTây Tạng thì Lục Tự Đại Minh Chú đã trở thành câu chú tiêu biểu cho Tâm Đại Bi và sự ân sũng của tất cả chư Phật Bồ tát, nhất là ân sũng của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát nhằm cứu độ muôn loài thoát khỏi mọi ách nạn khổ đau, đồng thời nhân dân Tây Tạng rất tin tưởng rằng Bồ Tát Quán Thế Âm là một vị Phật của lòng Bi mẫn, là vị Thần hộ mệnh bậc nhất của dân tộc (Chenresi – Thần Hộ mệnh của Núi Tuyết).
Ngày nay, khắp mọi nơi ở Tây Tạng: trong những điệp khúc cầu nguyện, trên những hòn đá ở những đỉnh núi cao, trên những bia đá, trên những lá cờ, trên vật khí chuyển pháp luân, trên đôi môi của dân chúng … đều có thể nhận thấy sự hiện hữu của Minh Chú này.
_Tượng Tứ Tý Quán Âm có một mặt bốn cánh tay, thân màu trắng như mặt trăng, đầu đội mão Ngũ Phật, tóc đen kết thành búi, hai tay chính giữa chấp lại để ở trước ngực, nâng viên ngọc báu Ma Ni; tay bên phải cầm Tràng Hạt Thủy Tinh, tay bên trái cầm Hoa Sen tám cánh ngang bằng lỗ tai. Diện mạo Tịch Tĩnh mỉm cười, dùng mắt Tuệ của Bồ Tát lặng nhìn chúng sinh. Phàm người nào được Quán chiếu, tận cùng đều hay được giải thoát.
Thân mặc quần áo làm bằng tơ lụa ngũ sắc, eo buộc dây lụa màu quý báu, toàn thân có vòng hoa trang nghiêm, hai chân ngồi Kiết Già trong vành trăng trên Hoa Sen.
Ý nghĩa của Tôn Tượng này là:
.)Thân thể đẹp đẽ: biểu thị cho Báo thân Phật.
.)Một cái đầu: biểu thị cho sự BẤT NHỊ của Bản tính tuyệt đối.
.)Bốn tay: biểu thị cho 04 tâm vô lượng: Từ, Bi, Hỷ, Xả.
.)Hai chân xếp bằng trong tư thế Kim Cương Tọa: biểu thị cho tính NHẤT NHƯ của Sinh tử và Niết Bàn.
.)Ngồi trên hoa sen ngàn cánh: biểu thị cho tâm Đại Bi.
.)Vành trăng dung chứa Tôn Tượng: biểu thị cho TÍNH KHÔNG (Śūnyatā).
.)Hai tay chắp ở tim và cầm viên ngọc: biểu thị cho tâm Bồ Đề, viên ngọc như ý ban cho những thành tựu tối cao và thông thường.
.)Hai tay còn lại: Tay phải cầm một xâu chuỗi pha lê biểu thị cho lòng Từ Bi không ngưng nghỉ của Ngài trải dài như một dòng không dứt qua trái tim của mỗi một chúng sinh. Tay trái cầm một hoa sen trắng biểu thị cho sự thanh tịnh không biến đổi của Trí Tuệ của Ngài, nở trọn vẹn trên bùn lầy sinh tử.
.)Viên ngọc: biểu thị cho Trí Tuệ đại lạc như phương tiện.
.)Hoa sen: biểu thị cho trí Tuệ Tính Không như sự chứng ngộ.
_Hoặc có thuyết nói:
Tượng Tứ Tý Quán Âm có một mặt có bốn cánh tay, thân màu trắng như mặt trăng, đầu đội mão Ngũ Phật, tóc đen kết thành búi, hai tay chính giữa chấp lại để ở trước ngực, nâng viên ngọc báu Ma Ni; Tay bên phải cầm Tràng Hạt Thủy Tinh, tay bên trái cầm hoa sen tám cánh ngang bằng lỗ tai. Diện mạo Tịch Tĩnh mỉm cười, dùng mắt Tuệ của Bồ Tát lặng nhìn chúng sinh. Phàm người nào được Quán chiếu, tận cùng đều hay được giải thoát. Khoác tấm da Hưu bên ngực trái phủ kín vai, thân mặc Thiên Y ngũ sắc, phía dưới mặc xiêm y, quần lụa màu đỏ, eo buộc dây lụa màu quý báu, toàn thân có vòng hoa trang nghiêm, các vật trang sức như : Khuyên tai, vòng xuyến ở cổ tay, vòng đeo trên cánh tay, vòng đeo chân… đều làm bằng ngọc báu Anh Lạc. Vòng chuỗi thứ nhất đeo ở cổ, vòng chuỗi thứ hai dài đến ngực, vòng chuỗi thứ ba dài đến rốn. Hai chân ngồi Kiết Già trong vành trăng trên Hoa Sen.
.)Cái đầu: biểu thị cho Thông Đạt Pháp Tính, một vị của Pháp giới
.)Bốn cánh tay: biểu thị cho bốn Tâm Vô Thượng
.)Thân màu trắng biểu thị cho Tự Tính Thanh Tịnh không dơ, chẳng vướng bởi hai chướng là: Sở Tri Chướng và Phiền Não Chướng
.)Đầu đội mão năm Phật biểu thị cho Ngũ Trí
.)Tóc màu đen biểu thị cho sự Bất Nhiễm
.)Thiên Y ngũ sắc biểu thị cho Phật ở năm phương
.)Quần lụa màu hồng biểu thị cho Chủng Tính của Hoa Sen, Diệu Quán Sát Trí
.)Từ khuyên tai trở xuống gồm sáu loại trang nghiêm biểu thị cho sáu Độ.
.)Xâu chuỗi Anh Lạc thứ nhất đeo ở cổ biểu thị cho Đức Bất Động Như Lai do thành tựu Thiền Định mà được
.)Xâu chuỗi thứ hai dài tới ngực biểu thị cho Đức Bảo Sinh Như Lai do thành tựu Bố Thí mà được
.)Xâu chuỗi thứ ba dài tới rốn biểu thị cho Đức Bất Không Thành Tựu Như Lai do thành tựu Tinh Tiến mà được
.)Toàn thân có vòng Hoa trang nghiêm biểu thị cho Vạn Hạnh
.)Hai chân ngồi Kiết Già biểu thị cho không trụ ở sinh tử
.)Tay Ấn biểu thị cho không trụ ở Niết Bàn
.)Lại hai tay chính giữa chắp lại để ở trước ngực, đại biểu cho Trí Tuệ và Phương Tiện cùng vận chuyển hợp nhất
.) Riêng tay phải cầm xâu chuỗi bằng Thủy Tinh, đại biểu cho mỗi viên ngọc liền cứu độ một Chúng Sinh xa lìa luân hồi
.) Riêng tay trái cầm Hoa Sen, đại biểu cho Thanh Tịnh phiền não.
CHÂN NGÔN CỦA TỨ TÝ QUÁN ÂM
_Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn
Oṃ_ Maṇi-padme hūṃ
_Chú Luân của Lục Tự Đại Minh trong Tạng Mật:
_ Chú Luân của Lục Tự Đại Minh theo văn tự Lantsa:
Sáu chữ Lục Tự Đại Minh được viết thành một chữ, nhằm giúp cho Đồ Chúng thờ phượng hoặc mang theo thân mình, nhằm tránh tai hoạ, cầu Phước Báo.
_Ngoài ra, người ta còn thờ phượng Tôn Tượng của Tứ Tý Quán Âm chung với Lục Tự Đại Minh
_ Phật Thuyết Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương Kinh, quyển 4 ghi nhận cách tạo dựng Mạn Noa La (Maṇḍala: Đàn Trường) để tu tập Lục Tự Đại Minh là:
“Quán Tự Tại Bồ tát bạch với Đức Thế Tôn rằng: “Người chẳng thấy Mạn Noa La (Maṇḍala:Đàn Trường) thì chẳng thể được Pháp này. Làm sao biết là Liên Hoa Ấn (Padmāṅkamudra) ? Làm sao biết là Trì Ma Ni Ấn (Maṇidhāra-mudra) ? Làm biết Nhất Thiết Vương Ấn (Sarva-rājendrā-mudra) ? Làm sao biết là Thể Thanh Tịnh của Mạn Noa La (Maṇḍala-pariśuddhiṃ)?
Nay tướng của Mạn Noa La này: Chu vi bốn phương vuông vức, đều dài khoảng năm khuỷu tay, chính giữa (trung tâm) Man Noa La an lập Đức Vô Lượng Thọ Phật (Amitāyus-buddha). Dùng phấn an bày, nên dùng bột báu Nhân Nại La Nỉ La (Indra-nīla-cūrṇaṃ), bột báu Bát Nột Ma La Nga (Padma-rāga-cūrṇaṃ), bột báu Ma La Yết Đa (Marakata-cūrṇaṃ), bột báu Pha Để Ca (Sphāṭika- cūrṇaṃ), bột báu Tô phộc La Noa Lỗ Bá (Suvarṇa-rūpya- cūrṇaṃ)
Ở bên phải Đức Vô Lượng Thọ Như Lai, để Trì Đại Ma Ni Bảo Bồ Tát (Mahā-maṇi-dhāra-bodhisattva)
Ở bên trái Đức Phật để Đức Lục Tự Đại Minh (Ṣaḍ-akṣarī-mahā-vidya) có bốn cánh tay, màu thịt trắng như màu mặt trăng mùa Thu với mọi loại báu trang nghiêm. Tay trái cầm hoa sen, bên trên hoa sen để báu Ma Ni. Tay phải cầm tràng hạt, hai tay bên dưới kết Nhất Thiết Vương Ấn.
Ở bên dưới bàn chân của Đức Lục Tự Đại Minh để Trời Người với mọi thứ trang nghiêm; tay phải cầm lò hương, lòng bàn tay trái bưng cái bát chứa đầy các thứ báu.
Ở bốn góc của Mạn Noa La bày hàng bốn vị Đại Thiên Vương, cầm giữ mọi loại Khí Trượng.
Ở bốn góc bên ngoài Mạn Noa La để bốn cái Hiền Bình (Pūrṇa-kumbhā) chứa đầy mọi loại báu Ma Ni (Maṇi-ratna)
Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện muốn vào Mạn Noa La đó thì hết thảy quyến thuộc chẳng được theo vào trong Mạn Noa La đó mà chỉ viết tên của họ. Người vào trước tiên ném tên họ của quyến thuộc ấy vào trong Mạn Noa La thời các quyến thuộc đều được địa vị của Bồ Tát. Ở trong người ấy lìa các khổ não, mau chứng được A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Anuttarā-samyaksaṃbuddhi: Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác)”
_Phàm người trì niệm danh hiệu của Tứ Tý Quán Âm với tụng trì Lục Tự Đại Minh Chú không chỉ có thể tiêu trừ sự sợ hãi của bệnh khổ, hình phạt, cái chết đột ngột không đúng thời, mà còn khiến tăng thêm thọ mạng, tiền của dư dả giàu có. Tức là khiến sau khi mạng chung đi đến các cửa ở 3 nẻo ác cũng được đóng kín lại, mà được sinh về các nẻo lành. Lại được học tập Phật Pháp, thành tựu Vô Thượng Bồ Đề, lợi ích công đức rất là rộng lớn.
06/05/2013
Comment