adn-chi-ma-hoa-protein-vay-dieu-gi-lap-trinh-su-phat-trien-cua-toan-bo-sinh-vat
ADN chỉ mã hoá protein, vậy điều gì lập trình sự phát triển của toàn bộ sinh vật?
- bởi map --
- 03/04/2016
Trong khi cả một đội ngũ các nhà khoa học và di truyền học đang mày mò trên con đường lý giải những bí ẩn tối hậu của ADN, thì một nhà sinh học người Anh đã làm dấy lên tranh luận khi cho rằng thể xác và tinh thần của chúng ta liên hệ với vũ trụ này thông qua những lực lượng bí ẩn, không thể cảm nhận.
Trái với nhận thức theo đường hướng cơ giới về các quá trình sinh học, nhà sinh học Rupert Sheldrake – tác giả cuốn sách “Một khoa học mới về sự sống” (A New Science of Life), tin rằng, trên thực tế gen không phải là yếu tố quyết định hình thức của các sinh vật sống. Ông khẳng định: gen không có khả năng lưu trữ những thông tin cần thiết để tạo nên cấu trúc cơ thể động vật, thực vật hay con người.
Tuy nhiên để hiểu được những ý tưởng khác thường của GS. Sheldrake, chúng ta cần phải suy nghĩ lại về nguồn gốc của vũ trụ: Vụ nổ lớn (Big Bang).
“Trí nhớ cố hữu” của vạn vật
Theo GS. Sheldrake, từ thời điểm khởi nguồn cho đến hôm nay, vũ trụ đã tiếp nhận một số tập quán đồng thời cũng mất đi một số chúng. Qua thời gian, những tập quán này phát triển lên giống như một bộ các ký ức được dung nạp, tích tụ, hay còn được một số người gọi là “quy luật tự nhiên”.
Nhưng ý tưởng này không có gì mới mẻ, và cũng không phải thuộc riêng phạm trù sinh học chính thể luận, mà nó đã có từ lâu trước thời GS. Sheldrake. Trong cuốn sách “Đời sống và tập quán” (Life and Habit), Samuel Butler đề xuất giả thuyết cho rằng, các bản năng động vật, sự hình thành bào thai và thậm chí nguyên tử, phân tử và tinh thể đều hình thành từ một dạng “trí nhớ cố hữu”.
Lấy ví dụ, sự vận động của một nguyên tử không phụ thuộc vào chủ ý của con người. Khi proton, neutron và electron quay xung quanh hạt nhân, ngay lập tức trí nhớ cố hữu của vũ trụ sẽ thực hiện cái việc cố hữu hàng thiên niên kỷ qua: kết hợp những thành phần này để tạo nên một nguyên tử. Những quy luật tự nhiên như siêu lực hấp dẫn của hạt nhân, lực điện từ… chắc chắn sẽ phối hợp với nhau để hợp nhất nguyên tử này.
Để hiểu rõ hơn về ý tưởng của Sheldrake, chúng ta cần thảo luận tới vai trò của ADN. Có lẽ nhiều người trong chúng ta đều biết rằng, tất cả mọi tế bào của cơ thể sống từ các tế bào đơn giản nhất tới các loại tế bào khác nhau trong cơ thể con người đều có chứa chuỗi phân tử DNA (còn được gọi là ADN – Acid deoxyribonucleic). Chuỗi này là một chuỗi dài các phân tử nối liền với nhau có nhiệm vụ ghi nhớ cách tạo ra protein của tế bào. Protein được tạo ra này là chìa khóa để tạo ra rất nhiều các phản ứng hóa học khác nhau mang các nhiệm vụ khác nhau trong cơ thể sống của con người và động vật.
“Tuy nhiên có khác biệt to lớn giữa việc mã hoá cấu trúc một protein và lập trình sự phát triển của toàn bộ sinh vật đó. Đây là sự khác biệt giữa việc làm ra các viên gạch và xây một ngôi nhà từ những viên gạch đó”, GS. Sheldrake viết trong bài “Quan điểm tâm lý học” (Psychological Perspectives).
TAMTHUC“Phần lớn các nhà sinh học mặc nhiên công nhận rằng các sinh vật sống chính là những cỗ máy phức tạp, chỉ chịu chi phối của các quy luật vật lý và hoá học đã biết. Bản thân tôi cũng đã từng ôm giữ quan điểm như vậy. Nhưng trong vài năm gần đây, tôi nhận thấy rằng thật khó để có thể xác thực những giả thuyết như vậy. Do hiểu biết của chúng ta thực sự quá ít, nên rất có khả năng sẽ có ít nhất một vài hiện tượng trong cuộc sống phụ thuộc vào các quy luật hay các yếu tố chưa được nhận diện trong lĩnh vực vật lý”, GS. Sheldrake viết trong cuốn sách “Một khoa học mới về sự sống” (A New Science of Life).
Và chúng ta cần nhớ rằng lịch sử khoa học đã được viết đi viết lại nhiều lần dựa trên những lý thuyết không kém phần khôi hài so với lý thuyết này. Hãy nhớ lại giả thuyết về sự hình thành tự phát của giòi từ thịt thối, hay giả thuyết về “sự phát triển và tăng trưởng theo cấp số nhân của các tổ chức sinh vật theo nhu cầu” của J.B. Lamarck. Ngày nay, những ý tưởng này có vẻ ngây thơ và ngớ ngẩn, nhưng đã từng có lúc chúng trở thành các quy tắc chung.
Chính vì vậy, GS. Sheldrake luôn bảo vệ quan điểm của mình khi khuyến khích thay đổi các quan niệm của chúng ta từ một chủ nghĩa giản lược trong khoa học cổ điển sang một tâm lý “toàn diện” hơn. Nếu may mắn, chúng ta sẽ không tiếp tục phát triển theo đường hướng từ thế kỷ 17 và không tiếp tục lặp lại cái vòng luẩn quẩn của việc phủ nhận, tranh luận không cần thiết và chấp nhận một cách muộn màng… như vậy mãi.
Trong chuyên mục Khoa học huyền bí, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện có liên quan tới các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiện nay. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưỏng có thể kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn về những chủ đề có thể gây nhiều tranh cãi trong phần bình luận bên dưới.
Tác giả: Leonardo Vintini, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Xem bài gốc tại đây.
Hoàng Sâm biên dịch
Comment