plato-khong-tu-hai-bac-thay-vi-dai-tin-vao-tam-quan-trong-cua-truc-giac
Plato, Khổng Tử: Hai bậc thầy vĩ đại tin vào tầm quan trọng của trực giác
- bởi map --
- 31/03/2016
2500 năm trước, Plato, nhà đại hiền triết cổ Hy Lạp, đã ví tư duy của con người như người lái xe ngựa đua song mã – một con ngựa là trực giác và con kia là lý trí. Vấn đề là người lái xe ngựa phải điều khiển hai con ngựa của mình như thế nào để chạy đến Chân Lý. Thật thú vị khi biết rằng ở phương Đông, một người cùng thời với Plato là Khổng Tử cũng đã có những suy xét sâu sắc về trực giác. Đó là những thảo luận hay nhất về trực giác mà tôi muốn chia sẻ với độc giả…
Nói đến Khổng Tử, mọi người thường nghĩ ngay đến một nhà triết học lớn của Trung Hoa cổ đại chuyên lo việc thuyết giảng các phép tắc về đạo đức, lễ nghĩa, nhằm giữ cho xã hội được trật tự và ổn định. Điều đó hoàn toàn đúng, nhưng sẽ là thiếu sót lớn nếu cho rằng Khổng Tử chỉ chăm lo việc lễ nghĩa. Thực tế, di sản trí tuệ do Khổng Tử để lại phong phú hơn rất nhiều, đặc biệt là những vấn đề thuộc phạm trù nhận thức. Tại đây, ông tỏ ra là một người sắc sảo, hiểu thấu những bí mật trong quá trình tư duy của con người.
Bất chấp việc một số người trong xã hội hiện đại có một cái nhìn tiêu cực đối với di sản triết học của Khổng Tử, ông vẫn được toàn thế giới xem như một trong những người thầy của muôn đời, tương tự như Socrates, Plato, Aristotle ở Tây phương. Lời dạy của Khổng Tử không chỉ được các học giả Á Đông coi như kinh điển, mà ngay cả các học giả Tây phương cũng thường xuyên trích dẫn, như những chân lý đã được đúc kết làm bài học cho đời sau.
Để có một bức chân dung chính xác và đầy đủ về Khổng Tử và về Đạo của ông, hãy đọc cuốn “NHO GIÁO” của Lệ Thần Trần Trọng Kim, do Trung Bắc Tân Văn xuất bản lần đầu tiên năm 1930, và NXB Văn hóa Thông tin tái bản năm 2001.
Đó là một kiệt tác triết học Đông phương cung cấp cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về thế giới quan và nhân sinh quan Á Đông trong mấy ngàn năm qua. Toàn bộ ý kiến của Khổng Tử trong tiểu luận này đều trích từ cuốn sách đó.
Đọc “Nho giáo” của Trần Trọng Kim, tôi mới vỡ nhẽ ra rằng bao nhiêu tri thức sách vở Tây phương mà mình đã tiếp thu sẽ trở nên khập khiễng và thiếu hụt nếu không được bổ sung bởi triết học Đông phương mà cái học của Khổng Tử là một phần cốt lõi.
Trong tiểu luận hôm nay, tôi không làm gì nhiều hơn là trích dẫn những lời bàn về trực giác trong cuốn “Nho giáo” này. Lời lẽ của tác giả vô cùng sáng rõ, khúc chiết đến mức không cần phải bình luận gì thêm. Nếu tôi bình luận, ấy là vì tôi muốn thể hiện sự tán thưởng ý kiến của tác giả, hoặc tôi muốn đối chiếu tư tưởng của Khổng Tử với tư tưởng và việc làm của con người trong thời đại ngày nay, qua đó có thể thấy con người ngày nay đúng hoặc sai như thế nào. Nhưng trước hết, muốn biết Khổng Tử nghĩ gì về trực giác, phải biết Khổng Tử nghĩ gì về con người.
Con người và trực giác
Trong những bí mật của vũ trụ, con người là bí mật lớn nhất. Nói chính xác hơn, trong những bí mật của vũ trụ, trực giác của con người là bí mật lớn nhất. Cái gì làm cho chúng ta hơn hẳn và khác hẳn con vật? Đó là trực giác – cái tri giác sáng suốt giúp cho ta hiểu được thế giới. Tại sao chúng ta có cái tri giác đó? Tại sao chúng ta có khả năng nhận thức thế giới? Không ai biết. Khoa học không trả lời được câu hỏi này, và đó là điều khó hiểu nhất đối với ngay cả một người thông thái bậc nhất trong xã hội hiện đại như Albert Einstein. Ông nói: “Điều khó hiểu nhất về thế giới là ở chỗ nó có thể hiểu được” (The most incomprehensible thing about the world is that it is comprehensible).
Nhưng Khổng Tử từ 2500 năm trước đã không coi đó là điều khó hiểu, vì ngài coi con người là một tạo vật có địa vị rất lớn trong vạn vật, được Trời phú cho khả năng trực giác để hiểu được bản chất của mọi sự vật, hiểu được mọi lẽ phải trái và hiểu được ý nghĩa của sự tồn tại. Trần Trọng Kim giải thích:
Con người là một tạo vật đặc biệt do Ông Trời tạo ra. Ông Trời ban cho con người một trực giác đặc biệt để nhận thức thế giới, để thưởng thức Cái Đẹp và ý nghĩa của thế giới. Nếu không, thế giới sẽ trở nên vô nghĩa, giống như một tuyệt tác âm nhạc hay một tuyệt tác hội họa mà không có người thưởng thức.
Điều kiện tiên quyết để hiểu tư tưởng của Khổng Tử là phải tin rằng có Ông Trời, và tin rằng con người sinh ra không phải là vô tình, mà nằm trong ý Trời. Con người không tầm thường chỉ là kết quả của sự tiến hóa vật chất như Thuyết tiến hóa nói. Con người rõ ràng có một sứ mệnh độc đáo trong vũ trụ, đó là sứ mệnh thưởng thức và ca ngợi tác phẩm kỳ diệu và vĩ đại của Thần. Những nhân vật lỗi lạc như Newton, Pascal, Pasteur, Poincaré, Einstein, Godel,… Bach, Mozart, Beethoven, Chopin,… Monet, Rodin,… Chaplin… tất cả đều là những người thưởng thức vũ trụ một cách sành sỏi, làm vừa ý Thần. Vì thế con người phải hợp nhất với Thần thì mới có được cái trực giác sáng suốt để thông tỏ mọi sự, bởi cái trực giác ấy chính là mạch thông tin liên kết con người với Thần.
Nguồn:http://www.daikynguyenvn.com/khoa-hoc-cong-nghe/plato-khong-tu-hai-bac-thay-vi-dai-tin-vao-tam-quan-trong-cua-truc-giac.html
Comment