No icon

truy-tim-nguon-goc-tieng-hummmmm-bi-an-tren-the-gioi

Truy tìm nguồn gốc tiếng ‘Hừmmmmm’ bí ẩn trên thế giới

Trước hết, hãy lắng nghe đoạn video ngắn dưới đây:

“Tôi nghe thấy các tần số. Tôi nghe thấy tiếng của lực năng lượng phóng tĩnh điện liên hồi. Tôi nghe thấy các âm thanh khác trong các âm thanh đó. Các mức cao độ và âm điệu thay đổi, nhưng điều cốt lõi của các âm thanh tôi buộc phải chịu đựng 24/7 khá là rõ nét và …càng trở nên tinh tế hơn”, Demetria Hardin từ thung lũng San Joaquin, California, Mỹ nói.

“Các tần số này dường như đã tác động đến cơ thể tôi bằng cách kích thích nhịp tim của tôi, từ đó kích thích các ảnh hưởng khác trong cơ thể”, bà nói tiếp. “Tùy vào mức cao độ, cơ thể của tôi có thể xuất hiện các triệu chứng mất ngủ hay mệt mỏi kinh niên. Cả hai trạng thái dường như đều có khả năng tước đoạt của tôi một giấc ngủ ngon lành. Tôi luôn cảm thấy thiếu ngủ. Luôn như vậy. Bản năng mách bảo tôi rằng tình trạng này hẳn phải có mối liên hệ nào đó với các tần số mà tôi đang nghe”. Miêu tả trên là một ví dụ của tình trạng mà hàng nghìn người dường như đang phải chịu đựng hàng ngày. Họ đã sống trong bóng tối của một sự quấy nhiễu chưa thể lý giải được biết đến là “tiếng hừmmmm”.

“Âm thanh của động cơ diesel từ khoảng cách xa” là một trong những định nghĩa được nhiều nạn nhân sử dụng. Âm thanh này thường được gọi là “tiếng hừmmm tại thành phố Taos”, vì khá nhiều các báo cáo của những nạn nhân đang phải chịu đựng thứ âm thanh liên hồi này là đến từ thành phố Taos, bang New Mexico, Hoa Kỳ. Đây là một loại âm thanh liên hồi, đơn điệu, với một tần số chậm, thấp dường như có khả năng tác động đến người dân trên toàn thế giới.

Một số lượng gia tăng các báo cáo về hiện tượng tiếng hừmmm đã xuất hiện từ đầu những năm 1990, khi truyền thông địa phương đưa tin về một loạt các nạn nhân của tiếng hừmmm thành phố Taos. Dù vậy, ngay cả từ những năm 70 và 80, những người nghe thấy tiếng hừmmm từ New Zealand cho đến Anh đã miêu tả về một loại âm thanh triền miên không dứt. Thậm chí có người nói rằng, đối với họ, loại âm thanh này đã xuất hiện từ sớm những năm 1960.

“Tôi đã chịu đựng tiếng hừmmm này trong 15 năm qua nhưng hiện tượng này không có gì là kỳ lạ; vấn đề này đã tạo ra rắc rối trong ít nhất 40 năm”, John Dawes trao đổi trong một cuộc phỏng vấn qua email.

Những nạn nhân của tiếng hừmmm địa phương đề cập đến âm thanh cụ thể của thành phố của họ, ví dụ như “tiếng hừmmm thành phố Bristol” hay “tiếng hừmmm thành phố Kokomo”. Tuy nhiên, thay vì chỉ là một hiện tượng cô lập ở một số khu vực chủ chốt như một số người lầm tưởng, ông Dawes lại cho rằng tiếng hừmmm này mang tính toàn cầu, nhưng vì một số lý do nào đó, nó chỉ quấy rầy sự bình yên của một số cá nhân nhất định, vào các giờ nhất định trong ngày. Theo ông Dawes, 1–2 % dân số thế giới đang phải hứng chịu loại âm thanh bí ẩn này.

Xác định nguyên nhân

“Phải chăng đây chỉ đơn giản là hiện tượng ảo thính hay bệnh ù tai?” một số người chưa từng trải nghiệm hiện tượng này đã đặt câu hỏi. Điều này có vẻ đáng ngờ vì trong rất nhiều trường hợp có nhiều hơn một thành viên trong gia đình có thể nghe được âm thanh trên.

Tuy nhiều nhà nghiên cứu đã cố gắng xác nhận hay đưa ra một lời giải thích phù hợp cho nguồn gốc bí ẩn của tiếng Hừmmm, nhưng chưa có câu trả lời nào thật sự thỏa mãn. Tuy nhiên, đối với các nạn nhân thì hệ quả là khá rõ ràng: Sự quấy rầy của một “động cơ diesel” trong đầu có thể chỉ đơn thuần là một can nhiễu nhỏ, nhưng cũng có thể là một sự tra tấn đúng nghĩa khi có khả năng ngăn cản họ thực hiện các công việc thông thường.

Tháng 11/2006, TS Tom Moir, một giáo sư ngành kỹ thuật tại Viện Công nghệ và Khoa học Toán học thuộc Đại học Massey ở New Zealand, đã tiến hành ghi âm tiếng Hừmmm. Sử dụng các thiết bị ghi âm kỹ thuật số có độ nhạy cao, TS Moir, và đồng nghiệp của ông, TS Fakhrul Alam, đã thu được một âm thanh quấy nhiễu tại nhà của một cô học sinh, mà bản thân cô cũng là một nạn nhân của tiếng Hừmmm bí ẩn.

Khi tin tức về đoạn ghi âm này được công bố, người dân trên khắp khu vực phía bắc Auckland đã xác nhận rằng bản thân họ cũng bị ám ảnh bởi thứ âm thanh đều đặn này. Gống như Taos và các khu vực khác, phản ứng trở nên vô cùng náo nhiệt đến nỗi âm thanh bí ẩn này đã nhanh chóng bị gắn mác “Tiếng hừmmm Auckland”.

“Bất cứ nơi nào có lắp đặt hệ thống lưới điện cao thế, bạn sẽ có thể tìm thấy những nạn nhân của tiếng Hừmmm”, Dawes miêu tả về giả thuyết của mình. “Một thực tế đơn giản là thông qua việc sử dụng điện chúng ta đang biến đổi môi trường trên Trái đất, từ đó khiến con người bị ốm, chứ không chỉ những ai nghe được âm thanh đó. Chúng ta có thể không thích khi điều đó xảy ra, nhưng khi nhiều quốc gia hơn nữa gia nhập cuộc chạy đua phát triển, tình tình sẽ chỉ có thể trở nên tệ hơn. Đây là một vấn đề không thể được giải quyết ở cấp độ cá nhân; nó là một vấn đề chỉ có thể được giải quyết bởi chính phủ”. Ông Dawes thậm chí còn cho rằng trong khi tiếng Hừmmm có thể gây ra phiền toái cho rất nhiều người, nhưng nó thậm chí còn dẫn đến một vài trường hợp tử vong.

Một trong những cách giải thích khả thi ban đầu cho nguồn gốc của tiếng Hừmmm là các phương thức giao tiếp ngầm dưới nước trong quân đội, ví như Tần số cực kỳ thấp (được hải quân Hoa Kỳ sử dụng làm băng tần vô tuyến và thông tin vô tuyến). Tần số này bao gồm một loạt các mức tần số có khả năng đi xuyên qua lòng đất và lòng biển theo tất cả các hướng.

Một cách giải thích khác là các hệ thống điện ly tần số cao được thiết lập dọc lãnh thổ Hoa Kỳ, Nga, hay Na-uy, như HAARP (High Frequency Active Auroral Research Program, tạm dịch chương trình nghiên cứu hoạt động cực quang cao tần), vốn đã được phát triển lần đầu vào năm 1993 ở Alaska, Mỹ. Tuy nhiều người đã báo cáo nghe thấy tiếng Hừmmm từ khá lâu trước khi dự án HAARP được triển khai, có lẽ âm thanh đầu vào của nó trong số các tạp âm tần số đã tiến nhập vào thế giới chúng ta trong khoảng vài thế kỷ trước chỉ là một mảnh ghép khác trong một câu đố thính giác phức tạp—một câu đố đã tạo nên một kết quả ngoài ý muốn tác động đến nhiều người hơn bao giờ hết.

tiếngHệ thống ăng-ten của chương trình nghiên cứu hoạt động cực quang cao tần

“Có hàng triệu nạn nhân của tiếng Hừmmm trên thế giới, và nếu họ muốn vấn đề của bản thân được giải quyết, họ sẽ cần đứng lên để điểm danh. Cách duy nhất để tiến về phía trước là thông qua việc bầu chọn những người đại diện cho họ”, ông Dawes nói. “Đáng tiếc thay, công chúng thường nghĩ rằng nếu một ai đó được đề cập trên truyền hình thì ‘có điều gì đó sẽ được thực hiện sau đó’, nhưng thực ra hoàn toàn không phải như vậy; đối với truyền thông đây chỉ là một câu chuyện [thu hút khán thính giả] khác mà thôi”.

Tìm kiếm sự giải tỏa

Đối với những nạn nhân của tiếng Hừmmm, tình trạng trường kỳ này có thể đảo lộn cuộc sống của họ. Dù vậy, một giải pháp nghe có vẻ hiển nhiên như nút bịt lỗ tai lại có thể khiến sự việc trở nên còn tồi tệ hơn. “Cần phải hiểu rõ ràng rằng tiếng Hừmmm KHÔNG phải là một âm thanh theo cách hiểu thông thường; mà nó là một âm thanh được hình thành bên trong đầu nạn nhân”, ông Dawes cho biết trên trang web của mình. “Chỉ một phần trăm nhỏ dân số có thể thực sự ‘nghe thấy’ tiếng Hừm này nhưng nguyên nhân không còn nghi ngờ gì đã ảnh hưởng đến phần lớn dân số. Hầu hết các nạn nhân bắt đầu nghe thấy tiếng Hừmmm khi được khoảng 50 tuổi, và hai phần ba trong số đó là phụ nữ”.

Nguồn gốc của tiếng Hừmmm thậm chí còn bí ẩn hơn, khi những nạn nhân thường xuyên báo cáo rằng một số khu vực nhất định trong thị trấn, hay ở trong nhà họ, dường như phát ra âm thanh còn rõ ràng hơn. Ví như bên trong một số tòa nhà nhất định, ở ngoài trời, hay tại các căn phòng ở góc xa trong cùng ngôi nhà. Những nạn nhân của tiếng Hừmmm phải thường xuyên chọn khu vực ít bị ảnh hưởng nhất trong ngôi nhà để hưởng thụ vài tiếng đồng hồ nghỉ ngơi quý báu.

“Các tòa nhà và nền đất họ đứng bên trên là có ảnh hưởng lớn nhất đến mức độ tiếng Hừmmm. Các tòa nhà với tường đá dày và một mái nhà cao, nhọn là tệ nhất; còn những tòa nhà với mái phẳng thì tốt hơn. Tầng hầm của một khu nhà nhiều tầng thì tốt hơn so với một ngôi nhà tranh biệt lập ở vùng nông thôn. Các tòa nhà trên nền thấp và đất sét thì tốt hơn các tòa nhà trên đồi và tầng đá gốc”, ông Dawes giải thích. Ông cũng chia sẻ các lời khuyên trong ăn uống dành cho những nạn nhân của tiếng Hừmmm, những người tuyệt vọng muốn thoát khỏi những tiếng vo ve không ngừng nghỉ.

“Dành càng nhiều thời gian có thể bên ngoài trời thì càng tốt, và nếu khả thi, hãy ngủ ngoài trời”, ông Dawes nói.

Trong chuyên mục Khoa học huyền bí, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện có liên quan tới các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiện nay. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưỏng có thể kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn về những chủ đề có thể gây nhiều tranh cãi trong phần bình luận bên dưới.

Tác giả:  Leonardo Vintini, Đại Kỷ Nguyên Anh ngữ.
Đọc bản gốc tại đây.
Quý Khải biên dịch

 

Nguồn:http://www.daikynguyenvn.com/khoa-hoc-cong-nghe/truy-tim-nguon-goc-tieng-hummmmm-bi-an-tren-the-gioi.html

Comment