tuong-tac-den-duong-truong-nang-luong-cua-mot-nguoi-co-the-khien-den-duong-bi-tat
Tương tác đèn đường: Trường năng lượng của một người có thể khiến đèn đường bị tắt?
- bởi map --
- 28/11/2015
Một người đàn ông đi bộ tới gần một ngọn đèn đường và nó đột nhiên bị tắt. Khi anh ta tiếp tục đi xuống con phố, ngọn đèn liền sáng trở lại. Liệu đây có phải là một hiện tượng ngắt điện thông thường hay là sản phẩm của các nguồn năng lượng chưa được con người biết đến?
Nhiều người có thể đã từng chứng kiến hiện tượng các ngọn đèn đường công cộng bị tắt một cách bí ẩn khi có ai đó đi ngang qua bên dưới. Tuy một số người có thể cho rằng đây chỉ đơn thuần là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng có bằng chứng cho thấy đây là một loại hiện tượng điện từ bí ẩn khiến một số cá nhân phát triển được “quyền năng” tác động đến các thiết bị điện tử. Trong nhiều năm qua, khi những người này bắt đầu chia sẻ những trải nghiệm của họ, hiện tượng này dần dần được biết đến với cái tên “Tương tác đèn đường” (Street Light Interference-SLI).
Nhưng phải chăng một số người thực sự có khả năng tác động lên các thiết bị điện tử? Tuy rằng vì lý do an ninh, có tồn tại trên thị trường các hệ thống đèn cảm biến chuyển động được thiết kế để tự động bật sáng khi phát hiện thấy các chuyển động, nhưng các ngọn đèn đường công cộng sẽ chỉ tự tắt khi ánh sáng ban ngày đạt tới một mức độ nhất định. Loại đèn đường công cộng này sẽ hoạt động như vậy, tất nhiên trừ phi gặp phải những người có khả năng tác động điện tử nêu trên.
Cộng tác với Hiệp hội Nghiên cứu Khoa học các Hiện tượng Dị thường (Association for the Scientific Study of Anomalous Phenomena-ASSAP), Hilary Evans đã nghiên cứu đề tài này từ đầu những năm 90. Cuốn sách The SLI Effect (Hiệu ứng tương tác đèn đường) của ông đã đã miêu tả sơ lược một số trường hợp SLI trong một dự án vẫn đang được tiến hành gọi là SLIDE (SLI Data Exchange-Trao đổi dữ liệu SLI). Dự án SLIDE tổng hợp lại những lời khai và khám phá nhiều khả năng khác nhau đằng sau loại hiện tượng thú vị này.
“Có rất nhiều bằng chứng trong lịch sử cho thấy, niềm tin mơ hồ của con người về một điều gì đó vốn không có gì khác hơn ngoài một hiện tượng vật lý bình thường, và những điều kỳ lạ này thường xuất phát từ sự diễn giải sai lệch của các nhân chứng. Hiện tượng tương tác đèn đường (SLI) có lẽ cũng vậy và tôi cho rằng đây hẳn là một quá trình vật lý. Về bản chất, chúng ta có thể áp dụng các phương pháp quan sát kĩ thuật và thí nghiệm để chứng minh hiện tượng này”, ông Evans viết.
Được biết, tuy rằng đã có rất nhiều báo cáo về hiện tượng SLI, nhưng hoàn cảnh của từng trường hợp lại có thể rất khác biệt. Một số người báo cáo rằng họ đã làm tắt một ngọn đèn đường đơn lẻ ở gần mình; những người khác lại nói rằng họ đã tác động tới cả một dãy đèn đường; trong khi một vài người khác lại có khả năng tác động ngẫu nhiên đến một số ngọn đèn đường nhất định, từ đó tạo thành khó khăn trong việc phân biệt các dạng thức tác động trong hiện tượng SLI. Ngoài ra những người trải nghiệm SLI, hay còn gọi là SLIer đã chứng kiến hiện tượng này lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng không có ai trong gia đình hoặc bạn bè họ cùng chứng kiến. Chính vì vậy, Evans cho rằng các SLIer rất có thể đã tưởng tượng ra những cách giải thích của riêng mình cho những “quyền năng” mà họ dường như đang sở hữu.
“Dường như tất cả những ngọn đèn tôi vụt qua đều được kích hoạt chế độ bật tắt cảm quang, và có lẽ năng lượng của tôi vào những thời điểm nhất định lại vừa hay có thể đánh lừa công tắc, khiến nó tưởng đang là ban ngày”, một SLIer đưa ra quan điểm của mình trong bản lời khai gửi tới dự án SLIDE.
Tuy nhiên một số người hoài nghi cho rằng SLI xảy ra do những bóng đèn đã gần đến hết tuổi thọ của chúng. Theo họ, những chao đèn hình cầu bao bên ngoài bóng đèn natri (màu hổ phách), hay bóng đèn thủy ngân phát ra ánh sáng màu xanh là được trang bị các hệ thống an toàn có tác dụng điều chỉnh nhiệt độ tối đa của bóng. Khi nhiệt độ khí ga vượt ra khỏi ngưỡng phạm vi thông thường, một vài bóng đèn đường có thể sẽ đột nhiên bị tắt (đây là hai loại đèn đường được sử dụng phổ biến nhất trong chiếu sáng công cộng) trong vài phút cho tới khi nhiệt độ giảm xuống và một luồng điện cao thế khiến nó sáng trở lại.
Ngay cả như vậy, sự phát sáng mang tính gián đoạn của những chiếc đèn đường qua một thời gian sử dụng lâu vẫn chưa thể lý giải cho rất nhiều trường hợp SLI.
TAMTHUCNguồn:http://www.daikynguyenvn.com/khoa-hoc-cong-nghe/tuong-tac-den-duong-truong-nang-luong-cua-mot-nguoi-co-the-khien-den-duong-bi-tat.html
Comment