nghien-cuu-luan-hoi-ky-uc-cua-tre-em-va-lieu-phap-thoi-mien-hoi-quy-tien-kiep
Nghiên cứu luân hồi: Ký ức của trẻ em và liệu pháp thôi miên hồi quy tiền kiếp
- bởi map --
- 17/10/2015
Có những lúc một người cảm thấy như đã từng đến một nơi nào đó trước đây hay đã “từng biết” về vật hoặc người nào đó dù chưa từng gặp. Đôi lúc chúng ta cho đây là một trải nghiệm “Déjà vu” kỳ quặc hay một sự tình cờ. Hãy tưởng tượng xem nếu trải nghiệm này nhân lên nhiều lần và một cá nhân nói anh ta có thể nhớ được các chi tiết chính xác về những người khác, địa điểm anh ta từng tới, thậm chí anh ta còn có thể nói một thứ ngôn ngữ chưa từng được học.
Một số người nói rằng họ từng có những trải nghiệm này – và các nhà khoa học đã tỏ ra khá hứng thú. Các nghiên cứu đã được tiến hành để kiểm tra tính xác thực của những trải nghiệm trên, nhưng có những trường hợp khoa học chưa thể giải thích… phải chăng đây là bằng chứng của hiện tượng luân hồi?
Luân hồi: Định nghĩa đơn giản cho một ý tưởng phức tạp
Đầu tiên, chúng ta cần nói sơ qua về luân hồi. Luân hồi không đồng nghĩa với liệu pháp hồi quy tiền kiếp hay ký ức tiền kiếp, mặc dù chúng thường được sử dụng như cái gọi là “bằng chứng” của luân hồi. Luân hồi cũng không nhất định phải là một niềm tin trong tôn giáo. Tuy rằng khi đề cập đến chủ đề này, rất nhiều người sẽ liên hệ đến các tôn giáo cụ thể nào đó, nhưng không nhất định phải là một người trong tôn giáo nào đó mới có thể chấp nhận sự tồn tại của luân hồi.
Một định nghĩa đơn giản của luân hồi là: sự tái sinh của một linh hồn vào một cơ thể khác. Những người tin vào luân hồi có thể nhìn nhận cơ thể và tâm trí là hai thực thể riêng biệt. Do đó khi cơ thể xác thịt chết đi tâm trí (hay linh hồn) sẽ không chết theo mà sẽ tiếp tục hành trình sang kiếp sống tới.
Luân hồi cũng có liên hệ với nghiệp (hay nghiệp lực – karma) trong hầu hết các tín ngưỡng, hay ý tưởng cho rằng linh hồn sẽ đi trên một hành trình trong đó quá khứ và tương lai được liên kế với nhau bởi các lựa chọn thiện, ác trong cuộc sống.
Một người phải hiểu rằng rõ ràng có rất nhiều người hoàn toàn không tin vào luân hồi và nhìn nhận đây là kiếp sống duy nhất (nên thường làm tất cả những gì họ có thể để truy cầu một cuộc sống tốt đẹp!) Hoặc nhìn nhận sự kết thúc của cuộc sống này như một phương tiện để đi đến một nơi an nghỉ cuối cùng… bất kể là “tốt”, “xấu”, hay trung bình.
Bài viết dưới đây sẽ không tập trung vào những ý tưởng về cuộc sống sau khi chết (chủ đề sẽ được bàn luận trong tương lai); thay vào đó, bài viết này sẽ phân tích các trải nghiệm của ký ức tiền kiếp và hồi quy tiền kiếp – hai khái niệm thường được móc nối với chủ đề luân hồi.
Ký ức tiền kiếp ở trẻ em: Dự án nghiên cứu cả đời của Tiến sĩ Stevenson
Cho đến nay đã có rất nhiều các trường hợp trẻ em đột nhiên “nhớ lại” được về các kiếp sống trước. Một trong những bác sĩ nổi tiếng nhất tham gia ghi nhận những trường hợp ký ức tiền kiếp như vậy là Tiến sĩ Ian Stevenson. TS Stevenson, qua đời vào năm 2007, đã nghiên cứu trên 2500 trường hợp trẻ em báo cáo nhớ lại được các ký ức từ tiền kiếp. Trong số đó, ông nói có khoảng 1200 trường hợp có thể được xác nhận một cách khách quan.
TAMTHUCHanan qua đời do biến chứng phẫu thuật. Mười ngày sau đó Suzanne Ghanem được sinh ra. Khi Suzanne được 16 tháng tuổi cô xuất hiện một biểu hiện kỳ lạ: liên tục nhấc điện thoại lên và nói lặp đi lặp lại câu “Xin chào, có phải Leila đó không?” Điều này dường như khá kỳ lạ với ba mẹ cô vì họ không biết được bất kỳ ai có cái tên Leila. Khi lớn lên một chút, cô bảo gia đình mình rằng Leila là con gái cô, và cô không phải là Suzanne, cô tên là Hanan. Vào lúc Suzanne lên hai, người ta nói rằng cô đã bảo với gia đình hiện tại của cô tên của 13 thành viên trong gia đình từ tiền kiếp.
Gia đình Ghanem đã rất ngạc nhiên trước biểu hiện của Suzanne nên đã bắt đầu tìm kiếm nhà Monsour. Khi hai gia đình gặp mặt, lúc đầu nhà Monsour còn tỏ ra hoài nghi về việc Suzanne có thể chính là Hanan chuyển kiếp. Nhưng họ dần trở nên tin tưởng hơn sau khi Suzanne được cho là đã nêu chính xác tên của một số thành viên trong gia đình Hanan trong các bức ảnh chụp.
Khi Suzanne lên 5 tuổi cô thường gọi tên Farouk ít nhất 3 lần một ngày, và khi cô đến ghé thăm ông cô thích ngồi trên lòng và dựa đầu vào ngực ông. Rốt cục Farouk đã đồng ý rằng Suzanne chính là người vợ ông quá cố của ông đầu thai chuyển kiếp thành sau khi cô kể những câu chuyện mà chỉ có Hanan biết.
Một video về nghiên cứu của Tiến sĩ Jim Tucker (bao gồm trường hợp nổi tiếng của Anne Frank/ Barbro Karlen):
Quá khứ hòa giải hiện tại: Liệu pháp hồi quy tiền kiếp
Khi tiến hành liệu pháp hồi quy tiền kiếp, một người sẽ tiến nhập vào trạng thái thôi miên với mục đích nhớ lại và chữa trị các vấn đề về sức khỏe từ các kiếp sống trong quá khứ và hiện tại, hoặc cố gắng tìm kiếm mục đích của lần chuyển kiếp hiện tại. Người tham gia được cho là có thể chứng kiến, trải nghiệm, và cảm nhận được các kiếp sống trước đây, theo hành trình được dẫn dắt bởi một nhà trị liệu đã được huấn luyện chuyên nghiệp.
Khi cân nhắc đến những đặc điểm này, không lạ gì liệu pháp này được tiến hành ở người trưởng thành nhiều hơn so với trẻ con. Rất nhiều những người hoài nghi (bao gồm nhà nghiên cứu, TS Stevenson được đề cập đến bên trên), tin rằng sẽ khó xác nhận hơn các câu chuyện về kiếp trước ở người trưởng thành so với ở trẻ con, do đó liệu pháp hồi quy tiền kiếp ở người lớn có thể bị làm “nhiễm bẩn” bởi các ký ức được tạo ra bởi người lớn (không tự biết hoặc chủ ý) hoặc các ký ức giả (tích cực) được các nhà trị liệu có thiện chí cố tình gieo vào trong tư tưởng.
Tuy nhiên, rất nhiều người từng trải nghiệm liệu pháp hồi quy tiền kiếp tuyên bố rằng họ đã thu được lợi ích to lớn trên phương diện tâm lý và/hoặc trong các mối quan hệ giữa người với người. Vì liệu pháp hồi quy tiền kiếp có bao gồm việc nhấn mạnh vào các cam kết, sự thất bại và thành công, thương tích, trí tuệ, v.v. cùng với các mô thức sống tích cực lẫn tiêu cực, nó giúp người tham gia 1/ xác định các ký ức và biểu hiện của cá nhân trong quá khứ, 2/ tìm ra các phương thức hiện tại nhằm phá vỡ các mô thức, thói quen xấu và tiếp cận những thế mạnh mà họ có trong các kiếp sống của mình.
Liệu pháp trị liệu này cũng hữu ích đối với các chứng sợ hãi nặng. Câu hỏi đặt ra là liệu pháp trị liệu này hữu dụng hơn bao nhiêu so với các liệu pháp tâm lý khác. Vẫn cần tiếp tục tiến hành các nghiên cứu để xác định tính chân thực của các trải nghiệm trong liệu pháp hồi quy tiền kiếp này.
Một video miêu tả trường hợp hồi quy tiền kiếp của Robert Snow/Caroll Beckwith (một thám tử điều tra án mạng đã thử nghiệm liệu pháp hồi quy tiền kiếp và sau này dựa vào các thông tin thu thập được để điều tra, từ đó chứng minh/phủ nhận trải nghiệm của ông).
Các ký ức đau buồn cũng có thể để lại một dấu vết di truyền qua nhiều thế hệ
Trong một nghiên cứu khác có liên quan đến ký ức và tuổi thọ, các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu khả năng các ký ức có thể trực tiếp truyền thừa thông qua các gen. Trong một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature Neuroscience vào năm 2013, các nhà nghiên cứu đã huấn luyện chuột bạch sợ một mùi hương nhất định bằng cách sốc điện chúng khi có sự hiện hữu của mùi hương đó. Họ phát hiện thấy thế hệ sau của nhóm chuột bạch này đã biểu thị một sự chán ghét cùng cái mùi hương đó dù không có tác nhân kích thích nào khác. Họ cũng quan sát thấy sự thay đổi trong cấu trúc não bộ của lứa chuột bạch kế tiếp. Các nhà nghiên cứu đã cho thấy có một sự tương quan giữa sự kiện gây chấn thương họ đã tạo ra và ADN trong tinh trùng của chuột bạch.
Hiện tượng nhớ lại các kiếp sống trước khá lý thú và hiện chưa thể được giải thích bằng khoa học. Cũng giống như các trải nghiệm vượt qúa ranh giới tâm linh và khoa học khác, hiện tượng này không nhất thiết chứng minh hay phủ định tính xác thực của sự tồn tại của bản thân hiện tượng đó. Luân hồi và các ký ức truyền thừa qua nhiều đời là các phạm trù nghiên cứu vẫn còn rất cởi mở trước các cách diễn giải khác nhau.
Tác giả: Alicia McDermott, Ancient Origins
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Nguồn:http://www.daikynguyenvn.com/khoa-hoc-cong-nghe/nghien-cuu-luan-hoi-ky-uc-cua-tre-em-va-lieu-phap-thoi-mien-hoi-quy-tien-kiep.html
Comment