hanh-trinh-luyen-ren-bao-kiem-bat-bai-trong-truyen-thuyet-cua-nghe-nhan-dai-loan
Hành trình luyện rèn bảo kiếm bất bại trong truyền thuyết của nghệ nhân Đài Loan
- bởi map --
- 15/06/2015
Truyền thuyết Trung Hoa có nói về các thanh bảo kiếm bất bại, rèn từ chất liệu thiên thạch, và sẽ đem lại cho người sử dụng một sức mạnh siêu nhiên vượt trội so với đối thủ. Việc tạo ra một thanh kiếm như vậy có vẻ đã vượt quá trình độ công nghệ cổ đại, nhưng nghệ nhân đúc kiếm thời hiện đại ông Trần Thi Tông đã thành công trong việc làm sống lại nền nghệ thuật này, nhờ những chỉ dẫn được các thiên nhân truyền cho ông.
ĐÀI BẮC, Đài Loan – Ông Trần Thi Tông ngồi trên chiếc ghế dài tại căn hộ của mình ở phía nam Đài Bắc, phía sau ông là các thanh thép hợp kim cao trị giá hàng chục ngàn đô la được đặt trên giá gỗ, mỗi thanh đều là tạo vật của ông. Ông là người duy nhất trên hành tinh có thể chế tạo ra những thanh kiếm như vậy.
Ông Trần là người khá nổi tiếng trong giới võ thuật Hoa ngữ. Lớn lên cùng các tiểu thuyết kiếm hiệp, ông dần dần nhen nhóm ước nguyện được trở thành một bậc thầy rèn kiếm ngoài đời. Phải mất tám năm và một khoản tiền rất lớn để ông Trần thực hiện ước mơ của mình. Ông là người đầu tiên trong thời hiện đại có khả năng rèn được các loại kiếm được sử dụng vào thời Trung Quốc cổ đại, và hiện ông đang truyền nghệ lại cho những đứa con trai của mình.
Ở ngoài cái tuổi 60, với vóc dáng cao, gầy nhưng rất lĩnh hoạt, ông Trần ngồi trên mép chiếc ghế, khoa tay múa chân khi kể lại quãng đời theo đuổi những truyền thuyết được truyền lại trong các cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp.
Ông Trần minh họa cách mài các thanh thép thành kiếm tại xưởng kiếm của mình. Đây là một quá trình lâu dài và gian khổ. Một lỗi nhỏ nhất cũng có thể làm hỏng lưỡi kiếm vốn có thể mang lại hàng ngàn đô la. (Ảnh: Matthew Robertson/Đại Kỷ Nguyên)
Hành trình tìm kiếm ly kỳ
Ông Trần đã dành nhiều năm làm việc tại một đại lý xe hơi cũ, và lặng lẽ tích lũy tài sản. Đồng thời ông cũng đọc rất nhiều cũng như đi nhiều nơi để tìm lại truyền thống của các kiếm sĩ. Truyền thuyết kể về các cuốn bí kíp được chôn giấu, trong đó ghi chú chi tiết về cách rèn các thanh bảo kiếm bất bại.
Rong ruổi trên khắp Đài Loan và sau đó là Trung Quốc, ông không phát hiện được gì đặc biệt; Đảng Cộng Sản đã đốt hủy rất nhiều sách ghi chép những truyền thống đó trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa. Dù sao, nhìn chung ông cũng đã học được nhiều điều, và dần dà theo năm tháng, ông bắt đầu tự mình thử nghiệm các công thức rèn kiếm của riêng mình.
Lắng nghe câu chuyện của ông Trần cũng giống như bước vào một tiểu thuyết võ hiệp mà ông từng đọc.
Tại một vài nơi ông từng đi qua, ông phát hiện thấy các thanh kiếm cổ đại đều được luyện thành từ thiên thạch – nhưng không thể làm như vậy hiện nay, vì số thiên thạch rơi xuống là không nhiều so với hàng ngàn năm trước, và dù sao con người hiện đại cũng không biết cách rèn chúng thành kiếm.
Ông cũng tuyên bố các thanh kiếm được ông rèn đều sở hữu các huyền năng đặc biệt, và ông đã được các thiên nhân chỉ dạy cách rèn kiếm trong những giấc mơ. Mục đầu tiên trong cuốn sách ông đã viết có tựa đề: “Lời dạy từ Tử Sơn Nhân của Học viện Thiên văn Hạo Nguyên”. Tử Sơn Nhân nhìn nhận quy trình đúc kiếm như một hành động có thể làm “chấn động vũ trụ và lay chuyển các vị thần”. Chỉ những bậc thầy mới có thể khai mở các huyền năng ẩn giấu bên trong chúng, vị ẩn sĩ này nói.
Bí quyết ở đây là thành phần chất liệu trong kiếm. Ông Trần đã phải mất tám năm mày mò để tìm ra công thức cho thanh kiếm của mình, và ông chưa từng thay đổi kể từ đó. Thanh kiếm cần phải cực kỳ cứng chắc nhưng lại có độ dẻo cao (trong cuộc phỏng vấn, ông Trần đã rút một thanh kiếm ra khỏi giá và uốn cong quá 60°). Những thanh kiếm được nung thủ công ở lửa ngoài trời rồi được mài thành hình không cứng chắc như kiếm của ông Trần – vốn được rèn trong lò công nghệ cao của nhà máy thép hiện đại.
Nội cảnh
Ông Trần cười khi đặt một trong những thanh kiếm chưa hoàn thiện vào giá bên trái. Được bọc bằng báo và đặt trên gác mái căn nhà, mỗi thanh kiếm trị giá hàng ngàn đô la. (Ảnh: Matthew Robertson/Đại Kỷ Nguyên)
Trong quá trình rèn kiếm, người thợ phải có một tâm thái cực kỳ tĩnh tại, ông Trần giải thích. Trước khi bắt đầu phiên mài kiếm, ông đều ngồi thiền trong khoảng một tiếng đồng hồ. Rèn những thanh kiếm kiểu này có trong nó một yếu tố con người và tâm linh không thể thay thế.
Một trong những công đoạn đòi hỏi nhiều sức lao động nhất trong quy trình rèn kiếm là bước mài thanh thép thành lưỡi kiếm với sự trợ giúp của máy mài.
Công đoạn mài kiếm đều được thực hiện tại căn lều ở vùng nông thôn của ông. Giống như một nghệ sĩ thúc đẩy bởi nguồn cảm hứng thuần túy, ông sẽ làm việc liên tục 20 tiếng đồng hồ, chỉ nghỉ giữa để ăn, uống và đi vệ sinh. Vào lúc đó, mọi thứ đều phụ thuộc vào “cảm giác của bàn tay”, điều mà chỉ có thể đạt được thông qua kinh nghiệm.
Toàn bộ quy trình cũng cần phải được hoàn thành trong một lần. Một khi cảm giác bị mất đi, người nghệ nhân sẽ không bao giờ có thể lấy lại.
Mài các thanh thép thành kiếm đòi hỏi độ chính xác đến khó tin. Nếu sống lưng thanh sắt không được đặt chính xác ở vị trí trung tâm, hay không thật sự thẳng, nếu một trong các cạnh bị cắt quá sâu, toàn bộ tác phẩm sẽ bị hủy. Nhiệt độ cũng có thể gây nguy hại cho lưỡi kiếm.
Mài một miếng kim loại trên đá mài làm nó trở nên rất nóng và nhiệt độ sẽ khiến cho thép giãn nở; nếu thanh thép giãn nở quá nhiều, nó sẽ bị biến dạng và mất khả năng sử dụng. Ở đây, yếu tố con người là tối quan trọng, bởi vì không có công thức cụ thể để đối phó với tình trạng giãn nở vì nhiệt trong quy trình rèn kiếm. Nó phụ thuộc vào kỹ năng và kinh nghiệm, mà phải mất rất nhiều năm để hình thành.
Tuy thế, mài kiếm cũng chỉ là một nửa câu chuyện. Khi một thanh kiếm được mài xong, đánh bóng, tạo chuôi và bao, một quy trình khác lại bắt đầu. Đây là điều biến một thanh kiếm quý giá thành vô giá.
Mỗi ngày người thợ rèn cần lau thanh kiếm bằng một mảnh vải. Thao tác này tạo ra nhiệt, và cấu trúc phân tử của thép sẽ biến đổi khi nó trở nên nóng sau khi lau.
Cứ lau kiếm như thế hằng ngày trong hai đến ba năm, và cấu trúc thép sẽ trở nên ổn định. Các tia sáng màu xanh dương bắt đầu phản xạ ra từ bề mặt.
Tới lúc đó, thanh kiếm sẽ không bao giờ bị gỉ, nên cũng không cần bảo trì thêm.
Việc lau chùi có tác dụng do một nguyên lý hóa học đơn giản. “Sắt và thép sẽ bị gỉ khi chúng tiếp xúc với không khí vì không khí có độ ẩm”, ông Trần giải thích. “Độ ẩm trong không khí được hấp thụ bởi kim loại thông qua các lỗ rỗng và sau đó kết hợp với các tinh thể kim loại, dẫn đến một phản ứng hóa học gây ra quá trình oxy hóa và gỉ sét. Nói cách khác, các chất liệu sắt và thép sẽ không bị gỉ nếu chúng không có lỗ rỗng”. TAMTHUC
Cách duy nhất loại bỏ các lỗ rỗng là chà sát mặt thép cho tới khi nó nóng lên, khiến lượng nhỏ nhôm bên trong tan chảy. Vì nhôm có nhiệt độ nóng chảy thấp, nó sẽ trồi lên bể mặt và tan chảy, từ đó bít kín các lỗ rỗng. Phải mất nhiều năm để hoàn toàn đạt được điều này.
Ông Trần đang trong quá trình dạy các con trai của mình cách mài kiếm, và họ gánh vác trọng trách tiếp nối truyền thống này.
Đây cũng là một trọng trách lớn. Truyền thống rèn kiếm có ý nghĩa vô cùng to lớn với ông Trần. “Giá trị của một thanh kiếm kiệt tác không bao giờ có thể được tính toán bằng tiền,” ông giải thích. “Đây là một kho báu vô giá cần phải được truyền thừa để các thế hệ tương lai biết ngưỡng mộ và trân trọng.”
Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn đang thách đố tri thức của nhân loại. Mục “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên sưu tập những câu chuyện về các hiện tượng lạ thường, nhằm kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định!
Tác giả: Matthew Robertson, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Đọc bản gốc ở đây
Chân Tâm biên dịch.
Nguồn:http://www.daikynguyenvn.com/khoa-hoc-cong-nghe/hanh-trinh-luyen-ren-bao-kiem-bat-bai-trong-truyen-thuyet-cua-nghe-nhan-dai-loan.html
Comment