No icon

andreas-vesalius-nguoi-dan-ong-lam-thay-doi-nhan-thuc-cua-chung-ta-ve-co-the-nguoi

Andreas Vesalius: Người đàn ông làm thay đổi nhận thức của chúng ta về cơ thể người

31/12/2014 đánh dấu 500 năm ngày sinh của một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử ngành y. Ông là tác giả của một trong những cuốn sách có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất trong lịch sử khoa học. Các nghiên cứu của ông đã làm thay đổi nhận thức của chúng ta về bên trong cơ thể người cũng như các phương pháp mà bác sĩ dùng để nghiên cứu và giảng dạy về nó, nổi tiếng vang khắp trong ngành y học cho đến tận ngày nay.

Tên của ông là Andreas Vesalius. Ông sinh trưởng trong một gia đình hành nghề y tại nơi mà nay là nước Bỉ. Khi còn là một cậu bé, ông đã thể hiện một niềm đam mê với việc mổ xẻ các loài động vật, một sở thích khiến các bạn cùng lứa tránh xa. Dù vậy ông đã chịu đựng, tiếp tục học nghề y ở Paris (Pháp) và Padua (Ý), khi đó là hai trung tâm lớn về nghiên cứu giải phẫu. Ngay sau khi tốt nghiệp, ông đã được đề xuất một vị trí giảng dạy. Khác với những giáo viên đã dạy ông, ông nhấn mạnh vào việc trực tiếp tiến hành giải phẫu và khuyến khích học sinh của mình làm điều tương tự.

Vesalius nhấn mạnh các giáo viên và học sinh cần học giải phẫu một cách trực tiếp. Ảnh não bộ từ cuốn “Về cấu trúc cơ thể người.” (Wikimedia Commons)
Vesalius nhấn mạnh các giáo viên và học sinh cần học giải phẫu một cách trực tiếp. Ảnh não bộ từ cuốn “Về cấu trúc cơ thể người.” (Wikimedia Commons)

Sau khi so sánh những kết quả ghi nhận được trong quá trình giải phẫu với những gì ông đọc trong sách giáo khoa vào thời bấy giờ, Vesalius đã khẳng định rằng chính cơ thể người là một chỉ dẫn đáng tin cậy hơn so với lý thuyết. Ông đã phủ nhận hơn 200 bài giảng của nhân vật có lẽ là nổi bật nhất trong lịch sử ngành giải phẫu, bác sĩ và nhà giải phẫu người La Mã Galen trong thế kỷ thứ 2. Lấy ví dụ, Vesalius đã chỉ ra rằng Galen đã sai lầm khi khẳng định rằng quai hàm của con người gồm có hai xương.

Làm sao một người với những bài giảng đã trải qua 1.300 năm lại có thể phạm phải một lỗi cơ bản như vậy? Một vài trong số những người có thẩm quyền vào thời Vesalius đã đứng ra biện hộ cho Galen khi cho rằng việc giải phẫu thân thể người chắc hẳn đã thay đổi qua các thế hệ từ lâu. Nhưng Vesalius biết câu trả lời thực sự: Phong tục thời La Mã cổ đại nghiêm cấm hành vi mổ xẻ thân thể người, từ đó buộc Galen phải tiến hành trên những loài sinh vật khác, như lợn, vượn và chó. Và nếu đó là quai hàm của chó, thì khẳng định của Galen là đúng.

Bức họa Andreas Vesalius (1514-1564) cùng với cánh tay của một thi thể mà ông đang giải phẫu. Ông là tác giả của cuốn “De Corporis Humani Fabrica” (“Về cấu trúc cơ thể người”) vào năm 1543. Được chạm trổ bằng màu nước hiện đại. (Everett Historical/Shutterstock*)
Bức họa Andreas Vesalius (1514-1564) cùng với cánh tay của một thi thể mà ông đang giải phẫu. Ông là tác giả của cuốn “De Corporis Humani Fabrica” (“Về cấu trúc cơ thể người”) vào năm 1543. Được chạm trổ bằng màu nước hiện đại. (Everett Historical/Shutterstock*)

Tất nhiên, tự Vesalius hiểu rằng Galen hiếm khi mắc sai lầm, và ông thường kinh ngạc trước bề sâu kiến thức của những bậc tiền bối thời cổ đại. Lấy ví dụ, Galen đã thí nghiệm trên tủy sống của lợn, để chứng tỏ rằng khi ông cắt tủy gần chỗ cuối đuôi, con vật sẽ mất đi khả năng điều khiển hai chi sau. Khi một vết cắt khác được tạo ra ở gần đầu, hai chi trước sẽ ngừng chuyển động. Và khi ông cắt ở cao hơn nữa, con vật sẽ ngừng thở. Đây quả là một mối liên hệ thử nghiệm đáng kinh ngạc giữa cấu trúc và chức năng thần kinh.

Với việc nhấn mạnh vào việc các giáo viên và học sinh cần phải học giải phẫu một cách trực tiếp thay vì chỉ ghi nhớ điều họ học được trong sách giáo khoa, theo một cách nào đó Vesalius đã làm sống lại ngọn lửa đam mê được tự mình giải phẫu trực tiếp của Galen. Nhưng ông cũng đã nâng chúng lên một tầm cao mới mà không ai bắt kịp trong hơn một thiên niên kỷ sau đó. Trong quá trình này, ông đã tạo ra những mẫu vật giải phẫu thật sự đáng chú ý. Cuộc giải phẫu công khai thi thể một tên tội phạm nổi tiếng của ông vào năm 1543 đã tạo ra bộ xương giải phẫu hoàn chỉnh lâu đời nhất còn tồn tại trên thế giới. Bộ xương này hiện vẫn đang được trưng bày tại Basel, Thụy sĩ.

Trang minh họa đầu cuốn sách “Về cấu trúc cơ thể người”. (anatomisches museum basel)
Trang minh họa đầu cuốn sách “Về cấu trúc cơ thể người”. (anatomisches museum basel)

Có lẽ thành quả đáng ngưỡng mộ nhất của Vesalius là việc xuất bản cuốn sách “Về cấu trúc cơ thể người” của ông. Cuốn sách này bao gồm 7 quyển, trong đó mô tả chi tiết các xương, cơ, mạch máu, dây thần kinh, hệ tiêu hóa, tim, và não. Bộ công trình này có hơn 200 hình minh họa, và rất nhiều trong số chúng được nhìn nhận ngày nay là một trong số những hình giải phẫu chi tiết nhất. Các bức vẽ được khắc trên mộc bản để sao chép lại, và chúng thể hiện sự vượt trội so với những gì có trước đó về chi tiết và độ tinh vi của hình giải phẫu.

Kiệt tác này của Vesalius nằm trong danh sách những cuốn sách vĩ đại nhất từng được xuất bản. Nó đơn giản là rất đẹp, phản ánh một trình độ không gì sánh được về cả tính uyên bác trong khoa học và tính nhạy cảm trong thẩm mỹ. Nó phác họa cơ thể không phải dưới dạng một thân xác bất động mà là một thực thể sống động và đang hoạt động, nhấn mạnh vào mối liên hệ giữa hình dạng và chức năng. Nó cũng thiết lập các tiêu chuẩn cao hơn rất nhiều trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy bộ môn giải phẫu, đồng thời sắp đặt ngành sinh học và y học theo những hướng khám phá mới. Sau cùng, nó là một trong những tác phẩm hội tụ cả khoa học, nghệ thuật và nhân văn.

Tranh khắc gỗ từ cuốn sách “Về cấu trúc cơ thể người.” (Wikimedia Commons)
Tranh khắc gỗ từ cuốn sách “Về cấu trúc cơ thể người.” (Wikimedia Commons)

Một thực tế ấn tượng không kém khác là việc Vesalius xuất bản kiệt tác này khi mới chỉ ở độ tuổi 28, trong một thời kỳ mà hầu hết những người có tiếng nói trong giới y học đều lớn hơn ông một hoặc hai thế hệ. Nhưng ông không có ngờ nghệch. Khi đưa tầm nhìn mới về giải phẫu của ông ra thế giới, ông đã không bài xích các nhân vật khác khi nhấn mạnh vào tính ưu việt của hình dạng thân thể người như một nguồn tư liệu quan trọng nhất của ngành y. Ông cho rằng những ai muốn biết về hình dạng thân thể người phải dành thời gian để tự nghiên cứu nó, hơn là phó thác nhiệm vụ cho những người khác.

Hiểu biết của chúng ta về giải phẫu thân thể người đã tiến khá xa so với thời của Vesalius. Sự xuất hiện của kính hiển vi đã mở ra thế giới của tế bào mà Vesalius sẽ khó có thể tưởng tượng được, và việc phát minh ra máy quét CT và MRI đã cho phép kiểm tra nội bộ thân thể con người khi còn sống mà không cần tới dao mổ. Dẫu vậy những phát minh như vậy vẫn mang trong nó cái tinh thần của Vesalius, người đã nhấn mạnh rằng những ai muốn hiểu thân thể người phải tự mình nhìn tận mắt.

Nguồn:http://www.daikynguyenvn.com/khoa-hoc-cong-nghe/andreas-vesalius-nguoi-dan-ong-lam-thay-doi-nhan-thuc-cua-chung-ta-ve-co-nguoi.html

Comment