ky-bi-cau-chu-chua-hoc-xuong
Kỳ bí câu chú chữa hóc xương
- bởi map --
- 26/06/2012
(maphuong)-60 năm qua, hễ người nào đó trong vùng không may bị hóc xương, phụ nữ sinh con bị tróc vú con không bú được… đều tìm đến nhờ cụ. Người dân cho rằng, cụ chỉ cần đọc “thần chú” và xướng tên người đó, xin cho họ khỏi bệnh, về nhà ắt khỏi ngay… KH&ĐS đã tìm gặp cụ Nguyễn Huy Giang ở huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.
Cựu chiến binh
Năm nay cụ Giang vừa tròn 90 tuổi nhưng vẫn còn rất nhanh nhẹn, minh mẫn. Nâng chén nước chè nóng trên tay, cụ Giang kể, trước cụ từng là xã đội trưởng, chỉ huy dân quân tự vệ của huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, tham gia chiến đấu chống pháp từ những năm 1945.
“Tôi chỉ huy 3 đội tự vệ ngày đêm đào đồn bốt để đánh địch, bọn lính vào làng săn lùng bắt tôi không được, chúng đến dỡ nhà, bắt vợ con tôi tra tấn dã man…”, cụ Giang nhớ lại.
Cụ Giang nhặt các que ở sân để đọc “thần chú” chữa hóc xương.
Trong căn phòng nhỏ, lụp xụp cụ chỉ tay về phía góc tường: Các loại huân huy chương, bằng khen, giấy khen… chỉ để làm kỷ niệm thôi cháu ạ. Nhiều lần phòng Chính sách xã hội của huyện đến nhà khuyên tôi khai báo thời gian công tác và những chiến công để hưởng chế độ, nhưng tôi đều khước từ.
Ở gần tuổi bách niên, cụ Giang vẫn đầy nhiệt huyết khi kể lại chuyện quá khứ. Trong một trận càn quét của địch năm 1950, cụ cùng đồng đội bị bao vây 7 ngày, 7 đêm trong đồn địch. Đội quân này đã phải mở con đường máu và hành quân lên đèo Kháng Nhật để ẩn náu (nay là huyện Sơn Dương, Tuyên Quang).
Bà lão dân tộc
Cũng trong chuyến hành quân ấy, cụ Giang đã gặp một bà lão dân tộc tuổi đã ngoài 70. “Dưới chân bà cuốn đôi xà cạp trắng, trên đầu cuốn chiếc khăn màu đỏ, nhìn rất sặc sỡ… Bà ngỏ ý muốn truyền bài thuốc gia truyền chữa hóc xương cho tôi.
Tôi đưa lời từ chối, vì đang lúc bom đạn như trút nước, sống nay chết mai chắc gì đã sống được để chữa bệnh. Bà vẫn quyết tâm truyền lại và nói: “Con có đức hy sinh vì mọi người, có duyên với phương thuốc bí truyền nên học để cứu giúp mọi người”, cụ Giang kể.
Theo cụ Giang, có lẽ vì “nhân duyên” nên cụ học rất nhanh và vì bài thuốc khá đơn giản.
“Dù hóc xương, hay bất cứ vật gì hóc trong miệng đến đây tôi đều chữa khỏi hết. Nhiều người dân đi khắp các bệnh viện chữa không được lại tìm về đây, tôi chữa khỏi ngay. Tôi chữa bệnh chủ yếu cho người nghèo trong làng, xã. Có người tận trong Cà Mau gọi điện về xin chữa bệnh. Chỉ cần cho tôi biết tên, địa chỉ… đọc câu thần chú là khỏi”.
Cụ Giang ngắt quả cà gai chữa bệnh mọc nhánh bàn tay.
Cụ Giang “biểu diễn” cách chữa hóc xương cho chúng tôi xem bằng việc ra sân, ngồi xuống nhặt 3 chiếc que nhỏ, đặt chúng thẳng hàng nhau và chính giữa đường đi. Cụ lưu ý rằng đầu của chiếc que ở đằng nào trước thì cứ để đầu hướng lên trước, không được để lộn đầu que.
Rồi cụ bắt đầu đọc: “Xin cho anh T. khỏi bị hóc xương”. Cụ cầm chiếc que nào lên thì lẩm bẩm mấy câu đồng thời ném chiếc que ấy sang một bên. Cứ đọc ba lần ứng với 3 chiếc que như vậy, thế là người hóc xương có thể đi về, một hai hôm là khỏi.
Nhân chứng
Cách chữa hóc xương của cụ Giang rất khó tin nếu xét trên phương diện khoa học. Chính vì thế, chúng tôi đã tìm chị Nguyễn Thị Huệ (khu Đoàn Kết, Thanh Lãng, Vĩnh Phúc) để kiểm chứng thêm thông tin.
Chị Huệ kể, hồi cuối năm ngoái sau bữa cơm trưa, anh Đông (chồng chị) nằm ngủ do sơ xuất để chiếc tăm trôi qua miệng và bị mắc ở cuống họng. Nghĩ rằng chiếc tăm nhỏ dần sẽ trôi, không ngờ 3 hôm sau họng anh sưng tấy, không ăn uống gì được. Lên bệnh viện tỉnh điều trị, các bác sĩ nói không có tăm trong họng mà chỉ bị viêm nên cho thuốc. Anh Đông về uống cả tuần nhưng không khỏi.
“Thấy chồng quá đau, tôi đã nhờ cụ Giang chữa. Cụ chỉ đọc mấy câu, thế mà hai hôm sau anh Đông nhà tôi đã không còn đau nữa. Tôi mang quà đến cảm tạ nhưng cụ chỉ nhận vài ba nghìn mua quà bánh chia cho các cháu hàng xóm, còn lại cụ khước từ”, chị Huệ cho biết.
Cụ Giang truyền “bí quyết” chữa bệnh mọc nhánh bàn tay.
Chị Huệ kể tiếp: Năm tôi sinh đứa đầu lòng, vú cương và sưng lên, cháu bé khóc cả tuần vì bú mà không có sữa, tôi lên trạm xá mua thuốc uống không khỏi, lại phải nhờ cụ “ra tay”. Cụ chỉ cần biết bị bên vú nào, rồi ra bờ ao lấy một nắm nút rác cống ao, vò nắm rác dưới nước và chỏa đều.
Mỗi lần chỏa, cụ lại đọc câu “thần chú”: “Xin cho chị Huệ khỏi tróc vú bên phải” và làm đi làm lại như thế 7 lần, rồi cụ ném búi rác đó ra giữa ao. Chỉ như vậy mà sau đó tôi trở lại bình thường.
Cần có khảo cứu
Trong dân gian lưu truyền nhiều cách chữa hóc xương mang tính chất “niềm tin”. Cả người bệnh lẫn người chữa đều không hiểu vì sao lại chữa như vậy. Một số vùng gọi đó là cách chữa bệnh bằng “mẹo” và tin rằng nó hiệu nghiệm.
Chẳng hạn như khi có người nhà bị hóc xương, một người bí mật cho ít muối vào bếp, hóc xương nặng thì lấy chiếc nắp giỏ (đựng cua, cá) chụp lên đầu 7 lần nếu là nam, 9 lần nếu là nữ…
Trở lại câu chuyện của cụ Giang, để khẳng định tác dụng, hiệu quả của cách chữa bệnh kỳ lạ ấy thì phải có sự khảo cứu và kết luận của các nhà khoa học. Người dân địa phương tin rằng, cách chữa của cụ Giang là hiệu nghiệm và họ lo rằng, khi cụ quy tiên, câu thần chú của cụ sẽ bị thất truyền…
Đây có thể là cách chữa hóc xương điều khiển được cuống họng giãn nở nhờ câu “thần chú”. Khi đọc “thần chú”, người bệnh bị điều khiển từ xa một cách vô định, làm theo ý muốn của người đọc, cuống họng nở ra, xương sẽ được trôi xuống đường tiêu hóa. Có thể ông Giang được sự trợ giúp của sức mạnh siêu nhiên, nên câu “thần chú” có hiệu nghiệm.
Ông Nguyễn Phúc Giác Hải (Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người)
———–
Tôi cũng không tin vào việc chữa bệnh mà chỉ đọc vài câu “thần chú” là khỏi. Chúng tôi không phủ nhận vì thực tế cụ Giang đã chữa được cho nhiều người khỏi hóc xương. Tôi cho rằng đây là cách chữa mẹo rất hiệu nghiệm, mà chưa nơi đâu có được và rất khó lý giải…
Chị Nguyễn Thị Luyến (Trạm Y tế thị trấn Thanh Lãng, Vĩnh Phúc)
Đức Lợi
Comment