hoi-sac-bua-dau-xuan-cua-nguoi-muong
Hội sắc bùa đầu xuân của người Mường
- bởi map --
- 21/01/2013
Khi những cánh hoa đào, hoa mận bừng nở sắc xuân thì khắp các bản Mường lại rộn rã thanh âm của tiếng cồng, tiếng chiêng, của giai điệu trong hội sắc bùa rất đỗi thân quen nhưng cũng thật lôi cuốn lòng người. Nghệ thuật hoà tấu cồng chiêng và lối hát chúc, hát thường rang kết hợp với nhau trong hội sắc bùa là một hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian độc đáo và hấp dẫn.
Chị Bùi Thị Hanh ở phường Thái Bình (TPHB) năm nào cũng háo hức chuẩn bị áo, váy truyền thống để tham gia hội sắc bùa đầu xuân. Chị tâm sự: Cũng không biết phường bùa xuất hiện từ khi nào, chỉ biết rằng, nó đã ngấm vào lòng và trở thành món ăn tinh thần đầy ý nghĩa mỗi dịp xuân về. Một phường bùa thường có 12 người, tương ứng với một bộ chiêng Mường gồm 12 chiếc. Phường bùa của chị không phân biệt gái, trai, già, trẻ, chỉ cần có lòng đam mê với văn hoá truyền thống. Ấy vậy mà qua luyện tập, ai cũng hát hay, đánh cồng giỏi, ai cũng rạng rỡ với bộ trang phục dân tộc Mường trong ngày hội. Năm nay, phường bùa của chị đến chúc gia đình bà Đinh Thị Thiện đầu tiên. Đoàn sắc bùa đi theo thứ tự từ anh hát rằng thường đến người xách các loại chiêng cái, chiền năm, chiêng bảy, chiêng dàm. Nét mặt ai cũng tràn trề cảm hứng, vừa tiến đến cổng nhà sàn vừa đánh cồng. Chủ nhà biết có khách quý ra nghênh tiếp phường bùa. Người đánh chiêng boòng beng đánh bài “bùa loóng 3”, cả dàn cồng chiêng cùng tấu lên bản nhạc xuân rộn rã, làm âm vang bản Mường. Dứt bài bùa, anh hát Hà Công Yềm bước lên cất cao bài “phát rác”:
“…Bình bong chiêng núm vàng
Phường bùa chúng tôi ở tỉnh rậm sông bờ
Phường bùa chúng tôi đi theo con rồng áng
Đi cho sáng rạng đất binh đất Mường…”
Hát xong, gia chủ mời khách lên nhà, vừa đi, phường bùa vừa tiếp tục đánh cồng cùng bước lên ngôi nhà sàn. Theo lời mời của chủ nhà, mọi người cùng quây quần bên vò rượu cần và thưởng thức món ẩm thực cổ truyền trong niềm hân hoan và tình đoàn kết cộng đồng. Trong không khí vui tươi, anh thầy hát vừa cất lên câu ca ngợi khen gia đình no ấm vừa chiêm ngưỡng ngôi nhà sàn và chúc gia chủ một năm mới gặp nhiều may mắn, hạnh phúc, làm ăn phát đạt:
“… Khen ông trong cửa, khen bà trong nhà
Giỏi chân, khéo tay làm nên bình rượu ngon
Cho chúng tôi uống hôm nay…”
Ông, bà chủ nhà gật đầu cảm ơn và hát lời đáp lại. Cuộc vui vẫn tiếp tục trong cảnh uống rượu cần. Men rượu hoà cùng hương vị ngày Tết càng làm thắm đượm tình người, tình xuân. Cuộc thi hát đối cũng được khơi nguồn từ niềm hân hoan. Cuộc thi thố tài năng trở nên lôi cuốn, hấp dẫn bởi bên nào cũng thể hiện những làn điệu dân ca Mường một cách trong trẻo, ngọt ngào. Sau mỗi đoạn, tất cả mọi người lại reo lên, hồ hởi chúc nhau năm mới an khang. Thường rang chín gánh, bảy bồ, hát mãi không hết. Dẫu không muốn rời, nhưng phường bùa cũng phải hát lời cảm tạ và tiếp tục đến chúc nhiều gia đình khác nữa trong bản. Trước khi nói lời chia tay, gia chủ đem gạo, bánh đem tặng cho phường bùa để cảm ơn.
Trên những cung đường mùa xuân thênh thang nối nhà này với nhà kia, tiếng pôông pêêng, khầm pôông của những chiếc chiêng với nhịp 4 khoan thai từ phường bùa làm rộn rã, vui bản, vui Mường. Nhịp chiêng còn khéo léo phù hợp hoàn cảnh với bài “đi đường” hay “leo dốc”. Anh Nguyễn Văn Quý từng nhiều năm tham gia hội sắc bùa rất phấn khởi bởi thành viên trong phường bùa đã được trẻ hoá. Các cháu học sinh mới chỉ lớp 6 – lớp 7 cũng đánh cồng hay, hát giỏi. Đó chính là những hạt nhân tiếp nối và gìn giữ truyền thống văn hoá của ông cha. Chị Bùi Thị Tới mới vào phường bùa được hai năm nay chia sẻ: Lúc đầu, thấy các mế, các bác đánh cồng, hát thường rang đến chúc năm mới các nhà trong bản em rất thích, muốn tham gia ngay. Được thế hệ trước truyền dạy, lúc đầu thấy khó, nhưng học mãi rồi cũng thuần thục. Bây giờ thì em đã say mê và không thể vắng mặt trong ngày hội sắc bùa.
Trong khi ở một số bản Mường, không ít nét văn hoá truyền thống đang bị mai một thì việc khôi phục lại hội sắc bùa ở phường Thái Bình (TPHB) là việc làm đầy ý nghĩa, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
TAMTHUC
Comment