xam-nhap-the-gioi-bua-chu
Xâm nhập thế giới Bùa chú
- bởi map --
- 13/05/2013
Pháp là cường quốc hạt nhân thứ 3 trên thế giới, có chân trong “ngũ đại gia” của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc. Oái oăm thay, ở xứ này, ngày nay vẫn còn khoảng 70.000 nhà phù thủy, thầy bói toán, bùa ngải, thầy lang băm hoạt động ì xèo như một thế giới trong bóng tối! Nhà nhân chủng học Dominique Camus đã có cơ duyên đột nhập vào thế giới ngầm này và kể lại trong quyển “La sorcellerie”.
* Khốn nạn cho mày Vance Vanders! Mày sẽ không bao giờ trả thù được tao! Trong cái tĩnh lặng của nghĩa trang, tiếng nói của gã thầy bùa vang lên. Bằng một động tác chớp nhoáng, hắn tạt vào mặt người bạn của mình một thứ nước tởm lợm: Mày sẽ phải chết! Không gì có thể phá được phép thuật mà tao đánh vào mày. Vừa trở về nhà mình, Vance Vanders đã buồn ngủ ngay. Anh tỉnh dậy trong cơn sốt, nôn mửa và không còn chút sức lực. Ba tuần sau đó, anh sắp chết. Tại bệnh viện, các bác sĩ làm mọi thử nghiệm, nhưng không tìm ra nguyên nhân căn bệnh. Chẳng có loại thuốc nào làm cho thuyên giảm được… Hốt hoảng, cuối cùng vợ Vanders kể lại câu chuyện bị “đánh bùa” cho bác sĩ Daugherty của bệnh viện nghe. Sáng hôm sau, ông này triệu tập gia đình của kẻ sắp chết đến bên giường. Ông nói anh ta đã thách thức một nhà phù thủy, và được y tiết lộ bản chất của pháp thuật: nước thần kỳ có chứa trứng rắn mối. Và một cái đã nở ra trong bao tử của Vanders! Từ đó, con rắn này ăn hết nội tạng của anh… Thực ra, đó chỉ là trò bịp bợm: Daugherty chưa bao giờ gặp nhà phù thủy. Nhưng để trấn an gia đình, ông ta nói mình có cách chữa trị. Khi đó, ông chích cho Vanders một liều thuốc nôn mửa cực mạnh. Trong lúc người bệnh “ói tới mật xanh”, ông ta bí mật lấy từ trong túi ra một con rắn mối xanh, và vẫy vẫy trước mặt họ, như vừa lấy ra từ xô đựng ói mửa. Xong rồi! Tôi đã bắt được nó. Pháp thuật bị phá rồi. Hai tuần sau, Vanders khỏe mạnh lại…
*
Câu chuyện này kỳ cục, nhưng thật sự đã xảy ra tại nước Mỹ, vào năm 1938, tại thành phố nhỏ Alabama. Giáo sư Clifton Meadors, thuộc Trường Y học Vanderbilt, Hoa Kỳ giải thích: Nó chứng minh rõ ràng khả năng “bắt hồn “ của thầy bùa. Quả vậy, nếu Daugherty có thể thuyết phục Vanders tin rằng mình được giải độc để khỏi bệnh, có lẽ nguyên nhân bệnh của anh ta chỉ nằm ở trong đầu. Nói chung, không phải do chất độc của nước uống hay phép thuật của nhà phù thủy mà anh ta ngã bệnh. Nhưng vì anh tin chắc quyền lực của phù thủy đủ mạnh để giết chết mình.
*Nguồn gốc căn bệnh: một cú sốc quá lớn
*
Người ta có thể mắc bệnh đơn giản chỉ vì kinh sợ quá mức một điều gì đó? Nhà tâm lý học Patrick Lemoine, thuộc bệnh viện Lyon-Lumière, đã từng nghiên cứu vấn đề này quả quyết: Dĩ nhiên. Người ta biết được điều đó, tối thiểu từ 40 năm qua. Hiệu ứng này được gọi là nocebo, và đã được chứng minh qua các thử nghiệm thuốc. Trong ngành dược, mỗi khi muốn đánh giá một sản phẩm mới, người ta thường so sánh hiệu quả của nó với một sản phẩm có vẻ như tương đương, nhưng thực chất không có tác dụng gì cả. Thế mà trong các thử nghiệm này, các nhà khoa học nhận thấy có khoảng 10 – 20% bệnh nhân uống thuốc giả lại bị tác dụng phụ như nôn mửa, mê sảng, nhức đầu… Bởi vì trong viên thuốc “chỉ có gió” nên tác dụng này hoàn toàn do tâm lý gây ra. Các bác sĩ đã nói trước với họ rằng sẽ có các hiện tượng như thế xảy đến! Patrick Lemoine nói thêm: Hậu quả của tác dụng nocebo có thể cực mạnh. Trong bệnh viện, tôi đã từng tiếp nhận một nữ bệnh nhân đến cấp cứu, sau khi uống cả một ống thuốc chống suy nhược. Cô ta muốn tự tử. Thực tế, khi loại thuốc này được mang đi phân tích trong phòng thí nghiệm, không chứa bất cứ chất nào gây ra tác dụng cả. Cô ta uống nó “một hơi với đường!
*
Hiệu ứng nocebo có thể dùng để giải thích triệu chứng cảm thấy của người bị trúng bùa ngải? Patrick Lemoine trả lời: Có thể lắm. Một người quả quyết mình có một vong linh đi theo ám, sống trong lo sợ thường xuyên. Thế mà người ta biết rằng stress kinh niên là nguy hại cực kỳ. Lâu dài, nó vô hiệu hóa hệ thống miễn nhiễm, khiến người ta có thể mắc đủ mọi chứng bệnh. Nó cũng có thể gây rối loạn tiêu hóa, các bệnh ngoài da, và tăng nguy cơ tim mạch, áp huyết, chẳng hạn! Như vậy, không ngạc nhiên khi người bị “bỏ bùa” ngã bệnh. Càng khó tin hơn nữa, khi stress này có thể lây lan sang trẻ con hay súc vật trong nhà. Điều đó giải thích vì sao trong một số trường hợp, bò, heo, hay gà vịt cũng có thể bị thư ếm!
*
Cơ may cuối cùng*
Như vậy giả thuyết nocebo rất thuyết phục. Nhưng muốn cho có hiệu quả, nạn nhân phải thực sự cảm thấy mình bị trúng tà. Thông thường, nhà phù thủy giải bùa chỉ cần làm một động tác nhỏ là đủ thuyết phục tâm lý bệnh nhân. Khi lặn lội đến tìm thầy, họ đã đến bước… “đường cùng”! Từ nhiều tháng qua, gặp đủ loại rắc rối (tang chế, vợ chồng xung đột, gia súc mắc bệnh, máy móc hư hỏng…). Và không ai, từ bác sĩ đến thợ máy và người thân, có thể giải thích rõ ràng lý do để khắc phục. Do đó, thầy bùa là cơ may cuối cùng. Khi gặp được ông ta, y cảm thấy rất an tâm. Đó là người không xem hắn như điên khùng, biết rõ tình thế nghiêm trọng, và “giả vờ” tìm ra giải pháp. Quả vậy, rất nhanh, ông “thầy” quả quyết hắn đã bị thư ếm. Hơn nữa, qua một cuộc điều tra ngắn ngủi, ông ta còn biết rõ kẻ nào đã ra tay. Thông thường, đó chỉ là một người thân của nạn nhân, kẻ bị y căm ghét nhất. Phán quyết này có lởi thế là quy kết mọi rắc rối vào một đầu mối. Và giải tỏa cho nạn nhân mọi trách nhiệm mà y cảm thấy mình phải gánh lấy.*
Khi nguyên nhân của hắc ám đã được nhận diện, ông thầy còn “tô vẽ” cho thêm phần nghiêm trọng. Trước tiên là cho nạn nhân “đeo bùa” hóa giải phép thuật. Ngay động tác này đôi khi cũng đủ để trấn an tâm lý, làm giảm stress và khôi phục sức khỏe cho y. Nhưng muốn khỏi hẳn, y cần có những chứng cớ rõ rệt hơn, để bảo đảm cái ác đã được khống chế. Đối với ông thầy giải thư ếm, chuyện này… dễ như trở bàn tay. Đánh phép từ xa! Ông ta không cần đến gặp đối phương để tuyên chiến, hay nhét hình nhân có đóng đinh, chôn bên dưới bậc thềm nhà hắn.
*
Quả vậy, nếu đúng thế, người ta sẽ phải chờ đợi để chứng kiến “kẻ đánh bùa” bị phản công, khiến hắn phải mắc bệnh hay gia đạo tan nát. Trong thực tế, gã này không hề hay biết mình là mục tiêu của ông thầy. Thế nhưng, theo lời kể của nhà nhân chủng học Dominique Camus, có vô số tên đã bị tán gia bại sản, hay bệnh hoạn đến mất mạng khi bị bùa phản công. Những chuyện này thực sự do bùa linh nghiệm hay chỉ là ngẫu nhiên? Đúng là có những trùng hợp rất đáng sợ. Dominique Camus kể đến trường hợp một gã bị ông thầy đánh phản công đã bị bệnh tim rất nặng, ngay tức khắc.*
*
Nhưng thông thường, phải chờ đợi đến vài tháng hay vài năm mới thấy rõ tác dụng. Tác giả quyển Quyền lực của phù thủy viết: Tuy nhiên, dù kết quả có chậm chạp, những kẻ thuê mướn thầy đánh phản công đều tin chắc đòn phép đã linh nghiệm. Bởi vì, ngay từ ban đầu, ông thầy đã nói rõ. Ông báo trước với khách hàng rằng quá trình thư ếm phải kéo dài và nguy hiểm. Nó chỉ hiệu quả khi kẻ bị trấn ếm cũng tin tưởng, và nhất là mình phải áp dụng chính xác các nghi thức. Thế mà nghi thức lại rất phức tạp và mang tính cưỡng bức: Chẳng hạn, Dominique camus kể chuyện một phụ nữ muốn thoát khỏi tay gã tình nhân ác độc và bệnh hoạn, vào mỗi buổi tối phải tắm mình trong máu, và đọc thần chú cho đến khi mặt trời mọc. Nhiều buổi tối không thể thực hiện được nghi thức này, theo ông thầy bùa, tác dụng sẽ đến rất chậm… Hơn nữa, phản bùa không thể có tác dụng nhanh như bắn súng. Còn đòn đánh trả của đối phương nữa! Tóm lại, đừng mong có kết quả ngay tức khắc. Càng lâu, nếu đối phương càng hùng mạnh. Rõ ràng, càng kiên trì càng có thời cơ cho kẻ bị thư ếm. Như vậy, các nhà phù thủy có thể là kẻ bịp bợm xảo trá không? Không! Bởi vì theo quả quyết của Dominique Camus, họ thực sự tin vào quyền năng của mình.*
Patrick Lemoine kết luận: Dù sao, nếu họ lừa bịp, sẽ không tạo được hiệu quả. Người ta đã từng thấy rõ trong y học. Niềm tin của bác sĩ vào việc chữa trị cũng quan trọng như niềm tin của bệnh nhân. Cách nay khoảng 10 năm, bác sĩ Steward Wolf, một nhà khoa học Mỹ, đã chứng nghiệm điều đó một cách bất ngờ. Để chữa trị cho một bệnh nhân mắc bệnh suyễn, ông quyết định thử một loại thuốc đang bán trên thị trường. Theo quy trình, ông yêu cầu phòng thí nghiệm dược cung cấp cho mình hai loại thuốc cùng lúc: thật và giả. Có lúc ông chích thuốc thật, có lúc lại chích thuốc giả cho bệnh nhân (không có tác dụng gì cả). Cuối cùng chỉ có thuốc thật mới phát huy tác dụng. Bác sĩ gọi ngay cho phòng thí nghiệm, để khen ngợi hiệu quả của thuốc mới này. Nhưng hết sức bất ngờ, ông được cho biết cả hai loại đều là… thuốc giả! Làm sao giải thích được hiện tượng này? Chính là niềm tin của bác sĩ đã cho phép chữa khỏi bệnh nhân (dù thái độ có khác nhau khi ông sử dụng cả hai loại thuốc). Như vậy, thuật phù thủy là chứng cớ hoàn hảo của sức mạnh tinh thần. Đó là lý do để giải thích vì sao, ở thế kỷ 21 này, tại nước Pháp và khắp nơi trên thế giới, vẫn còn vô số thầy bùa ngải làm ăn rất khấm khá.*
Cây khoai ma (họ cà)
Người Hy Lạp thời cổ tin loài cây này có tính thần kỳ. Chứng cớ là trong quyển Odyssée của Homère, nhà phù thủy Circé đã biến bạn bè của Ulysse thành bầy heo nhờ vào nước cây khoai ma nấu sắc kẹo. Vào thời Trung cổ, người ta vẫn tin nó, nhưng để làm bùa yêu, khiến cho kẻ uống vào phải yêu thương đối tượng được chọn. Ngày nay, thầy bùa dùng nó để được thần linh che chở. Bởi vì rễ cây này có hình con người, nên được sự bảo trợ đặc biệt của Thượng đế.*
Nhà nhân chủng học điều tra bọn phù thủy tại Pháp
Từ 30 năm qua, Dominique Camus nghiên cứu về các thầy lang băm và bùa phép Tây phương. Khi xâm nhập vào thế giới này, ông phát hiện nhiều điều rất thú vị. Sau đây là câu ông trả lời phỏng vấn của tạp chí SVJ.
– Ông có bị đe dọa tính mạng không?
– Có. Tôi nhớ một thầy phù thủy đã từng đến phỏng vấn. Ông ta quả quyết tôi là phụ tá của đối thủ mình. Tôi đặt ra những câu hỏi mà không hề nghi ngờ ý tưởng diễn ra trong đầu của ông ta. Trong cuộc nói chuyện, không khí càng lúc càng căng thẳng. Bất ngờ, ông ta ngưng nói, rồi vỗ vai tôi để… ra đòn? Tôi phản ứng tức khắc bằng cách đánh thẳng vào đầu ông ta. Bởi vì trong thuật phù thủy, mỗi động tác đều có ý nghĩa riêng. Đánh trả có nghĩa là phản công điều mà đối phương vừa xuất chiêu ra. Ông ta quá sợ hãi liền chộp lấy con dao chặt thịt. Cuộc nói chuyện biến thành một trận… hỗn chiến!
Comment