lang-chai-duoc-yem-bua-khien-cho-nhung-ke-xau-phai-sam-hoi
Làng chài được yểm bùa khiến cho những kẻ xấu phải sám hối
- bởi map --
- 12/01/2015
Làng chài Hải Giang (xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn, Bình Định) có nhiều dấu tích của cả một triều đại Chiêm Thành. Có những sự huyền bí quanh chiếc cổng và ngôi đình, ngôi chùa làng mà đến nay vẫn chưa được giải mã.
Nhiều người cho rằng trong đó là những lá bùa để giữ đất, giữ làng và bài trừ kẻ xấu. Thực tế đã có nhiều người gây việc làm xấu nhưng sau khi đến những ngôi đình, ngôi chùa này họ đã thực tâm sám hối.
Từ những lá bùa giữ đất của người Chiêm Thành
Thời đại Chiêm Thành là giai đoạn thịnh trị nhất của người Chăm. Đến nay dù đã có nhiều cuộc khảo cứu nhưng những bí ẩn cũng như nhiều nét văn hóa phong tục của triều đại này vẫn chưa được lý giải cặn kẽ và sự hình thành cũng như những dấu vết người Chăm ở làng chài Hải Giang này cũng vậy. “Đó là thời khắc cực kỳ đặc biệt. Trong chiến tranh, một nhóm tàn binh của quân Chiêm Thành rút chạy về vùng đất Hải Giang trú ngụ ở đó. Biết mảnh đất này có thể nương náu lâu dài nên họ nhanh chóng hạ trại và dựng những căn nhà tạm bợ tại chỗ”- Ông Kiều Dũng, một người Chăm già hiện còn sống ở Quy Nhơn bộc bạch. Theo ông Kiều Dũng, nhiều điều huyền bí của dòng tộc Chăm mà đến ông dù là người Chăm chính gốc cũng chưa giải thích được. Tuy nhiên sự bất biến trong quan niệm và tiềm thức của người Chăm thì họ vẫn tin có sự linh thiêng từ những lá bùa trấn yểm.
Một trong những dấu tích hiển thị rõ dấu vết người Chiêm Thành từng tồn tại ở Hải Giang đó là ngôi chùa Linh Sơn. Dù chỉ là ngôi chùa làng nhưng theo những dân chài ở đây, chùa rất linh thiêng và luôn là chỗ tịnh tâm sau những ngày lao động cực nhọc của những ngư dân. Gian chính giữa của ngôi chùa này thờ pho tượng cổ mà dân gian quen gọi là tượng Phật Lồi.
Theo quan sát của chúng tôi, Phật Lồi có hình dáng một nhà sư đang ngồi thiền. Tuy nhiên, không giống với các tượng phật trong bất kỳ ngôi chùa nào khác. Tượng này cao gần 1m, Đặc biệt, lưng tượng là một tấm bia hình ngũ giác có 12 dòng chữ Chăm cổ. Theo đoán định của người dân thì đây chính là lá bùa trấn yểm để bảo vệ sự bình yên của vùng đất cũng như những con người ở làng chài này trước mọi địch họa lẫn những tai ương. Tượng phật này có từ khi bắt đầu hình thành làng nghĩa là có từ cuộc rút chạy của quân Chiêm Thành về đây định cư. Củng cố thêm căn cứ về việc người Chiêm Thành từng trú ngụ ở mảnh đất này và để lại những sự kỳ bí, ông Trịnh Bá Hòa, GĐ bảo tàng tỉnh Bình Định cho biết, đúng là có nhiều sự bí ẩn ở làng chài đặc biệt này mà nhiều người vẫn tìm đến. Tượng Phật Lồi chính là tượng thần Shiva do người Chăm tạc. Những bức tượng tinh xảo như thế chỉ có người Chăm mới có thể tạc được.
Dựa trên những dấu vết trên tượng cho thấy tượng có niên đại khoảng thế kỷ XI đến thế kỷ XIII. Cũng theo ông Hòa, nhiều nhà khoa học đã ngỡ ngàng và bị cuốn hút bởi bức tượng phật này và họ đã dày công nghiên cứu nhưng cũng chưa tìm ra được sự phân tích chi tiết một cách khoa học. Theo sự thăng trầm và những biến chuyển của thời gian cũng như xáo trộn binh biến, người Chiêm Thành dần rút về vùng đất tổ tiên của họ ở Ninh Thuận, Bình Thuận. Thế nên giờ đây còn lại ở làng chài Hải Giang chủ yếu là ngư dân Bình Định. Thế nhưng lòng tín ngưỡng và thờ với tượng phật này tồn tại một cách đầy trang trọng trong tâm thức những ngư chài ở đây. Phía cuối làng Hải Giang còn có hai phiến đá cổ chứa dày đặc những kí tự của người Chăm cổ và nhiều người cho rằng đây chính là những lời yểm bùa để bảo vệ vùng đất này.
Sự huyền bí khó lí giải
Ông Kiều Thiên Hậu, một trong những người Chăm già hiếm hoi còn sống trên mảnh đất Bình Định cho biết: Vào khoảng cuối năm 1945 khi đó tôi mới hơn 10 tuổi, quân địch đánh vào Bình Định và truy quét khắp nơi. Không khí tang tóc phủ khắp cả các làng chài. Lạ thay ở làng Hải Giang này quân địch lại không xâm chiếm vào được. Tôi còn nhớ mãi một đêm cuối năm 1945, khi địch đánh vào làng chúng tôi rủ nhau trốn sau bức tượng Phật Lồi, kẻ địch khi tiến vào chùa này cứ ngơ ngáo mà không nã súng bắn nữa. Sau một hồi ngẩn ngơ, chúng rút ra khỏi làng. Thế là bỗng nhiên hàng chục người dân chúng tôi thoát chết. Sau đó ít ngày, quân địch đến bốc bức tượng Phật Lồi này để mang ra biển vứt bỏ. Nhưng lạ thay, chân tượng dù không được gắn bằng xi măng cốt thép nhưng hàng chục tên địch cố nhấc lên mà nhấc mãi không được. Chúng điên tiết dùng búa để đập phá nhưng đập cỡ nào tượng cũng không hề sứt mẻ.
Ông Kiều Dũng còn tin rằng, có lẽ thần Shiva đã hiển linh nhập vào tượng. Hơn nữa tấm bùa trấn yểm để xua đuổi và trừng trị kẻ xấu phía sau lưng Phật Lồi đã phát huy tác dụng nên mới sinh ra các hiện tượng lạ đó. Năm 1953, lại một phen quân địch đến phá tượng, nhưng cũng đành bất lực vì tượng cứ trơ trơ ra. Mới đây nhất là cuối năm 1999, tưởng tượng Phật Lồi có giá trị cao lắm nên một toán trộm đã đột nhập vào chùa lúc nửa đêm gà gáy để trộm tượng phật đi. Nhưng mới khiêng tượng được vài mét bỗng nhiên không tài nào di chuyển được nữa. Những tên trộm này cũng đứng yên bất động. Khi dân làng phát hiện và thắp nhang cúng Phật Lồi, đưa phật về vị trí cũ mấy tên trộm kia mới có thể thoát ra. Ông Kiều Dũng còn cho biết thêm rằng, quân địch và kẻ trộm không tài nào di chuyển tượng Phật Lồi được. Thế nhưng lạ thay khi người dân làng chài Hải Giang làm lễ kêu cầu và bày tỏ mong muốn được tu sửa đế dưới chân tượng thì chỉ cần vài người dân cũng có thể di chuyển tượng được một cách dễ dàng. Trong lần tu sữa cuối năm 2010 đó, những ngư chài ở Hải Giang còn phát hiện dưới chân để tượng còn có 2 tấm bia bằng một loại đá rất kỳ lạ, sờ vào mát lạnh và nhẵn thín. Trên mặt được khắc rất nhiều kí tự Chăm cổ. Một số nhà nghiên cứu đã xin dân làng cùng chính quyền để họ chép, chụp lại những kí tự này về nghiên cứu nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Sự sám hối của những kẻ xấu
Ông Trần Văn Tảo, một trong những ngư chài thường xuyên đến nhang khói cho tượng Phật Lồi cũng như cổng đình của làng chài Hải Giang cho biết, những sự thật hiển nhiên đã từng xảy ra ở đây khiến nhiều người nghe tưởng như chuyện bịa. Quãng năm 2009 có hai tên trộm ở Phú Yên vào đây để trộm xe máy của một nhà dân. Tuy nhiên sau đó chúng gặp phải cảnh sát giao thông và không thể tẩu thoát lúc chập tối nên đã giấu chiếc xe đó vào một khu bụi rậm và vào chùa này để ẩn náu chờ đêm khuya mang xe tẩu thoát. Nhưng không hiểu sao sau mấy tiếng đồng hồ ngủ quên dưới chân tượng Phật Lồi sáng hôm sau những tên trộm này mang xe đến trả cho gia chủ kèm lời xin lỗi rồi bắt xe đò quay về Phú Yên.
Năm 2010, một số đối tượng xấu ở tận huyện Phù Mỹ cũng mò đến làng chài Hải Giang để ăn cắp những vật dụng đắt tiền của các gia đình trong làng chài này. Nhưng không hiểu sao một thời gian sau, chúng mang tiền đến đền cho khổ chủ và nhờ những người uy tín trong làng làm lễ đến bên Phật Lồi để kêu cầu cho khỏi bệnh vì từ ngày trộm cắp đồ ở Hải Giang về chúng bệnh tật liên miên mà uống thuốc gì cũng không khỏi. Những ngư chài ở đây còn cho biết; thỉnh thoảng họ nhặt được những mẩu giấy ghi chi chiết những lời sám hối về tội lỗi của mình của không ít kẻ xấu trong những lần đến viếng thăm làng chài và ngôi chùa đặc biệt này. Ông Trần Văn Tảo cho biết, mấy tháng trước, trong một sáng tinh mơ đến thắp nhang ông còn nhặt được mẩu giấy có đoạn ghi dòng chữ “Từ nay xin từ bỏ tội ác, từ bỏ cuộc sống trộm cướp và quay về làm những công việc bình thường. Cám ơn tượng Phật Lồi. Ghi nhớ mãi một lần đến thăm”.
Theo: An ninh thủ đô
Comment