hit-tho-nhe-nhang-gia-vi-tuyet-voi-cho-mot-bua-an-ngon
Hít thở nhẹ nhàng: Gia vị tuyệt vời cho một bữa ăn ngon
- bởi map --
- 13/12/2015
Các nghiên cứu gần đây cho thấy việc hít thở chậm rãi và đều đặn có thể giúp bạn có được một bữa ăn ngon miệng nhất.
Khi chúng ta thưởng thức một món ăn nào đó, chúng ta sẽ cảm thấy ngon hơn nếu ngửi được mùi vị của nó. Điều này được cho là nhờ sự di chuyển của chất thơm trong đồ ăn từ cổ họng lên khoang mũi. Mặc dù vậy, các nhà khoa học đang tự hỏi, tại sao luồng không khí lại không vận chuyển chúng theo hướng ngược lại, tức xuống đến phổi?
Bằng cách sử dụng mô hình in 3D, mô phỏng đường thông khí của con người từ lỗ mũi tới khí quản, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, hình dạng của ống thông khí sẽ ưu tiên sự dịch chuyển của mùi thức ăn tới khoang mũi.
“Mặc dù khi hít thở nhẹ nhàng, không có bất cứ chiếc van nào kiểm soát hướng dịch chuyển của chất thơm bay hơi”, Rui Ni, Phó Giáo sư ngành kỹ thuật cơ khí tại trường Đại học Pennsylvania, Mỹ, cho hay. “Nhưng hẳn phải có cơ chế gì đó đang kiểm soát sự dịch chuyển của những hạt chất thơm này, ngăn chúng không tiến vào vùng phổi”.
Được biết, trong quá khứ, những nhà sinh lý học đã từng quan sát các đường thông trong mũi, nhưng khi đó họ lại bỏ sót đường thông từ đằng sau miệng tới mũi. Trong nghiên cứu lần này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ kết quả chụp quét CT, cùng với sự hỗ trợ của hai bác sĩ X-quang để thiết lập một giản đồ đường thông khí từ lỗ mũi tới khí quản của người. Sau đó họ sử dụng giản đồ này để tạo ra một mô hình 3D bằng một máy in 3D.
Sau đó PGS Ni và các đồng nghiệp đã đo lường luồng không khí đi vào và đi ra ở đường thông khí và đăng kết quả thí nghiệm của mình trên Tập san của Viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (Proceedings of the National Academy of Sciences).
Theo đó, khi không khí được hít vào qua mũi, luồng không khí sẽ hình thành một tấm chắn, ngăn những hạt chất thơm phát tán từ đằng sau cổ họng xuống đến phổi. Tuy nhiên, khi không khí được thở ra, nó sẽ cuốn theo rất nhiều chất thơm bay hơi của thức ăn, vận chuyển chúng tới khoang mũi, và ở đó chúng sẽ kích hoạt các tế bào khứu giác. Sự vận chuyển của những chất thơm bay hơi này được cho là cũng chịu ảnh hưởng bởi tốc độ hô hấp.
Từ kết quả này chúng ta có thể thấy rằng, việc hít thở đều đặn, chậm rãi sẽ giúp tối ưu hóa hiệu ứng vận chuyển bất cân xứng và cho phép nhiều không khí hơn cuốn theo những hạt chất thơm ra ngoài và hướng lên vùng mũi. PGS Ni chia sẻ, để có một bữa ăn thực sự ngon miệng, hãy dành thời gian để sống chậm lại và hít thở nhẹ nhàng, vì điều đó sẽ giúp dịch chuyển hương vị của thức ăn lên mũi nhiều hơn.
“Hít thở nhẹ nhàng, chậm rãi sẽ giúp tối đa hóa sự dịch chuyển của những chất thơm bay hơi tới vùng mũi”, PGS Ni nói. “Mùi vị của thức ăn sẽ tuyệt hơn nếu bạn thưởng thức món ăn một cách từ từ”.
Tác giả: Andrea Elyse Messer, trường Đại học Pennsylvania
TAMTHUC
Comment