No icon

ky-thuat-khoan-so-thoi-co-dai-khong-chi-la-y-hoc

Kỹ thuật khoan sọ thời cổ đại: Không chỉ là y học…

Ngay cả trong thời hiện đại, những người sắp trải qua ca phẫu thuật mổ não đều cảm thấy lo sợ – với một lý do chính đáng. Sọ não là một trong những khu vực nhạy cảm nhất của cơ thể người, và não bộ là một báu vật được các bác sĩ phẫu thuật rất coi trọng. Theo bản năng, mọi người đều hiểu rằng nếu não bộ vô tình phải hứng chịu một tổn thương dù chỉ nhỏ nhất, thì hậu quả sẽ là khôn lường.

Nhưng, thật đáng ngạc nhiên khi biết được rằng điều được xem như một kỳ tích táo bạo nhất của nền y học hiện đại lại là một kỹ thuật đã có lịch sử vô cùng xa xưa. Kỹ thuật khoan sọ—việc khắc hoặc khoan một lỗ trên sọ não—là điều con người đã thực hành trên khắp thế giới trong hàng nghìn năm qua. Những sọ não bị khoan đã được tìm thấy ở nhiều khu vực khác nhau trên Trái Đất, bao gồm cả trong những tàn tích ở “Thế giới mới” (New World – chỉ Châu Mỹ) của những nền văn hóa thời tiền Cô-lôm-bô, bắt đầu với một mẫu vật của người Peru được phát hiện vào năm 1863.

Một số ví dụ khác có niên đại từ Thời kỳ đồ đá mới (Neolithic), ví như hộp sọ 5000 năm tuổi với hai lỗ khoan được tìm thấy ở Pháp. Sự hồi phục sọ não là bằng chứng rõ ràng cho thấy cá nhân đó đã sống rất nhiều năm sau khi trải qua cuộc phẫu thuật công phu này.

Lùi xa hơn nữa về lịch sử, thêm nhiều bằng chứng về kỹ thuật khoan sọ đã được phát hiện từ Thời kỳ đồ đá giữa (Mesolithic), trong giai đoạn  từ 10.000 đến 5.000 năm trước đây. Hộp sọ lâu đời nhất bị khoan xương từng được phát hiện cho đến nay đã được khai quật ở Ukraine vào năm 1966, với niên đại trong khoảng từ 8.020 đến 7.620 năm—thời đại mà hầu hết các nhà khảo cổ học tin rằng con người mới chỉ bước ra khỏi giai đoạn cư trú trong các hang động.

Ảnh minh họa kỹ thuật khoan sọ thời cổ đại. (Ảnh: Danielle Kurin)
Ảnh minh họa kỹ thuật khoan sọ thời cổ đại. (Ảnh: Danielle Kurin)

Không chỉ là y học

Những quy trình phẫu thuật tinh vi như vậy đã cho thấy một trình độ y học tiên tiến, dù rằng một số nhà nhân chủng lại cho đây là các nghi thức bí ẩn dựa trên số lượng những hộp sọ bị khoan xương được tìm thấy tại một số địa điểm nhất định. Ở Baumes-Chaudes, Pháp, trong tổng số 350 hộp sọ được giám định, có đến 60 hộp sọ đã xuất hiện dấu hiệu bị khoan xương.

Với một tỷ lệ lớn lạ thường các hộp sọ bị khoan xương như vậy, một số người cho rằng “đặc quyền” này chỉ được dành cho một nhóm người đặc biệt. Lấy ví dụ, các vị vua Pha-ra-ông của Ai Cập cổ đại sẽ được khoan sọ vào một thời điểm nhất định trong cuộc đời, vì có tuyên bố cho rằng điều này sẽ giúp linh hồn của họ dễ dàng “thoát xác” hơn sau khi mất.

Ngày nay, các bác sĩ y khoa đã phải dùng đến phương pháp tinh vi này chỉ để làm giảm áp lực cho hộp sọ và dẫn lưu máu tụ của bệnh nhân trong trường hợp xuất huyết não, nhưng vẫn phải thận trọng để không thương tổn tới bộ phận xương bảo vệ của não bộ. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng người xưa còn có lý do khác ngoài lý do y học.

Một số cá nhân tuyên bố rằng tổ tiên của chúng ta đã từng sử dụng thuật khoan xương để điều trị các chứng bệnh về tâm lý – hi vọng giải thoát bộ não bị rối loạn khỏi sự giày vò khi bị ma ám. Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu khác lại cho rằng thủ pháp mở não thời cổ đại là để đem lại những trải nghiệm tâm linh xuất thần. Một niềm tin như vậy vẫn còn tồn tại ngay cả trong thời hiện đại. Năm 1962, một người Hà Lan tên Bart Hughes đã công bố cuốn sách “Cơ chế thể tích máu não (The Mechanism of Brainblood volume)”, trong đó ông giả định rằng việc khoan một lỗ trên sọ não người sẽ giúp thể tích máu não sẽ tăng lên.

Sau khi làm như vậy, ông Hughes tin rằng những cá nhân được tiến hành khoan sọ có thể gia tăng sự tỉnh thức, kèm theo một khả năng nhận thức cao hơn, gần giống với một đứa trẻ sơ sinh vẫn còn ‘chỗ thóp’ trên đầu. Bằng cách ‘trồng cây chuối’ hoặc ăn những thực phẩm và thảo mộc giúp gia tăng lưu lượng máu lên não, cũng có thể tạm thời đạt được một trạng thái tương tự .

TAMTHUC
Ốc tháp terebra. (Ảnh: Wikipedia)
Ốc tháp terebra. (Ảnh: Wikipedia)

Người Ai Cập cổ đại có thể cảm thấy tự hào với một loạt các dụng cụ y tế tương đối tiên tiến của mình, nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng họ đã từng thực hiện một số ca phẫu thuật khoan sọ chỉ với búa và đục. Một điều thú vị đáng chú ý trong quy trình phẫu thuật của người Ai Cập cổ đại là sự xuất hiện của một “người cầm máu”. Những bậc thầy y học cổ đại này được cho là sở hữu sức mạnh ngăn chặn tình trạng xuất huyết não chỉ nhờ vào sự hiện diện của họ trong căn phòng phẫu thuật.

Kỹ thuật khoan sọ đã phát triển được trên 10.000 năm, và dần dần hình thành nên một quy trình phẫu thuật y học tiêu chuẩn hiện đại, nhưng phần lớn giới y học đều đã nghiêm túc cảnh báo việc đeo đuổi một cách không cần thiết biện pháp khoan sọ, do khả năng phát triển một số hệ quả chết người kèm theo. Những người ủng hộ biện pháp khoan sọ vẫn tuyên bố rằng bệnh nhân có thể đạt tới một trạng thái phấn chấn thông qua việc khoan sọ, nhưng nhiều chuyên gia y tế lại cho rằng những lợi ích nêu trên sẽ khó có khả năng xảy ra và không tương xứng với nguy cơ tiềm tàng.

Vậy kỹ thuật khoan sọ xuất hiện như thế nào và ai là những nhà phẫu thuật đầu tiên? Phải chăng những người cổ đại chỉ đơn thuần tìm cách xoa dịu những cơn đau đầu trầm trọng, hay phải chăng một loạt những hiện vật đáng kể được tìm thấy khắp nơi trên thế giới đã cho thấy tổ tiên của chúng ta còn có những động cơ khác khi thúc đẩy việc tiến hành một hình thức phẫu thuật ẩn chứa đầy nguy cơ như vậy?

Trong chuyên mục Khoa học huyền bí, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện liên quan tới các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiện nay. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưởng có thể kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn về những chủ đề có thể gây nhiều tranh cãi trong phần bình luận bên dưới.

Tác giả: Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Đọc bản gốc ở đây.
Ngọc Mai biên dịch

Nguồn:http://www.daikynguyenvn.com/khoa-hoc-cong-nghe/ky-thuat-khoan-so-thoi-co-dai-khong-chi-la-y-hoc.html

Comment