huong-dan-hoa-giai-tuong-xau
Hướng dẫn hóa giải tướng xấu
- bởi map --
- 14/04/2017
Các nhà tướng số đọc được rất nhiều dấu hiệu để nhận định về con người, ví như đôi tai to là dấu hiệu thọ, tai dày là sung mãn tài vật, hàm tóp nhỏ là yểu hay cơ cực lúc già, lông mày gần mắt là người hẹp hòi… Phải chăng, những tướng đó tồn tại vĩnh viễn từ lúc con người sinh ra cho đến khi mất đi? Với những người có tướng xấu thì liệu có thể hóa giải? Hóa giải bằng cách nào?
Diện tướng chưa đủ làm nên tính cách
Thêm vào đó, tướng còn phụ thuộc cả vào thần sắc của mỗi người. Theo ông Hải, nếu chỉ nhìn diện tướng thì chưa đủ mà cần phải xem xét cả sắc tướng. “Cũng khuôn mặt đó, dáng đi đó, giọng nói đó nhưng giai đoạn này thì thần sắc gương mặt hồng hào, tươi tắn nhưng giai đoạn sau lại xanh xao, nhợt nhạt. Thần sắc thì chỉ những người có khả năng đặc biệt mới nhận thấy, vì nó không đơn thuần ở màu da mà còn ở tinh thần họ phát ra qua trường sinh học. Gắn với quan niệm nhà Phật thì rõ ràng “tâm nào, tướng nấy”.
Rõ ràng, theo ông Hải thì “không thể chỉ dựa vào một đặc điểm của diện tướng mà đã vội quy kết tương lai của người ta. Phải nhìn tổng hòa các yếu tố về tướng học, bởi diện tướng chưa đủ để tạo nên tính cách, số mệnh của một con người”.
“Tuy nhiên, đáng tiếc là hiện nay, nhiều người lợi dụng việc xem tướng đoán biến tương lai đã vội quy chụp khiến cho nhiều người cả tin, kém hiểu biết bị mất tiền oan vì xem tướng và đã rước họa vào thân, tự đẩy mình vào sự lo lắng thái quá, ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống. Đó là điều hoàn toàn nên tránh”, ông Hải nhấn mạnh.
Tướng còn phụ thuộc vào thần sắc của mỗi người. |
Nhân tướng không bất di bất dịch
Thông qua tướng mạo, nhiều người có thể biết được tính cách, số phận, tương lai cuộc đời người khác mà họ gặp. Phải chăng tướng ấy sẽ tồn tại vĩnh viễn cùng mỗi người, từ lúc họ sinh ra cho đến khi mất đi?
Ông Hải thừa nhận nhân tướng không phải là một hằng số bất di bất dịch. Nó có thể thay đổi theo thời gian, gắn với từng giai đoạn của cuộc đời.
Ông lấy chính câu chuyện của mình làm dẫn chứng. Ông kể, trước năm 1975, ông có nghiên cứu về khả năng đặc biệt của con người. “Một hôm, tôi gặp một nhà tướng pháp, ông ấy có bảo tôi rằng sắp tới tôi sẽ gặp vận hạn, nhẹ thì bị khiển trách, nặng thì ra khỏi biên chế. Tôi hỏi thì ông bảo, cứ về nhà soi gương, nhìn kỹ vào mũi sẽ thấy. Tôi làm đúng như lời ông thầy thì thấy trên mũi có vết xám, lại có những tia máu hằn đỏ dọc ngang. Quả nhiên, năm 1975 tôi bị kết luận là nghiên cứu mê tín dị đoan, năm 1976 thì ra khỏi biên chế. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước thì tôi được quay trở lại biên chế và vết xám cũng như tia máu hằn trên sống mũi cũng mất trước đó mấy năm”.
ThS Thạch Mai Hoàng: Người ta có thể sửa tướng bằng phẫu thuật thẩm mỹ. |
Làm cách nào để hóa giải tướng xấu?
Theo các chuyên gia, việc con người ta sinh ra có gương mặt đẹp hay xấu, tướng tốt hay không tốt đều do yếu tố bẩm sinh và không ai có quyền được chọn số mệnh của mình. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều người có tướng xấu đã rất lo lắng, vội vã tìm cách hóa giải.
ThS Thạch Mai Hoàng, Bộ môn Nhân học, Đại học KH-XH&NV Hà Nội đưa ra dẫn chứng: “Y học hiện nay rất phát triển. Người ta có thể sửa tướng bằng việc phẫu thuật thẩm mỹ, ví như gò má cao có thể phẫu thuật để nó hài hòa với gương mặt, mắt một mí có thể cắt mí, tạo ra những tướng tốt”.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ – Tin học Ứng dụng thì việc can thiệp bằng y học ấy mới chỉ sửa tướng về mặt cơ học nhưng như thế vẫn chưa đủ. “Tướng còn dựa vào thần sắc. Nếu người ta không nghĩ thiện, không làm điều thiện thì rồi khí sắc cũng kém và nó sẽ diệt tướng. Chẳng hạn nói phụ nữ có gò má cao là sát chồng, người đó có thể sống hòa nhã, quan tâm yêu thương chồng con hết mực thì cũng có thể hóa giải phần nào tướng xấu này”.
Trên cơ sở quan hệ nhân – quả, Cư sĩ Lương Gia Tĩnh, Viện phó Học viện Phật giáo cho rằng: ““Đức năng thắng số”, không gì hơn là chính mỗi người phải tự ý thức, rèn luyện, cố gắng để cuộc đời mình được tốt đẹp hơn. Có thể, một người khi sinh ra đã có tướng tốt, cho thấy rất thành đạt sau này nhưng nếu như cứ ngồi đó mà chờ đến ngày vinh quang thì thật là không tưởng. Người ta phải học hành, tu dưỡng đạo đức thì mới mong thành công. Nhân tướng đó chỉ nên tham khảo, coi như là động lực để người ta cố gắng phấn đấu mà thôi”.
“Quan niệm “trông mặt mà bắt hình dong” dựa trên những kinh nghiệm dân gian, đã qua kiểm chứng không phải là không có cơ sở. Mà dân gian là văn hóa. Văn hóa lại thay đổi theo thời cuộc nên những kinh nghiệm đúc kết ấy cũng không thể mãi trường tồn, là hệ quy chiếu cho tất cả mọi người ở mọi giai đoạn của lịch sử được. Mặc dù vậy cũng không nên bài xích, triệt tiêu những kinh nghiệm ấy trong đời sống. Vấn đề là người ta có đủ nhận thức và hiểu biết để phân biệt điều đó hay không. Thay đổi quan niệm ấy không thể là chuyện một sớm một chiều nhưng nó sẽ dần bị đào thải khi xã hội phát triển, trình độ văn hóa, trình độ nhận thức của xã hội đó được nâng cao hơn”. GS.TS Phạm Thành Nghị (nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Con người) |
An Nhiên
Comment