cau-be-tuoi-co-kha-nang-chua-benh-xem-boi
Cậu bé 12 tuổi có khả năng chữa bệnh, xem bói?
- bởi map --
- 14/04/2017
Ngày hè, trong khi những đứa trẻ 14 tuổi thường ra đồng chăn trâu hay vui chơi thỏa thích thì Trần Văn An (sinh năm 1999, thôn Đình, Yên Bình, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) lại được nhiều người lớn tuổi gọi là “cậu An” và năn nỉ, ỉ ôi xin cậu xem tướng số cũng như chữa bệnh cho. Tính ra, “cậu” đã hành nghề được 2 năm nay.
Cao thủ chữa bệnh nhưng không chữa được cho mình khỏi ốm vặt liên miên
Chúng tôi tìm đường về nhà “cậu An” trong một buổi chiều muộn, bởi lẽ phải tới 17h30’ thì “cậu” mới “làm việc”. Tới đầu thôn, hỏi thăm về nhà “cậu”, chẳng ai là không biết. Một bác trung niên dặn dò chúng tôi: “Cái chỗ mà có dãy ô tô con hơn chục cái đấy, cũng toàn người vào nhà “cậu”, rẽ phải vào ngõ, cứ đi hết đường là tới”. Ngõ nhỏ, sâu hút, mùi nước thải chăn nuôi xộc thẳng vào cánh mũi dẫn chúng tôi vào nhà “cậu An”.
Đi qua nhà ông nội của “cậu”, trước mắt chúng tôi là chiếc miếu thờ đơn giản, xây dựng từ lâu. Hàng chục chiếc xe máy đang dựng sẵn ngoài sân. Nhìn qua, tôi thấy đã có khoảng 30 – 40 người đứng ngoài hiên lẫn ngồi trong ngôi nhà mái bằng khang trang, rộng rãi của gia đình “cậu”.
Người tới đây có đủ các lứa tuổi, giới tính, thành phần, người ở xa, kẻ ở gần, từ nam cho tới nữ, có người ở tận Phú Thọ, Hà Nội, Hà Nam, Thanh Hóa… cũng chẳng quản đường xá xa xôi, lặn lội về tận miền quê này. Dù sẩm tối “cậu An” mới làm việc nhưng nhiều người đã tới đây từ 6h sáng. Những gương mặt chờ đợi mòn mỏi, tiếng thở dài, đan xen tiếng nói chuyện râm ran về gia cảnh của người tứ xứ. Mới vào, ai cũng phải đi lại nhẹ nhàng, chắp tay lạy “điện”.
Để được “cậu” xem bói cho, nhiều người đã phải gọi điện đặt lịch từ nhiều ngày, có khi từ mấy tháng trước đó. Tiếp đến là phải ghi họ tên, quê quán, năm sinh vào một mảnh giấy nhỏ bằng bàn tay. Nhìn qua danh sách đến đăng kí cũng phải tới vài trăm người.
Tuy nhiên, dù có xa tận đâu, đến rồi nhưng phải tay trắng ra về, với nhiều người đã trở thành chuyện hết sức bình thường. Có hôm, dù đã có rất nhiều người tề tựu nhưng “cậu” nói mệt nên cũng chẳng ai xem được gì. Anh Thọ ở Láng Hạ, Hà Nội một mực cho biết: “Tôi đã tới đây 4 lần rồi, gọi điện đặt trước tới mấy tháng. Lần này không được thì cũng sẽ đi tiếp”.
Sự chầu chực, van nài của những người lớn đã khiến từ đầu hè, cậu bé mới chỉ 14 tuổi, bữa cơm chỉ ăn được một bát với cà pháo và canh mùng tơi ấy đã phải “trốn” lên Hà Nội hơn 1 tháng để được yên thân. Trần Văn An bắt đầu được đồn đại về những khả năng đặc biệt của mình từ năm 12 tuổi (học lớp 6).
Theo lời kể của ông nội An, hè tháng 5, trong buổi giỗ ông ngoại An, cả nhà đang chuẩn bị tất bật thì cậu bé leo lên bàn thờ, sắp xếp lại mọi thứ. An còn nói rằng chính ông ngoại bảo làm thế, ông đang đứng xa xa ngoài cổng kia. Ai cũng nửa tin nửa ngờ, chỉ riêng bà ngoại của An là tin cháu. Tới hôm ra mộ ông ngoại, An cũng nói cứ ở đó nói chuyện với ông. Ngày nhỏ, ông là người An gắn bó nhất, ông dạy An vẽ tranh, xem tử vi. Ông ngoại mất đi, hễ cứ có việc gì khó khăn là An lại viết tên ông ngoại và cầu xin.
Cô Phạm Thị Nguyệt – mẹ của An kể lại trong niềm tự hào về cậu con trai của mình: Tới Tết năm ấy, bố mẹ An đón cậu từ nhà ngoại về thì An nói vanh vách những gì bố mẹ trải qua ở Hà Nội, về công việc làm ăn và chuyện đời sống, về những gì sắp xảy ra.
Kinh ngạc hơn, trong một lần bà ngoại bị mất bò, An chỉ ở nhà và phán hai con bò đang bị cột ở đống rơm của kẻ ăn trộm. Theo gợi ý của An về địa điểm, mọi người mở cổng ra thì thấy liền. Rồi ở ngoài Bắc mà An nói đúng cho một gia đình ở trong Nam có chú chó mất tích khi nào về. Quả đúng như thế, họ còn gửi đồ chơi ra cho An để hậu tạ.
Gia đình “cậu” An
Khi những câu chuyện được người nhà thêu dệt nên cũng là lúc cậu bé An trầm tính hẳn, rồi nhìn thấy ai cũng tiên đoán tính cách, số phận tương lai. Và cũng từ đây, một đồn mười, mười đồn trăm, nhiều người kéo đến nhà cậu bé.
Cũng theo lời của ông nội An, em không chỉ xem bói mà còn có khả năng chữa bệnh bằng Đông y. Nhưng nếu vậy, tại sao em lại thường xuyên đau ốm liên miên? Thầy thuốc không chữa được bệnh cho chính mình thì còn giúp được ai?
Tuổi thơ thiệt thòi
An sinh ra trong gia đình có 2 người con. Dưới cậu còn có một cô em gái nhỏ. Từ khi sinh ra, sức khỏe An đã yếu, bố mẹ phải đưa đi viện liên miên. Mà theo lời của mẹ An thì tiền đi viện chất cao hơn người. Thương con nên bố mẹ An phải đi làm ăn xa tận làng gốm Bát Tràng ở Hà Nội để lo cơm áo và viện phí cho con.
Vì thế, từ bé, An và cô em gái được gửi gắm cho bên ngoại ở xã Kim Xá, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Chủ yếu An sống lủi thủi một mình, hoặc có tiếp xúc thì chỉ với những người lớn tuổi. Phải chăng vì thế mà ánh mắt và phong thái của cậu không giống một đứa trẻ 14 tuổi? Và cũng vì thế mà An sống trầm tính, kiệm lời, nghiêm khắc, nói một là một, hai là hai?
Hồi nhỏ do không có bạn chơi cùng nên chỗ chơi duy nhất và thích nhất của An là ở đền chùa. Cậu thường ra đó lắng nghe những âm thanh kì lạ xung quanh. Năm 11 – 12 tuổi, An có những suy nghĩ về tâm linh, để ý đến khuôn mặt, ánh mắt và thái độ của người khác. Từ đó, cứ thấy người lạ là cậu lại buông vài lời phán xét.
“Cậu vẽ chữ Nho đẹp lắm”, ánh mắt sáng trên gương mặt nhăn nheo nói lên niềm tự hào không kể xiết của ông nội An về đứa cháu của mình. Ông cho biết “cậu An” không học qua lớp chữ Nho nào mà học chủ yếu là học từ ông ngoại. Trong góc học tập của cậu, tranh chữ Nho treo đầy tường. Mỗi người đến xem bói ở đây đều được cậu tặng một bức để lấy làm lộc.
Cũng lời của ông nội An, dạo trước có một anh sinh viên ở Hà Nội về gặp “cậu”. Anh này học tiếng Trung, bán tín bán nghi về khả năng viết chữ Nho của “cậu”. Hàn huyên một lúc lâu, anh chàng này xin luôn ở lại đây 3 ngày để được cùng “cậu An” đàm đạo về chữ Nho.
“Dân làng chúng tôi có ai tới đâu”
Đem thắc mắc của mình về khả năng biết xem bói và chữa bệnh của em Trần Văn An nói với chị Vân – một người cùng làng, chị cho chúng tôi biết: “Chỉ có người tứ xứ đi ô tô, xe máy về đây nườm nượp để xem bói, chứ dân làng chúng tôi thì ai tới đâu”. Nhiều người hàng xóm của An cũng khẳng định tương tự vì thực ra “An toàn nói dựa hoặc nói những câu hoang đường như có vấn đề về tâm lý”.
Hiện An đang nghỉ hè để chuyển từ lớp 8 sang lớp 9, trường THCS Kim Xá, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Trao đổi với cô giáo Trần Thị Bích Loan – hiệu trưởng trường THCS Kim Xá, cô cho biết, năm học vừa qua, kết quả học tập của em Trần Văn An chỉ đạt loại trung bình.
Khi hỏi thêm về khả năng đặc biệt của An, cô khẳng định chưa có một cơ quan chức năng nào giám định điều này và nhà trường cũng hoàn toàn không biết khả năng đó của em. Mọi sinh hoạt trong nhà trường của em đều diễn ra bình thường.
Ông Trần Văn Khánh – chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Bình, huyện Vĩnh Tường bộc lộ rõ quan điểm: “Xã không quan tâm đến những trường hợp của cháu An, chỉ có dân thiên hạ đến đây xem xét chứ quanh khu vực này có ai đến đâu”.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Quyên – Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam bày tỏ quan điểm: Trung tâm đã tiếp xúc sơ bộ với trường hợp của cháu Trần Văn An. Cháu An còn quá nhỏ, sức khỏe lại yếu, quá nhiều người tụ tập đến nhà cháu để thỏa mãn mục đích của mình nhất định sẽ ảnh hưởng đến cháu, nhất là sức khỏe về thần kinh.
Nếu không cẩn thận, cháu có thể bị ảnh hưởng nặng về tâm thần. Trung tâm cũng khuyên gia đình không nên gọi cháu bằng “cậu” để thần thánh hóa cháu lên, vì chính bản thân cháu cũng chỉ muốn xưng hô một cách bình thường với mọi người. Quan trọng nhất với An bây giờ là chăm lo cho sức khỏe và học hành mà thôi.
Kim Ngân
Theo: Người đưa tin
TAMTHUC
Comment