No icon

nguoi-dan-ba-nam-song-voi-hon-ngan-bo-hai-cot

Người đàn bà 35 năm sống với hơn ngàn bộ hài cốt

Bà Hà Thị Nga lặng lẽ canh giữ khu di tích nhà mồ Ba Chúc – nơi lưu giữ 1.151 bộ hài cốt.

35 năm nay bà Hà Thị Nga (SN 1939, ở ấp An Định A, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) lặng lẽ canh giữ khu di tích nhà mồ Ba Chúc – nơi lưu giữ 1.151 bộ hài cốt trong tổng số 3.157 thường dân bị Pon Pot sát hại trong cuộc thảm sát lịch sử. 

Những ngày tháng tư, chúng tôi trở lại vùng đất đó, nghe nhân chứng sống kể lại ký ức hãi hùng.

Hồi ức một ngày tháng tư bi thảm

Thật là khó khăn để gợi cho bà Nga kể lại những chuyện xảy ra trong quá khứ mà với ai trải qua cũng đều là nỗi đau quá lớn. 

Đến tận bây giờ, những gì xảy ra trong cuộc thảm sát đó đã hằn sâu và như thước phim quay chậm lại trong từng lời kể của bà.

Đó là thời điểm năm 1977 quân Pon Pot tràn qua biên giới, nã đạn pháo và tập kích bắn giết vô cớ những thường dân vô tội tại 8 tỉnh biên giới Tây Nam. Trong đó làng Ba Chúc của bà, cách biên giới Tây Nam chỉ 7km, cũng là mục tiêu quan trọng của đội quân diệt chủng. 

Chúng liên tục gây tội ác kinh hoảng trên dưới 30 lần trong một khoảng thời gian ngắn, làm cho người dân phải tháo chạy vào khu vực núi Tượng gần đó để ẩn náu. 

Theo tư liệu lưu trữ thì giai đoạn gây tội ác kinh hoàng nhất của đội quân Pon Pot là từ ngày 18-4 đến ngày 30-4-1978 với 3.157 người dân phải bỏ mạng đớn đau, trong đó có đến 100 người trong dòng họ của bà Nga, riêng gia đình bà tất cả 37 người.

Khi nhắc lại cái ngày đau đớn đó, đôi mắt bà Nga ngân ngấn nước mắt. Bà kể “Ban đêm thì chúng tràn lên núi lùng sục, vây hãm truy sát người dân, bắt được ai là chúng tra tấn man rợ sát hại với những cách dã man nhất, đa phần là phụ nữ và trẻ em, riêng phụ nữ thì bị hãm hiếp trước khi bị chết tức tưởi dưới bàn tay Pon Pot. 

Bà Hà Thị Nga – nhân chứng về những tội ác kinh hoàng do Pon Pot gây ra ở An Giang

Ban đêm chúng cũng tràn xuống làng ngang nhiên cướp phá, giết hại không chừa một ai”. 

Khi ấy bà Nga đã 39 tuổi làm nông cùng với chồng để nuôi 6 mặt con. Thế nhưng khi cuộc thảm sát xảy ra, bà đã chứng kiến rõ ràng, tận mắt cảnh những người thân yêu nhất bị chết thảm trước mặt mình. 

Từng cơ thể của những đứa con do bà dứt ruột sinh ra bị xé toạc, bị đập đầu và chúng kêu cứu trong tuyệt vọng “má ơi! cứu con!” nhưng bà không làm gì được trong hoàn cảnh ấy. 

Sự thoát chết của bà là một chuyện hi hữu, có phần kỳ lạ. Khi đó bà cố rướn người che chở cho những đứa con thân yêu của mình nhưng lực bất tòng tâm, bị quân Pon Pot bắn thẳng một viên đạn xuyên qua cổ họng. Lần lượt những đứa con của bà chết tức tưởi. Trước khi bỏ đi, một tên còn dùng đá đập vào đầu bà làm bà bất tỉnh. 

“Khi tôi tỉnh lại trời xế chiều, một cảnh hãi hùng nhất mà suốt đời tôi nhớ như in, là cảnh chết chóc vây quanh tôi, thi thể các con, người thân la liệt. Tôi bắt đầu chạy trốn” – bà Nga nhớ lại. 

Đó là 12 ngày dài nhất trong lịch sử của đời bà Nga khi bà phải trốn chui, trốn lủi. Ban ngày ẩn nấp trên núi Tượng, đêm thì đi lang thang như người mất hồn. 

Kỳ lạ thay, trong 12 ngày đêm, đã biết bao nhiêu lần đối mặt với đội quân diệt chủng Pon Pot nhưng may mắn là chúng không phát hiện ra bà. 

Kỳ tích hơn nữa là những vết thương trên cơ thể bà, dù không thuốc men, phải lội bùn lầy nhơ nhớp thế nhưng tự dưng lành lại. Thoát được cuộc truy cùng, diệt tận ấy, sau 12 ngày đêm bà Nga đã được cứu chữa.

Chỉ một năm sau, năm 1979, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang đã xây dựng khu nhà mồ Ba Chúc hay còn gọi là khu chứng tính tội ác Pon Pot, rộng trên 3.000m2 để tưởng nhớ những thường dân vô tội chết thảm trong cuộc thảm sát, cũng như lên án tội ác của quân diệt chủng để nhân dân cả nước và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới biết. 

Ở Việt Nam này, chỉ có một đám giỗ tập thể lớn nhất, đó chính là ngày giỗ của hàng nghìn người dân vô tội đã mất dưới bàn tay của Pon Pot ở làng Ba Chúc này.

Chuyện về người canh nhà mồ

Hàng năm biết bao nhiêu lượt du khách trong và ngoài nước tìm đến khu di tích nhà mồ Ba Chúc để tham quan, để biết về tội ác của đội quân diệt chủng một thời.

Dưới cái nắng nóng hay mưa rả rích của trời miền Tây, du khách hay tìm đến quán nước xập xệ cách khu di tích không bao xa để trú tạm hoặc uống nước. 

Ít ai biết, cái quán nhỏ đó là nơi trú thân của bà Nga – người canh nhà mồ Bà Chúc kể từ khi nó được xây dựng đến nay.

Đó là khi quân Pon Pot bị đẩy lùi sang bên kia biên giới, làng Ba Chúc yên bình, người dân và chính quyền thu gom hài cốt đưa về. 

Khi hài cốt đưa về tập trung, nhiều người còn sống sót như bà Nga không chứng kiến nổi cảnh tượng hãi hùng đã bỏ đi biệt xứ từ dạo ấy. Chỉ có bà là ở cạnh bên những bộ hài cốt cho đến khi được chuyển vào khu nhà mồ. 

Bà kể: “Ban đầu khi mới chuyển về tôi biết rõ đâu là hài cốt của chồng, của con; nhưng sau đó hài cốt được sắp xếp lại. Đến giờ tất cả những người an nghỉ ở đây đều là người thân của tôi cả”. 

Chúng tôi có hỏi bà vì sao lại ở lại cái vùng đất quá đỗi bi thương, cứ nhìn vào là khơi gợi nỗi đau quá khứ? Bà trần tình “vì ở đây có chồng, có con tôi. Họ cần tôi có mặt để chăm sóc. Tôi ở đây cảm thấy bình yên và làm tất cả để trọn chữ tình với những người đã khuất bóng”. 

Bà tự nguyện ở lại và làm người giữ gìn khu nhà mồ này suốt 35 năm qua, mà không đòi hỏi lương bổng hay bất kỳ quyền lợi nào, bởi đó là nghĩa vụ của bà đối với người đã khuất.

Hàng ngày, vào mỗi buổi sáng bà ra khu nhà mồ quét dọn, hương khói đầy đủ rồi quay về quán nước xập xệ của mình buôn bán mưu sinh. 

Tối đến thi thoảng bà ra khu nhà mồ cầu nguyện, khấn vái cho những người thân. Bà lặng lẽ trở về quán nước, cạnh bên là chiếc đài nhỏ đưa bà vào giấc ngủ để rồi mai thức giấc cứ công việc đều đặn như thế. 

Bà kể, thời điểm bận rộn nhất của bà có lẽ là tháng tư này, bởi lẽ đây là ngày giỗ tập thể cho hơn nghìn người thân của bà. 

Khi vào quán nước của bà, ai cũng thấy tài sản hiện giờ quý giá nhất là chồng mâm hơn 80 chiếc và chồng chén đĩa cao ngất, bởi đó là những vật dụng bà làm giỗ hàng năm, bà giữ gìn như của quý. 

Rất nhiều lần có những đoàn nhà báo trong nước và quốc tế đến lật lại hồ sơ của vụ thảm sát ngày xưa. Họ đều tìm đến bà Nga để nghe bà kể lại chuyện quá khứ hãi hùng của một nhân chứng trực tiếp và nhờ bà chỉ dẫn cho những cảnh quay sống động. 

Bà lặng lẽ đáp ứng các yêu cầu, bởi theo bà đó cũng là nhiệm vụ bà phải làm để cho người dân khắp nơi biết về tội ác của Pon Pot trong một giai đoạn lịch sử. 

Khi chúng tôi rời nhà mồ Ba Chúc màn đêm cũng bắt đầu buông xuống. Bà Nga ra khu nhà mồ để trò chuyện với hàng nghìn người thân. Ở đất này ai cũng gọi bà là “má Tư nhà mồ”. 

Trước khi chia tay bà nói rằng “Giờ tôi mong ước sống lâu để chăm sóc cho những người thân tôi đang ở nhà mồ, chết đi cũng mong được ở gần họ. Tôi cũng mong sao vùng đất nghèo này khởi sắc lên”. 

Đó là mong ước quá đỗi giản dị của người đàn bà đi qua giông bão khủng khiếp nhất của cuộc đời.

Theo An ninh thủ đô

TAMTHUC

Comment