No icon

thuc-hu-chuyen-thanh-vat-chet-may-chuc-mang-nguoi

Thực hư chuyện ‘thánh vật’ chết mấy chục mạng người

Hàng loạt thanh niên khỏe mạnh, những linh hồn có đức tính tốt, người trụ cột trong gia đình, trai đinh trong các dòng họ bị tử thần tước mất mạng sống.

Mấy năm nay, người dân làng Vân Gia (phường Trung Hưng, TP. Sơn Tây, Hà Nội), sống trong hoang mang cực độ, vì cứ thi thoảng “thần chết” lại hỏi thăm một gia đình, dòng họ nào đó trong làng, cướp đi một vài mạng người. Những người bị tử thần tước đoạt mạng sống đều còn trẻ và chẳng có bệnh tật, ốm đau gì. Những cái chết rất bất ngờ, khó hiểu và bí ẩn.

Tất cả người dân trong xóm đều tin rằng, người dân trong làng đã phá vỡ long mạch, nên phải chịu hậu quả nặng nề: Hàng loạt thanh niên khỏe mạnh, có đức tính tốt, người trụ cột trong gia đình, trai đinh trong các dòng họ bị tước mất mạng sống.

Cán bộ thôn xóm, nhà chùa, đại diện người cao tuổi, và toàn thể nhân dân đã nhất trí mời cao tăng đắc đạo đến tận nơi trấn yểm long mạch, rồi người dân đeo bùa chú, dán bùa khắp nơi, những mong tình trạng chết bất đắc kỳ tử sẽ không còn nữa. Thế nhưng, tình trạng chết bất đắc kỳ tử vẫn diễn ra.

Chúng tôi xin đăng vấn đề này lên, và cùng với các nhà khoa học vào cuộc, tìm ra lời giải, để tránh dư luận hoang mang.

Ngôi chùa cổ và đuôi rồng bí ẩn

Một lần, trong bữa nhậu giữa Hà thành, anh bạn ở Sơn Tây kể rằng, quê vợ anh, làng Vân Gia, có một hiện tượng kinh dị: Hàng loạt người chết bất đắc kỳ tử. Nguyên nhân là do động long mạch.

Anh cứ khẳng định chắc nịch rằng, chỉ trong 3 năm, chết 40 đến 50 người gì đó, toàn là thanh niên và người trung tuổi, toàn là đàn ông. Tuyệt nhiên không chết thằng trộm cắp, nghiện ngập, chỉ chết người ngoan hiền, thành đạt, trụ cột của gia đình, dòng họ.

Cổng chính ngôi chùa cổ Viên Quang đang xây dựng dở dang.
Cổng chính ngôi chùa cổ Viên Quang đang xây dựng dở dang.

Tôi vốn không tin mấy chuyện ma mãnh, nhảm nhí, song với số lượng người chết trẻ nên đến hàng chục như thế, quả thực khiến tôi tò mò, phải thử tìm đến làng Vân Gia xem sao.

Làng Vân Gia vốn thuộc xã Trung Hưng, ven đô, nơi có Đền Và thờ Đức Thánh Tản giữa vườn lim trăm tuổi nổi tiếng. Xã Trung Hưng giờ đã thành phường, nhưng từ trạm xá, UBND và các cơ quan đoàn thể, ngoài cổng vẫn đề là xã. Trông nó giống làng xã hơn là phố thị, vì hầu hết người dân vẫn sống bằng nghề nông.

Làng Vân Gia nằm nữa cánh đồng mấp mô cao thấp. Con đường xuyên qua cánh đồng, qua Đền Và dẫn đến Vân Gia.

Chùa Vân Gia - nơi bắt đầu câu chuyện bí ẩn và kinh hoàng.
Chùa Vân Gia – nơi bắt đầu câu chuyện bí ẩn và kinh hoàng

Quả thực, khung cảnh vào làng đã tạo cảm giác rờn rợn. Bao quanh làng là những nghĩa địa. Tôi cứ thắc mắc, sao có mỗi cái làng nhỏ xíu, bao quanh bởi những khóm tre rậm rì, mà lắm nghĩa địa đến vậy.

Mồ mả cả cũ và mới ngập kín mấy nghĩa địa, tràn xuống cả giữa ruộng. Ngay đầu bờ, ven mương, cũng có những nấm mồ mọc lên. Nhiều nấm mồ còn khói hương nghi ngút, vòng hoa còn tươi. Xa xa, có mấy nhóm người hí húi đào bới, khăn tang trắng đầu, làm lễ cải táng.

Tượng bồ tát trên ngọn đồi có thế long chầu.
Tượng bồ tát trên ngọn đồi có thế long chầu.

Tôi trò chuyện với người dân quanh xóm, ai ai cũng tỏ vẻ mặt sợ hãi, khi nghĩ đến chuyện hàng loạt người chết bất đắc kỳ tử. Chỉ một tuần nữa, là lại đến ngày 22 âm lịch, ngày mà người dân nơi đây gọi là “ngày đen tối”. Bởi vì, trong ngày đó, rất có thể, sẽ có người trong làng mất mạng.

Những câu chuyện không đầu, không cuối của người dân khiến tôi thấy rối như bè rau muống. Người này kể anh này chết treo cổ trên cửa sổ, người kia lại xen vào kể ông kia chết tai nạn giao thông, người nọ lại kể có anh chết vì ngã khi leo cây cao có 1m…

Mọi người chỉ tôi vào nhà ông Phùng Văn Tuấn, trưởng thôn 8. Làng Gia Vân gồm thôn 5,6,7 và 8, trong đó, thôn 6 và 8 chết nhiều nhất và chính dòng họ nhà ông trưởng thôn 8 gặp tai ương nhiều nhất.

Ông Tuấn đang chỉ đạo cải táng cho một người thân.
Ông Tuấn đang chỉ đạo cải táng cho một người thân.

Nhà ông Tuấn nằm ngay đầu làng, tường cao, cổng kín. Tôi gọi cửa, không thấy tiếng ai, nên tự kéo khóa đi vào. Gọi mấy câu, thì thấy một người phụ nữ khó nhọc đi ra. Bà giới thiệu là vợ ông Tuấn. Lâu nay bà ốm nặng, mới trở dậy được.

Tôi hỏi chuyện “thánh vật”, bà tỏ ra không vui. Bà bảo, đúng là có chuyện bà ốm nặng, nằm bẹp mấy ngày, nhưng dân làng cứ đồn thổi ầm ầm, là bà gặp tai họa, sắp bị… “thánh vật”, khiến bà rất bức xúc.

Bà bảo, đúng là có chuyện rất nhiều người trong gia đình bà gặp tai họa, các cháu chết trẻ, song bà không muốn kể chuyện tai họa này, vì nó đau lòng lắm. Bà bảo, muốn hỏi gì thì gặp chồng bà. Rồi bà cho số điện thoại để tôi gọi cho ông Tuấn.

 Khấn vái xin
Khấn vái xin “thần chết” tha mạng cho gia đình tại chùa Viên Quang.

Tôi giới thiệu là nhà báo, ông Tuấn tỏ ra ngại ngùng. Ông bảo, ông đang bận việc cải táng cho người chết trong họ, chưa về được. Ông yêu cầu tôi ra xã làm việc, xong xuôi thì chiều về gặp ông.

Thế nhưng, đến giờ hẹn, tôi vào nhà ông Tuấn, ông vẫn chưa về. Gọi điện, ông bảo: “Tôi đang chỉ đạo cải táng cho người nhà ở nghĩa địa, tôi nhìn thấy chú đi vào nhà tôi rồi, nhưng tôi không về được, mong chú thông cảm”.

Vợ ông Tuấn bảo: “Chú muốn tìm hiểu gì, cứ ra ngoài chùa, sư thầy và các bà vãi sẽ kể hết, không thiếu chuyện gì. Mọi chuyện, từ nhà tôi, đến làng xã, nhà chùa đều nắm được hết”.

Nghe theo chỉ dẫn của vợ ông Tuấn, tôi vòng vèo đường làng tìm đến chùa Viên Quang. Ngôi chùa u tịch nằm trên một quả đồi thấp. Cổng chính hoành tráng, nhưng đang xây dựng dở dang thì để đó, mốc thếch, gạch ngói xếp chặn.

Tôi vòng ra phía cửa phụ, đi vào lối cổng nhỏ. Bên trong sân chùa, phụ nữ, trẻ em, người già, gồm mấy chục người chuẩn bị lễ, khói hương nghi ngút, lần lượt vào tòa tam thế thắp hương, cúng vái.

Ngày nào cũng có người đến chùa làm lễ xin thánh thần bảo vệ.
Ngày nào cũng có người đến chùa làm lễ xin thánh thần bảo vệ.

Cụ bà Nguyễn Thị Xuân mang dáng vẻ và khuôn mặt phúc hậu ngồi nhai trầu bỏm bẻm. Bà bảo, sư trụ trì chùa là thầy Thích Minh Tĩnh. Nhưng mấy ngày nay thầy có việc đi xa, để lại chùa cho các vãi trông nom, hương khói.

Chuyện động long mạch, mấy chục mạng người trong làng chết hàng loạt, theo khẳng định của bà Xuân, và tất thảy mọi người có mặt trong chùa hôm tôi tiếp xúc, là có thật. Tất tật mọi người trong làng đều tin như vậy.

Nói rồi, bà Xuân dẫn tôi vòng ra sườn đồi phía Tây chùa Viên Quang. Tại đây, cả một góc đồi đã bị múc đi, vết gầu xúc cào nham nhở, vẫn lộ đất đỏ au.

Bà Xuân khoát tay chỉ một vòng đồi và kể: “Đồi thì rộng, nhưng đất nhà chùa chỉ có hơn một héc-ta. Quanh ven đồi là đất của người dân, nên người ta muốn trồng trọt, xây nhà, hay đào đất bán là việc của người ta, nhà chùa không can thiệp được. Chính vì thế, mới xảy ra đại họa”.

Theo lời bà Xuân, dù ngọn đồi này thấp, song có thế rồng chầu, voi phục. Bên phải chùa là gò Ngọc Nương, có đầm nước chảy thủy tụ minh đường. Bên trái chùa là đuôi rồng, nơi dân làng sinh sống.

Bà Xuân chỉ chỗ người dân đào đất làm đứt long mạch.
Bà Xuân chỉ chỗ người dân đào đất làm đứt long mạch.

Vào năm 2007, người dân phía bên trái chùa tiến hành đào đất bán cho địa phương, khi địa phương tiến hành xây dựng sân vận động ở ngay cánh đồng đối diện chùa.

Để lấp đầy những mảnh ruộng trũng, phải cần tới hàng ngàn xe tải đất đá. Những chiếc máy xúc vươn gầu múc, xe tải ật ưỡng chở đất suốt ngày đêm. Sư thầy Thích Minh Tĩnh nhìn cảnh người ta múc “đuôi rồng” đi, phá vỡ cảnh quan của chùa mà đau lòng lắm, nhưng chẳng biết phải làm thế nào, vì đất đó là của người ta, có sổ đỏ đàng hoàng, người ta thích làm gì thì làm.

Câu chuyện sẽ chẳng có gì nghiêm trọng, nếu không có chuyện, ngay khi chiếc gầu xúc ngừng hoạt động, thì xóm làng không còn bình yên nữa. Rất nhiều người chết bất đắc kỳ tử, đám ma ai oán diễn ra liên tục trong làng, không khí tang tóc đau thương trùm khắp xóm…

Đặng Diễm Nguyệt
Theo : VTC

TAMTHUC

Comment