bi-an-cua-chiec-ban-tu-xoay-dat-quang-nam
Bí ẩn của chiếc bàn tự xoay đất Quảng Nam
- bởi map --
- 05/09/2013
Nhìn chiếc bàn tự xoay, nhiều người bảo do thần thánh tâm linh , nhưng sự thực nó hoạt động theo nguyên tắc cấu khí âm – dương.
Thông tin những chiếc bàn có thể tự xoay ở Quảng Nam thời gian gần đây được nhiều người nhắc đến. Chỉ cần hai người trở lên đặt bàn tay sấp trên mặt bàn, nó sẽ tự chuyển động tròn đều với tốc độ tăng dần. Người điều khiển trở ngược bàn tay, mặt bàn ngoan ngoãn dừng lại rồi quay theo chiều ngược lại… Đã có không ít các chuyên gia đủ các lĩnh vực cũng như người hiếu kỳ từ khắp nơi về đây để được tận mắt chứng kiến. Những chiếc bàn này đã được gắn với vô số những điều kỳ dị.
Những chiếc bàn có thể tự chuyển động xoay tròn đều quanh trục chủ yếu xuất hiện ở làng mộc Văn Hà thuộc tổng Vinh Quý, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình (bây giờ chính là thôn 5, xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam). Làng có nghề mộc truyền thống nức tiếng, làm nên thương hiệu Văn Hà nổi tiếng và từng được vua Thành Thái sắc phong.
Ngày nay, tại làng Văn Hà vẫn còn nhiều hộ theo nghề mộc cổ truyền. Mặc dù không còn hưng thịnh như xưa nhưng người trong làng vẫn còn lưu giữ nhiều tác phẩm chạm khắc tinh xảo, tỉ mỉ của những nghệ nhân. Hơn thế nữa, có một sản phẩm đã thu hút sự quan tâm của nhiều người bởi sự kỳ diệu và huyền bí của nó, đó là chiếc bàn tự xoay.
Ông Đinh Thẩm với chiếc bàn xoay vừa đóng. |
Anh Trần Ngọc Tuấn (sinh năm 1973, thôn 5, Tam Thành), người đang có chiếc bàn xoay là hàng cổ của gia tộc để lại, cho biết, đây là chiếc bàn mà báo chí từng đưa tin về một đại gia ở TP HCM trả 200 triệu mà anh Tuấn không bán.
Chiếc bàn cao này 80 cm, mặt bàn hình tròn, đường kính 65 cm và dày khoảng 2 cm. Thân bàn là một trục gỗ tròn được tiện theo hình bình hoa, có miệng bình là miếng gỗ vuông được gắn 12 trụ nhỏ (cũng tiện hình bình hoa), còn đáy bình gắn 3 chân tiếp đất.
Anh Tuấn vui vẻ thực nghiệm sự kỳ diệu của chiếc bàn. Anh yêu cầu những người xung quanh tháo bỏ giày vì để bàn xoay thì chân của người đặt tay lên bàn phải tiếp xúc với mặt đất. Những người này đứng sát vào mép bàn và tay đặt úp xuống mặt bàn, mắt nhìn vào tâm của bàn.
Chưa đầy 3 phút, dưới mặt bàn phát ra âm thanh “rắc… rắc” và mặt bàn di chuyển theo chiều kim đồng hồ. Lúc đầu chậm, sau tốc độ nhanh hơn. Những người này bỏ tay ra được một lúc thì chiếc bàn dừng lại. Vẫn chưa tin được sự thật, họ đề nghị anh Tuấn làm lại lần thứ hai. Lần này chưa đến 2 phút kể từ khi đặt tay úp lên bàn, tiếng “rắc… rắc” dưới gầm bàn phát ra rồi mặt bàn xoay tròn. Bàn chạy được khoảng 2 phút, họ đặt tay ngửa lên thì mặt bàn dừng lại, rồi từ từ quay theo chiều ngược kim đồng hồ.
Những người này còn hoài nghi nên sử dụng nhiều biện pháp thử nghiệm, ví dụ như không cho anh Tuấn lau bàn, để nguyên lớp bụi để xem có bàn tay người nào can thiệp vào việc chiếc bàn tự xoay hay không. Thế nhưng, chiếc bàn sau đó không hề có dấu vết gì để lại. Dưới mặt bàn cũng không có gì đặc biệt hơn những chiếc bàn bình thường khác.
Cấu trúc bên dưới một chiếc bàn tự xoay. |
Ông Đinh Thẩm (sinh năm 1920, thôn 5, Tam Thành), nghệ nhân cuối cùng của làng mộc Văn Hà nắm giữ bí quyết chế tác những chiếc bàn tự xoay. Dù đã 94 tuổi nhưng ông vẫn giữ được phong thái điêu luyện của người thợ mộc làng Văn Hà.
17 tuổi, ông Thẩm được cha truyền cho nghề mộc. Năm ông 20 tuổi, ông và các thợ trong làng đến huyện Tiên Phước trong tỉnh để dựng một rường nhà gỗ cho một gia đình giàu có. Ông được chủ ngôi nhà đó cho xem một chiếc bàn tự xoay. Gia chủ khẳng định rằng, chiếc bàn tự xoay của ông được một nghệ nhân làng Văn Hà tạo nên. Về đến làng, ông Thẩm liền đi khắp làng trên ngõ dưới để hỏi về chiếc bàn nhưng tìm mãi không thấy chiếc bàn nào như thế và cũng không ai biết cách chế tạo chiếc bàn tự xoay.
Với con mắt nhà nghề và sự thông minh, nhạy bén, chàng trai Thẩm ngày ấy đã nhanh chóng khắc ghi chiếc bàn xoay trong tâm trí của mình. Tìm hiểu thêm ông biết ngày xưa thợ mộc Văn Hà nghĩ ra việc chế tác chiếc bàn xoay để thuận tiện khi cúng bái. Sau khi bài trí nhiều món ăn, chỉ cần nhẹ nhàng xoay mặt bàn về hướng cúng bái đã định mà không phải khiêng cả chân bàn.
Thế là ông nghĩ, người ta thiết kế mặt bàn gắn chân đế phải thông qua một trục cố định ở giữa. Nhớ lại những gì đã thấy và nguyên lý nghề mộc, ông Thẩm mày mò làm một chiếc bàn có mặt tròn giống hệt cái ông đã nhìn thấy ở huyện Tiên Phước. Tuy nhiên, bàn của ông lại không xoay được trừ phi… đẩy cho nó xoay. Thế là ông lại tháo ra, lắp vào nhiều lần như thế. Cuối cùng, ông cũng nắm được bí quyết và chế tạo được chiếc bàn tự xoay như nghệ nhân làng Văn Hà xưa đã làm.
Nghệ nhân Đinh Thẩm 94 tuổi vẫn làm nghề. |
Ông Thẩm chia sẻ, điều quan trọng khi chế tác bàn xoay là thước tấc và những lỗ mộng khớp nối phải thật chuẩn xác thì mới thành công. “Về vật liệu, những bộ phận khác là gỗ gì cũng được, nhưng riêng mặt bàn, gọng đỡ, giá đỡ thì nhất định phải là gỗ mít. Nếu nguyên cả bàn đều là gỗ mít thì tốt nhất. Nói là gỗ mít có nghĩa phải là lõi gỗ mít, mà lõi gỗ phải già, trên 40 năm hoặc gỗ mít chưa già thì phải được để lâu”, ông Thẩm khẳng định.
Ông Thẩm cho biết cuối năm 2008, huyện đã mời ông dạy cho 10 thợ mộc trong huyện một khóa 2 tháng về chế tác bàn xoay. Sau khóa học này chỉ có vài người có thể làm được nhưng khả năng xoay của bàn không nhạy lắm, cần phải có bàn tay ông chỉnh sửa thì mới xoay được. Bản thân ông Thẩm chỉ chế tác được 3 chiếc bàn xoay mới, nhưng số lượng bàn xoay cổ mà ông được người khác nhờ sửa chữa thì nhiều.
Vừa giảng giải cách khởi động để bàn xoay, ông Thẩm vừa thực hành. Cũng như anh Tuấn, ông yêu cầu người sử dụng cần phải đi chân trần tiếp xúc trực tiếp với mặt đất thì bàn mới dễ dàng xoay. Càng nhiều người đặt tay lên bàn thì bàn càng mau khởi động và quay nhanh. Ông còn nói thêm: “Nhìn chiếc bàn tự xoay, nhiều người bảo do thần thánh hoặc có ma ám, nhưng sự thực không phải như vậy, chiếc bàn hoạt động theo nguyên tắc cấu khí âm – dương”, ông Thẩm chỉ “bật mí” ngắn gọn như vậy.
Theo: giadinh.net.vn
Comment