giac-mo-gap-vong-linh-hai-nhi-tam-ta-tren-nam-mo-co-xanh
Giấc mơ gặp vong linh hài nhi: Tấm tã trên nấm mồ cỏ xanh
- bởi map --
- 25/12/2014
Tôi viết bài này lúc 3 giờ sáng ngày 27 tháng 2 năm 2012, sau khi thức giấc lúc 2 giờ, lúc kết thúc giấc mơ gặp một vong linh hài nhi và nghe cháu nói chuyện, trong một khoảng thời gian tôi không thể ước lượng được.
Nhưng tôi cảm nhận rất rõ về cuộc gặp gỡ trong chiêm bao, và thấy là cần phải giúp cháu bé ngay, vì điều đó nằm trong khả năng của tôi, dù tôi vẫn nhớ rất rõ rằng tôi đã hứa một lời gì cả.
Tôi ý thức về cuộc nói chuyện với vong linh hài nhi không phải như tôi diễn đạt lại dưới đây, mà trong trạng thái như mình vừa nghe xong, đọc xong một câu chuyện, đã hiểu nó, đã nhớ cái ý mà tác giả muốn nói, không qua chữ, qua câu. Mặc dù lẩn quất đâu đó, những chữ, những câu vẫn còn, như tôi cố diễn đạt lại dưới đây.
Giấc mơ có lẽ bắt đầu lúc khoảng 1 giờ sáng, giờ có lẽ vẫn còn trong giờ tý, canh ba, thời khắc mà người xưa nói là những giấc mộng vào giờ đó là đáng tin hơn cả.
Khung cảnh giấc mơ là một khung cảnh đẹp, một triền cỏ mấp mô, trên đó có một cái gò nhỏ, mà khi tỉnh ra, hồi tưởng lại, thì dường như đó là một ngôi mộ đất nhỏ, cũng phủ cỏ. Cỏ không buồn mà xanh mướt sức sống.
Nói là vong linh cháu bé, nhưng cháu không xuất hiện trong hình hài của một đứa trẻ mới sinh, hay một cháu bé nằm trong bụng mẹ, như những hình ảnh mà chúng ta thường thấy trong các bức ảnh. Trong giấc mơ của tôi, vong linh cháu bé là một tấm tã trắng, lơ lửng trên ngôi mộ đất sơ sài, không bia mà không chú ý, người ta có thể nghĩ đó chỉ là một mô đất be bé…
Tôi nhớ là từ vuông tã trắng nhỏ xíu treo trên mộ phần cũng nhỏ xíu đó đã vọng lên tiếng nói. Tiếng nói rõ ràng, mạch lạc như lời của một người lớn. Nhưng đó chỉ là cái mà tôi nhớ lại mù mờ, còn cái thực sự rõ ràng là điều mà tôi hiểu được.
Cho nên, cái mà tôi diễn đạt lại chỉ là lời lẽ mượn tạm để bạn đọc dễ hình dung.
Cháu bé là một hài nhi đã tượng hình, một bào thai, lẽ ra đã có thể chào đời và sống một cuộc sống như bao đứa trẻ khác, dù hạnh phúc hay không hạnh phúc, nhưng vẫn có một cuộc sống.
Tôi dường như nghe cháu có nhắc đến cuộc sống trong một ngôi chùa nuôi trẻ mồ côi và đó là hạnh phúc mơ ước của cháu. Tấm tã trắng lơ lửng trên nấm mồ, lay động như reo vui trước gió, khi tôi cảm nhận được mơ ước mà chắc chúng ta chỉ xem đó là một điều bất hạnh: một ngôi chùa nuôi trẻ mồ côi.
Cháu bé đã không có “hạnh phúc” như thế. Mẹ cháu đã uống thuốc để phá cháu đã đau đớn khi dòng thuốc độc đó chảy từ cơ thể mẹ sang cơ thể cháu. Cháu đã oằn oại, ngắc ngoải chết dần trong bụng mẹ, trong cái thiên đường mà cháu tượng hình…
Tôi cảm nhận cháu bé diễn tả với tôi một cái chết khốc liệt, khi chất độc từng chút một từ từ dâng lên, xà xẻo, bóp chết dần dần mầm sống bé nhỏ đang mới thành hình.
Tôi cảm nhận về mơ ước của cháu, chỉ được sinh ra và vứt bỏ, để ai đó lượm về nuôi hay trôi dạt nương náu dưới một mái chùa từ thiện. Thế mà, mơ ước nhỏ nhoi đó đã không thành.
Chiếc tã treo lơ lửng trên chiếc mộ cỏ như nói bằng ngôn ngữ của sự chuyển động trước gió. Nó đã rủ xuống. Tôi hiểu là không có một người mẹ nào muốn giết con. Nhưng người mẹ đó đã không may mắn tìm được nơi có thể nương náu sinh nở. Chỉ có những mái chùa nuôi trẻ mồ côi. Không tìm được một mái chùa để nương náu để sinh trẻ. Và điều đó buộc người mẹ phải giết đứa con trong bụng.
Nhà chùa có thể nhận đứa bé đã còn có may mắn ra đời về nuôi, nhưng nhà chùa, có lẽ, không thể có chỗ giúp cháu bé đang tượng hình đó nương náu đến lúc ra đời. Không có chỗ để bám víu, mẹ cháu đành phải bỏ, nếu ta muốn tránh đi từ “giết” một cháu bé đã có tai, có tim, có đầu, có tay chân… Để rồi, nó chỉ còn là vuông tã trắng phất phơ trên nấm mồ xanh cỏ, màu xanh ước vọng ngoi lên của sự sống, sự sống chỉ của cỏ.
Không biết là suy nghĩ của tôi hay lời cháu bé, mà cũng có thể là lời cháu bé biến thành suy nghĩ của tôi, rằng tôi có khả năng viết, nên tôi cần phải giúp những cháu bé bất hạnh như vậy trong khả năng.
Khi đó, trong giấc mơ của mình, vuông tã trắng như sáng lên và lay động trong nắng, một thứ nắng trong trẻo và rực rỡ, nắng ban mai. Tôi nghĩ là mình sẽ có một bài viết cho tấm tã bé nhỏ, dễ thương và tội nghiệp.
Tôi thức dậy, nhìn đồng hồ mới 2 giờ sáng. Điều nhớ như in những gì vừa mới chiêm bao và không hề sợ hãi sau một giấc mơ, mà trong đó, mình đã gặp một bình minh không trọn vẹn.
Tôi bước một mình lên sân thượng khuya khoắt, ngồi yên một lúc lâu trong không gian tịch mịch giữa đêm khuya và sau đó, trở ngay xuống phòng lấy giấy viết.
Vừa viết, tôi vừa nhìn lên bầu trời, hình dung những ngôi chùa nuôi trẻ mồ côi, mà không phải chỉ nuôi những đứa trẻ đã ra đời, mà nuôi những cô nhi còn trong bụng mẹ, giúp cho những người mẹ lỡ lầm có chỗ sinh nở, với vài tháng tá túc, 3 bữa cơm chay mỗi ngày, và chi phí tối thiểu để sinh nở, rồi sau đó gửi vào chùa, cháu bé tuy bất hạnh nhưng còn may mắn ra đời, bụ bẫm, xinh xắn hơn là muộn màng chỉ những lễ cầu siêu thai nhi trắng xóa màu tang tóc.
Vong linh đứa bé đã gặp tôi đã thể hiện nó trong hình dạng tấm tả phất phơ trên ngôi mộ. Tôi thấy ở nó vẫn còn khao khát muốn sống, muốn sinh ra để làm người, để mặc tả khóc oe oe như những đứa trẻ còn được sống, dù rằng phía dưới đó là một nấm mồ xanh cỏ.
Nhưng màu cỏ trên mộ vẫn xanh mướt như mơ ước về cuộc sống.
Tôi mong là sẽ có thầy cô nào đó, với tấm lòng từ bi vô biên của đạo Phật, đọc được những dòng chia sẻ này này, đồng cảm với cảm xúc về giấc mơ tấm tã và ngôi mộ nhỏ, để từ đó Phật giáo chúng ta, ngoài những mái ấm nuôi trẻ mồ côi, còn có những mái ấm giúp những đứa trẻ đang bi đe dọa phải bị phá bỏ cuộc sống, còn hy vọng được sinh ra, được lớn lên, kháu khỉnh, dễ thuơng, xinh xắn như những em bé khác. Đó là cứu những mạng người.
Minh Thạnh
Theo: Phật tử Việt Nam
TAMTHUC
Comment