cung-com-huong-linh-co-an-duoc-khong
Cúng cơm hương linh có ăn được không?
- bởi map --
- 02/01/2015
Nghi lễ cúng cơm mang nhiều ý nghĩa nhưng thực tế rất ít người biết được là hương linh có được hưởng thụ hay không? Và việc hưởng thụ sẽ như thế nào?
Hỏi: Mẹ tôi mới mất được hơn hai tuần. Gia đình tôi đã thực hiện tang lễ cho mẹ theo nghi thức hướng dẫn hộ niệm lúc lâm chung. Khi mẹ mới mất, sau thời gian hơn tám giờ niệm Phật của đạo tràng, tôi kiểm tra thấy hơi ấm từ ngực trở lên, mọi người nói như vậy là tốt, nếu không được vãng sinh thì chí ít cũng sinh về cõi lành, tránh được ba đường ác.
Hiện nay vào các ngày tuần thất của mẹ, tôi chỉ làm cỗ chay kết hợp với phóng sanh, cúng chùa tạo phước đồng thời hàng ngày vẫn tụng kinh, niệm Phật và hồi hướng công đức cho mẹ.
Tôi đang quan tâm đến việc nếu mẹ tôi như mọi người nói “được sinh vào cõi lành” rồi thì như vậy đã tái sinh chưa? Nếu tái sinh rồi thì khi gia đình cúng giỗ thì mẹ có dùng không?
(ĐINH VĂN HÙNG, hndinhhung@gmail.com)
Đáp: Bạn Đinh Văn Hùng thân mến! Sau thời gian hơn tám giờ hộ niệm, người ta kiểm tra hơi ấm để đoán định khuynh hướng tái sanh của người mất, việc này chỉ có tính tương đối mà thôi. Bởi không ai có thể biết việc một người sau khi mất tái sanh vào đâu, trừ tuệ giác của Thế Tôn và các bậc Thánh A-la-hán.
Tái sanh là sau khi chết tùy theo nghiệp của mình mà sanh vào một cảnh giới nào đó trong Tam giới, Lục đạo (trời, người, a-tu-la, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục).
Một người khi mất đi, thần thức của họ (thân trung ấm) hầu hết trải qua giai đoạn trung gian thường là khoảng 49 ngày để tìm cảnh giới tái sanh.
Việc một số người trong Ban hộ niệm nói “được sinh vào cõi lành” chỉ là dự đoán xu hướng tái sanh vào cõi trời hoặc người, hoàn toàn không mang ý nghĩa ngay lúc đó thần thức đã tái sanh vào cõi lành.
Vì thế, khi chưa tái sanh (còn ở dạng thân trung ấm) thì hàng ngày thân nhân dâng cúng cơm nước thần thức đều ăn uống được (dưới dạng hưởng mùi vị – xúc thực). Khi đã tái sanh rồi, chỉ có người nào tái sanh vào loài quỷ thần mới thọ dụng các thực phẩm do loài người dâng cúng mà thôi.
Có còn cúng cơm cho hương linh sau ngày chung thất?
Hỏi: Mẹ tôi mất đã được 5 tuần, em tôi nói rằng sau 49 ngày (chung thất) sẽ không cúng cơm nữa. Vì theo kinh Địa Tạng, sau 7 tuần thì thần thức của hương linh sẽ theo nghiệp mà thọ sanh. Xin hỏi, vậy có nên cúng cơm nữa không? Mặt khác, em tôi có ý định tụng kinh Dược Sư để cầu an cho mẹ ở cõi âm, điều ấy có nên không? Vào khoảng tuần thứ 4 sau ngày mẹ mất, tôi mơ thấy mẹ đang lội qua một biển lớn. Giấc mộng ấy có ý nghĩa thế nào? (DIỆU THANH, DIỆU HẠNH, Quang Vinh, Biên Hòa, Đồng Nai)
Đáp: Bạn Diệu Thanh và Diệu Hạnh thân mến!
Theo tinh thần của kinh Địa Tạng và quan điểm Phật giáo Bắc truyền nói chung thì thần thức của một người sau khi chết hầu hết đều phải trải qua giai đoạn trung gian, thọ thân trung ấm tối đa là 49 ngày, sau đó sẽ thọ sanh vào một cảnh giới tương ứng với nghiệp lực mà họ đã gây tạo. Và không nhất thiết phải đợi đến ngày chung thất (49 ngày sau khi chết) thì hương linh mới tái sanh mà có thể ngay sau khi chết, hoặc trong tuần thất đầu tiên (7 ngày sau khi chết), hay trong tuần thất thứ hai (14 ngày sau khi chết) cho đến các tuần thất tiếp theo hương linh đều có thể tái sanh tùy nhân duyên, nghiệp lực của mỗi người.
Trong thời gian thọ thân trung ấm, hương linh vẫn thọ dụng được tất cả những vật phẩm mà thân nhân dâng cúng (thường là cơm, nước, hương, hoa) nhưng chỉ hưởng mùi vị của thức ăn mà thôi. Vì thế, thân trung ấm còn được gọi là hương ấm (thọ dụng mùi hương của thực phẩm). Cho nên trong vòng 49 ngày, thân nhân cần dâng cúng cơm nước hàng ngày cho người chết để họ được no đủ, đặc biệt vào những ngày tuần thất thường cúng kính trang trọng hơn (như đến chùa hoặc thỉnh chư Tăng về nhà làm lễ cầu siêu cho người quá vãng).
Sau 49 ngày, khi thần thức tìm được cảnh giới tái sanh, thường thì họ sanh về một trong sáu cõi của lục đạo (trời, a tu la, người, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục) và từ đây, sự thọ dụng của họ có khác biệt. Đơn cử như, nếu thần thức sanh vào cõi trời thì họ sẽ không ăn thực phẩm của cõi người vì thực phẩm ở cõi trời thượng vị hơn rất nhiều lần. Hoặc nếu họ đọa vào địa ngục thì cũng không thể thọ dụng được thực phẩm của loài người vì bị hành hạ, phải ăn hòn sắt nóng, uống nước đồng sôi, chịu nhiều đau khổ cùng cực v.v… Duy chỉ có các chúng sanh trong loài quỷ thần thì vẫn có thể “ăn” được những phẩm vật do thân nhân dâng cúng.
Mặt khác, đối với phong tục người Việt thì việc làm cỗ dâng cúng cha mẹ ông bà tổ tiên còn thể hiện tấm lòng thành của con cháu đối với người đã khuất. Do đó, để tưởng niệm người thân, vào các ngày giỗ hoặc lễ Tết thì mâm cơm cùng hoa trái để cúng kính ông bà và tổ tiên là điều không thể thiếu. Vì chúng ta là người trần mắt thịt nên không biết được thân nhân của mình sau khi chết tái sanh về đâu (chúng sanh trong loài quỷ thần vẫn hưởng được đồ cúng) và dâng cơm nước để thể hiện lòng thành, sự tri ân đối với người đã khuất là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc nên ta cần phải thực hành cúng kính. Nghĩa là, sau 49 ngày khi thần thức đã tái sanh thì chúng ta không cúng cơm nước hàng ngày như trước đây nhưng vào các ngày lễ tiếp theo như tiểu tường, đại tường hay ngày kỵ giỗ hàng năm thì thân nhân cần phải làm mâm cơm cúng giỗ. Có điều không nên quá câu nệ vào hình thức trong việc cúng kính mà luôn tâm niệm “lễ bạc nhưng lòng thành”, tưởng niệm về người đã khuất trong tinh thần tri ân và đền ân.
Vấn đề tụng kinh Dược Sư để “cầu an” cho mẹ ở cõi âm, theo chúng tôi thì nên chuyển thành để “cầu siêu” cho mẹ sẽ chính xác hơn. Vì các hương linh thọ sanh trong những cảnh giới khổ đau luôn mong mỏi người thân làm những điều phước thiện để hồi hướng cho họ, giúp họ nương nhờ phước báo ấy để mau được siêu sanh. Tụng kinh (không nhất thiết là kinh Dược Sư, Địa Tạng hay Di Đa…), lễ sám, làm phước như cúng dường, bố thí, phóng sanh rồi hồi hướng phước báo cho thân nhân là những việc cần làm. Nếu hương linh đã tái sanh vào những cảnh giới an lành thì việc hồi hướng phước đức cho họ càng làm cho phước báo của họ thêm tăng trưởng.
Thường thì sau khi người thân mất đi, thân nhân vì quá tiếc thương nên hay nhớ nghĩ về họ và thường mơ thấy người đã khuất. Hầu hết đó chỉ là những giấc mơ bình thường trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta chứ không phải là sự báo mộng của người chết hay khả năng “thấy” được cảnh giới của người chết. Do đó, không nên suy nghĩ nhiều hoặc tìm cách để giải mã những chuyện mộng mị mà tốt nhất là tập trung toàn bộ tâm lực để làm phước hồi hướng cho hương linh. Thiết nghĩ, đó là những việc làm có ý nghĩa thiết thực nhất để cầu nguyện âm siêu dương thái.
Chúc các bạn tinh tấn!
Theo Nhiên Như – Quảng Tánh (Tổ tư vấn báo Giác Ngộ)
Dọn cơm cúng vong như thế nào mới đúng?
Hỏi: Tôi thường thấy lúc cúng vong, có ba chén cơm để ngang nhau. Chén cơm chính giữa thì để một đôi đủa, còn 2 chén cơm 2 bên, thì chỉ để có 2 chiếc đủa. Xin hỏi, điều nầy có ý nghĩa gì ?
Đáp: Nghi cúng cơm nầy là do tổ tiên ta bày ra. Đây là một tập tục có từ ngàn xưa. Khi cúng để 3 chén cơm, một chén chính giữa phải đầy cơm và 2 chén 2 bên thì lưng.
Chén cơm và đôi đủa ở giữa là để cúng cho hương linh mới chết, còn 2 chén và 2 chiếc đủa 2 bên là để cúng cho 2 bên vai giác, tức là tả mạng thần quang và hữu mạng thần quang.
Thường là để cúng 3 chén, 6 chén hoặc 9 chén, chớ để 5 chén là sai. Lý do để 2 chiếc đủa 2 bên, ý nói rằng, ma cũ thường ăn hiếp ma mới, nên chỉ để một chiếc mà không để nguyên đôi.
Nếu để nguyên đôi, thì hương linh mới chết đó khó có thể ăn được trọn vẹn, mà bị các cô hồn giành giựt ăn hết vậy.
Cần nói rõ, cách thức cúng cơm nầy không phải là nghi thức của Phật giáo, mà là theo tục lệ tín ngưỡng nhân gian xưa bày nay làm mà thôi.
Thích Phước Thái
Theo: Chùa phúc lâm
TAMTHUC
Comment