No icon

nhung-cau-chuyen-bi-mat-cua-gioi-san-co-vat

Những câu chuyện bí mật của giới săn cổ vật

(maphuong)-Bấy lâu nay, khi nói đến cổ vật, chúng ta thường chỉ nghĩ đến giới “râu dài bụng phệ” lắm tiền nhiều của hoặc những học giả chữ nghĩa đầy mình. Ít có người biết rằng, có những nông dân chân đất ở nhiều miền quê, sáng đi gánh phân lợn, chiều về tay nải lên đường săn cổ vật. Sự am tường của họ về cổ vật đương nhiên cũng lõm bõm, thế nhưng chuyện họ đi săn cổ vật lắm điều kỳ thú.

Một vốn… vạn lời

Xế chiều, tại quá nước trà dưới chân đê, cô hàng xáo thở dài đánh thượt nhìn con đường phủ trong tầm mưa ngút ngàn. Đôi mắt cô chợt dừng lại trên chiếc bình đựng kẹo bột. Chiếc lọ dáng giọt nước, miệng to hơn chén hoa hồng một chút, cao cỡ hơn hai gang tay, màu đục ngà, có vài vết xước quanh họa tiết hình chùm nho tinh xảo, nét chạm nổi sắc nét, màu sắc nhuần nhã sống động như thật. Tò mò chị cầm thử, chiếc lọ nhỏ xíu nặng có dễ đến hơn 2kg. Chị thản nhiên lấy kẹo ăn rồi khen: “Ngon quá, bà bán cho cháu cả bình kẹo này về làm quà cho lũ trẻ”.

Ngừng một lát chị nhìn bà cụ bán hàng rồi chặc lưỡi: “Dưng mà cháu không có lọ đựng, sợ nó chảy nước ra mất. Hay cụ bán luôn cho cháu cái lọ này để cháu đựng kẹo, cháu trả thêm tiền để cụ mua cái lọ mới”. Bà cụ móm mém gật đầu đồng ý. Lọ kẹo cùng chiếc bình “khuyến mãi” chỉ có 15 nghìn đồng.

Nếu không có người am tường đánh giá, chiếc chuông vỡ này có lẽ cũng là cổ vật bỏ đi

Chiếc lọ lọt vào tầm ngắm của một người khá giả trong làng. Anh ta xin mua với giá 10 triệu nhưng cô hàng xáo không chịu. Ba tháng sau, một đại gia tên Văn ở phố Hàng Khay, Hà Nội tìm đến nhà chị Trần Thị Gái (xã Xuân Ninh, Xuân Trường, Nam Định), chính là người khách trú mưa mua lọ kẹo bột dạo đó. 

Ông Văn đặt vấn đề với chị: “Nếu tôi đổ axít loại cực mạnh vào mà không thủng bình thì ắt là loại bình Galeé của Pháp từ thời Đông Dương. Tôi sẽ trả cô chiếc bình này 3.000USD. Còn nếu nó “cháy” thì cô ráng chịu nghe”. Khỏi nói là chị Gái choáng đến nỗi suýt lăn khỏi ghế. Mấy giọt axít vương ra miệng, chạy ngoằn ngèo trên thân bình rơi xuống bàn làm cháy xém một khoảnh. Mồ hôi đọng thành giọt trên trán Gái. Đến khi đếm tiền tay Gái vẫn còn run.

Ngày 29/6/2001, Quốc hội đã ban hành Luật Di sản Văn hóa. Theo đó, các cổ vật, di vật, bảo vật là đối tượng được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt, đặc biệt, nếu nó thuộc di tích lịch sử, văn hóa. Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên. Di vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học.

Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học Khoản 4 Điều 13 Luật Di sản văn hóa quy định: “Nghiêm cấm hành vi mua bán, trao đổi và vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh; đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài”.

Một tuần sau Gái mở tiệc ăn mừng, sai chồng là Đỗ Đình Khải chạy xe sang xã bên cạnh bắt lợn về mổ khao anh em. Đang vật con lợn ngót một tạ, bỗng ánh mắt Khải dừng lại ở chiếc vại sành đựng cám cạnh chuồng. Chiếc vại đùng đục nhưng nét hoa văn bay bướm màu da lươn vẫn long lanh khác thường. 

Chỉ cần liếc qua Khải cũng biết đó là tác phẩm mỹ nghệ hiếm có. Trói lợn, trả tiền xong gã than thở: “Lợn này mấy hôm nữa mới thịt mà nhà thì không có máng. À, mà em thấy bác có chiếc vại sành mẻ bỏ không kia kìa, cho em để em về làm máng cho lợn ăn nhé”. Nhà chủ bán lợn dễ dãi: “Lợn bán rồi để lại cái vại mẻ làm gì, bác xách nốt đi”.

Trong bữa khao, chiếc vại được đánh rửa sạch sẽ mang ra cho các vị khách đấu giá với giá khởi điểm 100 triệu!

Từ đó, hai vợ chồng Gái bỏ nghề hàng xáo theo nghiệp săn cổ vật rong – mà theo giới trong nghề gọi là “đi sứ”. Những nhóm người chuyên thu mua cổ vật ở Nam Định, Hà Nội, Ninh Bình ra đời từ những “giai thoại” đó. Mỗi năm chỉ cần vài lần trúng quả là đủ ăn cả năm.

Một lần “đi sứ”

Một ngày cuối tuần tôi tháp tùng Hải “Hàng Lược” – một tay được mệnh danh là “dị nhân” trong giới săn đồ cổ đất Hà thành đi tầm đồ cổ ở Nghĩa Hưng, Nam Định. Có đi cùng Hải tôi mới thực sự hiểu thế nào là “đi sứ”. Trong xe Hải lỉnh kỉnh bộ máy ảnh, laptop, chân máy… chúng tôi trực chỉ về Nghĩa Hưng săn ảnh. Thường thường, dân “đi sứ” sẽ hóa trang thành thợ săn ảnh để có thể tự nhiên săm soi vào mọi xó xỉnh mà không bị người khác nghi là đang rình đồ “thó trộm”. Sau khi chụp ảnh khu làng cổ ở ven sông Ninh Cơ, chúng tôi tạt vào một căn nhà khá khang trang xin nước uống.

Chủ nhân ngôi nhà đi vắng chỉ có cậu con trai chừng hơn 20 tuổi đang nằm võng đọc sách giữa nhà. Hỏi chuyện mới biết, cậu ta đang là sinh viên khoa Công nghệ Thông tin – ĐH Quốc gia Hà Nội.

Người nông dân chân lấm tay bùn ở Tam Nông (Phú Thọ) trong cuộc khai quật cổ vật năm 2001

Tôi ngồi vu vơ chuyện vặt mà không để ý đến đôi mắt của Hải nhìn như dán vào chiếc đĩa to bằng bàn tay đựng chén nước nằm trên bàn. Rồi như giật mình, Hải lại ngồi thẳng người uống nước, trầm tư, vẻ như tính toán. Cơ may đã đến, cậu sinh viên nhìn chiếc laptop của Hải đặt trên bàn với đôi mắt thèm thuồng: “Ước gì em có chiếc máy tính như của anh nhỉ. Em xin mãi mà bố em vẫn chưa có tiền mua cho”.

Hải giả vờ say rượu, gà gật nói: “Chú thích thì anh cho đấy. Nhưng anh cũng thích bộ ấm chén nhà chú, hay ta đổi cho nhau. Máy tính của anh đáng giá hơn một nghìn đô đấy”. “Tưởng gì bộ ấm chén này bố em được một người bạn đi du lịch Trung Quốc đem về tặng. Nghe đâu cũng gần 1 triệu. Anh nói đổi thật hay đùa đấy”, cậu sinh viên nói như reo lên. Cuộc đổi chác diễn ra rất nhanh chóng trước sự ngạc nhiên và sung sướng đến tê người của cậu sinh viên trẻ.

Hải lên xe phóng như ma đuổi ra khỏi làng. Lên đê, gặp quãng vắng, gã dừng lại vứt bộ ấm chén xuống sông và chỉ giữ lại chiếc đĩa. Gã cười sung sướng: “Trời ơi, lần đầu tiên trong đời tao được nhìn tận mắt chiếc đĩa trà Khánh Xuân Thị Tả. Đây là loại mà triều Nguyễn hồi xưa đặt làm ở Trung Quốc mang về dùng trong cung đấy”.

Mấy hôm sau gã khoe: “Chiếc đĩa đó tao bán cho một tay Việt kiều được 8.000USD mày ạ”. Tôi không lạ vì có lần gã đã từng mua chiếc ống nhổ sứt mép đời Càn Long với giá 100.000 đồng rồi bán được gần 10 triệu, hay cái vò đựng rượu đời Thanh mua 50.000 đồng bán lại được 20 triệu…

Nghề chọn người

Thời gian gần đây, cơn sóng ngầm trong giới sưu tầm cổ vật bỗng bùng lên dữ dội mặc cho suy thoái kinh tế, mặc cho giá cả lạm phát. Nhiều người vẫn bằng cách nào đó, giàu lên nhanh chóng với khối tài sản kếch xù. Trong trăm vạn cách tiêu khiển bằng đồng tiền, một cách chơi tao nhã, đẳng cấp là sưu tầm đồ cổ. Chính vì thế, người mua kẻ bán ở thị trường đồ cổ chưa bao giờ thôi nhộn nhịp. Đội quân săn tìm cổ vật cũng theo đó tỏa đi khắp hang cùng ngõ hẻm. Nhiều kẻ tay mơ cũng gia nhập đội quân tỏa về các miền quê sưu tầm “hàng độc”.

Bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, Niên đại Càn Long được ví như là một báu vật vô giá trong giới sưu tầm cổ vật

Anh Trần Ảnh (đường Nghi Tàm, Hà Nội) người sưu tầm đổ cổ lâu năm nhận định: “Do gần đây nhiều người phất lên, hình thành tầng lớp siêu giàu. Họ muốn chứng tỏ mình bằng 2 cách: chơi xe hơi và chơi đồ cổ. Chính vì thế thị trường đồ cổ đang náo loạn đấy”. Nhưng cũng chính vì cơn sốt ấy nhiều người đã tán gia, bại sản vì các chiêu độc của các lão làng quái kiệt.

Nhiều vụ lừa đảo tinh vi trong giới cổ vật với các kịch bản hoàn hảo như trong truyện trinh thám. Đừng nói đến khách mua, ngay cả người trong nghề, nếu non tay, thiếu kinh nghiệm cũng “dính chưởng” như thường. Dạng như, những món đồ cổ “tình cờ” được để cho người “đi sứ” hé thấy hoặc được “cò” báo trước. Lúc mang ra giới thiệu “show hàng” là đồ xịn nhưng ngày mai mang về mới biết là đồ dỏm đã bị đánh tráo lúc nào không hay.

Một chiêu khác là “tút” lại hàng. Những chiếc lọ bị sứt, mẻ được các tay thợ lành nghề ở Bát Tràng, Thanh Hoá “phù phép” trở thành nguyên vẹn, lóng lánh như thường. “Chúng dùng một thứ bột và keo mua ở Trung Quốc về ráp lại, đánh bóng. Khéo đến nỗi mắt thường không nhìn thấy, chỉ khi dùng kính lúp mới nhìn ra”, anh Ảnh cho hay.

Một chiêu khác “độc” không kém là tung tin: “Ở Hòa Bình vừa đào được ngôi mộ cổ có nhiều đồ lắm”. Lúc đến mua (thường là ban đêm) họ đưa ra một lô lốc đồ vật nhưng chỉ cho xem một cái mẫu là thật rồi bắt mua cả. Khi về mở ra thì toàn là đồ “made in Bát Tràng” được làm giả cổ y như thật.

Tấm bia cổ từ thời Lý được những người nông dân tìm thấy ở Tam Nông (Phú Thọ) năm 2001

Hồi mới vào nghề Hải cũng bị một vố để đời. Tình cờ Hải mua được chiếc lọ độc bình đời Minh của một gia đình người Tàu ở Hải Phòng. Mang đến mấy tay đầu nậu họ lắc đầu cười: “Đồ giả chú mày ạ”. Hải vội bán thốc bán tháo gần 2 triệu đồng cho hòa vốn. Chỉ ít lâu sau Hải mới biết chiếc độc bình đó có chủ mới với giá gấp 80 lần. “Chỉ tiếc là mình non tay nghề nên mới “tuột xích” thôi”, Hải cười. Từ những tai nạn đó Hải chịu khó học hỏi các đàn anh trong nghề. Những quyển sách “gối đầu” của không ít người trong nghề là “Đồ sứ ngoạn cổ” của tác giả Vương Hồng Sển, Cảnh Đức Trân, Men Lam Huế… Hải cũng có. Anh biết trả giá cho sự sơ sểnh là cả một gia tài, là máu và nước mắt.

Hậu quả ai lãnh?

Bị lừa nhưng các “sứ quân” vẫn phải ngậm miệng làm thinh vì nếu việc vỡ lở thì không tống tháo đi đâu được, được vạ thì má mình cũng sưng. Thế là từ nạn nhân họ chuyển thành kẻ lừa đảo. Còn nạn nhân của họ là những người giàu mới nổi tập tễnh bước vào thú chơi sưu tập đồ cổ. 

Hải “Hàng Lược” kể lại rằng, một nữ doanh nghiệp mới nổi hồi cuối năm ngoái bỗng dưng gọi anh ta đến khoe “bộ sưu tập tượng” độc nhất vô nhị” có giá hơn 10.000USD. Xem một lúc Hải thở dài: “Chị đập đầu bức tượng gốm nung đời Trần này ra, thể nào trong đó cũng có mấy cọng rơm. Nếu không có, em đền tiền cho chị”. Nửa tin nửa ngờ chị nhắm mắt đập pho tượng xuống nền nhà. Quả nhiên trong đầu tượng có 3 sợi rơm vàng còn thơm mùi lúa. Vậy là, bức tượng cổ ấy chỉ có tuổi thọ có khi… vài tháng.

“Hồi xưa em cũng bị một cú thế này, mất sạch gia sản”, Hải an ủi. Bà chị vốn sừng sỏ trong thương trường mặt xám ngoét miệng lẩm bẩm: “Không ngờ chúng lại tinh vi đến vậy”. Cơn sốt đồ cổ chẳng biết bao giờ sẽ chấm dứt bởi ngày càng có nhiều người bước chân vào thú chơi “quý tộc” này. Một dòng chảy ngầm của việc mua bán, vận chuyển đồ cổ đang sục sôi mạnh mẽ. Và tất nhiên số nạn nhân thiếu hiểu biết mất tiền, tàn gia bại sản không ngừng tăng lên…

Giới thu mua đồ cổ thường chia đồ cổ không phải theo niên đại, thời kỳ mà chia theo đặc điểm xuất xứ của chúng:

1. Đồ bờ: Là loại đồ cổ sử dụng trong nhà hoặc được truyền từ đời này sang đời khác. Cũng có thể là đồ được “sưu tầm” từ đình chùa hoặc mua bán từ nước ngoài về. Vùng có nhiều “tiềm năng” nhất là các vùng đất kinh qua nhiều vương triều chiếm đóng: Nam Định, Bắc Ninh, Ninh Bình, Huế, Bình Định. Hoặc các vùng có nhiều gia đình quý tộc sinh sống lâu đời. Dòng đồ cổ này phần lớn còn giữ được dáng vẻ ban đầu, nguyên lành nên có giá trị rất cao, được giới sưu tầm ưa chuộng.

2. Đồ đào: Là đồ cổ có xuất xứ từ các cuộc khai quật. Thường là từ các di chỉ phát lộ, lăng tẩm vua chúa. Xuất hiện nhiều ở các vùng Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế… Đặc trưng là nhiều đồ tùy táng đồ đồng, tượng. Được giới đồ cổ đánh giá cao về vẻ độc đáo và niên đại cao (di chỉ). Nhưng ít thứ còn nguyên vẹn.
3. Đồ biển (đồ vớt); Là đồ cổ được vớt lên từ các xác tàu đắm ngoài biển hoặc dưới lòng sông do bị chìm tàu qua những cuộc di chuyển hoặc viễn du. Thường xuất hiện nhiều ở khu vực phía nam hoặc ở Hải Phòng, Nam Định.

TAMTHUC

Comment