No icon

rung-ma-ben-dong-se-pon

Rừng Ma Bên Dòng Se Pon

Bài 1: Huyền bí rừng ma Pa Roi
Người Vân Kiều bản Pa Roi quan niệm người chết là trở về với rừng, chốn linh thiêng nhất. Ở đó, người chết vẫn có một thế giới với đầy đủ mọi sinh hoạt. Rừng ma đối với người chết cũng giống như căn nhà sàn của người sống.
Ngược đường từ thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), tôi đi dọc đường biên tiến sâu vào khu rừng ma qua lời giới thiệu đầy hấp dẫn của những cư dân bản địa.
Dòng Se Pon huyền thoại nhiều thác ghềnh chia đôi biên giới Việt-Lào cứ cuồn cuộn như muốn nuốt chửng mọi thứ quanh mình. Con đường dọc biên giới lặng thinh không một bóng người. Thi thoảng vài tiếng chim, thú gầm gừ vọng ra bên mạn rừng ớn lạnh.

Già làng Pả Chiêng kể về các khu rừng ma ở Pa Roi. Ảnh: H.KHÁ
Bên kia dòng Se Pon, những cánh đồng hoang vắng thuộc tỉnh Savanakhet (Lào) trải dài hút tầm mắt. Bên này – nước Việt, khu đất thuộc xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị là những khu rừng ma âm u, bí hiểm.
Theo Pả Chang – một cư dân đã sống hơn 40 năm ở khu vực biên giới này thì dọc con sông Se Pon có hàng chục cánh rừng ma. “Mỗi xâu (dòng họ) có một khu rừng ma riêng. Các khu rừng ma này mang đậm dấu tích của người Vân Kiều xưa với nhiều phong tục hết sức kỳ lạ.
Nhưng muốn biết về sự bí hiểm, độc đáo của rừng ma thì phải nói đến bản Pa Roi. Ở đây, Pa Roi là bản có nhiều khu rừng ma nhất” – Pả Chang nói. Đường vào Pa Roi không dễ. Dốc cao, vực sâu và muốn vào tận rừng cũng mất gần cả ngày đường.
Thủ tục xin phép 
Muốn vào rừng ma, trước hết phải xin phép người đứng đầu xâu. Người này có nhiệm vụ cai quản rừng ma của dòng họ mình. Phong tục của người Vân Kiều không cấm người lạ vào rừng ma dòng họ mình, chỉ cần trước khi vào phải thông qua trưởng xâu một tiếng.
Việc nói cho người đứng đầu xâu biết là để họ kiểm soát, tránh kẻ xấu làm động đến rừng ma của dòng họ.

Muốn vào rừng ma phải luồn qua nhiều tán rừng rậm, đầy dây leo. Ảnh: H.KHÁ
“Muốn gặp người đứng đầu xâu phải đến nhà từ sáng sớm, chứ các vị này mở mắt đã vào rừng và tối mịt mới về. Có khi họ ở trong các lán trại ngoài rừng cả tuần không về”.
Lần theo chỉ dẫn của Pả Chang, tôi tìm đến nhà Pả Chiêng lúc trời còn tờ mờ sương. Mới sáng sớm mà bản làng vùng biên đã vắng tanh. Dân bản bảo mùa này họ dậy từ lúc ba, bốn giờ sáng. Người thì kéo xe bò lên nương tranh thủ thu hoạch vụ sắn trước khi mùa mưa rừng đến. Người thì xuôi đường lúc trời mới lọ sáng cho kịp buổi chợ bán vài buồng chuối, con gà…
Sáng, Pa Roi sương giăng kín cả vùng trời. Già làng Pả Chiêng đón khách lạ với vẻ ngờ ngợ, cảnh giác. “Mày vào đây có việc gì, đã báo cho cán bộ biên phòng chưa? Chưa báo thì tau không cho vào rừng ma của tau đâu. Ở dọc sông Se Pon này nhiều bọn buôn lậu, kẻ xấu lắm. Tau sợ nó vào phá động rừng ma”.
Sau khi biết tôi muốn vào rừng ma qua lời giới thiệu của cán bộ biên phòng, già làng Pả Chiêng xởi lởi kể về truyền tích các khu rừng ma xưa của người Vân Kiều. Pả Chiêng vui vẻ mời khách món măng rừng nấu cá suối rồi cử một thanh niên của bản dẫn tôi vào rừng ma.
Vào rừng ma 
Thuở xưa, rẻo đất Pa Roi nép mình bên dòng Se Pon chỉ có lác đác vài khu rừng ma của người Vân Kiều bản địa. Sau đó, thấy vùng đất này bằng phẳng lại tốt tươi thuận lợi cho việc trồng cây sắn, nuôi con dê… nên người các nơi khác đổ về ngày càng đông.
Ban đầu, một vài người mang vợ con chạy qua Pa Roi mong thoát khỏi cơn đói. Sau khi làm ăn thuận lợi, họ rủ anh em dòng họ qua đây định cư hẳn.

Tảng đá này là dấu tích của một ngôi mộ chôn cách đây hơn một năm. Ảnh: H.KHÁ
Già làng Pả Chiêng hồ hởi: “Đời con người có sinh có tử. Sau khi qua vùng đất mới, mỗi dòng họ kiếm một khu rừng để chôn cất khi có người trong dòng họ qua đời. Hồi xưa, ở xứ này chỉ có ba, bốn khu rừng ma nhưng bây giờ nhiều lắm. Mặc dù không định rõ ranh giới nhưng một dòng họ được phần một vùng đất để chôn người chết”.
Theo chỉ dẫn của người dân bản Pa Roi, tôi men theo con đường tiến về tận sát mép bờ sông Se Pon để vào khu rừng ma. Từ đường cái vào khu rừng tuyệt nhiên không có một lối mòn. Sau khi vượt qua được tán cây bụi gai, không gian tối om u ám, lặng ngắt. Xác người mới chôn bốc mùi tử khí rờn rợn.
Pả Chang cho biết ở trong khu rừng ma này ngẩng mặt lên trời bốn mùa vẫn không thấy mặt trời. Sở dĩ rừng không có đường đi là vì theo phong tục của người Vân Kiều sau khi chôn cất người chết họ không bao giờ trở lại ngôi mộ đó nữa nên không để lại lối mòn.
Càng tiến vào rừng ma Pả Chiêng, hàng trăm ngôi mộ hiện ra qua một vài mu đất được đặt một viên đá làm dấu. Ở một vài khu, mẻ sành chén bát bị hất tung lên mặt đất. Theo Pả Chang, sở dĩ có tình trạng các vật dụng mà người sống chia phần cho người chết như ấm, chén bị nổi lên mặt đất là do xác người ở các khu mộ đó đã bị thú đào bới.
Tục chôn người của người Vân Kiều hết sức đơn giản. Khi có người qua đời, họ chỉ ra rừng chọn một mô đất cao rồi họ đào huyệt mộ rất cạn bỏ xác người xuống và lấp lại rất sơ sài. Hầu hết các ngôi mộ đều nép mình bên một gốc cây lớn.
Tự hào về rừng ma của xâu 
Người Vân Kiều rất tự hào về khu rừng ma của xâu mình. Khu rừng của mỗi dòng họ rộng hẹp khác nhau. Có khu rộng vài hecta nhưng cũng có khu chỉ rộng vài trăm mét vuông.
Theo quy ước thì người của xâu nào chết phải được chôn ở phần đất của xâu đó. Không ai được xâm phạm hay tranh giành phần rừng của người khác.

Rừng ma Pả Chiêng u ám, ngột ngạt mùi tử khí. Ảnh: H.KHÁ
Người Vân Kiều bản Pa Roi quan niệm người chết là trở về với rừng, chốn linh thiêng nhất. Ở đó, người chết vẫn có một thế giới với đầy đủ mọi sinh hoạt. Cho nên họ mong cho khu rừng ma của dòng tộc mình được tốt tươi để những hồn ma đang “sống” ở đó được êm ấm.
Họ bảo rằng rừng ma đối với người chết cũng giống như căn nhà sàn của người sống. Người chết cũng mong được ở bình yên trong “căn nhà” của mình nên nhiệm vụ của người sống là không nên khuấy động, “phá” nhà của người chết.
“Người Pa Roi xem các khu rừng ma là một phần tài sản của dòng họ nên không ai nỡ tay chặt phá. Nếu gia đình, dòng họ hay ai đó bên ngoài có việc gì cần đến gỗ thì phải xin phép người đứng đầu xâu. Sau đó vị đầu xâu sẽ đứng ra làm lễ cúng. Nếu giàu thì giết mấy con bò, con trâu, còn nghèo thì phải có gà trống để cúng thần mới được vào khai thác rừng” – Pả Chang tâm sự.

  • Theo Hữu Khá (Pháp luật TP.HCM)
Bài 2: “Luật” ở rừng ma
“Luật” quy định không ai được chặt cây, đào bới trong các cánh rừng ma… Sau vụ đốn cây rừng năm ấy, Pả Chui sống điên điên dại dại. Có lúc giữa đêm khuya Pả Chui kêu là đau đớn vì bị thần bắt.
TIN LIÊN QUAN
Mỗi dòng họ của người Vân Kiều có một cách bày tỏ sự tri ân của mình đối với người chết khác nhau. Chuyện thờ cúng đối với người Pa Roi không quan trọng. Không có bất kỳ một sự ràng buộc “trách nhiệm” thờ cúng nào giữa người sống và người chết. 

Rừng ma là bất khả xâm phạm 
Già làng Pả Chiêng chia sẻ: “Sau khi chôn cất người chết xong, người thân trong gia đình không bao giờ quay lại ngôi mộ đó. Ai cũng sợ dính phải con ma rừng. Để tỏ lòng với người đã khuất, hàng năm đồng bào thường tổ chức cúng ma gọi hồn về một lần. 

Do không bị chặt phá nên bên dòng Se Pon vẫn còn những cánh rừng bạt ngàn. Ảnh: H.KHÁ
Thời gian lễ cúng không cố định, chỉ khi nào “con lợn trong chuồng, con dê rẫy lớn” là tổ chức. Việc cúng bái không bắt buộc phải đầy đủ lễ vật cho mọi gia đình trong bản. 

Tùy thuộc vào ý nguyện và của cải của từng nhà mà lễ vật cúng khác nhau. Nhà giàu có thì làm một bàn rượu, giết vài con trâu bò. Còn nhà nghèo không cúng cũng được, chả sợ bị người chết “trách móc” gì”. 
Trái ngược với việc cúng bái đơn giản, nơi chôn người chết đối với người Pa Roi, là vô cùng linh thiêng với nhiều điều cấm kỵ nghiêm ngặt. Với người Pa Roi cánh rừng ma là bất khả xâm phạm. Không ai được chặt phá rừng dù với lý do gì. 
Chỉ tay về cánh rừng ma của dòng họ mình, già làng Pả Chiêng nói lớn: “Chả có đứa nào dám đụng vào khu rừng của mình cả. Con cháu trong làng ngoài bản không ai bảo ai nhưng mọi người đều có trách nhiệm bảo vệ khu rừng của dòng họ mình. 

Một ngôi mộ vừa mới chôn bên góc cây lớn trong rừng ma. Ảnh: H.KHÁ
Không những bảo vệ rừng ma của dòng họ mình mà mỗi người dân Pa Roi đều ý thức được không bao giờ chặt phá rừng của dòng họ khác”. 
Theo những người bậc cao niên bản Pa Roi thì từ xưa đến nay ít ai dám đụng tay vào các khu rừng dọc con sông Se Pon. Việc chặt phá rừng ở đây hết sức kiêng kỵ. Luật nghiêm cấm mọi người chặt phá rừng dưới bất cứ hình thức nào. 
Dù chặt một cây hay chặt trăm cây cũng bị phạt tội như nhau. Trừ một số trường hợp có du di nhằm giải quyết nhu cầu, đảm bảo cuộc sống của bà con. “Chả lẽ ở bên rừng mà không có một thanh gỗ để làm nhà. 
Cho nên khi gia đình nào trong bản muốn làm nhà hay có việc gì cần muốn xin gỗ thì phải đến xin ý trưởng bản. Với những trường hợp chính đáng thì bao giờ già làng cũng đồng ý ngay” – Hồ Văn Bun, một cư dân xã A Dơi nói. 
Chặt rừng không xin phép sẽ bị “thần phạt” 
Chặt phá rừng là điều cấm kỵ mà dân bản ai cũng biết. Nhưng lâu lâu cũng có người tự ý vào phá rừng. Già làng Pả Chiêng nói trước đây làng có hai người do tự ý vào rừng chặt cây mà không xin phép bằng lễ cúng nên sau đó đã bị điên. 
Chuyện bản Pa Roi kể rằng cách đây hơn mười mùa rẫy, một thanh niên đã tự tiện vô rừng chặt phá. Người đó tên là Hồ Văn Thoi, ở ngoài trung tâm xã A Dơi. Chặt cây gỗ xong, Thoi khiêng cây gỗ về đến cửa nhà thì đột nhiên té xỉu. 

Dưới những gốc cây lớn hay bên những hòn đá tảng là dấu tích của các ngôi mộ. Ảnh: H.KHÁ
Sau đó, Thoi phát bệnh kêu là đau đớn rồi nằm liệt giường suốt mấy năm. “Trước đây, Thoi là một chàng trai lực lưỡng, là ước mơ của bao cô gái ở vùng này. Do Thoi động đến rừng ma mà không xin phép làm lễ cúng xin phép thần nên bị bắt đau. 
Sau khi biết Thoi bị thần phạt, gia đình đã mấy lần giết trâu bò làm cơm rượu nhưng vẫn không khỏi” – anh Hồ Văn Thân, anh em cô cậu ruột của Thoi kể. 
Ở bản Pa Roi, giờ không ai dám tự tiện chặt phá rừng. Ngoài Thoi, hình ảnh chàng thanh niên Pả Chui là nỗi ám ảnh của bà con dân bản. Sau vụ đốn cây rừng năm ấy, Pả Chui sống điên điên dại dại. 
Có lúc giữa đêm khuya Pả Chui kêu là đau đớn vì bị thần bắt. “Thằng Pả Chui nó dại lắm. Nó dám đụng đến rừng mà không chịu làm lễ cúng nên mới bị điên” – già làng Pả Chiêng kể mới năm ngoái có một đám thanh niên mặt mày bặm trợn chạy vào đây phá rừng. 
Sau khi vào rừng mới hạ được vài cây thì có ba, bốn tên ngã quỵ. Biết chuyện bị thần “sờ gáy” mấy tên lâm tặc nhanh chóng rút lui. Sợ quá, nghe lời dân bản họ làm bốn con heo trả nợ thần rồi biến mất tăm”. 
Do không bị tác động bởi bàn tay của con người nên các khu rừng chạy dọc dòng Se Pon xanh bạt ngàn. Trong rừng có nhiều cây gỗ thuộc loại quý hiếm, hàng ngàn cây cổ thụ mấy người ôm không xuể. 
Thiếu tá Trần Văn Xuân, cán bộ Trạm biên phòng Pa Roi nói: “Sở dĩ dọc khu vực biên giới bên sông Se Pon còn giữ được những khu rừng xanh tốt là nhờ “luật” rừng ma đã đi vào ý thức của dân bản. Ở trong các khu rừng này hầu như không có chuyện người dân tự ý vào phá rừng. Nhờ uy tín của người đứng đầu bản nên công tác kết hợp vận động người dân tham gia bảo vệ rừng rất tốt. Ai cũng muốn giữ bằng được những cánh rừng của bản”. 

Luật không được cải táng 
Người Vân Kiều bản Pa Roi quan niệm rằng ngôi mộ của người chết là chốn linh thiêng, cần có sự ổn định. Cho nên không ai được đào bới, cải táng. Xuyên qua những cánh rừng ma, chúng tôi bắt gặp hàng trăm ngôi mộ bị mưa rừng xói lở hoặc bị thú đào bới tanh bành. Hồ Văn Thân, một thanh niên bản Pa Roi lý giải: “Biết những ngôi mộ của bà con mình bị xói lở nhưng dân bản cũng không thể đắp lại. Luật ở bản đã quy định rồi, để người sống được yên không ai được dọn dẹp, xây dựng gì ở phần mộ đó cả”. 
Luật nghiêm cấm như vậy nhưng theo già làng Pả Chiêng thì trong những trường hợp cần thiết vì lợi ích cộng đồng như làm đường, xây công trình công cộng… thì chủ nhân của ngôi mộ cũng có thể đồng ý cho cải táng. Muốn cải táng phải nhờ già làng đứng ra sắm lễ mang đi cúng bái để xin con ma rừng cho “dời nhà”…

  • Theo Hữu Khá (Báo PL TP.HCM)

Comment