No icon

nguoi-thach-thuc-ran-than-ke-bo-nha-chay-tron

Người thách thức “Rắn thần”, kẻ bỏ nhà chạy trốn

Trong con mắt của người dân làng Mỹ Cụ (Chính Mỹ, Thủy Nguyên, Hải Phòng), thì gia đình gặp tai ương lớn nhất, là vợ chồng ông Lê Huy Lợi, ở ngay phía Bắc núi Rùa, mà theo phong thủy vẫn là phần đuôi con rùa.

Nghe nhiều người kể về gia cảnh ông Lợi, nên tôi tìm đến nhà ông. Ngôi nhà nghèo nàn, trống hoác. Tôi nhìn ngang ngó dọc mãi mà chẳng thấy có vật dụng gì đáng giá.

 

Ông Lợi mời tôi ngồi, rồi nhấc bước chân khó nhọc với cái lưng lòng khòng đi đun nước. Trên nóc chiếc tủ cũ nát có bát hương lãnh lẽo, tàn hương vương vãi, chẳng có tấm ảnh thờ nào.

Bỏ hoang miếu, thách thức thánh thần

Trước khi đến nhà ông, tôi đã nghe người dân trong làng kể nhiều về cái chết đau lòng đến với hai cô con gái của ông. Chuyện rằng, vợ chồng ông Lợi sinh được tới 5 người con. Tuy nhiên, hai cô con gái trắng hồng, đẹp đẽ của ông, vừa tuổi đôi chín, chẳng hiểu vì lý do gì tự nhiên mắc bệnh lạ, người cứ sưng húp lên, rồi đi theo ông bà tổ tiên.

Bàn thờ hai cô con gái của ông Lợi lạnh lẽo khói hương.

 

Nhấp chén trà nóng, ông Lợi kể những lời buồn: “Rời quân ngũ, tôi về quê lấy vợ thì bố mẹ cho mảnh đất khai hoang chân núi Rùa này. Tôi ở đây đã 30 năm rồi. Thú thực, từng ra sống vào chết ở chiến trường, nên tôi chả tin vào ma quỷ thần thánh.

 

Thế nhưng, từ ngày về sống ở đây, gia đình tôi cứ lục đục suốt, vợ chồng cãi nhau, rồi con cái đang khỏe mạnh xinh xắn bỗng lăn ra chết, nên tôi cũng hãi. Vợ tôi đi xem bói khắp nơi, ông thầy nào cũng phán đất nhà tôi nghịch, sau núi có ông thần cứ tìm mọi cách hành gia đình tôi.

 

Các cụ đã bảo có thờ có thiêng, nên tôi cũng nghe vợ lập cái miếu sau nhà, ngay chân núi để thờ phụng. Thờ mãi mà chả ăn thua gì, giời đất cứ hành gia đình tôi mãi, tức mình, tôi chả thờ cúng gì nữa, thánh thần muốn vật ai thì vật, chết thì thôi”.

 

Ông Lợi đã “thách thức” cả thánh thần.

 

Quả thực, trong đời làm báo của mình, tôi chưa từng gặp ai vạ miệng như ông Lợi. Nhưng dù sao, tôi cũng phải nể cái khí chất người bộ đội từng ra sống vào chết của ông, coi cái chết nhẹ bẫng.

 

Theo ông, sau khi hai cô con gái chết, vợ chồng ông lập ngôi miếu sau nhà thờ ông thần trên núi rùa, xin thần đừng hành gia đình ông nữa, thế nhưng, thần chẳng tha.

 

Sau khi cô con gái thứ 2 mất, một năm sau, vợ ông, bà Lê Thị Bạch bị tâm thần, cả ngày cứ ngơ ngẩn, nói năng lung tung. Ông đã đưa vợ đi khám chữa nhiều nơi, đủ các loại bệnh viện, tiêu tốn sạch bách tiền của, song chẳng ăn thua gì.

 

Sau khi thăm khám, bác sĩ chỉ bảo vợ ông bị suy nhược thần kinh. Chữa trị mãi không có hiệu quả, nên mấy năm nay chẳng chữa trị gì nữa, mặc ra sao thì ra.

 

Ngồi nghe ông Lợi kể chuyện về người vợ, tôi nhìn ngang ngó dọc mãi mà không thấy bà Bạch đâu. Như hiểu ý của tôi, ông Lợi bảo tôi cứ ngồi uống nước, kiểu gì lát nữa vợ ông cũng về.

 

Ngôi miếu ông Lợi từng thờ cúng giờ bỏ hoang.

 

Ông bảo, nhiều năm nay, ngoài lúc đi viện, vợ ông không bao giờ đi cách nhà 100m. Gia đình đi xem bói, thì thầy bói đều phán có vị thần trên núi Rùa giữ chân bà Bạch, không cho bà đi đâu xa.

 

Ông Lợi đang kể về vợ mình, thì một người phụ nữ cao lớn, nhưng sắc da nhợt nhạt, đôi mắt vô hồn về nhà. Mặc dù ông Lợi bảo bà ngơ ngẩn, nhưng tôi hỏi chuyện, bà vẫn trả lời rành rẽ.

 

Bà Bạch thú nhận rằng, hễ bà cứ đi cách nhà 100m là tức thở, cảm giác như không thở nổi, người mệt lử. Khi rơi vào trạng thái đó, bà phải lập tức quay về nhà, nếu không sẽ lăn ra ngất.

 

Quay về nhà rồi, bà lại trở nên bình thường. Tôi hỏi nguyên do, bà Bạch cũng bảo rằng do thần trên núi Rùa giữ rịt, không cho đi đâu. Nhiều năm nay, bà còn chẳng về được nhà mẹ đẻ của mình, dù nhà mẹ đẻ chỉ cách làng Mỹ Cụ có vài km.

 

Bà Bạch bên ngôi miếu mà vợ chồng bà bỏ hoang.

 

Kể những chuyện ly kỳ, rùng rợn liên quan đến gia đình mình xong, bà Bạch dẫn tôi ra ngôi miếu mà vợ chồng bà xây sau nhà, ngay chân núi Rùa.

 

Ngôi miếu nằm giữa khu vườn rậm rạp, u tịch, gây cảm giác rờn rợn. Đó là một ngôi miếu nhỏ, bên ngoài vẽ đôi rồng chầu mặt nguyệt, lợp phi-brôximăng, cửa che bằng tấm vải cũ.

 

Tôi vén tấm vải, thấy ban thờ chẳng có bát hương, bụi phủ trắng xóa. Dưới lòng miếu chỏng lỏn dép rách, chai lọ, chổi cùn. Trên bức tường bên trong, đôi rồng vẽ xanh đỏ tím vàng thè lưỡi nhìn phát khiếp. Tôi chụp ảnh ngôi miếu hoang vội vàng, rồi rời khu vườn u tịch gây cảm giác lạnh lẽo, gai người.

Bỏ nhà đi nơi khác ở

Sắp kết thúc loạt bài này, tôi giở lại cuốn sổ, với danh sách dằng dặc người chết bất đắc kỳ tử quanh quả núi nhỏ này mà thấy đau lòng. Có lẽ, không có ngôi làng nào mà cái sự chết chóc lại khủng khiếp và thê lương như thế.

 

Không những chết bất đắc kỳ tử, mà những câu chuyện đau buồn, cũng nẫu ruột không kém gì cái chết, là chuyện vợ chồng bỏ nhau, cha con ly tán.

 

 Nhiều ngôi nhà bên núi Dưỡng Chân giờ bỏ hoang.

 

Ông trưởng làng Trần Văn Ngoang ngồi trên núi Rùa, xoay vòng 360 độ và kể đủ số cặp vợ chồng bỏ nhau trên 10 ngón tay. Nhiều anh lấy vợ đến 2, thậm chí 3 lần mà vẫn chẳng thành gia thất.

 

Rồi chuyện phụ nữ trong xóm đi lấy chồng ở nơi khác, xã khác, sau thời gian lại ôm bị về nhà mình ở chân núi Rùa cũng không ít.

 

Vừa rồi, ông Hưởng, nhà ở lưng chừng núi Rùa, liền lúc đón cả hai cô con gái về nhà vì bị chồng bỏ, dù đi lấy chồng tận xã khác.

 

Có những vụ bỏ nhau hài ước đến nỗi, chỉ vì con dâu bảo không thể tiếp tục sống ở nhà chồng, vì đêm ngủ toàn bị dựng giường. Vì lý do đó, mà hai cô con dâu của ông Nguyễn Văn Đắc, nhà ở ngay chân dốc, chỗ cổ rùa đã tức tưởi bỏ đi, hai người con trai của ông lại thành trai tân.

 

Người dân sống quanh núi Dưỡng Chân rất cần lời giải đáp của các nhà khoa học.

 

Nghĩ “Thần Rùa” ra tay trả thù khi bị dân làng cắt đứt cổ, bổ mất đuôi, nên cả làng Mỹ Cụ sống trong sợ hãi bao năm nay. Sau khi cúng bái, trấn trạch đủ kiểu, những đen đủi mãi không dứt, nên người dân đã nghĩ đến chuyện chuyển đi nơi khác sinh sống.

 

Đã có vài ngôi nhà dưới chân núi trở thành nhà hoang. Những ngôi nhà ở chân quả núi này có cho cũng chả ai ở, chứ đừng nói đến chuyện mua bán.

 

Ông Ngoang dẫn tôi xuống chỗ gọi là cổ con rùa và chỉ hai ngôi nhà để hoang, cửa khóa im ỉm, cỏ mọc lút gối. Một ngôi nhà của con trai ông Đắc và một ngôi nhà mái bằng mới xây của anh Nguyễn Văn Dương, con ông Nhất.

 

Người dân lấy gạch trong mộ Hán về làm hàng rào. Liệu việc tiếp xúc với rất nhiều mộ Hán có ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân?

 

Mới đây, ông Trần Quang Thiện, là con cháu cụ tổ Trần Liễu đề xuất với ông Hưởng rằng sẽ đền bù chút tiền để gia đình dựng ngôi nhà nhỏ ở chỗ khác, gia đình ông Hưởng vui mừng ra mặt, lập tức nhận tiền và chuyển đi luôn.

 

Ông Hưởng có hai cô con gái đi lấy chồng xa, đột nhiên cùng bỏ chồng về ở với bố mẹ, đã khiến ông sợ mảnh đất núi Rùa này lắm rồi. Vợ ông Hưởng đêm nào cũng nhìn thấy con chó vàng nặng chừng 30kg, ngồi thè lưỡi lòng thòng ở ngay đầu dốc trước nhà, nên bà quá hãi hùng, chẳng còn thiết mảnh đất này nữa!

 

Có một chuyện kể ra khó mà tin nổi, dù là sự thật 100%, liên quan đến giải phóng mặt bằng trên đỉnh núi Rùa. Chuyện là đỉnh núi Rùa mấy trăm năm nay là nghĩa địa của làng. Người dân làng Mỹ Cụ chết đi, thì đều chôn trên đỉnh quả núi này.

Ông Tăng Bá Hoành không tin vào thánh vật, nhưng ông tin rằng những ngôi mộ Hán có chứa khí độc giết người.

 

Theo quan điểm của người dân trong làng, để người chết trên đỉnh núi thì người chết được mát mẻ, lên trời cũng gần hơn. Các gia đình đều đầu tư tiền bạc xây những ngôi mộ kiên cố bằng gạch và bê tông.

 

Thế nhưng, một hôm, một người hiểu biết địa lý về làng Mỹ Cụ, phân tích để người dân thấy việc đặt mồ mả trên đỉnh quả núi thiêng này rất sai lầm, làm hỏng mất phong thủy.

 

Trong truyền thuyết, con rùa này cõng cối xay vàng, nhưng người dân lại xây mộ trên lưng rùa, khác gì bắt rùa thiêng cõng mộ. Việc đặt mộ sai phong thủy cũng có tác động không tốt đến long mạch của làng.

 

Chỉ có phân tích đó của ông thầy địa lý, cùng với sự thuyết phục của chính quyền, rằng giành đất cho việc dựng di tích, mà chỉ trong 3 ngày, người dân Mỹ Cụ đồng loạt chuyển sạch trơn 200 ngôi mộ khỏi quả núi này.

 

Điều đặc biệt là người dân làm việc này vui vẻ, không hề nhận bất cứ một đồng tiền đền bù nào. Có lẽ, việc chuyển mộ, giải phóng mặt bằng ở quả núi Rùa là độc nhất vô nhị, chưa từng ở đâu nhanh như thế.

 

Những câu chuyện buồn, bi thảm ở cái xóm nghèo dưới chân núi Dưỡng Chân này liên quan đến chuyện long mạch, hay “Thần Rắn”, “Thần Rùa”, hay ngẫu nhiên, rất cần có sự giải đáp của các nhà khoa học.

 

 Nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Dương, người có 40 năm nghiên các loại mộ cổ: 

“Việc thánh thần nổi giận vật người, rồi chuyện động long mạch, yểm bùa thì tôi hoàn toàn không tin, vì chẳng có cơ sở khoa học nào cả. Nếu phá mộ mà bị thánh vật, thì các nhà khảo cổ bị vật chết hết rồi.

Tuy nhiên, trong những ngôi mộ Hán thường có rất nhiều khí độc, đặc biệt là ôxít đồng có độc tính cực cao. Các nhà khảo cổ khi khai quật mộ cổ, đặc biệt là mộ thời Hán, thường được trang bị cẩn trọng, mở mộ trong thời gian dài, để khí độc thoát hết ra mới dám xâm nhập vào.

Nếu người bình thường hít phải khí độc, đặc biệt là ôxít đồng đậm đặc trong mộ cổ, không toi mạng là may. Những người dân sống quanh vùng này, nhất là những người đã từng đào bới mộ lâm vào cảnh ốm yếu, bệnh tật, thậm chí là chết cũng có thể do họ bị ảnh hưởng bởi hít phải khí độc vẫn đang thoát ra từ trong những ngôi mộ.

Phạm Ngọc Dương ghi

TAMTHUC

Comment