No icon

giai-ma-loi-don-xa-thit-than-da

Giải mã lời đồn ‘xả thịt thần đa’

Dân gian có câu nói truyền miệng “thần cây đa ma cây gạo, cú cáo cây đề”. Có người dựa vào câu nói này để lý giải rằng cây đa thường có thần linh trú ngụ.
Ngày 9/5, cây đa cổ thụ nằm ven quốc lộ 70 đoạn qua thôn 5 xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái bị gió quật đổ. Và mọi lời đồn thổi bắt đầu từ đó lan ra thành những câu chuyện ma mị trong một bộ phận dân chúng nơi đây.

Nghe hỏi chuyện về cây đa cổ thụ bị gió bão quật đổ, nhiều người dân thôn 5 xã Thịnh Hưng tập trung đến để bày tỏ sự tức giận, phản đối hành vi của những thầy cúng không rõ tung tích tìm về đây lập đàn cúng tế “buôn thần bán thánh”.

Dấu vết cây đa đổ làm sập hai nhà dân ở thôn 5.

Vào viện vì dám “xả thịt thần”!

Trước khi đến thôn 5 xã Thịnh Hưng để tìm hiểu về gốc đa cổ thụ, một anh bạn ở xã Đại Minh không quên dặn dò: “Chúng mày đến đó quay phim, chụp ảnh thì cũng phải cẩn thận, đừng có làm kinh động đến thần đa, nếu không lại chịu chung số phận giống như những đứa to gan dám vác cưa máy đến xả thịt “thần đa” hồi tháng 5″.

Anh bạn người bản địa thao thao bất tuyệt kể về những tin đồn ma quái quanh gốc đa. Anh ta kể rằng, chuyện bắt đầu từ việc một cây đa cổ thụ bị quật ngã nằm chắn ngang quốc lộ 70 gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Do ba phần tư cây đa nằm chắn ngang đường nên muốn thông xe phải giải phóng phần cây đổ ra đường. Vì thế, chính quyền xã, huyện đã thuê người đem cưa máy đến “xả thịt thần đa”, cắt hết ba phần tư cây nằm chắn ngang đường. Thế nhưng, sau khi “xả thịt thần đa” xong thì những người tham gia “xả thịt” ngày hôm đó đều phải nhập viện vì nhiều lý do khác nhau.

Theo anh thì có 5 người tham gia chặt đốn cây đa hồi tháng 5. Từ đó đến nay, cả 5 người này đều bị “thần đa” trừng phạt, trong đó 1 người vừa lò dò ra đường thì bị một chiếc ô tô đâm trực diện phải đi cấp cứu ở bệnh viện, hiện không biết người này sống hay chết, còn 4 người còn lại bỗng dưng bị phù nề tay chân, đêm về bị đau nhức không thể ngủ được, cả 4 người đều đã đi bệnh viện khám chữa nhưng không khỏi.

Trước đó, đã có nhiều việc ngẫu nhiên xảy ra xung quanh cây đa cổ thụ khiến nhiều người tin là ở cây đa có thần trú ngụ.

Anh Nguyễn Văn Việt, ở thôn 5 cho biết: “Cách đây hơn chục năm, có hai người đàn ông trèo lên cây đa chặt cành, không rõ họ lấy cành về để ươm cây cảnh hay làm củi, nhưng chỉ sau đó vài ngày, hai người đàn ông này bị tai nạn chết bất đắc kỳ tử. Có người nói rằng vì họ cả gan động chạm đến “thần đa” nên mới bị trừng phạt.

Ngoài sự việc của hai người đàn ông không rõ tung tích này ra thì thỉnh thoảng những cành gỗ mục trên cây đa cũng hay rơi xuống đường. Rất nhiều lần bà con đang ngồi uống nước tán chuyện bên gốc đa thì bị cành đa khô to như cột nhà rơi ngay bên cạnh khiến mọi người ai cũng run lẩy bẩy, hoặc cũng có vụ cành đa khô rơi trúng đầu người đi đường nhưng may là không có ai tử vong”.

Anh Nguyễn Văn Việt bên gốc đa bị đổ.

Lập đàn cúng bên chuồng lợn Chị Nguyễn Thị Hằng, nhà ngay bên gốc đa cổ thụ bị gió bão quật ngã hôm 9/5 cho biết: “Sau khi cây đa đổ, có một người lạ mặt không biết từ đâu đến đã bày một mâm xôi, một con gà và hoa quả… khấn vái xin “thần đa” cho con cháu cưa cành rơi ra đường để xe cộ được qua lại an toàn. Sau lễ cúng của ông thầy lạ mặt mới thấy chính quyền xã, huyện cho người đến để chặt cây đa, giải phóng hàng trăm mét khối gỗ nằm chình ình giữa đường”.

Những tưởng sau khi chặt cây đa người dân sẽ thoải mái, yên ổn như xưa, không ngờ từ đó đến nay các thầy cúng không biết từ đâu cứ lũ lượt kéo nhau đến lập đàn cúng tế quấy nhiễu cuộc sống vốn rất đỗi yên bình của người dân.

Mới đây nhất là ngày 12/9 có một thầy cúng cùng 4 người đàn ông đi ô tô đến, những người này đem theo một mâm xôi, một con gà béo, 5 bát tiết canh cùng hoa quả… họ lập một bàn thờ ngay cạnh chuồng lợn nhà chị Hằng. Khi đến đây, vị thầy cúng lạ mặt đã bảo là họ được thần thánh báo tin là phải đến đây để lập điện thờ giải hạn, họ hô hào những hộ dân xung quanh phải đóng tiền xây dựng miếu thờ, nhà nào kinh tế khó khăn thì đóng 1 triệu, nhà nào khá giả thì đóng 3 — 4 triệu đồng.

Theo chị Hằng thì những người đến đây cúng bái thường ăn nói linh tinh, họ vừa cúng xong, khi quay ra nói chuyện lại toàn báng bổ thần thánh. Trong khi đó, ban thờ lại làm cạnh chuồng lợn rất hôi thối, khi cúng chưa hết tuần hương các con nhang đệ tử đã tranh nhau bưng mâm xôi, gà lên ô tô đi ăn trưa. Khi lên xe họ còn trầm trồ với nhau: “Hôm nay được ăn gà đất, xôi xịn, tiết canh ngan”. Những hành động kỳ cục khó hiểu của đám thầy cúng khiến nhiều người dân hết sức phẫn nộ.

Chỉ là sự tình cờ

Nói về lịch sử của cây đa, bà Hoàng Thị Bình cho biết: “Cây đa chỉ hơn 100 năm chứ không phải cả nghìn năm như đồn thổi. Khi tôi đến đây sinh sống, cây đa chưa to như bây giờ. Nhưng có lẽ do đất đai ở đây phì nhiêu nên cây đa này lớn nhanh như thổi. Nhiều rễ phụ từ trên cao đâm xuống đất khiến cho cây đa trở nên đồ sộ, vì vậy nhiều người đoán đa già đến cả ngàn năm”.

Cũng theo bà Bình, việc những người vác cưa máy đốn cây đa về sau bị tai nạn, phù nề… phải đi bệnh viện chỉ là sự tình cờ.

Chị Nguyễn Thị Hằng kể: “Trong đám chặt đốn cây đa có em tôi tên là Đoàn Tiến Vương, bị nghiện ma túy. Sau lần vác cưa máy đốn cây đa nó đi xe máy lên thành phố, chắc do lên cơn nghiện nên đâm vào ô tô sau đó phải đi cấp cứu ở bệnh viện tỉnh. Đến nay em tôi vẫn chưa tỉnh hẳn vì vết thương quá nặng. Việc tai nạn xảy ra là có nguyên nhân từ trước đó chứ đâu có phải là do thần thánh trừng phạt. Ngoài ông em tôi ra, bốn người còn lại vừa mới đi lên Cao Bằng làm ăn, chứ có phù nề thân thể đến nỗi đi bệnh viện như lời mấy thầy cúng nhảm nhí đồn đại đâu”.

 

Khác hẳn với những thông tin của người dân thôn 5 cung cấp cho chúng tôi, ông Phạm Ngọc Vương, Chủ tịch UBND xã Thịnh Hưng khẳng định: “Không có chuyện nhiều thầy cúng về đây lập đàn cúng tế. Đầu tháng 5 có một người đến cây đa cúng bái xin “thần đa” chặt cây, UBND xã có nghe thông tin nhưng không trực tiếp chứng kiến nên không biết”.

 

Theo Kiến Thức

TAMTHUC

Comment