chuyen-kho-tin-ve-cay-da-than-rua-nghin-tuoi-o-ha-noi
Chuyện khó tin về cây đa Thần Rùa nghìn tuổi ở Hà Nội
- bởi map --
- 07/03/2013
Cậu ta cứ lang thang ở hai gốc đa này suốt bao năm. Nhiều đêm, trời lạnh căm căm, cậu ta nằm hò hú nhảy múa trong gốc đa, con cháu tôi sợ không dám dậy đi… tiểu. Tôi phải rấp cành tre gai vào cổng vì sợ cậu ấy điên loạn sang tấn công nhà mình.
Sáng dậy ra xem thì cậu ấy nhô đầu lên khỏi bộ rễ đa cười hềnh hệch.
Tương truyền rằng cây đa Thần Rùa nằm bên đình làng Rùa thuộc địa phận xóm Rùa (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội) ước chừng đã ngàn năm tuổi. Đứng từ xa đã thấy được tán lá xanh rì cao vút và bộ rễ buông trắng toát. Càng lại gần, tôi càng có cảm giác như lạc vào “ma trận” đã được bố trí sẵn từ nghìn năm vạn thuở trước.
Người dân xóm Rùa và các vùng lân cận nhiều đời nay vẫn truyền cho nhau về huyền thoại Thần Rùa ngự trên cây đa nghìn tuổi này. Rồi những câu chuyện ly kỳ, nhuốm màu bí ẩn và có người nghĩ là hoang tưởng, huyễn hoặc vẫn cứ tiếp diễn và được kể lại đầy sức thuyết phục. Người ta bảo, cây đa sẽ trừng phạt những kẻ nào dám “báng bổ” thần linh và thực tế, những câu chuyện nửa hư nửa thực như thế đã xảy ra ở cái xóm nhỏ dưới chân núi Tản Viên này.
Phát điên vì chặt đa thần?
Theo các cụ cao niên trong làng, đình làng Rùa đã được xây dựng cách đây hơn 800 năm trên nền một ngôi miếu nhỏ, khi xung quanh chân núi Ba Vì còn là rừng đại ngàn rậm rạp, thờ Thánh Tản Viên Sơn. Sau đó, đình được xây cất lớn tại đây. Đặc biệt, vào thời hậu Lê, diện tích của đình lên tới vài mẫu. Dưới thời Vua Bảo Đại, đình làng Rùa đã được vua ban sắc phong.
Tiếc rằng đình đã bị thiêu rụi toàn bộ trong khoảng thời gian 1946 – 1952, vì thôn Rùa cũng như đình làng Rùa khi đó là cơ sở kháng chiến của các cơ quan tỉnh Sơn Tây cũ và là nơi đào tạo thiếu sinh quân cho Trung đoàn Ký Con – do một số vị tướng nổi tiếng của Việt Nam lãnh đạo. Trải qua thời gian, dân làng đã chung tay lập lại ngôi đình để con cháu có nơi sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng. Cây đa Rùa nghìn năm đã chứng kiến bao thăng trầm của ngôi đình và trở thành huyền thoại đối với mỗi người dân nơi đây.
Cây đa khổng lồ đứng sừng sững trên một mảnh đất rộng, vươn tán lá sum sê xanh tốt che bóng cả một khoảnh trời, bộ rễ hoành tráng với 9 rễ lớn và hàng chục rễ phụ buông lơi từ tít ngọn cây sà xuống, rồi vươn trên mặt đất như những chiếc móng rùa vững chãi ôm sâu vào lòng đất. Cây cao đến 40 mét, vòng gốc phải hàng chục người nắm tay nhau mới mong ôm hết được. Thân cây xù xì, lắm hang nhiều hốc, các rễ lớn trắng phau như được tô phấn; rêu xanh bám chặt, dương xỉ la đà tạo nên vẻ đẹp cổ kính cực kỳ quyến rũ cho cây đa nghìn tuổi này.
Trưởng thôn Đinh Văn Hữu kể lại những chuyện lạ xung quanh gốc đa thần.
Trên đường vào chiêm bái cây đa Thần Rùa, cạnh cái đập tràn của con suối nhỏ có một cây đa nhỏ hơn, người ta gọi là cây đa xóm Rùa Đồi, hay cây đa Lục Lăng. Theo ông Đinh Văn Luân (hơn 60 tuổi) – thủ từ đình Rùa -thì cây đa Lục Lăng có tuổi chừng 300 năm với vòng gốc khổng lồ, là cây “con” của cây đa Thần Rùa. Năm 2005, cây đa Lục Lăng tự nhiên bị gãy ngang thân, các cụ bàn nhau nhờ người đến cưa gỗ mang đi.
Ở xóm Nghe bên cạnh có anh Nguyễn Văn Hà (sinh năm 1979) có tiếng là khỏe mạnh, có vợ, có con đàng hoàng, làm ăn rất khá vì giỏi tính toán, chuyên nghề sơn tràng, đã mang cưa xẻ đến đốn thân cây bị ngã đổ lấy đi. Thế rồi, không hiểu sao, sau hôm ấy, đêm về anh Hà bị phát bệnh rồ dại, cứ luôn mồm nói “không phải tôi, không phải tôi!”.
Gia đình đưa anh đi chạy chữa khắp nơi, xuống cả Bệnh viện Tâm thần Trung ương ở Thường Tín mà bệnh tình của anh vẫn không thuyên giảm. Có lần, anh Hà bỏ nhà đi ra gốc đa Thần Rùa nói năng mê sảng, chui lủi trong các hang hốc, chạy xung quanh gốc đa.
Ông Đinh Văn Hữu – người đã hơn hai chục năm làm trưởng thôn Rùa, nhà ngay cạnh gốc đa – kể: “Cậu Hà ấy chết mới được hơn tháng nay. Cả khu vực này đều biết, sau khi đẵn cây đa cậu ấy phát bệnh. Gia đình lập ban thờ ở gốc cây tạ tội, giờ ban thờ còn đó, chân nhang đỏ đòng đọc, những tờ tiền cài bên bàn đá… Cậu ta cứ lang thang ở hai gốc đa này suốt bao năm. Nhiều đêm, trời lạnh căm căm, cậu ta nằm hò hú nhảy múa trong gốc đa, con cháu tôi sợ không dám dậy đi… tiểu. Tôi phải rấp cành tre gai vào cổng vì sợ cậu ấy điên loạn sang tấn công nhà mình. Sáng dậy ra xem thì cậu ấy nhô đầu lên khỏi bộ rễ đa cười hềnh hệch. Tôi giật mình, thở phào, cháu nó vẫn… sống! Tôi không mê tín, nhưng đúng là rất lạ, cứ ai đụng vào cây đa thì đều chết hoặc phát điên, phát dở dại…”.
Cùng hôm đó, anh Tuấn – nhà ở Hữu Bằng (Thạch Thất), bạn sơn tràng của anh Tư Vân đưa một chiếc xe tải lớn mới toanh đến chở gỗ đa, khi gỗ được khuân hết lên xe tải, xe vừa chuyển bánh thì một cơn gió mưa ào ào kéo đến, chiếc xe bị lật nhào xuống suối, gỗ đa theo dòng nước trôi xa hàng trăm mét. Dưới trời mưa tầm tã hôm đó, cả người mua gỗ và tốp thợ hãi hùng, “bỏ của chạy lấy người”, không dám ngoái đầu lại. Mấy ngày sau “trời yên bể lặng”, họ mới thuê xe kéo, máy cẩu ra để vớt chiếc xe tải về.
Câu chuyện ấy, tất cả người dân xóm Rùa và các vùng lân cận đều biết và kể rất tường tận. Họ cho rằng, Thần Rùa linh thiêng đã ra tay trừng phạt những kẻ bất kính, dám đến xẻ gỗ đa mà không xin phép ngài.
Cụ Đinh Văn Đức đã rất hốt hoảng, sai con cháu đi làm lễ tạ tội với các vị thần linh ở đình Rùa.
Kể về sự linh thiêng của ngôi đình và cây đa Thần Rùa, ông Hữu nhớ ngay đến chuyện mới đây của cụ Đinh Văn Đức, 93 tuổi, ra gốc đa làm lễ, cúng bái để cánh truyền hình quay phim mô tả cảnh ăn tết của người Mường. Trong quá trình cúng bái, cụ làm sai quy cách gì đó mà đã bị các vị thần tiên quở trách. Chúng tôi đến tận nhà thăm thì cụ Đức nằm trong một căn phòng tối om om, cái bếp củi để cụ sưởi đỏ rực một góc nhà. Khi chúng tôi hỏi cụ về việc ông Hữu kể, cụ cho biết đến giờ mình vẫn bị hoang tưởng, ngày đêm thấy “các vị tiên” nhảy múa quanh nhà, quanh giường.
Cụ Đức kể: “Hôm tôi cúng, lấy âm dương vẫn được mà. Cúng xong đưa các ông quay phim về, chưa kịp làm lễ tạ thì thằng Bảy nó đã đem lễ vật và rượu ra ăn uống vung lên, không làm lễ tạ được. Cây đa có thần cây đa, có thần Rùa, thần linh thổ địa ở đấy. Tôi làm từ đình từ lâu rồi. Vì mời người ta về mà chưa mời người ta đi, nên họ theo tôi về nhà. Chạy đi đâu cũng thấy họ cả. Họ ngồi ở gốc cây, ở hòn đá, họ nhảy múa, hát ê a hay lắm. Nhưng tôi thì sợ quá…”.
Con cháu của cụ Đức cho biết, từ khi họ đem lễ vật ra đình cúng tạ các vị thần linh thì cụ Đức bớt sợ hãi, không còn chạy thật nhanh đi “trốn” sự hoang tưởng của mình nữa. Ai được mắt thấy tai nghe câu chuyện cũng phải rùng mình sợ hãi.
Thần Rùa hiển linh “đòi” bia đá?
Ông Nguyễn Văn Phương kể lại những giấc mơ gặp thần của mình.
Câu chuyện về gia đình ông Nguyễn Văn Phương (40 tuổi) ở xóm Rùa đến nay vẫn ẩn chưa nhiều điều kỳ bí. Từ xưa, khi dân xóm Rùa còn chưa di cư ra phía ngoài, gia đình ông Phương ở chung trên một khoảnh đất rộng với nhiều gia đình khác. Năm đình Rùa bị giặc đốt cháy rụi, các cụ đời trước có mang tấm bia đá ở đình về kê làm bậc cầu ao để rửa chân, rửa tay cho tiện.
Từ khi đem bia đá về, các thành viên trong nhà đau ốm liên miên, không làm ăn được gì, gia đình thường xuyên mâu thuẫn, lục đục. Từ một gia đình khá giả, họ làm ăn ngày một lụn bại. Bản thân ông Phương liên tục nhiều đêm nằm mơ thấy những giấc mơ giống nhau đến kỳ lạ, ông kể: “Nhiều đêm tôi ngủ mơ thấy có một ông to lớn đi từ trên núi Ba Vì xuống, to đến nỗi mình không ôm được hết cơ mà, to lớn đến mức không nhìn thấy có chân ở đâu mà, kiểu như “ông Noel” ấy. Ông ý có vẻ mặt giận dữ như muốn đòi lại vật gì đó, tôi nhìn thấy ông ấy là đã hoảng rồi…”. Giấc mơ hãi hùng đó lặp đi lặp lại và trở nên rùng rợn, đáng sợ hơn khi có lần người trong gia đình mơ thấy “vị thần” nọ tức giận đòi đem các thành viên trong gia đình ông đưa ra sông để dìm chết, bắt ông phải trả nợ cho “thần”.
Lo lắng, gia đình ông Phương đi khắp nơi nhờ các ông thầy cao tay xem cho về tâm linh, phong thủy. Thật bất ngờ, dù khi đó rất ít người biết chuyện gia đình ông có tấm bia đá, dù các ông thầy ở rất xa nơi gia đình ông Phương sống nhưng đều “phán” một câu giống nhau: Phải đem trả bia đá cho đình thì mới sống yên ổn được. Quá sợ hãi, gia đình ông đã mời một vị thầy cúng cao tay về làm lễ tại đình và kính cẩn đem tấm bia trả lại vị trí cũ.
Ông Phương kể: “Từ ngày trả lại bia cho đình, những người trong gia đình tôi dần dần khỏi bệnh, tôi cũng không còn mơ thấy thần đến đòi bia nữa. Chúng tôi được sống yên ổn từ ngày ấy…”.
Để xác thực cho lời kể của mình, ông Phương còn kể hàng loạt các gia đình trong xóm có lấy đồ vật của đình mang về khi đình bị cháy rụi. Đến nay họ đều phải đem trả lại cho đình, dù vật đó chỉ là mấy viên đá ong xây đình mang về làm “ông đầu rau” kê bếp đun nấu, hay mấy viên ngói về lợp nhà, bởi gia đình họ đều liên tiếp gặp nhiều chuyện không may, có gia đình đã “tan đàn sẻ nghé”.
Cụ Hoàng Thị Cún – mẹ của ông Phương – năm nay ngoài 80 tuổi, nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Đang ngồi sưởi bên đống lửa, nghe tôi nhắc đến chuyện bia đá, cụ nói với tôi bằng giọng bàng hoàng thảng thốt: “Bia đá à, trả hết cho đình rồi mà, bây giờ vẫn còn đặt bên hiên đình đấy…”.
Cụ Hoàng Thị Cún vẫn chưa hết bàng hoàng, kinh sợ với những chuyện xảy ra với gia đình mình.
Câu chuyện bên bếp lửa ngày đông rét mướt của chúng tôi có sự góp mặt của mấy chàng thanh niên người Mường chất phác. Họ đua nhau kể về những ngày chăn trâu cắt cỏ vẫn thường chơi dưới gốc đa Thần Rùa, nhưng tuyệt đối không dám trèo lên cây.
Anh Nguyễn Văn Tư (sinh năm 1988) ở xóm Rùa kể: “Tôi có đứa bạn ở xóm bên, hôm ấy nó sang cây đa chơi, thấy cây có nhiều hang hốc, nó trèo lên bắt mấy con sáo về chơi. Về đến nhà nó đâm ra rồ rồ dại dại, cứ ngẩn ngơ, nói mê man, có lúc lại sốt cao. Gia đình nó sợ quá phải đem lễ ra đình cúng, rồi mang mấy con sáo ra gốc đa trả lại, về nhà thì thấy nó đã bình thường trở lại”.
Cây đa xóm Rùa đứng sừng sững uy nghiêm một góc trời bên ngôi đình trầm mặc, xung quanh lác đác vài ngôi nhà và vườn cây cối um tùm. Các cụ trong làng đều kể rằng cây đa rất thiêng, có người “yếu bóng vía” đi qua cây đa thường gặp “sự lạ”. Có anh tên là Tám Anh – người ở xóm ngoài gần ủy ban xã Vân Hòa – vào xóm Rùa làm rể ông bà Vĩnh Hai. Mùng 1 tết, anh Tám Anh sang nhà thăm bố mẹ vợ, đi qua cây đa Thần Rùa, bỗng nhiên anh thấy có con khỉ leo trèo, chuyền cành chí chóe trên cây đa, anh lấy gạch ném chơi. Về đến nhà anh Tám Anh bỗng dưng phát sốt, nằm ốm liệt giường mấy tháng trời, không làm được việc gì, công việc cày bừa, đồng áng đành bỏ lại. Bây giờ, mỗi lần gặp gỡ bạn bè, anh Tám Anh vẫn khiếp vía và hãi hùng kể lại câu chuyện ấy.
Người dân xóm Rùa vẫn kể, vào khoảng những năm 90 thế kỷ trước, có một hộ gia đình sống gần cây đa Rùa, không biết vô tình hay cố ý làm cầu tiêu ngay cạnh gốc đa. Một thời gian ngắn sau đó, chính người đàn bà ấy phát điên phát dại, bỏ cửa nhà đi lang thang rồi chết ở nơi đất khách quê người, mãi sau này mới tìm thấy xác ở mạn xuôi. Con cháu của gia đình đó cũng thay nhau đau ốm liểng xiểng, mùa màng thất bát…
Sau những câu chuyện ly kỳ về Thần Rùa ngự trên cây đa nghìn tuổi, người dân ở Vân Hòa tin rằng, đó là một nơi linh thiêng và cây đa Rùa tượng trưng cho một vị thần cùng với đức Thánh Tản cai quản vùng núi Ba Vì. Bên cạnh những câu chuyện mang sắc màu cổ tích huyền bí như câu chuyện Thần Rùa hiển linh che chở cho dân làng khi giặc Pháp càn qua vùng này, thì ở xóm Rùa có những câu chuyện rất thực mà đến bây giờ, mỗi người dân nơi đây đều khẳng định chắc chắn đó là sự thật. Họ tin rằng, ăn ở hiền lành, sống có tâm thì sẽ được Thần Rùa phù hộ, giúp đỡ. Ngày lễ tết, khắp lượt dân làng đều ra đình Rùa và gốc đa Rùa cúng tế, cầu xin cho mùa màng bội thu, cho cuộc sống bình an, hạnh phúc.
Cây đa Thần Rùa và ngôi đình thôn Rùa còn nằm ở trên con đường chinh phục đồng bằng của người Mường cổ trong quá trình di cư từ Mường Bi (Hòa Bình) qua Lương Sơn xuống lập trại trồng lúa nước, khởi thủy cho nền văn minh lúa nước miền châu thổ sông Hồng trong suốt thời gian biển lùi để nhường chỗ cho đồng bằng phù sa màu mỡ xuất hiện. Nhiều thế kỷ trước đây, mọi người dân làng Rùa khi đi qua cây đa đều phải ngả mũ để thể hiện sự kính cẩn trước thần cây đa.
Cây đa Thần Rùa được đánh giá thuộc vào loại khổng lồ và đẹp nhất Việt Nam và đã được dự kiến trở thành ”Cây di sản”. Dù cho những câu chuyện ở làng Rùa kia không rõ liệu có bao nhiêu phần “hư”, bao nhiêu phần “thực”, nhưng dân làng và dân các vùng lân cận vẫn cứ truyền tai nhau, khiến cho cây đa nghìn tuổi càng trở nên linh thiêng và kỳ bí.
Comment