nhung-chuyen-thanh-than-bi-an
Những chuyện thánh thần bí ẩn
- bởi map --
- 11/04/2013
Năm 1994 tôi về công tác tại xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, Đồng Nai. Khi có thì giờ rảnh rỗi thường chụp ảnh cho bà con để làm thân và tăng thu nhập. Một sự cố rất hy hữu và khó hiểu đã xảy ra.
Nhà kia sau khi nhận tấm ảnh tôi trả, khen ảnh đẹp, trả tiền xong tình cờ họ phát hiện ra trong tấm ảnh, đằng sau hình ảnh thật của người chụp khá sắc nét, là một hình mặt người lờ mờ, rất khó nhìn rõ nét nhưng trăm phần có thực.
Gia đình này có hai luồng ý kiến. Cụ bà hơn bảy chục tuổi thì quả quyết đó là hình bóng cụ nội bên ngoại, khi bà còn là đứa trẻ 5 tuổi, có gặp cụ đôi lần và được cụ rất quý mến.
Anh con trai cả, là một nghệ sỹ xiếc mới nghỉ hưu thì lại đoán chắc là ông bác bên nội, ông này khẳng định cái cằm vuông, gương mặt không dài chắc chắn là ông bác đã hy sinh nay hiện về.
Phần tôi, tôi nhớ như in thời khắc bấm máy. Ảnh được chụp giữa thanh thiên bạch nhật, bên sân nhà vào giờ vắng không có ai tới ngó xem gì cả. Đằng sau người chụp là tấm phông được tạo bởi tấm nilon chống mưa mới, khổ rộng màu xanh nhạt. Từ lúc chuẩn bị đến khi chụp xong chỉ mươi phút rồi về.
Do đó, hiện tượng trong tấm hình có một gương mặt khác, dù rất mờ nhạt trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi.
Bí ẩn từ những bức ảnh chụp
Gia đình bà H sau khi có tấm hình, đem thờ trên bàn thờ và theo họ, “đường làm ăn” ba bốn năm sau đó mỗi ngày một phát đạt.
Phần tôi, trở nên “đắt show” hơn, ai cũng muốn mời tôi chụp hình để nếu có cơ may, họ thấy được tổ tiên.
Có điều hơi phiền là cứ luôn bị người ta hỏi về chuyện tấm hình kia, tôi cũng phải trung thực nói là “có”.
Một tháng sau, những người hiếu kỳ đến xin coi lại thì hình ảnh ẩn phía sau mờ dần rồi biến hết.
Quanh vùng này, vẫn râm ran chuyện tổ phụ nhà bà H. hiện về trong tấm ảnh. Câu chuyện được những người cao tuổi, đứng đắn chứng nhận bởi chính họ cũng được nhìn thấy ít nhất một lần!
Năm 1997, tôi về bắc, một số người thân hỏi rất kỹ về “thần đèn” Năm Lũy ở Nam Bộ có tài xoay chuyển, di chuyển những công trình kiến trúc nặng hàng ngàn tấn đi rất xa, nhiều khi kéo từ bên này qua bên kia đường quốc lộ một tòa nhà mà người còn ngủ trong đó hoàn toàn không biết. Tôi nói lại với bà con rằng: Chuyện đó hoàn toàn có thực và thêm rằng: Tôi đã thấy ông ta đã chuyển cả tòa cổng chùa Vĩnh Nghiêm nổi tiếng, nặng hàng chục tấn an toàn.
Gần đây, liên tục xuất hiện những tin tức về chuyện người này hóa thánh, kẻ kia thành bậc “tiên tri” với những điều siêu kỳ diệu, đến sửng sốt.
Cùng lúc đó, những mùa lễ hội thi nhau mọc ra, có những loại lễ hội kéo dài cả tháng, cứ như là dân nước này đã rất giàu có, hoàn toàn thảnh thơi và lấy du lịch, lấy việc thờ phượng, hướng về thế giới tâm linh làm vui vẻ và làm nguồn sống chính không bằng.
Trên báo chí, ngay ở mục quảng cáo, để bán một chiếc xe, họ cũng nhấn mạnh đến số “nút” trong biển kiểm soát giao thông của cái xe như một ưu thế hàng hóa!
Có vẻ như đang phát triển song hành một hình thái xã hội, được đặt tạm một định danh là “đời sống tâm linh”. Danh từ này dù rất trìu tượng, nội hàm rất mông lung nhưng được tận dụng, được vận dụng rất xông xênh, thậm chí gián tiếp điều chỉnh một số chính sách về văn hóa, cho phép hoặc khuyến khích những hoạt động theo “trục” này phát triển nhanh như gió.
Sự phát triển, đôi khi đạt cấp độ rất cao này, có hàng loạt căn nguyên nhưng thường bắt đầu bằng những “căn cứ” đại loại như được nêu trên phần mở đầu bài này. Những hình hài, những tình tiết, những vĩ thanh phụ trợ từ những vận động như là có thực này là một tác nhân tạo nên sự ngộ nhận hay kết luận không thấu đáo của ngay một lớp người được xem là cẩn trọng, nghiêm túc. Từ những người này, sức lan tỏa rộng và nhanh hơn, “phổ” vào đời sống cộng đồng một không khí sống mới, nhiều khi rất chông chênh, rất không căn bản nhưng rất mạnh.
Những căn bản trong những điều hy hữu
Tôi phải mất bốn năm trăn trở về chuyện tấm hình nói trên, chưa lý giải được, chưa thể “ăn ngon, ngủ yên” được.
Một hiện tượng có thể nói là kỳ quái mà mình chính mình là tâm điểm. Bản thân mình trở thành “nhân chứng” dù không thoải mái lắm. Kế theo đó là nhiều nhân vật “oai” hơn mình cũng trực tiếp ghi nhận, đẩy vấn đề nêu trên thành một hiện tượng lớn mà những người theo phái duy tâm dùng nó minh họa cho một loại thế lực siêu phàm.
Tôi tiếp cận trở lại với từng “hiệu ứng” của vấn đề, mổ xẻ thật khách quan để hy vọng lý giải được từng phần một những diễn biến đã xảy ra.
Trước hết, chuyện nhà bà H làm ăn tốt hơn, là điều rõ ràng, không tranh cãi.
Khi đi sâu vào thì biết, hộ dân này ở Hà Nội vào, vốn liếng rất mạnh, trước đó vài năm đã mua được một khu vườn đẹp về địa thế nhưng rất tệ về thổ nhưỡng vì đây là vài hecta đất hầu như toàn đá cục, chỉ có một lớp đất mỏng trên mặt, gieo trồng cây gì cũng cằn cỗi, năng xuất thấp. Gia chủ thuộc loại dầy vốn, sau khi thấy khó ăn vì mua lầm bốn hecta đất này, moi đá hoài không xuể liền mua đất đổ vào, tạo một mặt bằng giả để bán tháo. Họ trồng cây chôm chôm lên bề mặt cho “vui mắt”. Khi cây chôm chôm bói lứa quả đầu tiên chính là thời điểm chụp bức ảnh kỳ lạ.
Một năm sau, không ai ngờ, cái vườn xem như xấu với nhiều loại cây nay rất tốt với cây chôm chôm.
Lứa cây này ăn dinh dưỡng của vài ngàn mét khối đất bazan vừa đổ vào để làm hoa trái nhưng cái hay nhất là nó đứng trên nền tảng của một liên kết đất đá gấp ghểnh, lộn xộn.
Do đó, khu vườn này khác hẳn khu khác là sau khi tưới, thoát nước rất nhanh.
Đó là tất cả vấn đề.
Vườn chôm chôm nếu chín sớm, trước tầm tết đoan ngọ, thuộc hàng “đầu mùa” giá cao khủng khiếp. Về cuối mùa, có khi rẻ bằng 5 lần. Có những chủ vườn bỏ luôn không thu hoạch vì tiền hàng không bù nổi tiền công thu hái.
Nhà bà H mỗi lứa chôm chôm sớm, thu ba chục cây vàng, có khi hơn vì bởi mất nước, nó chín sớm hơn của thiên hạ một tháng. Khu vườn của bà được giới cò lái đất, giới nhà giàu đô thị để mắt, dạm hỏi mua lại liên miên. Nếu bán, lãi gấp ba bốn lần khi mua, đắt gấp hai lần những thửa đất đồng đẳng khác kế cận.
Mặc dù gần đây tôi biết, “nó” đã xuống dưới vạch đỏ, giá trị trở lại bình thường vì chỉ vài vụ, cây ăn hết lớp đất màu đổ vào, cũng hết …thiêng , mặc dù nhà bà H vẫn trân trọng thờ tấm hình mười sáu năm nay.
Cái phồn vinh, cái thịnh vượng trong cách nhìn nhận, đánh giá của người dân khu vực nông thôn nhằm thẳng vào những giá trị ấy.
Thật khách quan mà nói, những diễn tiến kinh tế này không liên quan gì đến bức ảnh.
Cuối cùng, nghi án “tấm ảnh thiêng” được vén lên
Bốn năm sau khi chụp tấm hình thần thánh trên tôi bán lại cái máy cho một người mới vào nghề. Chính anh này đã phát hiện ra bí mật: Cái máy Zenit B220 của Liên Xô cũ đời 1995 có thấu kính rất tốt, ảnh chụp rất đẹp, sắc nét nhưng hoạt động của bộ cơ cực kỳ dở. Nó chỉ “bắt đèn” ở tốc độ 30/s. Do đó, nếu chụp đêm, bật đèn mà mở tốc độ 60/s hoặc 125 coi như tối thui, máy không bắt được.
Sau khi chủ mới kêu ca về cái máy, tôi mách anh ta cách xử lý để cứu lấy cuộn phim là tua lại, chụp như bình thường, đỡ đồng nào hay đồng ấy.
Anh ta làm theo và tại đây, một loạt hình “kép” ra đời.
Với những tấm hình đã chụp đêm, với khẩu độ vừa và nhỏ, tốc độ 60/s – 125 /s coi như không vấn đề gì, coi như phim mới.
Nhưng, với ảnh trường sáng sủa hơn bởi các nguồn sáng bổ trợ khác có sẵn như đèn pha, đèn chiếu sáng có cường độ mạnh, đáy phim đã bắt được lờ mờ vật chụp.
Cho nên sau khi chụp ảnh mới, trên phim vẫn còn lưu một hình ảnh rất mỏng chụp hồi đêm trước.
“Ông cố nội” nhà bà H bốn năm trước chính là dạng này, chính là ông bạn tôi ở một cây xăng gần đó tôi mới chụp kỷ niệm nhưng quên không “về” tốc độ 30/s. Hôm sau, vì tiếc tiền hơn chục kiểu phim đã chụp hư nên tôi đã tua lại, dùng lần nữa.
Nhưng, sự lý giải rõ ràng này sau bốn năm không còn ý nghĩa gì nữa. Cái máy ảnh Liên Xô có lẽ đã vào bảo tàng. Ở Hưng Lộc, cuộc sống đã ầm ầm chuyển động. Nhà bà H cũng đã về thành phố. Những người biết câu chuyện năm xưa nay đã tản tán mỗi người một nơi, có muốn giải thích với họ cũng không được nữa.
Một kết luận sơ bộ được rút ra: Mỗi sự thể, dù là sự thể kỳ quái đến mấy đều có một căn nguyên chính đáng, có cái dễ tiếp cận, có cái cần một chiều dày thời gian, một sự trắc nghiệm, trải nghiệm, một phân tích hay phản biện thật tinh tường, nghiêm cẩn, khách quan mới “ra vấn đề”.
Nhưng đa số không chọn phương pháp tư duy này mà nhiều người chỉ dùng một “quy trình” cực kỳ đơn giản là: Ông ấy nói – tôi tin – tôi tin vì ông (bà) ấy là người tử tế, tin được.
Tuy nhiên, từ “người tử tế” đến tư cách của một người biết quan sát, có tư duy khoa học, có đủ điều kiện để kết luận, phát ngôn là một khoảng rất lớn, nhiều khi hàng thế kỷ.
TAMTHUC
Comment