No icon

hon-ma-noi-ngoi-mo-co-bi-an-cua-co-gai-tre

Hồn ma nơi ngôi mộ cổ bí ẩn của 47 cô gái trẻ

Ngôi mộ cổ có từ cách đây khoảng 2.500 năm tình cờ được phát hiện ở Giang Tây, Trung Quốc cuối năm 2006 thật bí ẩn khi nó chứa tới 47 quan tài làm từ những thân cây nanmu.

Đây là lần đầu tiên có một ngôi mộ tập thể được tìm thấy ở vùng này và nó được coi là khám phá khảo cổ quan trọng nhất ở Trung Quốc trong những năm gần đây.
Các cuộc nghiên cứu cho đến nay lại cho thêm một kết quả bất ngờ: tất cả 47 hài cốt trong mộ đều là những cô gái rất trẻ. Các nhà nghiên cứu đang cố gắng giải mã bí ẩn lịch sử này.

Một ngày mùa đông cuối năm 2006, Viện Khảo cổ học tỉnh Giang Tây nhận được tin báo tại thôn nhỏ huyện Tĩnh An thuộc tỉnh này có kẻ đào trộm mộ cổ. Ngay lập tức Phó viện trưởng Từ Trường Xuân cùng một đoàn các nhà khảo cổ được cử tới thôn trên để điều tra.

Từ xa ngôi mộ tập thể này trông giống một ngọn đồi hình bát úp, có độ cao chừng 13m, cây cối mọc um tùm. Căn cứ vào dấu vết mà kẻ đào trộm để lại, ông Từ Trường Xuân cho rằng ngôi mộ vẫn còn nguyên vẹn.

[IMG]

Mở một quan tài trong mộ.

Kẻ đào trộm đã bị sớm phát hiện, nên vội vàng bỏ trốn khi chưa kịp lấy đi thứ gì. Ngay ở cửa ra vào, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra những vết tích sợi vải dệt, càng đi sâu xuống càng thấy nhiều chất liệu vải dệt được bảo tồn tương đối tốt.

Trước đó không lâu, cũng ở gần đấy các nhà khảo cổ đã phát hiện một di hài con gái ở gò Mã Vương chôn cách đây hơn 1.000 năm mà vẫn được giữ nguyên không bị phân hủy. Bởi vậy các nhà khảo cổ hy vọng lại bắt gặp điều tương tự ở thôn nhỏ nói trên. Nhưng những gì mà họ tìm thấy còn đáng kinh ngạc hơn rất nhiều: Đó không phải là một ngôi mộ bình thường, mà là một nấm mồ tập thể, trong có tới 47 quan tài xếp ngay ngắn.

Ngôi mộ này có từ thời Xuân Thu Chiến Quốc cách đây khoảng 2.500 năm. Các nhà khảo cổ phát hiện thấy khá nhiều đồ tùy táng bằng đồng, bạc, gốm sứ…, trong đó có một số đồ đồng khắc chữ “Từ Quốc”. Từ Quốc là một nước chư hầu thời Xuân Thu Chiến Quốc, khá rộng lớn và đặc biệt phát triển về nghề nông và nghề dệt.

Trong số 47 quan tài này, có một chiếc được đặt trên bệ cao hơn và có quách bọc bên ngoài. Chiếc quan tài này cũng lớn hơn những chiếc bình thường, dài 3,1m, rộng 1,1m và nặng tới khoảng 1 tấn. Đây có thể là người chủ hoặc người có chức sắc. Ngay bên cạnh đó còn có một bệ cao đặt quan tài khác, nhưng trên lại không có gì.

Cả 47 cỗ quan tài đều có dạng độc mộc làm từ gỗ nanmu, một loại gỗ quý hiếm và có độ bền rất cao. Chúng là những khúc gỗ lớn nguyên khối khá đều nhau, được khoét ra để đặt thi hài vào.

Lý giải câu hỏi vì sao cùng một lúc có 47 người bị chôn? Ban đầu các nhà khảo cổ nêu giả thuyết cho rằng hồi ấy Từ Quốc thường bị nước Ngô và nước Sở đe dọa, nên có thể 47 người cùng bị chết trong một trận tử chiến. Nhưng vì không tìm được bất cứ binh khí nào, nên giả thuyết này nhanh chóng được loại trừ.

Các cuộc nghiên cứu cho đến nay lại cho thêm một kết quả bất ngờ: Tất cả 47 người được mai táng trong mộ đều là những cô gái rất trẻ, tuổi từ 15 – 25 tuổi, nhiều cô còn là trinh nữ. Trong số 47 quan tài thì 22 hài cốt còn khá nguyên vẹn, trong đó có một cô gái nằm nghiêng, chân trái gác lên chân phải với tư thế rất tự nhiên.

Khi mở rộng tìm kiếm, các nhà khảo cổ phát hiện thấy bên cạnh các quan tài có những hòm đựng bộ đồ dệt vải, và có một số hạt dưa ở trong quan tài. Ngoài ra, còn tìm thấy những tinh thể màu xanh bí ẩn bên trong 11 hài cốt. Qua phân tích, các nhà nghiên cứu xác định những tinh thể này mới hình thành trong các quan tài và chúng “mọc lên” từ một loại độc tố.

Cũng vì thế, một giả thuyết khác được đưa ra là các cô gái này đã bị chết cùng một lúc khi ăn cơm trong đó có thuốc độc. Ngay trong những hạt dưa cũng tẩm thuốc độc. Vì sao họ bị hạ độc? Hay đây là thợ dệt vải của một gia đình quyền quý bị chôn theo chủ?

Những câu hỏi đó vẫn chưa có lời đáp. Tuy nhiên, việc nghiên cứu các sợi vải dệt của những bộ trang phục được chôn trong ngôi mộ đã mang lại một khám phá quan trọng: Đây là những mẫu vải dệt kim cổ nhất được tìm thấy ở Trung Quốc. Chúng cho thấy nghề dệt kim ở Từ Quốc đã có cách đây hơn 2.500 năm, sớm hơn 400 – 500 năm so với những gì mà các nhà khảo cổ trước kia từng nghĩ. Kỹ thuật dệt kim ở Từ Quốc hồi ấy đã khá phát triển: Trên 1cm2 có tới 280 sợi tơ tằm đi qua.

Nguồn: Sưu tầm

TAMTHUC

Comment