No icon

ran-than-chet-trong-hang-dan-van-tu-tap-vai-lay

“Rắn thần” chết trong hang, dân vẫn tụ tập vái lạy

Vùng quê Tân Sơn (xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, Bắc Giang) vốn đã xôn xao vì sự xuất hiện của một con rắn. Nay con rắn chết khô, người dân xúm lại chôn rắn rồi sì sụp khấn vái.

Suốt nhiều ngày nay, tại thôn Tân Sơn xuất hiện lời đồn thổi về một con “rắn thần” khiến nhiều người dân thiếu hiểu biết và hiếu kỳ hoang mang, tụ tập hương khói, thờ cúng.

Nơi rắn xuất hiện là bãi đất trống phía sau chùa Tân Linh thuộc thôn Tân Sơn 2. Khi PV Dân trí tới nơi chứng kiến một số người dân hiếu kỳ đang tập trung quanh ban thờ với la liệt vàng mã đặt tạm bợ trên hai chiếc bàn gỗ. Trước ban thờ, nhiều người đang sì sụp khấn vái.

 
Con rắn chết được một số người “làm ma”, đắp mộ khiến nhiều người dân bức xúc.

Theo người cho biết, cách đây khoảng 2 tháng, một số người phát hiện một con rắn nằm trong hang thò đầu ra ngoài. Con rắn di chuyển chậm chạp và không có phản ứng khi có người đến gần. Không biết từ đâu, những câu chuyện như rắn bò ra ngoài phơi nắng, rắn nhập đồng vào người, rắn làm chết những cây cổ thụ xung quanh… được lan truyền với nhiều tình tiết ly kỳ. Vào những lúc cao điểm, có đến cả trăm người tới vái lạy “rắn thần”.

Anh Nguyễn Văn Nam, người dân thôn Dĩnh Xuyên (Tân Dĩnh) có mặt tại khu vực chùa Tân Linh cho biết: “Cách đây khoảng 10 ngày, con rắn được tôn làm rắn thần không thấy ra khỏi hàng nữa. Mấy cụ cao tuổi cùng người dân quyết định đào hang rắn thì thấy con rắn chết từ bao giờ, bên trong có cả một ổ trứng”.

Phát hiện rắn đã chết, những người mê muội lại cùng nhau “làm ma” cho rắn. Xác rắn được chôn ngay tại vị trí hang rắn cũ. Vẫn ban thờ được đặt trên hai chiếc bàn cũ, nhiều hương hoa và các đĩa đựng tiền đặt lễ.

 

Một số người trải chiếu tại khu vực “rắn thần” kể những câu chuyện hoang đường mỗi khi có khách lạ.

Trong suốt thời gian có tin đồn rắn thần, số tiền đặt lễ thu lên đến hơn 100 triệu đồng được giao cho một số người trông coi và không được công bố công khai.

Cụ Nguyễn Thị T, người dân thôn Tân Sơn cho biết, số tiền lễ thu được trong suốt thời gian có tin rắn thần lên đến cả trăm triệu. Số tiền này được giao cho một số người trông coi và không được công bố công khai.

Ngay tại khu vực “mộ rắn thần”, nhiều người dân cho rằng đang bị lừa. Anh Nguyễn Văn Điệp, người dân thôn Dĩnh Lục 2 (Tân Dĩnh) cho biết: “Tôi nghe nhiều người đồn “rắn thần” xuất hiện nên ra xem. Đến nơi biết con rắn chết từ bao giờ, lại được chôn, thấy phản cảm quá. Ở đây còn treo cả ảnh con rắn lúc còn sống. Tôi nhìn kỹ thấy đúng là con rắn nước”.

Từ Hà Nội về xem thực hư chuyện “rắn thần”, chị Nguyễn Thị Lan trú tại Đống Đa (Hà Nội) tỏ vẻ tiếc nuối: “Vượt mấy chục cây số về đây, tôi cứ nghĩ được tận mắt thấy rắn sống. Tôi tưởng “rắn thần” thì phải sống trường thọ chứ sao mới mấy chục ngày đã chết thế này”.

 
Ông Ngô Thanh Xuân – Trưởng thôn Tân Sơn 1 bức xúc trước lời đồn rắn thần gây náo động thôn.
Ông Xuân khẳng định con rắn (lúc còn sống) là con rắn bình thường vốn không thiếu ở địa phương.

Để tìm hiểu rõ câu chuyện “rắn thần”, chúng tôi tìm gặp ông Ngô Thanh Xuân (61 tuổi), trưởng thôn Tân Sơn 1. Vừa nghe chúng tôi đề cập đến câu chuyện này, ông Xuân bức xúc: “Tôi và nhiều người dân thôn Tân Sơn vô cùng bức xúc với những kẻ tung tin đồn “rắn thần” khiến cả thôn náo động. Đó là con rắn bình thường. Việc rắn ở trong hang và di chuyển chậm chạp là do đặc tính sinh học của loài rắn.

Vào mùa xuân, rắn chuẩn bị sinh nở và lột da sinh trưởng nên mới ở trong hang như vậy. Thực tế là do nhiều người tập trung vây hãm suốt một thời gian dài, con rắn không đi kiếm ăn được đã chết trong hang, để lại gần 30 quả trứng. Loại rắn này ở địa phương tôi xuất hiện thường xuyên chứ chẳng quý hiếm gì”.

Những cây cổ thị được đồn rắn thần “phun chết” thực chất là những cây chay đã chết trước đó cả năm trời.

Sự việc khiến cả thôn xóm náo động, người dân không tập trung sản xuất được.

Ông Xuân cho biết thêm, mấy cây khô quanh hang rắn được đồn thổi bị rắn “phun chết” thực chất là mấy cây chay của một người buôn cây cảnh ở địa phương giâm nhờ. Mấy cây đó chết khô đã được hơn một năm.

Trước việc một số đối tượng phao tin đồn mê tín dị đoan gây mất trật tự ở địa phương, ông Xuân đãcùng cán bộ huyện Lạng Giang, xã Tân Dĩnh vào từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động người dân không nghe theo tin đồn nhảm.

“Chùa Tân Linh tại thôn Tân Sơn là di tích lịch sử cách mạng nơi sinh thời các đồng chí Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt, Hà Thị Quế… từng hoạt động trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Với hơn 100 năm lịch sử, trải qua nhiều thế hệ, thôn Tân Sơn trở thành vùng đất học, là nơi sản sinh cho đất nước biết bao thế hệ hiền tài. Một vùng quê như vậy không thể bị làm xấu bởi câu chuyện rắn thần mê tín dị đoan được”, ông Xuân nói.

Để làm rõ tin đồn “rắn thần”, UBND huyện Lạng Giang đã có Thông báo số 30/TB-UBND gửi tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn và các cơ quan chức năng liên quan tuyên truyền giải thích rõ cho người dân nhận thức đúng về sự việc trên, loại bỏ những tình tiết mê tín dị đoan. Giao cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh những đối tượng cố tình lợi dụng tung tin đồn để thu lợi bất chính.

UBND xã Tân Dĩnh cũng đã có Công văn số 10/CV-UBND yêu cầu các ban ngành, đoàn thể, các thôn, các nhà trường, cơ quan tuyên truyền cho nhân dân hiểu chuyện “thần giữ của” liên quan đến “rắn thần” là hoàn toàn bịa đặt và vô căn cứ. Câu chuyện mê tín dị đoan này không những ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn mà còn tạo cơ hội “đục nước béo cò” cho những phần tử xấu.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đỗ Huy Hiệp – Trưởng Công an xã Tân Dĩnh cho biết: “Công an xã Tân Dĩnh đang phối hợp với Công an huyện Lạng Giang và các cơ quan chức năng liên quan vào cuộc điều tra, làm rõ một số đối tượng cầm đầu vụ loan tin “rắn thần” trên địa bàn. Ngay sau khi xác định hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng, chúng tôi sẽ xử lý thật nghiêm để đảm bảo trật tự trên địa bàn”

Anh Thế

Theo : Dân trí

TAMTHUC

Comment