doi-dieu-luan-ve-nhan-qua-nghiep-bao
Đôi điều luận về nhân quả – nghiệp báo
- bởi map --
- 15/08/2015
Mặc dù các tôn giáo nhất là Phật giáo đều nhấn mạnh đến vấn đề Nhân Quả – Nghiệp báo, song Luật Nhân quả không phải là của riêng một tôn giáo nào, nó là một luật của tự nhiên (Law of Nature).
Đã là luật của tự nhiên thì ai cũng hiểu rằng không có một sức mạnh, hay ý chí nào can thiệp vào để bắt nó phải theo ý muốn của riêng mình cả. Nó sẽ vận hành theo đúng luật của nó, ai không biết hay cố tình không hiểu thì sẽ phải chịu tác động của luật, ví như một cái máy đang chạy mà một người cứ cho tay vào thì sẽ bị máy nghiền đứt, cho dù có kêu van xin xỏ cũng không được.
Trong các bài nói chuyện của mình, Thầy Huyền Diệu trụ trì chùa Việt Nam Phật quốc tự ở Ấn Độ ở Lâm Tỳ Ni Nepan, thường bảo rằng trong mấy điều cơ bản để bảo đảm cho con người được hạnh phúc, an lạc là phải tin sâu và hành động theo Nhân quả. Một người tin Nhân quả là một người có thể kết bạn được và trong quan hệ làm ăn không bao giờ sợ người ta phản mình.
Trong các mục tiêu giáo dục của Thái Lan, một nước mà đạo Phật là quốc giáo đến hơn 90% dân số theo đạo Phật, có một mục tiêu nhấn mạnh rằng là người được giáo dục (an educated person) học sinh phải hiểu được nhân quả và hành động theo Luật nhân quả.
Trong Kinh Pháp cú (câu 127), Đức Phật đã nói rõ “không nơi nào trên đời này dù trên trời, dưới biển, hay trong hang đá mà người làm điều ác có thể tránh được hậu quả của hành động bất thiện”.
Để hiểu rõ về Nhân quả – Nghiệp báo chúng ta hãy đọc bài “Nghiệp báo và những bài học về Nghiệp báo” sau đây của Hoà Thượng Uthitila (Hòa thượng là người Miến Điện và bài viết về nhân quả nghiệp báo này đã được đưa vào tuyển tập “Những viên ngọc quý của trí tuệ Phật giáo”).
Nghiệp báo và những bài học về nghiệp báo
Nghiệp, tiếng Pàli gọi là Kamma, tiếng Sanskrit gọi là Karma, là những hành động của thân, khẩu, ý. Mọi hành động đều đưa đến các hậu quả hay kết quả nào đó Do vậy chúng ta có thể nói về nghiệp như là quy luật về “Nguyên nhân và kết quả” hay nói vắn tắt là “Nhân – Quả”. Ví dụ, ném đá là một hành động. Hòn đá đó đập vào cửa kính và làm nó vỡ ra. Kính bị vỡ là kết quả của hành động ném, song nó chưa kết thúc. Bây giờ cái cửa sổ bị vỡ nó là nguyên nhân của những phiền toái khác. Ai đó sẽ bị mất tiền để đi thay nó và do vậy người ta sẽ không thể để dành tiền hoặc để mua những thứ khác cho một mục đích khác và hậu quả của việc này là cảm giác thất vọng. Điều này có thể khiến người ta cảm thấy khó chịu và nếu không cẩn thận thì sự khó chịu, bực dọc của người đó có thể lại là nguyên nhân của những việc làm sai trái nào đó… Không có sự kết thúc cho kết quả của hành động, do vậy chúng ta phải hết sức cẩn thận về những hành động của chúng ta để có được những kết quả tốt.
Mọi thứ đến với chúng ta đều là đúng cả, khi điều gì đó dễ chịu đến với chúng ta và làm chúng ta hạnh phúc chúng ta có thể chắc chắn rằng nghiệp của chúng ta đã tới hay đã báo để chỉ cho ta thấy rằng những điều chúng ta đã làm là đúng. Khi một điều khó chịu nào đó đến với chúng ta và làm chúng ta đau lòng hay bất hạnh, nghiệp của chúng ta đã tới để chỉ cho ta thấy lỗi lầm của chúng ta. Chúng ta không bao giờ được quên rằng, nghiệp báo luôn là công bằng. Nó không yêu cũng không ghét, không thưởng cũng không phạt. Nó không bao giờ cáu giận cũng không vui mừng. Nó chỉ đơn giản là Luật Nhân – Quả.
Nghiệp báo không biết gì về chúng ta. Liệu lửa có biết gì về chúng ta không khi nó thiêu cháy chúng ta? Không, đó là bản chất của lửa – đốt cháy và mang lại nhiệt. Nếu chúng ta sử dụng nó một cách đúng đắn, nó sẽ mang lại ánh sáng, nấu chín thức ăn cho chúng ta, hay đốt cháy những gì chúng ta muốn huỷ bỏ. Song nếu sử dụng sai thì nó sẽ đốt cháy chúng ta và tài sản của chúng ta.
Chúng ta càng hiểu về Luật Nghiệp báo, chúng ta càng thấy rằng chúng ta phải rất cẩn thận về những hành động, lời nói và ý nghĩ của mình, và chúng ta phải có trách nhiệm thế nào đối với những người xung quanh mình. Sống dưới ánh sáng của sự hiểu biết này, chúng ta học được một số bài học về học thuyết về Nghiệp báo.
1. Sự kiên nhẫn: Không có một sự tổn hại nào có thể đến với chúng ta, nếu chúng ta hành động theo luật, chính nó sẽ ban phúc cho chúng ta vào đúng lúc, chúng ta sẽ học được bài học lớn về lòng kiên nhẫn và sẽ không nôn nóng, kích động bởi chính nó làm trở ngại cho sự tiến bộ.
Trong đau khổ chúng ta biết rằng chúng ta đang phải trả một món nợ, và nếu khôn ngoan sáng suốt chúng ta sẽ biết không tạo thêm đau khổ nữa. Trong vui sướng, chúng ta biết được rằng chúng ta đang được hưởng kết quả của một hành động tốt và nếu sáng suốt chúng ta biết rằng chúng ta còn phải cố gắng để tốt hơn nữa. Sự kiên nhẫn mang lại an lạc, thành công, hạnh phúc và an ổn.
2. Sự tin tưởng: Chúng ta thực sự an tâm khi chúng ta thực sự hiểu biết về Luật Nhân quả và chẳng có gì phải sợ hãi trên hoàn cầu rộng lớn này ngoại trừ những hành động sai trái của chúng ta. Luật này đã làm cho con người biết đứng trên đôi chân của mình và khơi dậy lòng tự tin. Sự tin tưởng đã làm cho chúng ta thêm an lạc và hạnh phúc, nó làm chúng ta thoải mái và can đảm, bất cứ nơi nào chúng ta đi, Luật Nhân – Quả Nghiệp báo là người Bảo trợ của chúng ta.
3. Sự tực lực cánh sinh: Quá khứ đã tạo ra con người chúng ta trong hiện tại, nên cái mà chúng ta làm bây giờ sẽ quyết định số phận của chúng ta trong tương lai. Cần phải có sự nỗ lực tự thân, và loại bỏ cái khuynh hướng cầu viện đến sự giúp đỡ từ bên ngoài mà thực ra chẳng có tác dụng nào hết. “Tịnh và bất tịnh là do bản thân mình, không ai có thể làm thanh tịnh người”. Đức Phật đã nói như vậy.
4. Sự kiềm chế: Lẽ tự nhiên là nếu chúng ta nhận thấy rằng những điều xấu chúng ta làm sẽ chống lại chúng ta, thì chúng ta sẽ phải rất cẩn thận. Sự hiểu biết về Nghiệp báo sẽ ngăn cản, không cho chúng ta làm những điều sai trái cho lợi ích của người khác cũng như của bản thân.
5. Sức mạnh: Nếu chúng ta biến học thuyết về Nghiệp báo thành một phần của đời sống thì chúng ta càng có thêm sức mạnh không những chỉ để hướng đạo cho tương lai của chính mình mà còn để giúp đồng bào của chúng ta hành đạo một cách hữu hiệu hơn. Thực hành nghiệp tốt, chúng ta vượt qua được điều xấu không có gì ngăn cản chúng ta đạt được mục tiêu của chúng ta là Niết bàn.
(Bản dịch từ Tiếng Anh “What Kamma is” sang Tiếng Việt của Đỗ Thị Bình).
Bàn luận:Như vậy, hiểu rõ và tin sâu vào nhân quả chúng ta phải rất cẩn thận và phải thấy sợ vì hành động không chỉ của thân (việc chúng ta làm) mà cả khẩu (lời chúng ta nói) và ý (ý nghĩa trong đầu) đã đưa đến cái hậu quả hay kết quả rồi. Và không có sự kết thúc cho kết quả của hành động cho nên chúng ta mới thấy rằng một việc làm bất cẩn dù lúc ban đầu tưởng như rất nhẹ nhàng mà hậu quả lại có thể vô cùng khốc liệt như phân tích về câu chuyện ném đá vào cửa kính.
Vì vậy mới có chuyện xưa rằng có bà mẹ không muốn cho con làm quan vì sợ rằng nếu con không cẩn thận thì một chính sách ban ra hay một việc làm thiếu chín chắn của con sẽ gây hại cho bao người và người con sẽ phải chịu quả báo xấu. Có vô vàn những ví dụ về những câu chuyện nhân quả như vậy. Câu chuyện của một người đầy tội lỗi (Nhân vật trong Phật pháp nhiệm mầu – Đĩa VCD do Chùa Hoàng pháp thực hiện) sau đã biết quay đầu trở về với chân thiện nhờ Phật pháp soi rọi, đã luôn nhắc tới Nhân quả và biết sợ nhân quả để trở thành Phật tử Tịnh Long lương thiện như ngày nay cho chúng ta thấy rõ giá trị của Nhân quả – Nghiệp báo.
Và chúng ta càng thấy sự cần thiết của việc giáo dục về Nhân quả – Nghiệp báo cho thanh thiếu niên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để đem đến cho các em một tương lai tốt đẹp nhờ biết gieo trồng những nhân tốt.
Tạp chí Phật Học
TAMTHUC
Comment