-ly-do-nen-tu-phap-mon-tinh-do
10 lý do nên tu pháp môn Tịnh Độ
- bởi map --
- 01/09/2015
Phép tu của Tịnh độ tông chủ yếu là niệm danh hiệu Phật A-di-đà và quán tưởng Cực lạc. Phép tu này cũng được nhiều tông phái khác thừa nhận và hành trì.
1. Trong các bộ kinh mà Phật Thích Ca tuyên thuyết trong suốt 49 năm, mỗi bộ kinh ngài chỉ giảng qua một lần mà thôi. Riêng Kinh Vô Lượng Thọ (bộ kinh chính của hành giả tu Tịnh Độ) ngài giảng đến 5 lần vì khi kết tập kinh điển các vị tổ sư thấy có 5 quyển Kinh Vô Lượng Thọ với nội dung tuy giống nhau nhưng bố cục lại hoàn toàn khác nhau. (Sau này lão cư sĩ Hạ Liên Cư hội tập tất cả 5 cuốn kinh ấy lại làm thành 1 cuốn hoàn chỉnh như chúng ta có ngày nay.
Đây là cuốn Kinh Vô Lượng Thọ hoàn chỉnh nhất vì nó bổ sung cho nhau những khiếm khuyết cũng như ưu điểm của riêng từng cuốn.) Yếu chỉ của Kinh Vô Lượng Thọ là khuyên bảo chúng sinh nên cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của việc sanh về Tây Phương Cực Lạc to lớn đến dường nào nên đức Thích Ca Mâu Ni Phật mới giảng đi giảng lại nhiều lần như thế, không như những cuốn kinh khác ngài chỉ nói qua một lần rồi thôi.
2. Trong thế giới Hoa Tạng các bậc đại thượng thủ bồ tát như Văn Thù Sư Lợi, Phổ Hiền đều là Đẳng Giác Bồ Tát sắp thành Phật. Thế mà cả 2 vị đều nguyện sanh về Tây Phương để sớm viên thành Phật quả. Trong kinh Pháp Hoa phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện, Đức Phổ Hiền phát kệ thệ nguyện rằng: “Nguyện cho tôi khi sắp lâm chung, trừ sạch hết thảy bao chướng ngại; tận mắt thấy Phật A Di Đà, tức được vãng sinh nước Cực Lạc.” Thiết nghĩ chúng ta chỉ là phàm phu không thể nào sánh bằng 2 vị ấy thì không thể không nguyện sanh về Tây Phương Cực Lạc sao đặng?
3. Ở các thế giới Tịnh độ khác, mỗi thế giới chỉ có một vị bồ tát Nhất Sanh Bổ Xứ (tức hậu bổ Phật hay còn gọi là vị Phật tương lai sẽ thay thế vị Phật hiện tại.) Tại thế giới Ta Bà của chúng ta đang ở hiện có 1 vị hậu bổ Phật, đó là ngài Di Lặc bồ tát. Bồ tát Di Lặc hiện đang ở tại cung trời Đâu Xuất, ngài đã được Phật Thích Ca thọ ký sau này sẽ trở xuống cõi trần và trở thành vị Phật tương lai. Riêng tại Tây Phương Cực Lạc số lượng bồ tát Nhất Sanh Bổ Xứ như bồ tát Di Lặc nhiều không thể đếm xuể (theo Kinh A Di Đà). Người vãng sanh về nơi ấy ngày đêm thường được kề cận các vị đại bồ tát này để học hỏi nên đường đạo tiến rất nhanh, sớm tiến đến quả vị Phật.
4. Tu theo pháp môn Tịnh Độ rất dễ tu chỉ cần Tin sâu vào pháp môn mình tu, Nguyện thiết tha được sanh về Tây Phương Cực Lạc, và chăm chỉ Hành trì niệm Phật là được. Người tu Tịnh Độ không cần phải đoạn hết nghiệp của mình (tham, sân, si) mà có thể vượt khỏi luân hồi, siêu thoát 3 cõi (Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới) để về cõi Tịnh của Phật A Di Đà là Tây Phương Cực Lạc. Tu theo các pháp môn khác người tu bắt buộc phải diệt trừ tận gốc tất cả nghiệp chướng của mình mới có thể thoát khỏi luân hồi sinh tử.
5. Tất cả các thế giới của các chư Phật, chỉ riêng có Phật A Di Đà đến tiếp dẫn người lúc lâm chung về cõi Tịnh Độ của mình. Ngoài ra không có 1 vị Phật nào khác làm điều này.
6. Thế giới Tây Phương Cực Lạc thành tựu do nguyện lực của đức Phật A Di Đà gom hết tất cả các ưu điểm trong 210 ức cõi Phật khác lại mà thành. Thế cho nên cõi nước của A Di Đà Phật ưu việt hơn tất cả các thế giới của các chư Phật khác. Nơi ấy chỉ có toàn những điều vui mà không bao giờ nghe đến điềm khổ nên được gọi là Thế Giới Cực Lạc.
7. Nếu ở tại thế giới Ta Bà của chúng ta hiện tại để tu thì phải mất đến 3 đại A Tăng Kỳ (vô lượng kiếp) mới thành Phật. Vì kiếp người ở thế gian chỉ vỏn vẹn vài chục năm hay cao lắm là 100 năm. Khi chết đi đầu thai làm kiếp khác lại quên mất việc tu hành của mình đời trước nên đường tu có khi tiến lúc lùi trong vô số kiếp. Nếu được sanh về Tây Phương Cực Lạc, tuổi thọ của con người nơi ấy dài vô lượng nên chỉ trong 1 đời có thể tu chứng thành Phật quả.
8. Trong Tịnh Độ tông chỉ có vỏn vẹn 13 vị tổ. Nhưng trong đó có đến 2 vị là hóa thân của Phật (Thiện Đạo đại sư và Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư đều là hóa thân của Phật A Di Đà) và 1 vị là hoá thân của đại bồ tát (Ấn Quang đại sư là hóa thân của Đại Thế Chí bồ tát).
9. Các vị bồ tát, các thánh hiền trong kinh luận đều hết sức tán dương, khen ngợi, cũng như khuyến khích tu pháp môn Tịnh Độ. Ngài Thiện Đạo Hoà Thượng nói rằng: “Tu pháp môn Niệm Phật ngàn người tu không sót một.” Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ thiền sư – một vị cao tăng đích truyền về tông Pháp Nhãn – dạy rằng: “Tu Tịnh Độ muôn người tu muôn người về.” Văn Thù Sư Lợi bồ tát dạy: “Trong các pháp môn của đức Phật không môn nào qua môn Niệm Phật. Niệm Phật là vua trong các pháp môn.” Quan Thế Âm bồ tát cũng dạy rằng: “Niệm Phật hơn các hạnh khác.” Mã Minh đại sĩ – tổ thứ 12 của Thiền tông Ấn Độ – trong Đại Thừa Khởi Tín Luận có ghi rằng: “Chuyên tâm niệm Phật là phương tiện tối thắng của đức Như Lai.” Long Thọ bồ tát – tổ thứ 14 của Thiền tông Ấn Độ – cho rằng: “Niệm Phật Tam Muội có đầy đủ trí tuệ, có vô lượng phước đức, đoạn trừ tất cả phiền não, độ tất cả các chúng sanh, và sanh ra vô lượng Tam Muội khác cho đến Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội.”
10. Điều kiện để một chúng sinh sanh về các thế giới Tịnh độ khác như cõi Tịnh Độ của Bồ tát Di Lặc và Tịnh độ của Phật A Súc là rất cao, và chỉ trông cậy vào sức tu của chính mình hay tự lực. Trong khi điều kiện vãng sinh về cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà đơn giản chỉ cần nhất tâm niệm Phật với đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh, đặc biệt là được nương nhờ tha lực của Phật A Di Đà tiếp dẫn theo như lời nguyện thứ 18 của ngài trước khi thành Phật:
“Khi ta thành Phật, nếu chúng sinh mười phương muốn sinh về nước ta, xưng danh hiệu ta, nhẫn đến tối thiểu là mười niệm*, nương vào nguyện lực của ta, nếu như không được vãng sinh, ta thề không giữ ngôi Chánh Giác.”
* Ghi chú: 10 niệm tức là 10 hơi niệm danh hiệu của ngài: A Di Đà Phật.
Cư sĩ Hữu Minh
TAMTHUC
Comment