nghiep-trong-luan-hoi-song-chet
Nghiệp trong luân hồi sống chết
- bởi map --
- 17/09/2015
Mỗi người chúng ta sinh ra trong đời này đều có túc duyên khác nhau. Ai cũng có nghiệp chung, nghiệp riêng, tùy theo khả năng tạo nghiệp của mình. Cho nên, chúng ta thấy cũng đồng là cha mẹ sinh ra nhưng không ai giống ai, có người thông minh, có người đần độn, có người lành mạnh, có người khuyết tật, kẻ giàu sang, người nghèo hèn v.v… Tất cả đều có nguyên nhân sâu xa của nó.
Dòng đời nghiệt ngã luôn cuốn trôi và nhấn chìm tất cả, dù đó là nhân nghĩa của một con người. Trong cuộc mưu sinh nhiều gian nan, chướng ngại đã làm ngã quỵ không biết bao con người tài hoa, “khôn cũng chết, dại cũng chết”, chỉ đến sớm hay muộn mà thôi, và chỉ có người biết mới tồn tại được. Tôi được phúc duyên lớn, nhờ người mẹ đã giúp tôi làm lại cuộc đời, làm mới lại chính mình với một tình thương bao la và cao cả.
Con người, gia đình, xã hội, muôn loài và sự vật luôn có cùng nhịp sống tương quan mật thiết lẫn nhau, ai dù có tài giỏi đến đâu cũng không thể tách riêng sự cộng sinh này mà bảo tồn được mạng sống cho riêng mình.
Đường đời nhiều nỗi chông gai và hiểm trở. Tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, ăn ngon, mặc ấm đã làm cho nhiều người yếu đuối, bạc nhược, lười biếng, không tin chính mình mà bị gục ngã trước những cơn giông tố của cuộc đời.
Chính bản thân chúng tôi là người đã từng vấp ngã, và sau nhiều lần cố đứng lên nhưng không thể nào tự đứng một cách vững vàng cho được, cứ chông chênh, chồng chành, nghiêng ngã mãi. Sau đó, chúng tôi may mắn gặp được Phật pháp, đời tôi mới thật sự chuyển hóa được những khổ đau, mê lầm chấp trước tưởng chừng như không cách nào thoát khỏi.
Phật pháp chính là chiếc thuyền cứu vớt những người đang còn đắm chìm trong những dòng sông tội lỗi. Cái hay của Phật pháp là giúp chúng ta tạo nên niềm tin nơi chính mình. Từ đó, chúng ta có thể tự mình đứng lên một cách vững chắc mỗi khi vấp ngã. Người trí thì không cần nương tựa vào ai, mà tự mình phán xét tìm ra lẽ thật cuộc đời; còn người mê lầm, chưa đủ sáng suốt, chưa có niềm tin thì phải nương vào thầy lành, bạn tốt, tránh xa kẻ xấu ác thì mới có thể làm lại cuộc đời, làm mới lại chính mình.
Chúng tôi không phải là người hay ho tài giỏi gì, nhưng nhờ có chút phước duyên lành đã gieo tạo từ bao kiếp trước còn sót lại, nên nay tôi mới gặp được thầy lành, bạn tốt, dù trong đời này tôi đã từng gieo nhiều tội lỗi trong suốt thời gian dài mấy chục năm trước lúc đi tu. Vì vậy, nhà Phật đặt nặng vấn đề gieo trồng hạt giống. Khi ta gieo trồng được hạt giống thiện lành rồi thì dù trải qua trăm kiếp, ngàn đời, nó vẫn không bao giờ bị biến hoại, quả tốt sẽ trổ khi hội đủ nhân duyên, nẩy mầm và phát triển.
Mỗi người chúng ta sinh ra trong đời này đều có túc duyên khác nhau. Ai cũng có nghiệp chung, nghiệp riêng, tùy theo khả năng tạo nghiệp của mình. Cho nên, chúng ta thấy cũng đồng là cha mẹ sinh ra nhưng không ai giống ai, có người thông minh, có người đần độn, có người lành mạnh, có người khuyết tật, kẻ giàu sang, người nghèo hèn v.v… Tất cả đều có nguyên nhân sâu xa của nó.
Trong cuộc sống này, ít có người được hoàn hảo về mọi mặt, tốt xấu, hơn thua, được mất, thường lẫn lộn với nhau, rồi tùy theo nhận thức của mỗi người mà tạo ra lời nói, hành động để dẫn đến kết quả trong hiện tại. “Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”, bởi trí tuệ Bồ-tát thấy được sự tai hại của việc hưởng thụ ngũ dục quá đáng dẫn đến cố chấp, dính mắc, tạo ra oan gia trái chủ, hiềm hận, thù địch, triệt tiêu, hủy diệt lẫn nhau, làm khổ mình, khổ người.
Vì vậy mà Bồ-tát biết cách ngăn ngừa từ nhân, còn phàm phu tục tử chúng ta do vô minh che lấp không thấy được điều ấy, nên không biết ngăn ngừa, đến khi quả xấu trổ ra thì khổ lụy, buồn đau, than trời trách đất, đổ thừa cho số phận mình không tốt, hận đời đen bạc phủ phàng v.v… , rồi không tin vào nhân quả, phước báo, sẵn sàng làm điều xằng bậy, vô tình tạo thêm nhiều tội lỗi. Đến khi tan nhà nát cửa, vợ chồng ly tán, khổ đau tột cùng, muốn làm lại cuộc đời nhưng không có cơ hội tốt nữa.
Bản thân chúng tôi cũng đã từng thấy biết sai lầm như thế, chỉ biết hưởng thụ dục lạc giác quan, nên đã sẵn sàng làm tất cả những điều xấu ác để thỏa mãn những dục vọng thấp hèn. Do quan niệm sai lầm “chết là hết”, không có đời sau, không có tội phước, nên một thời tôi hành động một cách tán tận lương tâm, không chỉ đối với người ngoài, mà ngay cả với những người thân như cha mẹ, vợ con, anh chị em ruột thịt trong gia đình.
May thay, tôi có được một người mẹ giàu lòng nhân ái, tuy tôi là người con bất hiếu đã từng gây khổ đau cho bà, thế mà khi tôi gặp điều bất hạnh, khổ đau thì bà liền có mặt để an ủi, vỗ về, giúp đỡ. Bà không khác nào Bồ Tát Quán Thế Âm hiện thân trong đời. Nơi nào bất hạnh thì nơi đó có Bồ Tát Quán Thế Âm đến cứu khổ.
Nhớ lại những năm tháng khi mới xuất gia, tu học tại Thiền viện Thường Chiếu, mẹ tôi đã không quản ngại khó khăn, xa xôi cách trở, tháng nào bà cũng đến thăm tôi, chủ đích của bà là động viên, nhắc nhở tôi tu hành, bà sợ tôi không chịu tu, không nhất quyết với cuộc hành trình quay về đất Phật. Đầu năm Nhâm Thìn, bà đã ra đi theo quy luật già-bệnh-chết, để lại cho tôi chút ngậm ngùi thương xót. Nhớ lại,
Mẹ tôi khi tuổi đã già
Vẫn còn bán cháo để nuôi gia đình
Nhờ mẹ tôi biết đường tu
Nếu không có mẹ tôi giờ ra sao?
Cũng nhờ ân đức mẹ hiền
Tôi vào cửa Phật tu hành đến nay.
Chỉ vì chấp trước sai lầm
Nên tôi phải chịu khổ đau nửa đời
May nhờ có được mẹ hiền
Mà tôi nay đã khác xưa rất nhiều.
Tôi thầm cảm ơn tất cả những gì đang hiện hữu trên cuộc đời này, từ con người cho đến muôn loài, muôn vật đã cho tôi cơ hội làm mới lại cuộc đời. Thế cho nên, chúng tôi can đảm phát nguyện tu hành cho đến khi nào thành Phật mới thôi, để đền đáp công ơn của mẹ. Đó là những lời nguyện khó thực hiện, nhưng tôi quyết không để nó trở thành những lời nguyện suông vô ích. Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta không phát những lời nguyện chân chánh và mãnh liệt như thế thì người tu hành cũng khó có thể thực hiện được những ước mơ, hoài bão lớn lao của mình.
Cũng vậy, tác phẩm “Nghiệp & Thấy Biết Sai Lầm” lần này ra đời, có chỉnh sửa và bổ sung đầy đủ, hoàn chỉnh nhiều hơn trước, nhằm để tự răn nhắc chính mình nhiều hơn và để an ủi, sẻ chia với những ai còn đang chìm đắm trong biển khổ sông mê, giúp họ đủ niềm tin để vươn lên vượt qua số phận tối tăm. Cuộc đời này không có gì là cố định, ta có thể thay đổi, làm mới lại chính mình, nếu ta đầy đủ ý chí và quyết tâm, dù cho ta đã lỡ tạo tội ác tày trời.
Nếu ta nói cái gì cũng cố định cả thì chúng ta có tu cũng chẳng mang lại lợi ích gì. Nhiều người vì không hiểu rõ chỗ này, nên đành chấp nhận cuộc đời như “bèo dạt mây trôi”, hay cho rằng có một đấng quyền năng ban phước, giáng hoạ, nên chấp nhận một cuộc đời đen tối, thân phận hẳm hiu với vô vàn mặc cảm tội lỗi trong quá khứ.
Người xưa cũng có quan niệm cho rằng, con người sinh ra là đã có sự an bài bởi một vận mệnh, số mệnh, định mệnh, số phận… Tất cả đều cùng một ý nghĩa là diễn tả sự định sẵn từ trước cho đời sống của mỗi con người, không thể nào thay đổi được. Cái quan niệm đó không sai đối với những người thiếu trí tuệ, chấp nhận lệ thuộc vào các đấng quyền năng như thượng đế, thần linh…, cam chịu thân phận hẳm hiu, đau khổ mà không chịu phấn đấu, thay đổi để vươn lên làm lại cuộc đời. Bởi họ nghĩ rằng, số trời đã định không thể nào thay đổi được.
Trên thực tế có đúng như vậy không? Tại sao có người được sanh ra trong một gia đình giàu có, đầy đủ tiện nghi, được ăn học đàng hoàng, đến nơi, đến chốn, có địa vị cao trong xã hội. Rồi họ cứ nghĩ rằng, số tôi đã như vậy, nên họ mặc tình gây tạo tội lỗi, không biết nhân quả là gì. Đến khi phước hết họa đến, may mắn không còn nữa, “họa vô đơn chí” nên vướng vào vòng tù tội; lúc đó, dù có ăn năn, hối hận cũng chẳng cứu kịp, mọi thứ đã có từ trước đến nay cũng từ từ đội nón ra đi. Nếu ta không biết tu thì đau khổ càng thêm chất chồng, tăng thêm oán giận, thù hằn.
Vậy làm người trong trời đất, nếu ai cũng tin theo số mệnh đã định sẵn, tất dễ sinh tâm ỷ lại, chẳng cần phấn đấu vươn lên làm mới lại chính mình, dẫn đến việc người nghèo thì ngày càng nghèo thêm, người giàu ngồi không hưởng thụ không biết làm lành, lánh dữ, mặc tình gieo tạo tội lỗi, sanh tâm tiêu cực, không làm lợi ích hay giúp đỡ sẻ chia cho một ai, mà còn tìm cách bòn rút, gạt gẫm của thiên hạ.
Trong cuộc hành trình trở về đất Phật, không phải ai cũng có khả năng để đi hết đoạn đường nhiều hầm hố, chông gai. Những ai không có ý chí cao, không đầy lòng dũng cảm thì cũng giống như người vượt sông “tấn thối lưỡng nan”, bước tới thì sợ nước cuốn trôi, đứng lại thì sợ bị nước nhấn chìm.
Phật dạy: “Không bước tới, không đứng lại, ta sẽ vượt qua tất cả”.
Không thể nhờ trời Phật
Hay thần linh thượng đế
Nếu tự mình vấp ngã
Thì chính mình đứng lên
Khi mê thì Phật độ
Khi ngộ thì tự độ
Đó là lý nhiệm mầu
Của tất cả chư Phật.
Comment