phat-tu-tai-gia-nen-tri-tung-kinh-nao-la-tot-nhat-
Phật tử tại gia nên trì tụng kinh nào là tốt nhất ?
- bởi map --
- 27/11/2015
VẤN: Thưa Sư, con là một Phật tử may mắn được biết đến pháp môn niệm Phật nhưng chưa có duyên để làm nhiều việc phước thiện và không có điều kiện đến chùa cũng như có một vị thầy chỉ dẩn trên con đường tu học.
Xin Sư hoan hỷ cho con biết đối với 1 Phật tử tại gia như con, ngoài niệm Phật con còn đọc thêm các chú như: Chú Lăng Nghiêm, Chú Đại Bi, Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Địa Tạng, Thập Chú như vậy có được không? Có lần con từng nghe một bạn đồng tu bảo rằng Phật tử tại gia không nên đọc nhiều chú (chẳng hạn như Chú Lăng Nghiêm, …) vì mỗi câu chú do chư Phật nói ra, chư thiên hộ trì thì kèm theo sẽ có rất nhiều ma chướng, muốn trì tụng cần phải giữ giới, giữ thân khẩu ý, tịnh tu vô cùng, nếu tâm loạn, giới không giữ, không ăn chay, thanh tịnh thân tâm và không có một vị thầy hướng dẫn trên đường tu sẽ càng trì càng loạn, không giúp ích trên con đường đang tu thậm chí có thể gây trở ngại, hoang mang. Xin Sư giải thích rõ giúp con vấn đề này. Xin Sư cho con được biết Phật tử tại gia như con nên trì tụng những loại kinh nào là tốt nhất. Con cảm ơn Sư. A Di Đà Phật.
ĐÁP:
Danh từ cư sĩ Phật tử được gọi chung cho những người nam hay nữ đã phát tâm quy y Tam bảo thọ trì ngũ giới cấm, những người chưa quy y, nhưng có tín tâm nghiên cứu giáo lý Phật, những người sống nhàn nhã độc cư độc thiện theo đạo lý nhà Phật. Được gọi là cư sĩ Phật tử dù ở nơi đâu cũng thuộc vào hàng cao quý trong đời sống con người. Người cư sĩ Phật tử tại gia còn là Bồ tát ngoại hộ, ủng hộ chư Tăng ni giữ gìn chánh pháp. Ngoài ra các vị còn phát tâm tu tập, tụng kinh niệm Phật, ăn chay giữ giới.
Giá trị của người Phật tử cũng rất cao quý, Phật tử tu tại gia còn gọi là tu sĩ tại gia hay cư sĩ. Ở Trung Hoa, từ ngữ cư sĩ dành cho các bậc trưởng thượng đáng kính, sống ẩn dật; những người giàu có quý phái cũng gọi là cư sĩ.
Theo Sư thì người đệ tử đức Phật xuất gia hay tại gia là người làm công tác nghệ thuật sống trong xã hội đạo lý.
Làm Phật tử đã quy y Tam bảo, giữ gìn giới luật thật nghiêm túc, biết tinh chuyên niệm Phật, trì tụng kinh bộ, nghe thuyết pháp, đàm luận đạo lý… là Phật tử có trình độ tu hành, Phật tử thuần túy, truyền thống. Ở Việt Nam từ năm 1930 cho đến hôm nay, số Phật tử có chất lượng trên ngày càng tăng lên cao, chứng tỏ Phật giáo thật hữu ích trong thế giới chúng ta.
Ngoài việc tụng kinh niệm Phật, gia trì kinh bộ, Phật tử còn phát tâm ăn chay trường, nhẫn đến ăn chay kỳ, mỗi năm ăn chay ba tháng: tháng giêng, tháng bảy, tháng mười, ăn chay mỗi tháng 10 ngày, 6 ngày, 4 ngày, 02 ngày… tất cả đều là thiện tâm, có căn lành với Phật Pháp, là gia đình phước đức.
Người Phật tử tại gia vẫn tụng đọc các kinh bộ như: Kinh Pháp Hoa, kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Phổ Hiền, Kinh Ánh sáng hoàng kim, Kinh Vạn Phật, Kinh Địa Tạng thậm chí tụng những kinh đại thừa do Phật diễn thuyết như người tu sĩ xuất gia tụng đọc. Tuy nhiên, không có lý do nào bằng lý do: “người Phật tử tại gia: gia duyên bận buộc, xã hội gần bên, mọi việc cần phải tháo gở, giải quyết… nên việc tụng kinh niệm Phật bị trở ngại…”, chứ không phải tụng không được, chỉ có thế thôi!
Trường hợp như thần chú Thủ Lăng Nghiêm, tại các tự viện theo học phái đại thừa được các Nhà Sư trì tụng vào lúc 4 giờ sáng, tụng đọc và lúc nào cũng tụng đọc, chỉ khi nào vị ấy không còn trên cõi đời mới không còn tụng đọc! Trường hợp nầy chắc chắn người Phật tử không bao giờ theo nổi phải không? Vì vậy nên quý Sư Thầy rất ít hoặc không bao giờ khuyên Phật tử tụng đọc Thần chú Thủ Lăng Nghiêm là như thế. Vã lại, nếu có tụng thì chỉ tụng theo thời khóa có giới hạn, hoặc năm ba thời khóa rồi bị trở ngại gia duyên, quay sang tụng kinh bộ khác, hoặc không tụng nữa, như thế không đạt chuẩn mực trong quá trình tu hành tụng Thần chú Thủ Lăng Nghiêm. Do đó, trong giới thiền lâm thường truyền miệng cho nhau: “Phật tử không tụng Thủ Lăng Nghiêm được là như thế”.
Ở Việt Nam, các Cụ già ở nhà ruộng, nhà vườn còn sức khoẻ, có đất đai rộng rãi, các Cụ dạy con cháu xây cho một cái “Am” nhỏ mỗi cạnh 6 mét ở cuối đất để có phương tiện an trú tu hành; các Cụ tuy không xuất gia nhưng phát nguyện tụng kinh chú, niệm Phật như người xuất gia, tụng kinh ngày đêm tứ thời, hoặc lục thời, trong đó có tụng các kinh chú theo như các Sư ở các tự viện đại thừa tụng đọc.
Hiện nay, đại đa số các Phật tử tham dự khóa tu Bát Quan Trai giới, tập sự xuất gia một ngày một đêm tại các chùa lớn, thì có tụng kinh chú như người xuất gia, không bị trở ngại, cũng không ai ngăn cản.
Tóm lại, Phật tử vẫn tụng đọc kinh chú, nhưng tùy trường hợp phương, thời, xứ, cởi bỏ việc thế gian mà dự vào hàng thánh chúng tụng đọc, phước đức vô biên.
TAMTHUC
Comment