cam-dong-chuyen-nhung-giang-ho-com-can-nau-chao-tu-thien
Cảm động chuyện những giang hồ cộm cán nấu cháo từ thiện
- bởi map --
- 24/01/2016
“Bát cháo không giúp các bác ấy khỏi được căn bệnh ung thư nhưng nó tấm lòng của chúng tôi. Tôi mong rằng, trong thời gian chữa bệnh các bác được ăn thức ăn sạch và giúp giảm đi phần nào chi phí….”, một người từng là dân “anh chị” nay hoàn lương về nấu cháo từ thiện cho bệnh nhân ung thư tâm sự.
Những tay “anh chị” phát cháo miễn phí
Chiều thứ 7 ở bệnh viện K cơ sở 2 ở Tam Hiệp, Thanh Trì Hà Nội, một chiếc xe ô tô loại 7 chỗ đỗ phịch trước sân. Bốn thanh niên trẻ to cao, ăn mặc chỉn chu đeo kính đen, đội mũ phớt, khuôn mặt đen bóng, tay xăm trổ những họa tiết rồng phượng xuống xe. Họ bật cốp và khiêng ra một thùng lớn màu xanh rồi đặt lên chiếc bàn- nơi những nhà hảo tâm phát thức ăn miễn phí cho bệnh nhân ung thư nghèo nơi đây. Một người đàn ông áng chừng hơn 40 tuổi, khuôn mặt lạnh lùng, mặc chiếc áo phông cũ, chiếc quần lửng cũ, đầu đội một chiếc mũ phớt xuống sau cùng. Anh này leo lên từng tầng, vào từng phòng bệnh nói lớn “Các bác xuống lấy cháo nhé”.
Bị lôi cuốn bởi hoạt động này, tôi tiến lại gần hơn khu vực phát cháo từ thiện. Những chàng thanh niên to cao tay thoăn thoắt múc cháo. Họ khá kiệm lời nhưng thái độ rất hòa nhã, thân thiện. Một số bệnh nhân nhìn những hình xăm vằn vện trên đôi tay người thanh niên múc cháo xì xào bàn tán không biết các anh đến từ đâu.
Những giang hồ cộm cán một thời đang chuẩn bị nồi cháo cho những bệnh nhân nghèo mắc bệnh ung thư
Bác Nguyễn Thị Hải, người nhà của một bệnh nhân bị ung thư cho biết: “Chúng tôi cũng không biết các anh ấy từ đơn vị nào, chỉ biết, cứ vào chiều thứ ba và thứ 7 các anh lại đến đây phát cháo cho chúng tôi. Cháo của các anh ấy nấu rất ngon. Cháo nhừ, dẻo và nhiều thịt. Chúng tôi là những bệnh nhân nghèo, được bát cháo như thế này rất quý. Các anh làm việc phúc như thế này, chúng tôi cũng mong sau này con cháu các anh được nhận phúc từ đời cha để lại”.
Anh Nguyễn Văn Chung quê ở Bắc Giang đang bị ung thư ở giai đoạn cuối, đoạn đường cuộc đời của anh có lẽ chỉ còn được tính bằng tháng. Đầu anh cạo trọc lóc, da cổ anh đen như cháy, từng lớp bong tróc lên từng mảng. Có lẽ anh vừa trải qua những ngày dài xạ trị. Cầm bát cháo trên tay, anh Chung bùi ngùi: “Có lẽ tôi cũng chẳng còn sống được bao nhiêu ngày nữa. Trong những ngày cuối đời được các anh đây chia sẻ khó khăn, tôi cảm thấy tình người thật ấm áp. Cuộc sống vẫn còn nhiều những tấm lòng hảo tâm, thương người nghèo khó”.
Hầu hết người bệnh nơi đây đều là những bệnh nhân nghèo. Căn bệnh ung thư quái ác ập vào cuộc đời họ như một cơn ác mộng. Họ nằm triền miên trên giường bệnh. Nhiều gia đình tích cóp cả đời cũng không đủ tiền chữa bệnh trong một tháng. Vì thế, việc những nhà từ thiện giúp đỡ họ những suất cơm, bát cháo một phần giúp họ giảm bớt chi phí, tiếp thêm sức mạnh trong hành trình chiến đấu với căn bệnh khủng khiếp ấy.
“Chúng tôi đã từng có những ngày lầm lạc”
Theo tìm hiểu được biết, những thanh niên xăm trổ đầy mình phát cháo từ thiện từng là những “anh chị” khét tiếng một thời trong giới giang hồ. Họ từng vướng vào vòng lao lý, sau khi ra trại, họ nhận ra sai lầm của mình và quyết tâm làm lại cuộc đời. Hàng ngày, họ không chỉ làm việc để thay đổi cuộc sống mà còn làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo. Họ là những thành viên thuộc nhóm Hòa nhập. Được sự giúp đỡ của anh Đỗ Minh Hòa, người từng có quá khứ lầm lỗi, giờ đã là một doanh nhân thành đạt, nhóm Hoà nhập đã ra đời vào năm 2011 và tính đến nay có gần 30 thành viên.
Tôi đến thăm cơ sở của nhóm đúng vào lúc các thành viên đang nấu cháo. Không khí vui vẻ bao trùm lên tất cả mọi người nơi đây. Người nào cũng tất bật chuẩn bị đồ. Người thì nhóm bếp than, người vo gạo, người rửa thùng đựng cháo. Họ là những thanh niên to khỏe và không ít người vẫn còn mang ít nhiều dáng vẻ của một tay “anh chị”.
Nhóm của Hòa đang chuẩn bị phát cháo
Anh Đỗ Minh Hòa, trưởng nhóm Hòa nhập tâm sự, ngày xưa anh cũng từng phạm tội và phải vào trại. Với một người phải vào tù, sự khổ sở nhất của họ không phải là những ngày tháng cải tạo mà là những ngày bắt đầu được ra tù. Ở trong tù khát khao được ra ngoài xã hội nhưng khi được ra rồi, nhiều người lại phải trở lại nhà tù. Bởi lẽ, xã hội vẫn còn định kiến với người từng bị vào tù.
Họ bị dị nghị, xa lánh và khó kiếm được việc làm, ít có cơ hội được vay vốn để làm ăn, thậm chí bị người khác gọi bằng cái từ miệt thị: “thằng tù”. Bởi vậy, nhiều người vì nhàn rỗi lại sinh ra trộm cắp hoặc quay trở về với con đường tội lỗi ngày trước. Cuộc sống của họ trở thành một vòng luẩn quẩn đen tối.
Anh Hòa thì may mắn hơn, anh được một nhà hảo tâm đưa tay giúp đỡ. Từ đó, anh chăm chỉ lao động. Những ngày tháng khó khăn dần đi qua, hiện nay anh đã là chủ doanh nghiệp, kinh tế đã khấm khá hơn trước nhiều phần.
Anh tâm sự: “Từng là một người tù, tôi hiểu được suy nghĩ của anh em. Tôi luôn nung nấu trong lòng sẽ làm cách nào đó để giúp đỡ anh em. Thấy có cái hồ lớn là một dự án dở, người dân quanh hồ vứt rác xuống gây ô nhiễm nặng, tôi quyết định đầu tư, cải tạo để bà con quanh hồ không phải ngửi mùi hôi thối bốc lên từ cái hồ bẩn đó. Mặt khác, tôi cải tạo hồ để những anh em đã từng lầm đường lỡ bước trồng rau thả cá, từ đó tăng thêm thu nhập. Có việc làm, anh em có việc làm sẽ không có thời gian để nghĩ đến những việc xấu, lao động tích cực sẽ khiến mọi người suy nghĩ tích cực và trở thành những con người tốt”.
Anh N.V. T., một thành viên của nhóm năm nay chừng 25 tuổi, khuôn mặt còn trẻ măng xua xua tay khi tôi đưa máy lên chụp hình anh. “Đừng đưa em lên báo. Em không muốn mọi người biết đến em là con người đã từng vào tù ra tội. Em đã có con rồi. Em không muốn sau này con em bị người ta khinh vì có bố vào tù. Công việc của em bây giờ đã ổn, em còn tham gia cùng nhóm để giúp đỡ những người nghèo gặp bất hạnh. Việc làm này của em coi như là chuộc lại những lỗi lầm, những đau đớn mà em đã từng gây ra cho người khác.”
Cả nhóm vẫn đang miệt mài với công việc của mình
Dừng tay quấy nồi cháo to, T. kể, cuộc sống của gia đình T. trước đó khá sung túc. Nhưng đau đớn thay, bố T. lại lừa dối mẹ con anh để đi cặp kè với một người chỉ bằng tuổi T. Anh buồn chán rồi bỏ học để đi vũ trường triền miên. “Một tháng 30 ngày tôi chìm ngập trong ăn chơi, men say và thấy cuộc đời mình quá nhàm chán. Những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng đã khiến tôi bắt mối với một nhóm giang hồ. Cuộc đời tôi bắt đầu rơi vào những ngày tháng đâm thuê chém mướn. Đó quả là những ngày tháng rồ dại nhất. Chỉ cần một cái nhìn đểu, một câu nói không lọt tai là chúng tôi có thể đánh nhau, thậm chỉ gọi băng nhóm đến trừng phạt nhau theo cách giang hồ. Tôi hành động mà không bao giờ nghĩ đến hậu quả của nó. Có người bị chúng tôi đánh gãy chân, hôm vừa rồi tôi gặp lại hắn ở chợ, thấy hắn đi cà nhắc bán dép dạo. Giá như ngày trước tôi biết nghĩ thì có lẽ giờ ông ta không bị tập tễnh cả đời như thế”, T. tâm sự.
T. cũng cho biết, bây giờ nghĩ lại những việc làm trước đây thấy hối hận vô cùng. Cũng chính vì lý do đó, T. cùng với các anh em khác trong câu lạc bộ quyết làm việc thiện, giúp đỡ những người nghèo không may mắc căn bệnh quái ác này. “Bát cháo cũng không nhiều nhặn gì, cũng không giúp họ chữa khỏi bệnh nhưng nó làm tấm lòng của chúng tôi. Tôi mong rằng, trong thời gian chữa bệnh, các bác được ăn thức ăn sạch và giúp giảm đi phần nào chi phí. Ở Hà Nội này có cái gì rẻ đâu…”
Không ít người trong số họ mà dân giang hồ chỉ cần nghe thấy tên đã khiếp vía hoặc chí ít cũng phải dè chừng phần nào. Những tay “anh chị” này có lẽ chưa bao giờ mó tay vào chuyện bếp núc, vậy mà giờ đây họ lại cặm cụi nấu nướng cho những người xa lạ, chưa từng gặp mặt và không hề có mối quan hệ thân thiết.
Thành Huế
Nguồn: http://www.doisongphapluat.com/xa-hoi/cam-dong-chuyen-nhung-giang-ho-com-can-nau-chao-tu-thien-a2206.html
TAMTHUC
Comment