lat-tay-thanh-co-giam-dap-chua-ung-thu
Lật tẩy ‘thánh cô’ giẫm đạp chữa ung thư
- bởi map --
- 17/09/2015
‘Thánh cô’, ‘Bồ tát giáng thế’ ở Sông Công, Thái Nguyên lan truyền dậy sóng trên mạng ngoài đời 40 tuổi, có quá khứ không liên quan nghề thầy thuốc, từng buôn cá và nước mắm, thâm niên nhiều năm làm mát xa, tẩm quất.
Cách trung tâm thành phố Sông Công (Thái Nguyên) khoảng 3km, ở xóm Tân Sơn, xã Vinh Sơn,“cơ ngơi” của Phạm Thị Phú, người phụ nữ đang “nổi danh” trên mạng xã hội với biệt hiệu “thánh cô chữa ung thư” rộng đến 5.000m2.
Nhưng khác hoàn toàn với những thông tin lan truyền trên mạng, đại bản doanh của “thánh cô chữa ung thư” có biển hoạt động với tên gọi “Cơ sở Ban Mai” chuyên về… tẩm quất, xoa bóp!.
Người dân từ các khắp tỉnh thành đổ về để nhờ “cô Phú” giúp đỡ
Cơ sở tẩm quất, xoa bóp này tọa lạc trên nửa quả đồi được san gạt để tạo mặt bằng. Nửa phía sau vẫn xanh um những cây đồi như keo, mỡ. Đây là cơ sở mở rộng của chủ nhân từ 2012. Trước đó, “phòng khám” của “cô Phú” đặt ở tổ 12, phường Thắng Lợi, thành phố Sông Công. Do chật chội và số lượng người đến quá lớn, chủ cơ sở phải tìm địa điểm rộng lớn hơn.
Khác hẳn với hình dung về nơi chữa bệnh đậm màu mê tín dị đoan hay có điện thờ, phủ thờ sơn son thếp vàng, mù mịt nhang khói, cơ ngơi của “thánh cô” Phạm Thị Phú khá giản đơn, thậm chí có phần tạm bợ.
Khu nhà chính rộng chừng trăm mét, khoảng sân rộng đổ xi-măng được phủ mái tôn để che mưa nắng. Đây cũng là nơi để các “khách hàng” đến để được phục vụ xoa bóp, tẩm quất.
Ba gian nhà cấp bốn sạch sẽ hơn, được dung làm phòng khách và có thể là nơi nghỉ ngơi của “cô Phú”. Cổng vào khá rộng, được láng xi-măng. Phía sau hai cánh cổng sắt to là một chiếc barie… bằng tre.
Nhiều người phải chầu chực từ 5 giờ sáng
Xe ô tô của khách ngoại tỉnh đỗ thành một hàng dài ngoài đường. Những hôm ít khách, xe máy được để trong sân, có tổ bảo vệ trông giữ.
Một chiếc bàn gỗ ở mé phải của khu nhà chính, hai nhân viên nữ đảm nhận công việc ghi tên, đăng ký phiếu cho khách. Bên mé trái của tòa nhà chính, la liệt các thức hàng như nước lọc, khăn, trứng luộc, bánh… để phục vụ người nhà bệnh nhân.
Cơ sở này có khoảng chục nhân viên giúp việc, đảm trách các công việc bảo vệ, trông xe, dọn vệ sinh, bán hàng nước, sắp xếp lượt cho người đăng ký.
Thời điểm PV VietNamNet có mặt (15/9), trong khoảng sân rộng, hàng trăm người dân ở mọi độ tuổi, già trẻ lớn bé đã có mặt để chờ đến lượt xoa bóp. Một không khí vừa trang nghiêm, vừa lộn xộn bao trùm.
“Thánh cô” có đủ các bệnh nhân
Vẻ lo lắng hiện rõ trên gương mặt những người ngồi xếp bằng trên mặt sân được trải chiếu. Nhưng họ ít nhất còn hơn rất nhiều người, để đến lượt đã phải chầu chực từ 5 giờ sáng, thậm chí nhiều người phải ở trọ lại thành phố Sông Công để được đến lượt.
Từ “Phú cá” đến người “nổi tiếng”
Không phải cho đến khi mạng xã hội “dậy sóng” vì bức ảnh chụp hàng trăm người cởi trần nằm hàng dài để chờ “cô Phú” chữa bệnh thì cơ sở Ban Mai mới “nổi tiếng”, “quá tải” khách hàng. “Thánh cô” giẫm đạp chữa ung thư thực tế đã hành nghề từ hơn chục năm nay.
Theo tìm hiểu, người phụ nữ được phong “thánh cô” chữa bệnh sinh năm 1972, lấy chồng ở Mỏ Chè, thành phố Sông Công, có con cái trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Người dân ở Sông Công hay gọi người phụ nữ này là “Phú cá” – biệt hiệu gắn liền với nghề buôn cá và nước mắm trước đây.
Người dân ở Sông Công không ai không biết đến cơ sở của “cô Phú” chữa bệnh.
Và chính quyền cũng không xa lạ. Ông Nguyễn Quý Luân, Phó phòng VHTTDL thành phố Sông Công cho hay, sự nổi tiếng của cơ sở này thậm chí vượt ra ngoài Thái Nguyên, không ít khách hàng đến từ khắp mọi miền cả nước, thậm chí người ở nước ngoài cũng tìm về “nhờ vả”.
Cổng vào nghiêm ngặt
Khi được hỏi: cơ sở hoạt động này có vi phạm pháp luật hay không, bởi như tin đồn, chủ cơ sở Phạm Thị Phú đã được “phong thần phong thánh”, được người bệnh “tung hô” như một người siêu phàm…, ông Luân lại khẳng định không có chuyện này.
Năm 2014, đoàn liên ngành của thành phố Sông Công từng đi kiểm tra cơ sở hoạt động của Phạm Thị Phú nhưng cơ sở này xuất trình đầy đủ giấy phép kinh doanh, hoạt động, biên bản kiểm tra định kỳ.
“Góc độ cơ quan quản lý văn hóa, chúng tôi thấy cơ sở này không có đền thờ, bàn thờ, hương khói… như những cơ sở khám chữa bệnh của những “thần y” ở nhiều vùng miền khác mượn thần mượn thánh để hành nghề như báo chí đã phản ánh. Người dân tìm đến, họ cũng không mang theo lễ vật, đồ cúng hay hương khói, cầu khấn gì cả” – ông Luân nói với VietNamNet.
Ông Nguyễn Xuân Nhân, Trưởng phòng LĐTBXH thành phố Sông Công cũng cho hay cơ sở này không vi phạm về luật lao động, chưa có bất kỳ điều tiếng gì về an toàn cháy nổ, vệ sinh môi trường hay mất trật tự trị an.
Ô tô xếp hàng dài chờ vào khám bệnh
“Mạng xã hội ầm ĩ về bức ảnh hàng trăm người nằm úp, cởi trần để chờ được chữa bệnh. Tôi cũng không nghĩ cơ sở ấy lại đông người tìm đến như thế. Cũng có nhiều người là bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối” – ông Nhân nói.
Đến phòng y tế thành phố Sông Công, chị Trần Thị Anh Đào, một cán bộ phòng y tế thẳng thắn, từ hơn hai năm nay, phòng y tế không có vai trò quản lý về chuyên môn đối với cơ sở này nữa, vì giấy phép kinh doanh của cơ sở này không phải là chữa bệnh!
“Họ được cấp phép hoạt động tẩm quất, mát-xa… chứ không phải chữa bệnh”- chị Đào khẳng định. Cán bộ y tế cơ sở này còn cho hay, “họ cũng không bán thuốc đông y hay tây y cho bệnh nhân. Nếu chỉ cần có những hoạt động này, phòng y tế thành phố Sông Công sẽ trực tiếp quản lý, giám sát ngay”.
Trước các câu hỏi của VietNamNet, bà Phạm Thị Phú khẳng định ngay: “Tôi không phải thần thánh gì cả. Tôi không khám chữa bệnh cho ai cả. Tôi chỉ kinh doanh dịch vụ xoa bóp, tẩm quất, đã có giấy phép đăng ký kinh doanh. Còn vì sao người ta tìm đến đông như thế thì tôi không thể nào biết”.
Để minh chứng điều mình nói, chủ cơ sở Ban Mai trưng ra giấy đăng ký kinh doanh, các biên bản kiểm tra vệ sinh môi trường, an ninh trật tự của các cơ quan có thẩm quyền thành phố Sông Công.
Giấy phép đăng ký kinh doanh được Phòng tài chính – kế hoạch (thị xã Sông Công cũ) cấp cho các ngành nghề: kinh doanh dịch vụ tẩm quất, nhà nghỉ, hàng tạp hóa, bánh kẹo, đường sữa, chè khô, thực phẩm.
“Thánh nữ” Phạm Thị Phú bất ngờ về việc mình bị… bêu xấu trên mạng
Theo chủ cơ sở Ban Mai, mỗi lần xoa bóp giá dịch vụ 10.000 đồng/người; chai nước Lavie 5.000 đồng/người; có 3 phòng trọ, nếu ai ở xa phải nghỉ lại, phí thu 30.000 đồng/người, chứ không thu tiền điều trị.
“Trong nhà, tôi có đặt một cái hòm công đức, ai thành tâm công đức bao nhiêu thì tự đặt. Tiền ấy, tôi sử dụng để kiến thiết, cải tạo, xây dựng cơ ngơi này cho đỡ xập xệ” – “cô Phú” nói.
Vừa nói vừa chực khóc, chủ cơ sở xoa bóp – tẩm quất cũng thẳng thắn tâm sự: “Trước kia tôi làm nghề buôn bán cá ở chợ. Nghề đấy của tôi, bà con ai cũng biết. Sau đó, bỗng nhiên tôi có khả năng đặc biệt, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng mãi dưới Hà Nội lên đặt vấn đề theo dõi nghiên cứu… chứ tôi nào có biết chuyện gì”.
“Người ta đặt điều tôi là thánh cô để lừa bịp”
Đặt câu hỏi về việc được phong “thánh cô”, “thần y” hay “thánh nữ”, người phụ nữ này khẳng định bị “người ta đặt điều để lừa bịp”.
“Tôi không cần quảng bá, tôi cũng không chữa bệnh. Nếu tôi mà lừa bịp thì tôi không lừa bịp kiểu này”.
Khu vực xoa bóp của cơ sở Ban Mai
Để chứng minh, “cô Phú” gọi 3 người phụ nữ trung tuổi đến, nhờ vén áo ngực lên. Cả 3 quê Lục Ngạn, Bắc Giang đều mắc bệnh ung thư vú. Khối u sắp vỡ, phải rịt bằng bông băng.
“Tôi chỉ xoa bóp cho họ và họ nói là đỡ đau hơn rất nhiều. Tôi không cho họ uống thuốc đông y, tây y, thuốc lá. Nếu không tin thì cơ quan chức năng cứ hỏi bà con, rồi bắt tôi đi tù thế nào cũng được” – nói xong “cô Phú” sụt sịt khóc.
Về bức ảnh hàng dài người ở trần nằm úp người trên chiếu trải ra sân để mình trèo lên giẫm đạp được phát tán trên mạng, chủ cơ sở tẩm quất giải thích, mỗi ngày có hàng trăm người tìm đến.
“Mình kinh doanh dịch vụ xoa bóp, có được đuổi họ đi không? Để ai cũng được xoa bóp, tôi mới dùng phương pháp đó. Mà không phải giẫm đạp như người ta nói, tôi chỉ dùng chân để xoa bóp, day những vị trí ở lưng, vai, cổ cho người ta” – “thánh cô” Phạm Thị Phú một mực khẳng định những lời mình nói là sự thật.
Phải vi phạm mới xử lý được
Trưởng phòng LĐ-TB-XH thành phố Sông Công Nguyễn Xuân Nhân cho hay, cơ sở Ban Mai đăng ký kinh doanh xoa bóp, tẩm quất, có chứng chỉ hành nghề, không bán thuốc nên cơ quan chức năng chỉ quản lý ở góc độ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.
Trưởng phòng LĐ-TB-XH Nguyễn Xuân Nhân (trái) trong buổi làm việc cùng PV với chủ cơ sở Phạm Thị Phú
“Nếu đơn vị vi phạm thì chúng tôi mới xử lý được” – ông Nhân cho hay dù cơ quan quản lý nhà nước đã cho nhiều lần kiểm tra.
Trong khi đó, ông Đặng Mộng Điệp, Phó chủ tịch thành phố Sông Công cho rằng, “hoạt động khám chữa bệnh của bà Phạm Thị Phú về mặt quản lý nhà nước là trái pháp luật. Chính quyền địa phương, UBND thị xã Sông Công, các cơ quan chuyên môn về y tế, công an đã nhiều lần yêu cầu cơ sở khám chữa bệnh trái phép này ngừng hoạt động vì không có giấy phép hoạt động”.
Ông Điệp cho biết, năm 2006, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người xin phép được nghiên cứu về trường hợp khám chữa bệnh của Phạm Thị Phú. UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu UBND thị xã Sông Công giám sát quá trình nghiên cứu này.
Tuy nhiên, việc khám chữa bệnh của bà Phú thời gian này chỉ được phép để phục vụ mục đích nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, chứ không được phép thu tiền và chỉ kéo dài vài tháng.
Hết thời gian nghiên cứu sẽ phải ngừng hoạt động. Sau thời gian đó, trung tâm này lại lên xin phép nghiên cứu lần hai, theo nội dung về phương pháp chữa các bệnh khác.
Để giám sát quá trình nghiên cứu của Trung tâm, UBND thị xã Sông Công yêu cầu bà Phú chỉ được khám chữa bệnh cho những bệnh nhân có hồ sơ bệnh án của bệnh viện từ tuyến tỉnh trở lên.
Hết đợt khám bệnh tại cơ sở của bà Phú, bệnh nhân sẽ quay trở lại bệnh viện đó để kiểm tra hiệu quả của đợt điều trị tại nhà bà Phú.
Bà Phú không được phép tổ chức khám chữa bệnh thu tiền của người bệnh hay vì mục đích kinh doanh, vì việc khám chữa bệnh ấy vẫn là trái pháp luật!.
Vì nhiều lý do, khoảng giữa năm 2010, cơ sở khám chữa bệnh của bà Phạm Thị Phú bị Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) ra quyết định đình chỉ hoạt động bằng phương pháp giẫm, đạp, uống nước thánh… như tin đồn.
Khi phóng viên hỏi về quyết định đình chỉ hoạt động của Cục, chủ cơ sở Ban Mai quả quyết: “thời điểm đó tôi không hiểu biết, và việc hoạt động là để phục vụ việc nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người.
Sau đó, tôi đã tham gia các khóa học về xoa bóp của Viện y học cổ truyền VN nên tôi đủ điều kiện đăng ký kinh doanh lĩnh vực xoa bóp, tẩm quất”.
Trong quá trình VietNamNet tìm hiểu về hoạt động cơ sở tẩm quất Ban Mai của “thánh cô” Phạm Thị Phú, có một nhân vật xuất hiện không thể không nhắc đến là luật sư Lê Quốc Đạt, giám đốc công ty luật Trí Tuệ (trụ sở phố An Dương, quận Tây Hồ, Hà Nội).
Theo lời luật sư Đạt giới thiệu, công ty luật Trí Tuệ có hợp đồng dịch vụ pháp lý với cơ sở Ban Mai với trách nhiệm tư vấn các hoạt động và quản lý doanh nghiệp theo phạm vi giấy phép kinh doanh, đại diện làm việc với cơ quan nhà nước khi cơ sở này bị thanh tra, kiểm tra hoạt động, đại diện cho Ban Mai làm việc với các cơ quan, tổ chức khác khi có nhu cầu.
Luật sư Lê Quốc Đạt và bà Phạm Thị Phú
Đáng lưu ý, bà Phạm Thị Phú đã có hợp đồng dịch vụ pháp lý với công ty trên ký kết ngày 25/12/2014 nhưng thỏa thuận giữa hai bên là bảo trợ, tư vấn pháp lý miễn phí, không lấy tiền. Theo lời luật sư đại diện, công ty này làm miễn phí vì “chị Phú hoạt động vì cái tâm”.
“Vừa rồi, mạng xã hội lan truyền bức ảnh cơ sở Ban Mai chữa bệnh bằng giẫm đạp, mà lại nói chữa bệnh ung thư. Điều này hoàn toàn sai sự thật” – luật sư Đạt bác bỏ.
Hòm công đức để duy trì cơ sở
Để minh chứng, luật sư đại diện của người được phong “thánh cô” cung cấp một loạt giấy tờ hồ sơ của doanh nghiệp từ giấy phép đăng ký kinh doanh; giấy phép đảm bảo điều kiện hoạt động; các bằng cấp – chứng chỉ của bà Phạm Thị Phú như giấy khám sức khỏe, chứng chỉ hoàn thành khóa học xoa bóp của Học viện y học cổ truyền (Bộ Y tế); các biên bản kiểm tra của cơ quan chức năng thành phố Sông Công.
Luật sư này biện hộ, cơ sở Ban Mai hoạt động kinh doanh nhà nghỉ, bán hàng tạp hóa, đường sữa, xoa bóp tẩm quất chứ không phải chữa bệnh.
“Những người đến đây là để được chị Phú xoa bóp chứ họ không chữa bệnh, không phải mua hay dùng bất cứ thứ gì được gọi là thuốc, kể cả ‘nước thánh’” – luật sư đại diện nói.
Hợp đồng tư vấn pháp lý (miễn phí) của cơ sở tẩm quất Ban Mai.
Ông Đạt khẳng định việc nhiều người bệnh tìm đến xoa bóp là do người nọ rỉ tai người kia chứ “chị Phú” không tuyên truyền, quảng cáo. Có nhiều người sau khi xoa bóp thấy đỡ đau, bệnh tình thuyên giảm.
Phóng viên có đề nghị giải thích việc tin đồn lan truyền từ nhiều năm trước, việc “chị Phú” chữa bệnh, được ca tụng là “thánh cô, cậu Phú”, việc “xoa bóp” không lấy tiền thì cơ sở này lấy đâu kinh phí để xây dựng, mở mang cơ sở.
“Cô Phú” đang xoa bóp cho một khách hàng bị hoại tử ở vai
Nghe vậy, chủ cơ sở tẩm bóp Phạm Thị Phú nhắc lại giá xoa bóp thu 10.000 đồng/người; bánh trái, đường sữa, nước uống không kinh doanh mà cho những người có hoàn cảnh khó khăn ở Thái Nguyên đến bán.
“Cơ sở của chúng tôi có đặt một hòm công đức, ai để bao nhiêu là tùy tâm, không để cũng được. Tôi lấy tiền đó để duy trì cơ sở” – “cô Phú” cho biết.
Luật sư đại diện diễn giải thêm, những người bệnh tình thuyên giảm đền đáp “chị Phú” bằng cách tài trợ làm mái tôn ở sân, đổ bê-tông khu sân – ngõ, đóng góp bằng hiện vật. Có 3-4 người sau khi khỏe, đẩy lùi bệnh tật còn tình nguyện ở lại giúp “chị Phú” làm bảo vệ, quét dọn vệ sinh mà không cần lương.
“Rất nhiều người mang ơn, thần tượng, tôn sùng chị Phú. Có người còn nói sẵn sàng đúc tượng chị Phú. Nhưng tôi nói với chị Phú là đừng cho họ làm như thế, không hay. Mình làm ơn, giúp người tự cái tâm mình biết” – luật sư Đạt nói.
Tẩm quất đặc biệt, có thẻ ngoại cảm
Cởi mở trả lời mọi câu hỏi báo chí nêu, chủ cơ sở tầm quất Ban Mai nhiều lần nức nở, lã chã nước mắt.
“Chị cũng là phụ nữ, muốn có thời gian chăm sóc chồng con, được hưởng thụ hạnh phúc chứ ai muốn khổ sở như thế này. Nhưng em thấy, hàng trăm người, trong đó toàn người nghèo khó, bệnh tật. Nếu chị nghỉ thì ai giúp họ” – bà Phú trần tình với phóng viên.
Người phụ nữ này một mực cho rằng mình không lừa đảo ai, không lấy tiền, không quảng cáo lăng xê cơ sở nhưng không thể lý giải được vì sao mọi người lại kéo đến cơ sở của mình đông hơn kiến để xoa bóp, tẩm quất.
Bà Phạm Thị Phú nói tẩm quất của mình “có gì đó đặc biệt” dù cũng “không biết đặc biệt đó là gì”, chỉ là động tác tẩm quất có xoa bóp, rồi giẫm lên lưng.
“Việc đỡ hay khỏi bệnh là việc của người ta. Chị không chữa bệnh” – chủ cơ sở tẩm quất nói. Thông thường khách đến nói đau ở đâu, “cô Phú” sẽ tác động, sờ vào ở đó, kể cả người bệnh ung thư giai đoạn cuối. Cứ đau ở đâu thì tác động vào để “họ bớt đau, kéo dài sự sống”.
“Chị không có truyền năng lượng, không nhảm nhí, thậm chí không bao giờ thắp một nén hương luôn. Chị cũng không lên đồng lên cốt, không gọi vong gọi hồn gì cả. Cũng có thể mình có một chút gì đó đặc biệt trong người chẳng hạn nhưng dưới hình thức xoa bóp chứ không dùng thuốc, một lá cây, một ngọn cỏ cũng không.
Còn vấn đề tâm linh, chị là cán bộ nghiên cứu của Viện nghiên cứu tiềm năng con người, có thẻ ngoại cảm. Chị chỉ tham gia cho vui thôi, bởi Viện không đủ thẩm quyền để bảo vệ công việc xoa bóp của chị, tham gia cho có tổ chức thôi chứ cái chính sườn pháp lý của chị là xoa bóp tẩm quất” – chủ cơ sở tẩm quất nói với phóng viên.
Theo lời bà Phú, mỗi ngày cơ sở đón 200-300 người. Ngày đông nhất có thể lên tới 600 người
Trong những lời trần tình, bà Phú nhắc việc đã đi học ở Thái Nguyên, Hà Nội để có chứng chỉ xoa bóp, tẩm quất. Có chứng chỉ mới đăng ký kinh doanh, thành lập cơ sở tẩm quất hành nghề và hiểu rất rõ phạm vi kinh doanh của mình là không được chữa bệnh.
“Chữa bệnh phải có bằng cấp ngành y, học bác sỹ ra trường, có giấy phép hành nghề được sở y tế cấp. Nhưng việc của chị không chữa bệnh, không liên quan đến sở y tế. Người ta cũng không kiểm tra chị được. Chị biết điều đó chứ, chị có luật sư riêng của chị” – “cô Phú” nói.
Lý giải việc đông người nằm dài chờ, người phụ nữ này lý giải do đông người quá nên phải làm tập thể, không làm được phòng riêng, phòng kín. Mỗi ngày cơ sở này có khách hàng khoảng 200 – 300 người, làm cả ngày, thậm chí buổi tối.
Bà Phạm Thị Phú một mực khẳng định không bao giờ tự nhận mình là “thánh cô”, chỉ là người như mọi người, bản thân “có một cái gì đó đặc biệt giúp được mọi người”. Vì làm việc với lương tâm nên đã hoạt động đến năm thứ 13, mọi người vẫn tín nhiệm, khách hàng vẫn đông.
Kiên Trung
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/262195/lat-tay–thanh-co–giam-dap-chua-ung-thu.html
TAMTHUC
Comment