song-va-chet-the-nao-cho-y-nghia
Sống và chết thế nào cho ý nghĩa
- bởi map --
- 03/05/2015
Loài người chúng ta là những sinh vật hữu hình hữu hạn, chúng ta không thể sống ngoài viễn tượng không gian và thời gian. Vì sao ? vì sắc chất chúng ta được cấu tạo nên từ tứ đại giả hợp, không có cách nào chụp bắt hay bám víu vào những lý thuyết hão huyền của vô hạn.
Vậy thì làm sao chúng ta có thể tự giải thoát mình ra khỏi sự ràng buộc của phiền não khổ đau trong kiếp người từ giới hạn cuộc sống ?
Bởi thế, sự giải thoát phải được tìm kiếm trong chính hữu hạn, nói cách khác là ngay trong hành động thực tế của xã hội, mà biết đem giáo lý Phật đà ra áp dụng để hoán cải cuộc đời trở thành nhân sinh quan tươi đẹp; đó mới là ý nghĩa cứu khổ ban vui, lòng bi nguyện của Bồ tát hạnh, cũng là hoài bảo lớn lao của đức Phật Thích Ca khi đứng trước hoàn cảnh bất công ở xã hội thời ấy. Cho nên biết rằng, không có gì vô hạn tách biệt khỏi những sự vật hữu hạn. Nếu chúng ta tìm kiếm cái gì siêu nghiệm bằng lý thuyết suông, việc ấy sẽ cắt lìa chúng ta ra khỏi thế giới vật chất tương đối này; chẳng khác nào sự “hư vô hóa” chính chúng ta, thì luật đào thải tự nhiên của xã hội sẽ ném ta vào quá khứ.
Không một sinh vật nào trên vũ trụ có thể thoát khỏi định luật thiên nhiên là vô thường sinh diệt. Biết như thế thì có gì phải bi quan yếm thế cầu giải thoát bằng cách khoanh tay ngồi chờ sung rụng ? mà hãy nhớ rằng : “NIẾT BÀN phải được tìm kiếm ngay giữa lòng cõi TA BÀ hay trong giòng SINH TỬ”.
Nếu chỉ biết có “Tinh thần”, chỉ sống với “Vĩnh cửu”. “Trừu tượng”, “Vô biên” v.v. . . ưu tư muốn tìm một tổng hợp trong ấy, đối kháng quyết liệt với lao động chân tay, hoặc chẳng thể hòa mình vào dòng đời phụng sự xã hội, nhân loại; muốn đạt được cùng một lúc thân còn ở tại nhân gian mà tâm trí sống ở thiên đàng. Việc ấy sẽ không thể nào có được.
Mỗi người phải sống cho trọn đời mình cho đến giây phút cuối cùng, bằng tất cả bầu nhiệt huyết để đắp bồi cho cuộc đời bằng những bông hoa tươi thắm, cho hậu thế được hạnh phúc an vui, phải dám sống cho đến khi kết thúc đời mình, và cái bước kế tiếp là cái bước ngang qua lằn ranh đi vào cõi chết, trả thân nầy về cát bụi một cách mãn nguyện an vui vì đã làm tròn sứ mạng của con người. Chúng ta không có đủ can đảm để vào cuộc hành trình mà phải kêu lên là “không dám” hay sao ?
Cái chết là một chung cuộc lớn lao, một kinh nghiệm toàn mỹ, một triển khai có từ đời sống theo việc làm xấu hay tốt, ta cần gì phải nghĩ ngợi xa hơn ? con người chẳng bao giờ thấy xa hơn cái chung cuộc ấy. Sự chết đủ là một kinh nghiệm lớn lao, tại sao ta cứ phải tư duy, tra vấn về cái gì ở đằng sau một kinh nghiệm; hơn nữa, lại là một kinh nghiệm mà ta hãy còn mù tịt ?
Trong kinh Nhân Quả báo ứng có nói :
“Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị;
Yếu tu lai thế quả, kim sanh tác giả thị”
Thế thì chúng ta hãy gắng công gieo hạt giống lành Đạo đức, vun phân tưới nước gốc Từ bi; lo gì cây Đạo pháp không lớn, hoa Bát nhã không nở, quả Niết bàn không kết trái ?
Đại thừa Mật giáo Tây Tạng có nói : “Nếu chúng ta muốn vươn lên khỏi trần gian này, chúng ta cũng phải đứng lên từ mặt đất; vì người ta rơi trên mặt đất, người ta phải cất mình lên với sự trợ giúp của mặt đất”.
Văn hào D.H. Lawrence cũng đã khẳng định :”Tương lai sẽ chỉ thuộc về những người dám đối mặt và chấp nhận định mệnh”. Tương lai, là tặng phẩm dành cho người đi đến mục đích giải thoát; đối mặt ở đây có nghĩa nhìn thẳng vào thực tại và hành động; còn chấp nhận định mệnh tức nhận rõ sự sinh tử là lẽ tất nhiên của con người, mà chỉ người có trí tuệ mới giác ngộ được chân lý ấy, khi nhận thức thấu đáo triết lý cốt tủy của đạo Phật là pháp Tứ Diệu Đế.
Muốn có được những thực chất ấy, thì trước tiên chúng phải vun trồng nơi tự mình, bằng cách rèn luyện đạo đức qua hành trì giới luật, tu tập thiền quán. Song song đó, chúng ta cần trau dồi kiến thức, phát triển trí tuệ qua nghiên cứu tam tạng giáo điển để nhận ra tự tánh; việc còn lại là sống đời sống an lạc tự thân để giúp mọi người chung quanh sửa chữa những sai lầm bản thân, những tư tưởng lệch lạc, những tập quán, nề nếp không còn phù hợp.
Làm được như thế, mới là cùng nhau đạt đến chân hạnh phúc ở thực tại, cho phạm trù sống phải thực có ý nghĩa, thì đến khi phạm trù chết xảy ra, đó sẽ là ý nghĩa lớn lao nhất mà con người muôn thuở đều muốn vươn tới : sự vĩnh hằng của Niết bàn tịch tĩnh.
Mùa an cư Ất Sửu 1985 – Thích Đồng Bổn
TAMTHUC
Comment