vai-tro-nguoi-phu-nu-trong-phat-giao
Vai trò người phụ nữ trong Phật giáo
- bởi map --
- 12/06/2015
Trên thực tế, Phật giáo cũng đã có nữ tu sớm nhất, đó là vào thời đức Phật cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm, với những vị nữ đệ tử xuất sắc của đức Phật như thánh nữ Patacara, Dhammadima, Khema, Vasethi, Uppalavanna… hoặc những nữ đại thí chủ như Visākhā, Suppiyā…
Kính thưa quí vị và các bạn
Mãi đến vài chục năm gần đây thế giới mới chú ý đến người phụ nữ, nhất là từ khi họ tham gia vào các phi hành đoàn thám hiểm mặt Trăng, hay khi họ là những vị nguyên thủ quốc gia, hay họ là những khoa học gia, chính trị gia, những khuôn mặt nổi bật, hay có mặt trong các hạ viện, thượng viện của các quốc gia… Nhưng riêng Phật giáo, không có phân biệt nam nữ kiểu “trọng nam khinh nữ” của đức Khổng Tử mà trái lại, vai trò người phụ nữ đã có một vị trí đặc biệt, ví dụ như trong kinh Thắng Man, người phụ nữ đã được đề cao về cả tình yêu (từ bi) lẫn trí tuệ; như một người tiên phong đi hoằng dương Chánh pháp và bảo vệ giáo lý Đại thừa. Bối cảnh tình yêu và niềm tin của người phụ nữ chớm nở là từ những hạn chế của tình cảm thế tục (như ở Thắng Man phu nhân là tình yêu giữa cha mẹ và con cái) nhưng đã được hướng dẫn đến một tình yêu bao la hơn, cao thượng hơn. Đó chính là tình yêu tuyệt đối của chư Phật, chư Bồ-tát đối với chúng sanh, là tình mẹ dành cho đứa con duy nhất của mình.
Trên thực tế, Phật giáo cũng đã có nữ tu sớm nhất, đó là vào thời đức Phật cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm, với những vị nữ đệ tử xuất sắc của đức Phật như thánh nữ Patacara, Dhammadima, Khema, Vasethi, Uppalavanna… hoặc những nữ đại thí chủ như Visākhā, Suppiyā…
Tuổi trẻ Phật giáo hải ngoại nói chung, các em đoàn sinh GĐPT hải ngoại nói riêng, không hề biết chuyện người phụ nữ bị ngược đãi, thậm chí ở nhiều nước, họ không có quyền làm người nữa! Vì ở Mỹ, Pháp, Anh, Đức v.v… người phụ nữ không khác gì nam giới trong tất cả mọi lãnh vực, đặc biệt có nhiều “single mother” rất xuất sắc trong việc đào tạo con cái của mình.
Vấn đề một số người Việt Nam đem bán con em của mình qua các nước Đông Nam Á, đặc biệt là qua Trung Quốc và Đài Loan, đã gây phẫn nộ trong dư luận thế giới, một số báo chí và đài TV đề cập đến. Do vậy, các em huynh truởng trẻ muốn tìm hiểu vai trò người phụ nữ trong Phật giáo có gì khác biệt với đời thường không, qua buổi hội thoại bỏ túi giữa các anh chị em cùng Đơn vị.
Xin mời quí vị và các bạn theo dõi để chỉ giáo cho!
A: Chào các bạn! Hôm nay chúng ta có buổi hội thảo nhỏ phải không, về vấn đề gì?
B: Vai trò người phụ nữ trong Phật giáo.
C: Phải đó, đề tài này đang là “điểm nóng” đó các bạn à!
A: Vai trò người phụ nữ rất quan trọng, không chỉ trong Phật giáo mà các tôn giáo khác cũng vậy, các bạn không thấy sao?
B: Sao bạn nói vậy? Các tôn giáo khác đâu có coi trọng người phụ nữ, nhất là về tài năng và trí tuệ; người phụ nữ đâu được đặt ngang hàng với nam giới? Ngoài ra, có người còn cho rằng người phụ nữ không trong sạch như người nam, còn cấm họ vào các đền thờ nữa!
A: Đó là hai vấn đề khác nhau; tôi nói đây là chúng ta thấy trong phần nhiều các tôn giáo hình ảnh Mẹ được tôn thờ, tôn giáo nào cũng có “Mẹ”, Thiên chúa giáo thì có Mẹ
Maria, Phật giáo thì có “Mẹ hiền Quan Âm,” đạo của người Chàm thì có Thánh nữ Thiên Y Ana…, đó là hình ảnh người phụ nữ chứ còn gì nữa, phải không?
C: Phải đó, tôi đồng ý! Nhưng Phật giáo không chỉ dừng lại ở việc đề cao Mẹ, còn nói về “thánh thai” hay Như Lai tạng v.v… nữa.
B: Đúng vậy. Các bạn có biết tại sao có người nói mẹ là người dạy cho chúng ta (đứa con) bài học đầu tiên về từ bi, về “cho” – kiểu như bố thí Ba-la-mật vậy đó, hay không?
A: Tôi hiểu rồi, hình ảnh mẹ nuôi lớn hài nhi chính là ý nghĩa rất sâu sắc của “cho” và “nhận.” Thật vậy, khi baby được sinh ra, mẹ cho nó hai bầu sữa ngọt, nó lấy (take) nhưng không phải là “nhận” (receive); đối với mẹ thì đó là hành động từ bi thật sự, còn đối với chúng ta (baby) thì đó là phản ứng tự nhiên, nhờ sữa mẹ để sống còn.
C: Tôi cũng hiểu rồi! Hành động ấy không chỉ ở con người mà ở cả muôn loài, như con khỉ, con vượn cũng biết nuôi con của nó bằng sữa của mình vậy, đó chính là lòng từ bi gần gũi nhất, nhỏ nhiệm nhất thể hiện qua tình mẫu tử, có phải như vậy không?
B: Phải đó! Người mẹ “cho” mà không hề có ý nghĩ được đền đáp, đứa con thì “lấy” vì cần thiết chứ không nghĩ đến chiếm hữu để làm của hay để làm giàu làm có gì cả! Thế rồi, đứa bé lớn lên và tiếp tục lấy, lấy để bồi dưỡng cơ thể, bồi dưỡng tinh thần và trí óc, lấy để sống. Đó không phải là tinh thần bố thí chân chính mà mình đã học sao?
A: Đúng vậy, tình mẹ tuy rất bình thường, nhỏ nhoi và tự nhiên, loài vật cũng biết yêu thương và bảo vệ con mình, nhưng đồng thời cũng là hương vị ngọt ngào nuôi lớn thánh thai của Bồ-tát.
C: Trong ý nghĩa đó, tình yêu của mẹ nói riêng được đồng hóa với Như Lai tạng, cái bào thai cưu mang để sinh trưởng những phẩm tính siêu việt của Như Lai, của những đấng Giác ngộ và Cứu thế.
B: Những điều bạn vừa nói đó là trong kinh Thắng Man phải không? Vai trò của phụ nữ trong Phật giáo có thể minh chứng rõ nét nhất trong kinh này.
A: Phải đó, vì nói đến phái nữ là nói đến sự dịu dàng, tình yêu, tình mẫu tử… không phải chỉ nói đến thuần trí tuệ và theo Phật giáo, chân lý chỉ có thể đạt được bằng tình yêu có nội dung trí tuệ chứ không phải thuần bằng trí tuệ.
C: Đúng thế! Và nói về người nữ cũng là nói về đức tin vững chãi của họ nữa. Chính đức tin đã hướng dẫn họ con đường đi vào đại dương của trí tuệ; đức tin hay sự tin cậy của người nữ là đặt tất cả sinh mạng mình vào nơi nương tựa duy nhất, đó là Tam bảo, một khi họ đã quay về và nương tựa (quy y)
B: Thật là hay quá, cảm ơn các bạn đã nhắc nhở về Thắng Man phu nhân, người phụ nữ có một nhân cách đặc biệt, dám nương theo uy lực của đức Phật để nói lên tiếng nói của chân lý, xiển dương giáo lý Đại thừa và được đức Phật ấn chứng là “đứa con chân thật của Như Lai”, được Ngài cho rằng tiếng nói của Thắng Man phu nhân là tiếng sư tử hống v.v… đề cao vai trò của người phụ nữ trong Phật giáo, nhưng chúng ta cũng phải trở lại vấn đề chúng mình vừa nêu ra: người phụ nữ gần gũi chúng ta nhất, người mẹ, chính là người đầu tiên đã dạy đứa con biết “cho” và “nhận” theo tinh thần Kim Cang, Bát-nhã hay nói to tát hơn là Bố thí Ba-la-mật.
A: Thật vậy, nói về kinh điển Phật giáo thì đúng là biển rộng bao la không ai dám nói mình đã biết được hết nhưng nếu chúng ta chỉ học giáo lý mà không áp dụng vào cuộc sống thì cũng không ích lợi gì. Vì vậy, bạn B nói đúng đó, chúng ta hãy tiếp tục thảo luận về những việc nhỏ nhặt hằng ngày thông qua quan hệ mẹ con nha! Nói cách khác, mình đã học được rất nhiều về Phật pháp qua vai trò của người mẹ, của tình mẫu tử,… nếu mình biết quan sát, suy gẫm và thực hành.
C: Đồng ý! Xin tiếp tục: đứa trẻ “lấy” và bà mẹ “cho,” sự việc này mới nhìn qua thì thấy giống như không cùng chiều nhưng “cho” và “nhận” thì luôn đi đôi vì có khi người cho chính là người nhận và ngược lại, người nhận lại chính là người cho.
B: Phải rồi! Như trong câu chuyện “bà già cúng đèn”, thật ra là ai cho ai? Bà lão ăn xin “cho”, nghĩa là cúng dường Phật, hay đức Phật cho? Anh chị em chúng ta đều biết rõ trong trường hợp này “cho” chính là “nhận” và ngược lại, phải không?
A: Tương tự như vậy, tôn giả Mục-kiền-liên đã dùng thần thông để khiến cho một bà lão “keo kiệt” mở rộng lòng ra bố thí cho Ngài một cái bánh chiên, để gây nhân bố thí, tránh được cảnh nghèo hèn do tâm keo kiệt dẫn đến trong tương lai nữa! Chính là Ngài đã “cho” bà lão kia chứ không phải bà cho Ngài.
C: Câu chuyện này làm mình chợt nhớ ra rằng nói gì thì nói, người phụ nữ hình như “nhỏ mọn” và bỏn xẻn hơn đàn ông nhiều, có đúng không? Tại sao văn chương và tôn giáo lại ca tụng lòng từ bi của họ chứ?
B: Không phải ca tụng lòng từ bi của họ mà nói rằng tình mẫu tử có thể so sánh với lòng từ bi; bạn có lý khi nói rằng phần đông phụ nữ có tính nhỏ mọn hơn đàn ông, ví dụ như ích kỷ, cố chấp, v.v… tuy nhiên đối với đứa con của mình thì họ có thể hy sinh cả thân mạng không cần đắn đo suy nghĩ.
A: Đúng! Và nghĩ cho cùng, bất cứ hành động gì của chúng ta cũng không ngoài “nhận” và “cho”! Vậy, mình trở lại ý nghĩa cho và nhận đây: người ta “nhận” nhưng nhận để làm vui lòng người khác, trong trường hợp này “cho” chính là “nhận” và “nhận” chính là “cho”.
C: Như vậy “cho” và “nhận” làm nên một phần của chu kỳ cuộc sống; giống như nước bốc hơi thành mây rồi mây làm mưa rơi xuống tạo nên những con sông cho lại nước… nước lại bốc hơi…
B: Và kết quả là số không? (zéro)
A: Đúng vậy, nhưng cái chính yếu là chúng ta cảm nhận được rằng “không” ở đây không phải là “không có gì cả” mà là đã trải qua một sự trao đổi không có đối tượng trao đổi, không có được – mất, nhưng có chiều hướng đem lại an lạc cho mọi người. Được vậy thì tập thể hay cộng đồng sẽ sống trong an vui .
C: Tôi hiểu rồi, muốn vậy, chúng ta phải quan tâm đến những người chung quanh, phải ra khỏi tháp ngà tự ngã, phải hướng lòng mình ra ngoài, mở rộng lòng ra v.v… để biết “cho” cũng như “nhận,” phải không?
B: Chính thế! Bản ngã (Ego) chính là nguyên nhân sâu xa nhất của sự bất hạnh của mỗi người. “Cho” là làm cho bản ngã phồng lên, còn “nhận” là làm cho bản ngã xẹp xuống. Chúng ta phải quán sát “cho” và “nhận” giống như thủy triều lên và xuống mỗi ngày. Chúng ta cũng nên suy gẫm và trả lời câu hỏi “tại sao thời còn đức Phật, Ngài dạy chư Tăng đi khất thực mỗi ngày?” và ý nghĩa của khất thực …
A: Phải rồi, chúng ta phải thực tập quán về đề tài “khất thực” của chư Tăng như bạn B đề nghị. Đến đây là tạm đủ về bài học “cho” và “nhận” nghĩa là quan hệ hằng ngày giữa chúng ta với tha nhân-hình ảnh người mẹ cho đứa con của mình bầu sữa ngọt là hay nhất và cách nhìn cho và nhận, lên và xuống v.v… giúp cho sự thanh lọc tư tưởng của mình, cảm nhận đời sống một cách mới mẻ hơn. Bây giờ, chúng ta hãy nói thêm về vai trò của người phụ nữ trong Phật giáo, có nghĩa là tại sao Phật giáo không quan niệm người phụ nữ “làm ô nhiễm những chốn linh thiêng” như ở vài tôn giáo khác?
C: Học kinh Thắng Man, chúng ta thấy rằng sự ô nhiễm hay không ô nhiễm nằm nơi tự tâm, không phải nơi hình tướng mà tự tâm vốn thanh tịnh, không ô nhiễm. Vì vậy, sự ô nhiễm hay không ô nhiễm này vượt ra ngoài khả năng suy luận của trí tuệ con người. Chỉ có thể cảm nghiệm được bằng tình yêu chân thật và tâm lượng bao dung của bà mẹ. Vì vậy, muốn đi con đường của Thắng Man phu nhân (Bồ-tát đạo) phải là hạng người có đức tin nhiệt thành và vững chắc, muốn có đức tin như vậy thì phải có sự tác động của một tình yêu sâu đậm và càng lúc càng tỏa rạng bóng mát.
B: Đúng vậy, cho nên tình yêu, tuy xuất phát từ những rung động vị kỷ, tự lợi, hẹp hòi,… lúc ban đầu cũng được chuyển hóa, thăng hoa để trở thành tâm đại bi rộng lớn như tấm lòng bao dung của mẹ, muốn ôm đứa con vào lòng; nói theo Duy thức là “do thức biến”: từ một tâm tư nhỏ hẹp luôn đuổi bắt những hình ảnh hư ảo của sinh tử, dần dần thức tự biến đổi bản chất chuyển thành trí tuệ không phân biệt.
A: Nói tóm lại, mặc dù Bồ-tát đạo là con đường khó đi, nam nhi coi bộ không phải ai cũng theo được, nhưng với đức tin nhiệt thành và tình yêu rộng lớn, người phụ nữ có thể đi trọn con đường này như Thắng Man phu nhân vậy.
C: Bằng tình yêu và đức tin kiên cố, Thắng Man phu nhân đã cảm hóa được chồng là vua Hữu Xứng và cũng bằng tình yêu ấy mà cảm hóa đuợc nhân dân trong phạm vi lãnh thổ của mình, thậm chí con nít mới lên bảy cũng có thể thực hành Bồ-tát đạo.
B: Thế giới không bao giờ thiếu vắng tình mẹ nhưng biết bao giờ mẹ Thắng Man mới xuất hiện trong sa mạc sinh tử nóng bỏng của hành tinh chúng ta đây?
A: Bạn muốn nói chúng ta đang bàn về một nhân cách lý tưởng của người phụ nữ và “vai trò người phụ nữ trong Phật giáo” là vai trò của người phụ nữ “viết hoa” chứ không phải một người phụ nữ bình phàm?
B: Đúng thế!
C: Thì phải rồi! Thảo luận bao giờ cũng trên cơ sở tuyệt đối, lý tưởng, chứ nói chuyện đời thường thì… buồn quá, đâu có gì để nói phải không? Tệ trạng đem bán con em của mình như một đồ vật hay một con vật mà không có Thắng Man phu nhân nào… ngăn chận nổi, không phải đáng buồn sao?
A: Thế thì chúng ta tạm ngưng câu chuyện ngang đây nha! Được không?
B: Được chứ! Dù sao mình cũng đã ôn lại nhiều điều hay qua nhân cách Thắng Man và những bài học về “cho” và “nhận”. Xin cảm ơn và tạm biệt các bạn!
A và C: Tạm biệt! Tạm biệt!
Tâm Minh
TAMTHUC
Comment