No icon

bon-phan-lam-con

Bổn phận làm con

Tôi là một người con cứng đầu và khó dạy từ lúc còn nhỏ. Đến khi tôi lớn lên nhờ dì dẫn đi chùa lễ Phật vào những ngày rằm và nghe thuyết pháp. Từ đó tâm tánh của tôi cũng đã bớt cứng đầu rất nhiều. Bây giờ tôi đã hiểu ra mình đã làm buồn cha mẹ mình quá nhiều.

Tôi muốn chuộc lỗi những hành động sai trái của mình bằng cách tôi có thể ăn chay và đi chùa nghe pháp để giảm bớt tội lỗi và trả hiếu cho cha mẹ tôi được không ? Xin hãy cho tôi một lời khuyên.

Nguyễn Thị Thanh Huyền, Pháp danh: Nguyên Đạt
Địa chỉ: 59 Nguyễn Thái Học, phường 2, Thị xã Trà Vinh.
Email:
cuoctinhluadoi_7644311@yahoo.com

Bạn Huyền thân mến !

Trước tiên chúng tôi rất hoan hỷ về việc bạn đã nhận ra những lỗi lầm của mình. Bên cạnh đó, chúng tôi rất tán thán sự hồi đầu của bạn. Vì bạn muốn phát tâm hành trì lời Phật dạy để chuộc lại những lỗi lầm bất hiếu.
Trong kinh đức Phật có đề cập đến hai hạng người có sức mạnh, một là chưa bao giờ phạm lỗi và một phạm lỗi mà biết sửa đổi sám hối.


Trong lịch sử Phật giáo, chúng ta nhận thấy có nhiều đệ tử Phật trước kia họ là những người ngỗ nghịch bất hiếu với mẹ cha, bản thân của họ vốn đầy tội lỗi. Thế nhưng khi biết giáo Pháp họ đã giác ngộ, tu học theo lời Phật dạy đều trở thành những người tốt. Như Vua A-xà-thế (Ajatasattu), con của Vua Tần-ba-sa-la (Bimbisara) và hoàng hậu Vy-đề-hy (Vaidehiputra). Khi xưa nghe lời dụ dỗ của Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) âm mưu chiếm đoạt vương quyền của vua cha, mà đã phạm bất hiếu với song thân. Song một khi biết ăn năn được Phật chấp nhận và dạy cho ông pháp sám hối để sửa đổi những hành động sai trái. Vua A-dục (Asoka) trước kia là một bạo chúa đem quân xâm lược giết hại biết bao sinh linh, nhưng một khi hiểu được lời Phật dạy, biết sám hối ông đã trở thành người hộ trì đắc lực cho Phật Pháp. Đặc biệt những trụ đá do ông xây dựng tại các thánh tích Phật giáo ở Ấn Độ được các nhà khảo cổ học đánh giá nó có tầm quan trọng, như bản khai sinh công nhận đức Phật là một con người lịch sử.

Thiết nghĩ, bạn không nên mặc cảm về những sai lầm của mình. Bởi vì quá khứ đã trôi qua, tất cả chỉ còn là dĩ vãng. Điều quan trọng là trong đời sống hiện tại, bạn phải thể hiện được việc bạn sửa đổi của mình thông những việc làm thiết thực. Ví dụ như bạn phát nguyện với bản thân rằng mình sẽ không tái phạm những hành vi xấu trước đây nữa. Bởi theo đạo Phật, ý nghĩa của hai từ “sám hối” là ăn năn  hối hận về những hành vi tội lỗi mình đã làm và nguyện sẽ không tái phạm những gì mình đã làm.

Trong kinh Trường Bộ II, đức Phật có dạy muốn làm một người con hiếu thuận chúng ta phải thực hành đầy đủ những bổn phận: Cung kính và vâng lời cha mẹ, Phụng dưỡng khi cha mẹ già yếu, giữ gìn danh dự và truyền thống của gia đình, bảo vệ tài sản cha mẹ để lại, lo tang lễ khi cha mẹ qua đời.

Ngoài ra trong kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật dạy ngoài việc hiếu thuận cha mẹ bằng vật chất, chúng ta nên thể hiện hiếu đạo bằng con đường tinh thần, thông qua những việc làm: Nếu cha mẹ chưa có lòng tin, khuyến khích cha mẹ phát tâm tin tưởng Tam Bảo. Nếu cha mẹ theo điều ác, khuyên cha mẹ hướng về đường thiện Nếu cha mẹ xan than, phải khuyến khích cha mẹ phát tâm bố thí. Nếu cha mẹ theo tà kiến, nên khuyến khích cha  mẹ trở về với chánh kiến.

Tóm lại, nếu bạn có thể thực hành được những lời dạy nêu trên của Phật, chúng tôi thiết nghĩ chẳng những bạn đã đem lại nhiều an lạc cho cha mẹ trong đời sống hiện, tội lỗi quá khứ của bạn được tiêu trừ mà còn giúp cho cha mẹ bạn gieo được nhiều phước lành trong nhiều đời, sau khi họ khuất bóng nữa.

Tài liệu tham khảo
HT Thích Minh Châu dịch, Trường Bộ Kinh, tập II, kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt,  NXB Tôn Giáo, 2001.

HT Thích Minh Châu dịch, kinh Tăng chi bộ, tập I, chương 2, Phẩm tâm thăng bằng, NXB Tôn Giáo, 2001.  

Comment