No icon

cung-heo-quay-tra-le-co-mang-toi-khong

Cúng heo quay trả lễ có mang tội không?

Con có khấn vái với thần linh, khi nào con trai của con có việc làm ở Úc, thì con sẽ cúng một con heo quay để trả lễ. Bây giờ thì con của con đã có việc làm. Nhưng, sau khi nghe quý thầy giảng pháp nói về việc sát sanh tội lỗi, con không muốn cúng heo quay nữa. Vậy bây giờ con xin cúng trái cây để trả lễ có được hay không?

Tin là một đức tính quý báu của người phật tử. Nhưng điều quan trọng là phải đặt định niềm tin đúng chỗ. Nói rõ hơn, người phật tử phải chánh tín. Người phật tử không tin sâu vào nhân quả, thì chưa phải là phật tử.

Thay vì tin nhân quả, phật tử lại đặt niềm tin ở nơi Quỷ Thần. Vì tin vào sự gia hộ của Quỷ Thần, nên phật tử mới van vái cho con trai của mình mau có việc làm.

Hình minh họa!

Lúc phật tử van vái khẩn cầu, thì khẩn cầu là cúng heo quay trả lễ. Sau khi van vái, thì con trai của phật tử may mắn được có việc làm. Nay, phật tử đổi ý vì sợ mang tội sát sinh. Như vậy phật tử không sợ Thần linh nổi giận hay sao?

Vì phật tử đã gạt Thần linh kia mà! Đó là phật tử thêm một lỗi nữa là thiếu đức tính thành thật.

Vấn đề này, tôi xin giải đáp phân hai, rồi tùy ý phật tử suy xét mà quyết định.

Thứ nhất, nếu phật tử cúng heo quay đúng như lời van vái (vì phật tử đã tin như thế) thì phải chấp nhận mang tội sát sinh. Giả như, bây giờ tôi khuyên phật tử nên cúng trả lễ bằng trái cây, sau khi cúng, nếu yên xuôi không có chuyện gì xảy ra cho con trai hay gia đình của phật tử, thì mọi việc không sao.

Nhưng, nếu có chuyện gì xảy ra, (ở đời nhân quả làm sao biết trước được) thì đổ thừa tại tôi khuyên bảo cúng như thế, nên mới xảy ra cớ sự này. Bởi vì, phật tử tuy đã Quy y Tam Bảo, nhưng lòng tin của phật tử thì lại khác.

Nghĩa là phật tử chưa có đủ tín tâm vào Tam Bảo. Trong khi phật tử Quy y Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng, thì Phật đã dạy rõ” “Sau khi quy y Phật rồi, phật tử không được quy y ở nơi Thiên, Thần, Quỷ, Vật”.

Phật tử đã coi Thiên, Thần, Quỷ, Vật hơn Phật, nên mới cầu khẩn van vái như thế. Bởi phật tử không có đủ niềm tin Phật, nên mới van vái cầu khẩn với Quỷ Thần.

Điều này, nếu luận xa hơn một chút, căn cứ vào nhân quả mà nói, thì con trai của phật tử xin được việc làm, đâu có phải do phật tử van vái cầu nguyện mà được. Đó chẳng qua do nhân và quả của đứa con trai của Phật tử mà thôi.

Thử đặt vấn đề, nếu nhờ cầu khẩn van vái mới xin được việc làm, vậy thì, thử hỏi ở xứ Úc nầy, biết bao nhiêu người có việc làm, chả lẽ những người đó đều phải khẩn cầu van vái cúng heo quay hết sao? Tại sao người ta không van vái gì cả mà họ vẫn có việc làm?

Phải chăng, tất cả đều do khả năng và ý chí của họ. Việc làm ở Úc có rất nhiều công việc khác nhau. Người chủ nhận việc, căn cứ vào trình độ học lực và khả năng cũng như sức khỏe của người xin việc mà họ nhận hay không, đó là quyền của họ.

Giả như sau nầy, công việc mà con trai của phật tử đang làm, xảy ra điều gì đó làm mất lòng người chủ, người chủ liền sa thải, tất nhiên con của phật tử phải bị thất nghiệp. Khi đã thất nghiệp, muốn có việc làm lại, thì phật tử phải tiếp tục van vái cầu khẩn cúng heo quay nữa.

Nếu trong gia đình của phật tử giả sử có 10 người con, mỗi người tới tuổi trưởng thành phải đi làm, thì những người đó, phật tử đều phải van vái cúng tế một con heo quay hết sao?

Nếu phật tử tin như thế, thì tôi cũng xin đầu hàng, không còn gì nữa phải nói. Khi tin một điều gì, chúng ta cần phải biện luận cho có lý lẽ. Người phật tử không thể nhắm mắt tin càn, tin một cách mù quáng được. Nếu tin như thế, thì còn gì gọi là phật tử. Xin phật tử hãy dùng trí huệ suy xét thật kỹ về vấn đề nầy.

Thứ hai, nếu phật tử sợ mang tội sát sanh, phải chịu quả báo sau nầy, thì phật tử nên cúng trả lễ bằng trái cây. Thật ra cúng hay không cúng là do lòng tin của phật tử. Tin thì có, không tin thì không có. Người xưa có câu nói: “linh tại ngã, bất linh tại ngã”. Có khi nào phật tử cúng mà vị Thần nào đó đến thụ hưởng đồ vật cúng đó hay không?

Hay là mọi người trong thân bằng quyến thuộc hưởng dụng. Mọi người hưởng dụng béo bổ ngon miệng, trong khi đó, thì tội lỗi gây ra chỉ một mình phật tử lãnh lấy hết. Như thế, phật tử có cam tâm làm như thế không?

Phật tử tin chắc vào nhân quả. Mọi việc xảy ra xấu tốt cho mình, tất cả đều do mình gây tạo. Nếu mình đời trước gây tạo nhân lành, thì đời nầy mình sẽ gặt hái quả lành.

Ngược lại, nếu đời trước hoặc nhiều đời trước nữa mà mình tạo nhân bất thiện, thì đời nầy khi quả thuần thục xảy đến, thì mình phải nhận lấy. Vì nhân quả không chỉ xảy ra trong hiện đời mà nó đã trải qua nhiều đời.

Người phật tử phải có niềm tin chắc chắn đúng theo chân lý nhân quả như thế, thì không có gì gây ra cho ta sợ hãi cả. Mình làm mình chịu, không than oán trách ai.

Tôi khuyên phật tử nên sáng suốt mà nhận định vấn đề. Phật tử nếu có lòng tin vào Tam Bảo, nhân quả, thì đừng bao giờ nghe theo ai. Vì ở đời, không ai có quyền quyết định cho mình, mà tất cả nên hư, thành bại, xấu tốt… đều do mình định đoạt lấy.

Nên tin theo lời Phật Tổ dạy mà cố gắng làm lành. Cứ gây tạo nhân lành, thì tất nhiên sẽ có quả lành. Nhân quả không bao giờ sai chạy, chẳng qua nó đến với mình có mau, chậm mà thôi.

Tóm lại, Những điều giải đáp của chúng tôi trên đây, tất cả đều căn cứ theo luật nhân quả mà chúng tôi có đôi lời khuyến giải. Tùy phật tử quyết định lấy.

Thích Phước Thái
Nguồn: http://phatgiao.org.vn/hoi-dap/201312/Cung-heo-quay-tra-le-co-mang-toi-khong-13170/

TAMTHUC

Comment