No icon

lien-tiep-hanh-thien-so-phan-thay-doi-khong-ngung

Liên tiếp hành thiện, số phận thay đổi không ngừng

Có một ông lão họ Uông khá giàu có. Vào thời điểm cuối năm, ông thường phải đi đến các địa phương lân cận để thu hồi nợ.

Năm ấy, sau khi xong việc, ông lên thuyền trở về nhà. Hôm ấy đúng vào ngày rét đậm, gió thét ào ào, tuyết bay ngập trời. Ông Uông trông thấy trên bờ sông có một người đang cố huơ tay ra hiệu xin được lên thuyền. Nhưng người chủ thuyền không muốn quay thuyền trở lại đón người khách ấy.

Ông Uông thấy vậy liền nói: “Thời tiết đang lạnh giá thế này, mà vị khách kia xem chừng cũng đã chờ đợi rất lâu rồi, chúng ta mà không cho họ lên thuyền thì không biết họ còn phải chờ trong tuyết lạnh bao lâu nữa. Ông chủ, hay là qua đón họ lên đi!”.

Người chèo thuyền nghe xong thì đồng ý. Khi người khách kia bước lên thuyền, ông Uông thấy người này đã lả đi vì đói rét. Thế là ông liền cởi áo khoác của mình ra mặc cho người này và còn lấy rượu của mình cho người này uống.

Một lát sau, vị khách ấy mới có thể nói được. Khi biết ông Uông là người đã cứu mạng mình, người khách lập tức đứng dậy lạy tạ ông.

Khi thuyền đi đến giữa dòng sông thì ông Uông ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ, ông gặp một viên quan âm phủ đang đi bắt hồn người. Viên quan này lấy ra một cuốn sổ cho ông Uông xem, trong danh sách đó có 33 cái tên của những người đã hết dương thọ, cần phải bắt đưa về âm phủ. Không ngờ tên của ông Uông đứng ngay ở dòng đầu tiên.

Ông Uông vội vã quỳ xuống cầu xin. Vị quan ấy nói: “Đây là mệnh trời rồi, không ai cứu nổi. Tôi làm sao dám làm trái được! Tuy nhiên, ông vừa cứu được một mạng người, tôi sẽ sắp xếp cho ông xuống cuối bản danh sách này, nghĩa là lùi lại vài ngày để ông có thể trở về lo hậu sự. Đầu tháng Ba sẽ tới lượt ông”.

Ông Uông tỉnh giấc, nhớ lại điều viên quan nọ đã nói với mình mà lòng nặng trĩu.

Khi về đến quê nhà, vừa bước lên bờ thì ông Uông lại gặp hai vợ chồng trẻ đang ôm nhau khóc nức nở.

Ông Uông tiến đến hỏi thăm thì người chồng mới kể đầu đuôi sự tình. Hóa ra, gia cảnh 2 vợ chồng này hết sức khó khăn không thể trang trải nợ nần, người chồng chỉ còn cách bán vợ lấy tiền trả nợ. Hai vợ chồng họ không đành lòng nên đang định nhảy xuống sông tự tử.

Ông Uông nghĩ thầm: “Mình cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa, có nhiều tiền cũng chẳng để làm gì, chi bằng đem số tiền mình đang giữ tặng hết cho 2 vợ chồng này để họ cùng nhau sinh sống”. Vậy là 2 vợ chồng nhà ấy được bảo toàn mạng sống, cũng không phải chịu cảnh chia lìa.

Mấy ngày sau, viên quan dưới âm phủ lại xuất hiện trong mộng và nói với ông Uông: “Tiên sinh có thiện tâm đáng khâm phục, lại cứu sống hai vợ chồng nhà nọ, tích được đại đức. Diêm Vương đã quyết định tăng tuổi thọ cho tiên sinh thêm 12 năm, con cháu được hưởng phúc báo, bổng lộc đầy nhà. Hy vọng sau này tiên sinh sẽ tiếp tục làm nhiều việc thiện hơn nữa”.

Về sau, quả nhiên hai người con của ông Uông lần lượt đỗ đạt làm quan, gia đình ngày càng giàu có hơn. Ông Uông sống rất mạnh khỏe và hạnh phúc. Đúng 12 năm sau, ông lại mộng thấy viên quan âm phủ ngày trước. Ông ta nói với ông Uông:“Thượng đế xét thấy ông sau khi được gia tăng tuổi thọ thì luôn nỗ lực làm việc thiện, không sát sinh mà lại hay phóng sinh, nên đã chỉ định cho ông đến địa phương khác làm Thành Hoàng. Nay dương thọ của ông đã hết, hãy chuẩn bị đi nhậm chức. Ba ngày sau tôi sẽ đưa người tới rước ông”.

Tỉnh dậy, ông Uông gọi con cháu đến, thong thả dặn dò việc hậu sự. Đúng 3 ngày sau, ông tắm rửa thay quần áo sạch sẽ xong ngồi an nhiên chờ đợi, bỗng nghe thấy tiếng nhã nhạc từ đâu vọng đến. Ông Uông vui vẻ nói: “Người tới đón rước ta đã đến rồi!”. Khuôn mặt vô cùng thanh thản, ông Uông nhẹ nhàng ra đi.

Ông Uông vốn dương thọ ngày hôm ấy đã hết, nhưng nhờ cứu sống một mạng người mà được tăng thọ 12 năm. Khi ông Uông ra đi, áo quần tề chỉnh, cổ nhạc đến đón chào. Chúng ta thử so với ngày hôm ấy, gió tuyết đầy trời, ông ngồi trên chiếc thuyền giữa sông ở phương trời xa lạ, lúc ấy mà chết thì không rõ tình cảnh thê lương đến thế nào. So sánh 2 cái chết quả là khác nhau một trời một vực.

Mạng người là quý giá nhất, cứu một mạng người sẽ tích được công đức rất lớn.

Ngày nay nhiều người không còn quý trọng mạng sống của người khác, thậm chí không coi trọng mạng sống của bản thân. Hậu quả là những chuyện sát nhân, thuê giết mướn, phá thai, tự tử… xảy ra ngày càng phổ biến hơn. Những việc làm đó đều sẽ phải gánh chịu quả báo vô cùng nặng nề.

Không biết kính sợ Trời thì không có tín ngưỡng đạo đức. Ngày nay việc người ta coi thường sinh mạng đã trở thành một loại hiện tượng xã hội đáng báo động. Để giải quyết tận gốc vấn nạn này chúng ta cần phải coi trọng đạo đức và văn hóa truyền thống. Khi đó nhân loại sẽ có thể khôi phục được đức hiếu sinh vốn có của những tâm hồn lương thiện.

TAMTHUC

Comment