No icon

chuyen-linh-thieng-ve-nhung-nguoi-da-hy-sinh

Chuyện linh thiêng về những người đã hy sinh

Chị Hoàng Liên Thái bên mộ của liệt sỹ Hoàng Kim Giao. Trong chuyến thăm mộ người anh trai là liệt sỹ Hoàng Kim Giao tại nghĩa trang Nam Đàn, chị Hoàng Liên Thái thấy một con bướm nâu đậu lên vai, chị xua mãi không chịu đi. Đến khi chị về Hải Phòng, con bướm nâu ở nghĩa trang hôm nào lại xuất hiện trong nhà chị, đậu lên tấm huy chương của anh Giao, vài ngày sau thì nằm chết trên bàn thờ. 

Cách đây không lâu, trong khi trò chuyện về những chi tiết bếp núc xung quanh bộ sách tư liệu “Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam” một bạn đồng nghiệp ở báo Giáo dục và thời đại đã hỏi: “Anh có tin vào tâm linh không?”. Tôi trả lời ngay: “Đây không phải là chuyện tin, hay không tin. Bởi đó là những điều hết sức thiêng liêng, cao cả và hoàn toàn có thật!”.

Tại sao liệt sĩ Lê Văn Huỳnh lại có thể biết trước được ngày tháng mình sẽ hy sinh, biết nơi đồng đội sẽ chôn cất mình ở thôn nào, xã nào… trong khi chiến trường thì ác liệt và mặt trận rộng lớn mênh mông như thế; để rồi viết những dòng thư vĩnh biệt đẫm nước mắt, sau mấy chục năm vẫn còn chính xác tới từng chi tiết nhỏ?

Nhờ đâu mà liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc lại có thể hẹn ước với người mình yêu bằng những linh cảm kỳ lạ, dự báo chính xác trước gần 4 năm về ngày toàn thắng vĩ đại của dân tộc: Đợi đến ngày 30/4/1975, anh sẽ trả lời em hạnh phúc là gì?

Và còn nhiều, rất nhiều những chuyện bí ẩn như thế, mà tôi muốn chép gửi tới bạn đọc trong số báo nhân ngày 27/7 năm nay…

Từ chuyện người phụ nữ có những giấc mơ kỳ lạ…

Người phụ nữ ấy có cái tên thật mộc mạc: Vũ Thị Lưu Liên (tức Lui), hiện đang cùng gia đình trú tại khu 7A9, tập thể Đại học Sư phạm Ngoại ngữ (Cầu Giấy), Hà Nội. Thời trẻ, chị Lưu là cô gái xinh đẹp, hát hay, nên ngoài nhiệm vụ kế toán của Xí nghiệp Ươm tơ thuộc huyện Hoài Đức (Hà Tây), chị còn thường xuyên được “trưng dụng” làm diễn viên ca múa trong đội văn công xung kích của tỉnh…

Người yêu của chị, anh Trần Minh Tiến, là bạn học từ nhỏ, cùng Trường phổ thông Lê Hồng Phong, thị xã Hà Đông. Anh Tiến vào bộ đội năm 1963, thuộc Sư đoàn 308. Mối tình của họ thật đẹp và lãng mạn. Hai người đã dự định xin phép gia đình và cơ quan để tổ chức lễ cưới, thì đầu năm 1968 anh nhận nhiệm vụ vào chiến trường B…

Đêm chia tay, họ ngồi bên nhau thức trắng để nói bao điều về hạnh phúc. Như nhiều đôi trai gái yêu nhau thời chiến, anh tặng chị chiếc nhẫn đuya-ra có khắc hình trái tim, chị tặng anh chiếc khăn tay có thêu bông hoa hồng, với lời hẹn chiến thắng trở về. Nhưng anh nói: “Nếu em nhận được chiếc khăn tay này từ người khác trao lại, thì có nghĩa là anh không còn nữa, em hãy đi lấy chồng”. Đó cũng là “mật ước” giữa hai người…
Điều lạ lùng là chị Lưu có một khả năng linh cảm đặc biệt. Cứ sau mỗi ngày bận rộn với công tác cơ quan, hoặc đi biểu diễn phục vụ đồng bào chiến sĩ… đêm về, hễ nhắm mắt lại là chị lại gặp anh trong giấc mơ… Chị Lưu đã hình dung ra từng chặng đường hành quân gian lao vất vả của anh Tiến suốt dọc Trường Sơn. Những cảnh lội suối, vượt thác, băng rừng, sốt rét, bom đạn… đã diễn ra như một cuốn phim sống động đến kỳ lạ.
Tất cả những điều ấy đều được chị Lưu ghi vào nhật ký. Có tới hàng chục cuốn sổ nhật ký mà sau này đọc lại, đồng đội của anh đều không khỏi kinh ngạc, vì độ chính xác của nó cứ như chị Lưu là người trong cuộc vậy.

Cho tới một đêm, chị Lưu thấy anh Tiến cùng đơn vị đã vào tới Khe Sanh… Một trận đánh đẫm máu diễn ra… anh bị trọng thương, rồi hy sinh… Đó là ngày 31/5/1968. (Sau này giấy báo tử của liệt sĩ Trần Minh Tiến cũng xác nhận anh hy sinh tại đồi Làng Cát, mặt trận Khe Sanh đúng ngày đó). Sáng dậy, chị Lưu khóc hết nước mắt, nhưng nói ra thì những người xung quanh đều không tin, chỉ động viên chị “đừng tin vào ác mộng”.

Vài tháng sau, một đêm nọ Lưu lại nằm mơ và thấy đơn vị của anh Tiến đã từ chiến trường hành quân ra Bắc. Anh mặc quân phục đã bạc màu, người gầy xanh, buồn rầu nói với chị: “Hãy đến ngay huyện Thạch Thất để nhận di vật của anh gửi lại”. Anh còn dẫn đường đi chi tiết cho chị: đến ngã ba nào rẽ trái… gặp cây cầu nào rẽ phải… qua cánh đồng rộng bao xa… đến xã ấy… thôn ấy…

Gần bốn giờ sáng, chị không sao ngủ được nữa, vùng dậy lấy xe đạp một mình đạp về Thạch Thất. Chị đi như người mộng du, nhưng đầu óc thì tỉnh táo vô cùng. Tới địa chỉ như đã dẫn trong mơ, chị gõ cửa một nhà dân, gặp đúng Đại đội trưởng Kiều Thuần (hiện là Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh Hà Tây) vừa thức dậy, tay cầm bát sắt “B52” và khăn mặt đi ra giếng để đánh răng rửa mặt. Anh Thuần ngạc nhiên hết sức, bởi đơn vị của anh vừa bí mật hành quân tập kết về địa phương lúc nửa đêm. Nhiều người dân trong thôn còn chưa biết có bộ đội mới về.

“Chúng tôi định nghỉ ngơi vài ngày, rồi mới báo cho chị và gia đình biết để nhận lại di vật của anh Tiến” – Người Đại đội trưởng ái ngại nói với chị Lưu như vậy. Và ngay sau đó, chị đã nhận được chiếc khăn tay quy ước giữa hai người… Chị bật khóc: Vậy là anh Tiến đã không bao giờ trở về nữa!
Một năm sau, chị Lưu lấy chồng. Chú rể là anh Nguyễn Doãn Hùng, một sĩ quan trẻ, sau này là giáo viên dạy tiếng Nga. Anh Hùng đã đem lòng yêu mến chị Lưu từ lâu… Nhưng chị không giấu giếm bảo: “Em đồng ý lấy anh, vì anh Tiến đã “báo mộng” bảo phải như vậy. Tình yêu em đã dành cho anh ấy hết rồi. Nếu anh chấp nhận được thì chúng mình cưới nhau”. Anh Hùng đồng ý. Bây giờ họ đã có với nhau ba mặt con, (hai trai, một gái), tất cả đều thành đạt…

… Đến con bướm nâu ở nghĩa trang Nam Đàn…

Chị Hoàng Liên Thái là giáo viên của Trường THCS Võ Thị Sáu, Tp. Hải Phòng. Người anh ruột của chị, liệt sĩ Hoàng Kim Giao đã hy sinh tại mặt trận Quân khu Bốn năm 1968, trong một lần phá bom nổ chậm. Quả bom thứ 72 định mệnh đã nổ tung, khiến thi hài của anh tan nát. Đồng đội cố gắng hết mức, cũng chỉ thu lại được một gói nhỏ…
Theo phong tục của đồng bào địa phương, để hình hài người liệt sĩ được nguyên vẹn, đủ xương cốt cho linh hồn siêu thoát, bà con đã cho thêm vào trong quan tài mấy con cá nhỏ… và mai táng tại nghĩa trang huyện Nam Đàn (Nghệ An).

Sau ngày người anh trai hy sinh, gia đình chị Thái đã nhiều lần vào thăm mộ anh tại nghĩa trang Nam Đàn. Đặc biệt, từ tháng 12/2004 tới nay, chị Thái đã một mình vào Nghệ An ba lần. Có lần chị đi tàu suốt đêm, xuống ga Vinh thuê xe ôm vào tới nghĩa trang trời vẫn còn tối… Giữa mênh mông những ngôi mộ, gió thổi u ù, một mình chị bật lửa mãi mới châm được bó hương mang theo. Ánh lửa lập lòe khiến người quản trang cứ ngỡ… có ma (!). Vậy mà người phụ nữ ấy không sợ. Hay nói chính xác hơn, chị không có cảm giác sợ hãi mỗi khi nghĩ tới người anh trai.

Trong chuyến thăm mộ ngày 29/4/2005, chị Thái mang theo cuốn “Những lá thư thời chiến Việt Nam” (tập 1) có đăng 7 lá thư của liệt sĩ Hoàng Kim Giao. Khi đặt tập sách lên mộ, thắp hương, rồi khấn vái… bó hương đang âm ỉ bỗng cháy bùng lên, dù lúc ấy nghĩa trang đang lặng gió. Chị Thái còn chưa hết ngạc nhiên vì chưa bao giờ thấy hiện tượng ấy bao giờ, thì có một cánh bướm màu nâu đậm, to bằng nửa bàn tay, từ đâu bay tới đậu lên vai chị. Dùng tay phất đuổi, cánh bướm vẫn không chịu bay đi, nó cứ lượn vòng quanh rồi đậu lên bia mộ… Vẫn biết đó có thể chỉ là sự trùng hợp tình cờ, nhưng chị Thái bỗng rùng mình, ớn lạnh, cảm giác như có ai đó đang nhìn mình, ở ngay bên cạnh mình…

Chưa hết, ngày hôm sau, khi đã về tới Hải Phòng, chị Thái kinh ngạc khi nhận ra con bướm nâu ở nghĩa trang Nam Đàn hôm trước đang có mặt trong nhà mình. Lạ hơn nữa, là con bướm đang đậu trên tấm huân chương của liệt sĩ Hoàng Kim Giao. Mọi người trong nhà rất mừng, nhưng 4 ngày sau, con bướm ấy đã nằm chết trên bàn thờ, dưới bức ảnh ông cụ thân sinh của người liệt sĩ. Chị Thái nhẹ nhàng nâng xác con bướm đã khô lên và khóc… Chị đã quyết định ép nó vào cuốn sổ tay và gửi cho tôi bản chụp cánh bướm ấy.

“Anh Thạc ơi, nếu có linh thiêng!…”

TS. Phạm Thị Như Anh, người bạn gái thân thiết của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc (tác giả của tập nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi) kể: Trên một chuyến bay của Hãng Hàng không Thái Lan từ châu Âu về Việt Nam, người ta tổ chức bốc thăm may mắn. Giải thưởng là một tấm vé máy bay khứ hồi, giá trị cả ngàn đôla. Vốn không tin vào những trò may rủi và rất hiểu đó cũng chỉ là một “chiêu tiếp thị” khách hàng, cả ngàn khách thử vận may mới có một người trúng, nhưng chị Như Anh vẫn vui vẻ tham gia.
Trước khi bốc thăm, trong đầu chị chợt nghĩ đến anh Thạc. Tin rằng nếu như có linh hồn, thì nhất định anh ấy sẽ luôn ở bên cạnh và giúp đỡ chị. Và chị Như Anh thầm khấn: “Thạc ơi, nếu có linh thiêng thì giúp em đi!”. Thật bất ngờ, lát sau, cô tiếp viên xinh xắn tiến lại thông báo và chúc mừng chị đã trúng thưởng…

Kể từ đó, những khi buồn đau, vấp ngã trong cuộc sống và khó khăn nhất trong kinh doanh, những khi tưởng chừng như không vượt qua nổi, chị Như Anh đều nhớ đến anh Thạc và thầm gọi tên anh như một câu thần chú: “Thạc ơi, nếu linh thiêng thì giúp em đi!”. Có thể, đó chỉ là hy vọng, là niềm tin vào những gì tốt đẹp nhất trên đời; nhưng nó đã giúp chị không gục ngã trước số phận, vượt qua mọi thử thách và thành công.

Tháng 7 này, TS. Phạm Thị Như Anh sẽ trở lại Việt Nam. Dự định của chị là sẽ cùng gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, những người bạn học cũ và bạn chiến đấu của anh… vận động thành lập Quỹ học bổng mang tên Mãi mãi tuổi hai mươi, để hàng năm có thể hỗ trợ cho những sinh viên nghèo học giỏi văn trên cả nước. Sinh thời, anh lính binh nhì yêu văn chương ấy luôn mơ ước làm được điều gì đó để cống hiến cho văn học nước nhà. Sau 33 năm Nguyễn Văn Thạc hy sinh, cầu mong ước nguyện tốt đẹp của anh sẽ trở thành hiện thực!

Theo CAND- Đặng Vương Hưng

Một người lính trước khi hy sinh đã viết một bức thư cho gia đình. Điều kỳ lạ là anh đã tiên cảm được cái chết của mình, mộ sẽ chôn ở đâu… và dặn dò người vợ trẻ sau này đất nước thống nhất hãy tìm đến đó để đưa hài cốt về quê… Nội dung bức thư ấy thế nào? Và người lính đó là ai?

Quảng Trị, ngày 11-9-1972

Toàn gia đình kính thương!

Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng, phòng khi đã “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất”, thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột.

Mẹ kính mến! Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa đền đáp được công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi. Thư này tới tay mẹ, chắc mẹ buồn lắm. Lòng mang nặng đẻ đau, giọt máu đào hơn ao nước lã. Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống… trời ơi, hỡi trời! Con của mẹ đã đi xa, để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời.

Con rất hiểu đời mẹ khổ đã nhiều, nay bao hy vọng nuôi con khôn lớn, song vì đất nước có chiến tranh, thì mẹ ơi hãy lau nước mắt cho đời trẻ lâu, sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu. Coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ. Mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi. Bố con đã đi xa, để lại cho mẹ biết bao khó nhọc. Nay con đã đến ngày khôn lớn thì… Thôi nhé, mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau!

Em yêu thương! Mọi lá thư đến với em đều là nguồn động viên em khi xa anh. Song, lá thư này đến tay em là nỗi buồn nhất và có lẽ là nỗi buồn đầu tiên trong cuộc đời của em. Em ạ, chúng ta đã sống với nhau chẳng được là bao, thì chiến tranh đã cướp đi của em biết bao tình thương yêu, trìu mến. Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều. Song đối với em chưa được hưởng điều diễm phúc ấy thì đã phải xa anh rồi.

Thật chỉ là vừa gặp nhau đã phải mãi mãi xa nhau. Anh rất hiểu: biết tin này em sẽ gầy đi nhiều vì thương nhớ anh, vì đã phải xa anh. Anh rất muốn được sống mãi mãi bên em. Song vì chiến tranh… thì em ơi, hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại. Giờ đây anh biết nói gì với em. Chỉ mong em khỏe, yêu đời…

Em thương yêu! Nếu thực sự thương anh thì em hãy làm theo lời anh căn dặn: Hằng năm, cứ đến ngày này, em hãy thắp vài nén hương tưởng nhớ tới anh. Còn em khi nhận được thư này hãy đừng buồn nhiều cho đời tươi trẻ. Nếu có điều kiện, hãy cứ “đi bước nữa”, vì em còn trẻ lắm. Theo anh thì nên làm như vậy.

Nhưng anh chỉ mong một điều là em đối đãi với mẹ và anh chị trong gia đình như khi anh còn sống. Anh mong em hãy làm tròn cho linh hồn anh được bay cao, ôm ấp trong giấc mơ trìu mến của em. Khi mẹ qua đời, em hãy làm đúng nghi lễ của người con dâu của gia đình. Thôi nhé, anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này, vì biết bao nỗi buồn đè nặng lên tấm thân người con gái trẻ tuổi như em.

Nhưng em ơi, hãy bình tĩnh lại làm theo lời anh căn dặn. Còn ngày anh đi xa, là ngày đề ở ngoài phong bì mà nhờ các bạn anh gửi giúp. Em sẽ đọc thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe tất cả những người quen thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này.

Thôi nhé, em đừng buồn, khi được sống hòa bình hãy nhớ tới công anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình, có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu, ngược trở lại, hỏi thăm về “Nham Biều 1”. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Về đấy tìm sẽ thấy bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảnh tôn. Thôi nhé, đó là có điều kiện, còn không thì em hãy cứ làm tốt những điều anh dặn trên là tốt lắm rồi.

Anh chị kính mến! Anh em liền khúc ruột mềm, mà giờ đây đã phải mãi mãi xa anh. Ra đi mong anh chị khỏe mạnh, trông nom mẹ già thay em, động viên mẹ khi biết được tin này. Em rất hiểu anh chị buồn lắm. Kể gì đây cho anh chị đỡ buồn? Song anh chị hãy coi như em đã sống trọn một đời vì chiến tranh tất cả.

Anh chị hãy vui lên, chăm sóc các cháu, nuôi mẹ già sống lâu, đó là điều em mong muốn nhất. Để cho linh hồn em mãi mãi quanh anh chị và gia đình. Đối với Xơ, anh chị nên động viên, em nó còn trẻ lắm. Hòa bình nếu có điều kiện vào thị xã Quảng Trị, sẽ đến được chỗ em yên nghỉ theo em đã dặn trên. Thôi nhé, chào anh chị ở lại. Hồn em mãi mãi bên anh chị!

Trương cháu mến thương! Giờ đây còn bé, song sau này cháu sẽ là trưởng gia. Giờ đây phải cố gắng học tập cho thành người. Được sống hòa bình, hãy luôn nhớ tới người chú ruột của cháu đã hy sinh. Khi trưởng thành, hằng năm cứ đến ngày này, hãy tưởng nhớ tới linh hồn của chú. Đặc tính của chú là thích ăn thịt gà, chuối và xôi lắm đấy. Thôi nhé, hãy làm tròn nghĩa vụ của người cháu đích tôn đối với chú!

Thầy mẹ kính mến! Trưới lúc đi xa con có mấy điều mong thầy mẹ làm theo lời con mong muốn. Thầy mẹ ạ, con rất hiểu thầy mẹ buồn nhiều vì mất đi người con thương mến của gia đình. Con mong thầy mẹ đừng buồn nhiều, mạnh khỏe cho đời mãi mãi kéo dài, đón mừng ngày thống nhất.

Thầy mẹ ạ! Chúng con sống với nhau chẳng được bao lâu nay đã… chắc em nó buồn lắm. Thầy mẹ động viên em thay con. Theo con, đời em còn trẻ lắm. Nếu ai người ta thông cảm, thì mẹ động viên em nó nên đi bước nữa. Cứ ngày này thầy mẹ hãy nhớ tới con. Thôi, tất cả những gì đã qua là vào dĩ vãng. Ra đi, con mong thầy mẹ khỏe, sống lâu mãi mãi. Cho con gửi lời chào bá, các cậu, các mợ, chị Lộc và toàn thể họ hàng thân thuộc.

Con của gia đình: Huỳnh.

TB: Em thương yêu! Nhận tin này em hãy báo tin cho người bạn của anh, mà ngày nào đã có dịp về chơi, địa chỉ: Hoàng Khắc Chiến, xóm Chính, thôn Hoằng Trì, xã Hoàng Thăng, Hoàng Hóa, Thanh Hóa. Nội dung: H. đã hy sinh ngày 2/1/73 (tức ngày 28/11 âm lịch).

Thôi con đi đây. Chào tất cả gia đình và làng xóm quê hương!

***
Tác giả bức thư trên, có tên đầy đủ là Lê Văn Huỳnh. Anh sinh năm 1949, trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng quê lúa Thái Bình; có ông nội và cha đều bị thực dân Pháp sát hại. Đang là sinh viên năm thứ tư Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, tháng 5/1972, Huỳnh tình nguyện đi bộ đội và xung phong vào chiến trường; đúng thời điểm ở Quảng Trị đang diễn ra những trận đánh ác liệt và đẫm máu nhất.

Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị với 81 ngày đêm oanh liệt, đầy bão lửa của quân và dân ta đã làm rung chuyển cả thế giới. Để giành được chiến thắng vẻ vang, đã có gần một vạn chiến sĩ ưu tú nhất của chúng ta hy sinh. Trung bình mỗi đêm lại có thêm một đại đội (khoảng trên 100 người) bộ đội ta vượt sông Thạch Hãn để vào Thành cổ, và họ đều lần lượt ngã xuống, rất ít người trở về…

Đầu tháng 9/1972, Lê Văn Huỳnh được lệnh đi làm nhiệm vụ đưa hàng qua sông Thạch Hãn. Anh hiểu rằng “đã sắp đến lượt mình”. Đó sẽ là một chuyến đi xa, rất xa, không hẹn ngày trở lại! Anh đã bình thản tự làm một tấm tôn thay bia mộ cho mình; trên đó có khắc đủ cả họ tên, quê quán, năm sinh… rồi xé 10 trang giấy từ cuốn sổ tay, viết sẵn bức thư cho gia đình, dặn dò kỹ lưỡng từng người: với mẹ già, với người vợ trẻ, với anh chị và cả với đứa cháu trai bé bỏng…

Tình cảm bao trùm lên cả bức thư ấy là sự khát khao cuộc sống và tình yêu thương vô bờ bến dành cho những người thân trước giờ phút biệt ly.
Điều khiến người đọc không khỏi kinh ngạc, là bức thư trên đã được Lê Văn Huỳnh viết ra bằng một sự tiên cảm kỳ lạ. Làm sao anh biết chắc ngôi mộ của mình sẽ được các đồng đội chôn cất đúng ở thôn Nham Biều 1? Để rồi hướng dẫn rất cụ thể và chi tiết đường đi cho vợ mình, đợi ngày thống nhất thì vào mang hài cốt về quê?… Cuộc sống vốn kỳ diệu như thế! Có nhiều điều ta chưa giải thích được. Tất cả những gì Lê Văn Huỳnh viết trong thư trước khi hy sinh, đều chính xác như lời một nhà tiên tri!

Ông Lê Quang Chẩm (thôn Phú Ân, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình; điện thoại: 036.810692), anh ruột của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, đã cung cấp cho chúng tôi tư liệu trên và kể: “Bức thư đã được một đồng đội của Huỳnh là anh Nguyễn Văn Duy mang về tận quê trao cho gia đình cùng một chiếc ba lô trước khi nhận được giấy báo tử.

Suốt 30 năm tôi trăn trở theo thư Huỳnh dặn và lời trăng trối lúc mẹ qua đời: “Phải tìm bằng được mộ của em trai con”. Năm 2002, chúng tôi đã tìm được một số đồng đội cũ của Huỳnh. Đó là các anh Lê Văn Cường và Vũ Hồng Sơn; họ là những người đã mai táng cho em tôi. Nhờ đó, hài cốt của em tôi đã được trở về quê mẹ, đúng như ý nguyện của chú ấy trước ngày đi xa…”.

Cũng cần phải viết thêm điều này: Người vợ tên Xơ của Huỳnh khi anh vào chiến trường mới 22 tuổi. Họ vừa cưới nhau chưa kịp có con thì đã phải chia tay. Anh ra đi và không bao giờ trở về. Giờ đây, chị Đặng Thị Xơ đã hơn 50 tuổi, nhưng vẫn ở vậy, không đi bước nữa.

Bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị. Khách đến thăm, bao nhiêu người khi được giới thiệu về bức thư ấy, là bấy nhiêu người không cầm được nước mắt 

Theo báo VNCA-của Trần Đặng

TAMTHUC

Comment