No icon

hien-tuong-bong-de-hay-bi-liet-nguoi-trong-giac-ngu

Hiện tượng ‘bóng đè’ hay bị liệt người trong giấc ngủ

Có bao giờ bạn rơi vào trạng thái khi bất chợt thức giấc, bạn cảm thấy cả thân người không cử động được và phát âm không thành tiếng mặc dù cố gắng hét lên. Xung quanh tối đen nhưng bạn vẫn thấy như có người trong phòng, bay lơ lửng trên giường và thậm chí đè lên ngực bạn gây nghẹt thở! Hiện tượng kỳ lạ này được gọi là “liệt trong giấc ngủ” hay gọi nôm na là “bóng đè”.

Người ta thường tin rằng, hiện tượng liên quan đến thế lực siêu nhiên. Nhưng các nghiên cứu khoa học cho thấy hiện tượng bóng đè xảy ra khi não và cơ thể không hoàn toàn liên kết với nhau trong giấc ngủ. Trong giai đoạn ngủ chuyển động mắt nhanh (REM), giấc mơ thường xảy ra song các cơ bắp của cơ thể được nới lỏng đến mức tê liệt, có lẽ nhằm ngăn chặn mọi hành động vượt khỏi giấc mơ.

Số người gặp hiện tượng “bóng đè” ước có khoảng từ 5% đến 60% – tùy theo những khác biệt trong phương pháp điều tra. Một số người thường xuyên trải nghiệm hiện tượng, trong khi số khác chỉ bị một hay hai lần trong đời. Tin tốt là hiện tượng liệt trong giấc ngủ không gây hại cho sức khỏe.

Những trải nghiệm kỳ lạ

Sau khi đèn đóm tắt hết, bạn dần chìm vào giấc ngủ. Nhưng, bất chợt một âm thanh sột soạt khác thường làm bạn giật mình. Mọi thứ dường như hoàn toàn bình thường cho đến khi bạn chú ý thấy sợi dây leo màu xanh vươn dài ra khỏi chậu hướng đến thân thể bạn rồi quấn quanh miệng và cổ họng. Lúc đó, toàn thân bạn như tê liệt và không cách nào la hét được. Câu chuyện có vẻ như một cảnh trong phim kinh dị. Nhưng, đó là hiện tượng có thật.

Tiến sĩ Stephan Matthiesen, nhà vật lý học Khoa Địa vật lý – Đại học Edinburgh (Anh) cũng từng trải nghiệm trạng thái khác thường này và sau đó đưa câu chuyện vào cuốn sách của ông: “Sự bình thường của các trạng thái tỉnh táo bị biến đổi” và tìm cách giải thích hợp lý cho hiện tượng “liệt trong giấc ngủ” – sleep paralysis (SP). Nhiều trải nghiệm tương tự cũng từng được báo cáo ở Đại học London.

Một sinh viên của trường tên là Peter Moore thường hay rơi vào trạng thái SP. Ví dụ vào một đêm, Peter Moore bất chợt thức giấc, thấy cơ thể không động đậy được nữa đồng thời cảm nhận được trạng thái căng thẳng khắp ngực đến mức khó thở. Moore có thể nhìn thấy những vật dụng trong phòng ngủ và cố gắng nghiêng đầu nhìn thấy con mèo kế bên. Nhưng điều lạ lùng là đầu con mèo lộn ngược và dường như đang chảy xuống. Bằng nỗ lực của ý chí, cuối cùng Moore cũng thoát khỏi trạng thái tê liệt và cố tấn công con mèo nhưng chỉ thấy đấm vào không khí.

Jeremy Deane, một sinh viên khác, bị SP nhiều lần trong một đêm. Trải nghiệm của Deane cũng tương tự: liệt toàn thân, khó thở, gặp các ảo giác như là thân thể rung lên và nhiều đồ vật biến thành những hình thể quái dị. Ví dụ, trần phòng biến thành các xác chết, cây quạt trần hóa thành tiên nữ có cánh hay bóng đèn giữa phòng trở thành gương mặt đang nói chuyện.

Deane cho biết, các trải nghiệm của anh thường kinh khủng song có thể kiểm soát được và đôi khi cũng rất dễ chịu. Những hình ảnh mà Deane nhìn thấy khi rơi vào trạng thái SP bao gồm quái vật có râu đang cười, cô gái không có gương mặt di chuyển quanh giường, những bàn tay thò ra trên tường “như muốn siết cổ tôi”. Hiện tượng SP cũng được mô tả trong tác phẩm “Moby Dick” của Herman Melville hay trong các tác phẩm của F. Scott Fitzgerald và Ernest Hemingway.

Tinh thần tỉnh táo trước khi cơ thể “thức tỉnh” khỏi trạng thái tê liệt có thể là trải nghiệm kinh khủng đối với tất cả chúng ta. Thường thì hiện tượng SP có kèm theo các ảo giác và tình trạng tức ngực khó thở hay thậm chí nghẹt thở. Những ảo giác thường liên quan đến hình ảnh quái vật hay yêu tinh quấy rối giấc ngủ con người. Thậm chí, một số người có cảm giác mình sắp chết! Nhưng, cũng có những trường hợp SP kèm theo cảm giác khác thường như bay lơ lửng hay xuất hồn.

Những người từng trải nghiệm SP thường có tâm lý im lặng vì sợ bị cư xử như người bị rối loạn tâm thần. Nhưng thật ra, những “nạn nhân” của SP không hề bị tâm thần mà cũng không bị ma quỷ hay yêu tinh tấn công về đêm.

Nhà làm phim Carla MacKinnon cũng từng trải qua trạng thái SP nhiều lần trong một tuần và bà đã cố công nghiên cứu hiện tượng để có giải thích ở góc độ khoa học. MacKinnon nói chuyện với các nhà tâm lý học, khoa học cũng như những người từng trải nghiệm SP. Dự án nghiên cứu của MacKinnon cuối cùng dẫn đến sự ra đời của một bộ phim ngắn về hiện tượng SP dự kiến sẽ được chiếu tại Trường Nghệ thuật Hoàng gia London (Anh) vào tháng 5 tới.

Lý giải khoa học

Trong suốt giai đoạn của giấc ngủ có nhiều giấc mơ (REM, tức khoảng 90 phút sau khi ngủ), các cơ bắp của chúng ta bị liệt để ngăn không cho cho cơ thể sự hành động theo những gì đang diễn ra trong não, và hiện nay các nhà nghiên cứu đã khám phá được các hóa chất trong não chịu trách nhiệm gây cơ thể bất động trong khi ngủ.

Theo báo cáo của các nhà khoa học công bố trên tờ The Journal of Neuscience năm 2012, phát hiện này rất có ích cho điều trị các chứng rối loạn giấc ngủ. Các cuộc nghiên cứu trước đây cho rằng, chất truyền dẫn thần kinh gọi là glycine gây tê liệt thân thể khi ngủ song sau khi glycine bị ức chế thì tình trạng SP vẫn cứ diễn ra. Do đó, hai nhà nghiên cứu Patricia Brooks và John Peever ở Đại học Toronto (Canada) tập trung vào 2 loại cơ quan thụ cảm thần kinh khác nhau gồm GABAB và GABAA/glycine ở các vùng cơ.

Sự kiện “Dự án Hiện tượng SP” tại Festival Phim ngắn London (Anh) vào tháng 1/2013.

Nghiên cứu cho thấy GABAA/glycine phản ứng với glycine và chất dẫn truyền thần kinh khác gọi là gamma-aminobutyric acid (GABA). Trong khi đó, GABAB chỉ phản  ứng với duy nhất GABA. Hai nhà khoa học Brooks và Peever đã tìm cách chặn hai cơ quan thụ cảm GABAB và GABAA/glycine ở chuột thí nghiệm và phát hiện cách duy nhất để ngăn chặn hiện tượng SP diễn ra trong giấc ngủ REM là “tắt” hoạt động của cả hai cơ quan thụ cảm thần kinh GABAB và GABAA/glycine cùng một lúc. Điều đó có nghĩa là chỉ riêng glycine chưa đủ để gây liệt các cơ bắp mà còn cần đến GABA nữa.

Ngoài ra, có một triệu chứng kỳ quặc gọi là “rối loạn hành vi liên quan đến REM”. Trong trường hợp này, bệnh nhân không bị liệt trong giai đoạn giấc ngủ REM. Điều đó có nghĩa là, bệnh nhân vẫn hành động theo các giấc mơ của mình – nói chuyện, cười hay thậm chí đấm đá loạn xạ! Ví dụ, một người đàn ông kể cho nhà làm phim Carla MacKinnon câu chuyện quái gở về cậu con trai nhỏ của ông. Theo lời kể, cậu bé trong lúc ngủ bất ngờ đứng dậy đi quanh giường, cất tiếng hát và có lúc ngồi sụp xuống gối của cha mình và nói chuyện với ông!

Hiện nay, có loại thuốc giảm rối loạn thần kinh gọi là Clonazepam được dùng để chữa chứng rối loạn hành vi liên quan đến REM. Hiểu được cơ chế chính xác đằng sau vai trò hóa học của rối loạn giấc ngủ REM là điều quan trọng bởi vì khoảng 80% các trường hợp bị chứng này thường cuối cùng mắc phải bệnh thoái hóa thần kinh nghiêm trọng như là bệnh Parkinson.

Theo Peever, rối loạn thần kinh liên quan đến giấc ngủ REM có thể được coi là dấu hiệu ban đầu của các bệnh này, cho nên việc điều trị sớm sẽ giúp ngăn ngừa hay thậm chí ngăn chặn hiệu quả sự phát triển của chúng.

Một vài trường hợp trải nghiệm SP được xác định liên quan đến chứng mất  ngủ, stress, dùng quá liều các loại chất kích thích, mệt mỏi thể xác. Ngủ trong tư thế nằm ngửa cũng thường gây ra hiện tượng SP do vòm mềm (phần sau của vòm miệng) sụp xuống gây tắc đường hô hấp. Những người mắc chứng ngủ rũ cũng dễ rơi vào hiện tượng SP. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 30 đến 40% số người mắc chứng ngủ rũ đều trải nghiệm SP.

Cuốn sách về hiện tượng SP của tác giả Ryan Hurd.

Hiện tượng SP thường phổ biến ở nam hơn là phụ nữ và nhóm tuổi thường bị là từ 25 đến 44 tuổi. Các nhà khoa học phân chia hiện tượng SP ra làm hai dạng – SP chỉ xảy ra 1 lần (ISP) và SP diễn ra nhiều lần (RISP), trong đó ISP thường phổ biến hơn. RISP được coi là bệnh mạn tính và những người mắc phải thường gặp hiện tượng SP suốt đời. Sự khác biệt giữa ISP và RISP nằm ở thời gian – RISP có thể kéo dài 1 giờ hay lâu hơn, còn ISP nói chung chỉ xảy ra trong khoảng 1 phút hay dài nhất là 30 phút.

Hiện tượng “bóng đè” trong văn hóa các nước

Trải nghiệm SP được mô tả trong nhiều nền văn hóa trên thế giới từ xưa đến nay. Người châu Âu thời Trung cổ giải thích hiện tượng SP là sự tấn công về đêm của phù thủy hay quỷ dữ háo sắc. Còn xã hội ngày nay giải thích hiện tượng SP dựa theo chuyện dân gian.

Như trong truyện truyền khẩu của Phần Lan và Thụy Điển, hiện tượng SP liên quan đến một nhân vật huyền bí siêu nhiên. Đó là một phụ nữ bị nguyền rủa thường lang thang khắp các ngôi làng để ngồi lên ngực những người đang ngủ khiến họ gặp ác mộng. Bộ phim Thụy Điển “Marianne” mô tả về hiện tượng này.

Còn người dân ở đảo Newfoundland của Canada, Nam Carolina và Georgia (Mỹ) tin rằng, có mụ phù thủy ngồi đè trên ngực gây khó thở và không thể cử động được thân mình.

Ở đảo quốc Fiji, miền Nam Thái Bình Dương, hiện tượng SP được coi là có liên quan đến linh hồn người thân mới chết quay trở về vì những gì họ chưa kịp làm lúc sinh thời hay muốn thông tin điều quan trọng gì đó cho người còn sống.

Tác phẩm “Ác mộng” của Henry Fuseli (năm 1781) được coi là một trong những mô tả cổ điển về hiện tượng SP, với sự tấn công của quỷ dữ.

Còn trên đảo St. Lucia, trải nghiệm SP được giải thích là linh hồn của những đứa trẻ chưa được rửa tội bò trên ngực người ngủ và chặn họng người này!.

Người Nhật Bản liên hệ đến từ “kanashibari”, tức “trói bằng dây sắt” để mô tả hiện tượng SP, còn người Indonesia gọi bằng từ “tindihan” nghĩa là “đè xuống thật nặng”. Người Thổ Nhĩ Kỳ dùng từ “karabasan” có liên quan đến quỷ dữ, gọi là djinn.

Ở Thái Lan, người ta tin rằng hiện tượng SP và các triệu chứng kèm theo do một hồn ma gây ra mà dân gian gọi là Phi Am. Các câu chuyện về Phi Am rất phổ biến trong truyện tranh của Thái Lan.

Có lẽ, SP tạo ra cơ hội để nghiên cứu sự tương tác giữa sinh học và văn hóa. Hiện tượng SP cũng liên quan đến thế giới tâm linh của nhiều nền văn hóa khác nhau

Nguồn: Thiên Minh/ CAND

TAMTHUC

Comment