No icon

giai-ma-loi-nguyen-chia-loan-re-phuong-o-hai-duong

Giải mã lời nguyền chia loan, rẽ phượng ở Hải Dương

Ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, không ít người dân rỉ tai nhau rằng: Đàn ông xã Tân Việt nếu lấy vợ là người xã Cẩm Chế thì cuộc sống gia đình sẽ gặp nhiều tai ương. Thậm chí, cặp đôi nào dám bước qua lời nguyền thì người chồng hoặc đứa con sẽ mất mạng theo những cách khó hiểu nhất.

Ảnh minh họa: Ai dám bước qua lời nguyền?

Ảnh minh họa: Ai dám bước qua lời nguyền?

Lần theo những lời đồn đoán này, phóng viên đã có mặt tại huyện Thanh Hà để tìm sự thật.

Lời nguyền và những cái chết được ghép nối

Chúng tôi được lãnh đạo UBND xã Cẩm Chế thu xếp cho gặp ông Lê Kiển, một người cao tuổi có uy tín trong làng. Theo chân ông Kiển, phóng viên được đi một vòng quanh xóm làng để nghe các cụ thuộc thế hệ đi trước kể về lời nguyền “chia loan rẽ phượng”. Chưa bàn đến việc lời nguyền kể trên đã ứng vào ai chưa nhưng quả thật, nó đã ăn sâu vào tiềm thức, chi phối nhận thức của nhiều người dân xã Cẩm Chế.

“Riêng ở một xóm nhỏ trong làng Phương La, tôi đã có thể kể cho chú nghe tên của 3 người phụ nữ có chồng chết bất ngờ chỉ trong vòng 3 năm nay. Họ đều là những người mới ngoài 40 tuổi. Cô Nguyễn Thị H có chồng chết năm ngoái vì điện giật. Cô O có chồng chết vì tai nạn giao thông. Còn một người nữa thì có chồng chết vì tai nạn lao động”, ông Lê Kiển nói.

Ông Kiển dẫn phóng viên tới tận nhà riêng của những nhân vật kể trên. Và đúng là có những chuyện đau lòng đó thật. Để thuyết phục phóng viên, ông Kiển còn đưa ra thêm nhiều câu chuyện bi kịch khác của các cặp vợ chồng mà chồng là người dân xã Tân Việt, vợ là con gái đất Cẩm Chế. Những con người được ông Kiển đề cập đều có quan hệ họ hàng hoặc thân thích với gia đình ông.

“Tôi thì tôi có nghe dư luận đó và vài năm nay thì nó rộ lên rất nhiều. Vợ tôi “thống kê” lại thì vài năm nay có tới 7 cặp vợ chồng có chồng chết bất ngờ. Ví dụ như ông Nguyễn Văn Q, có vợ tên H đang sinh sống khỏe mạnh thì bỗng nhiên ông Q bị tai biến phải nhập viện. Khi vào viện điều trị, ông Q khỏe lại dần.

Bà H thấy chồng nằm một chỗ buồn bã nên nói mấy câu chuyện vui cho chồng nghe. Nào ngờ, khi nghe những câu chuyện này thì ông chồng buồn cười quá, cười không dứt được. Vì tràng cười này, ông Q đã qua đời”, bác Ngô Văn Sáng, người dân xã Cẩm Chế kể lại.

Những câu chuyện về lời nguyền “chia loan rẽ phượng” oan nghiệt trên đã râm ran bấy lâu nay ở xã Cẩm Chế và mới đây, dư luận lại ồn ào lên sau một sự việc quái dị xảy ra tại nhà anh Nguyễn Bá Thông.

Như Báo PLVN đã đưa tin, ngày 3/3/2011, con anh Thông là cháu Nguyễn Trắc Công được phát hiện đã chết trong tư thế treo cổ trên cây vải vườn nhà. Một tháng sau, đến lượt anh trai của anh Thông (là người xã Tân Việt) lấy vợ bên xã Cẩm Chế tử vong vì ngã xuống sông. Nhiều người dân cho rằng, tai ương kể trên đến là vì lời nguyền bí ẩn…

Nguồn gốc huyễn hoặc của lời nguyền

“Thời xưa, có một người phụ nữ là dân làng Phương La, xã Cẩm Chế yêu sâu sắc một người đàn ông là người xã Tân Việt và họ đã kết hôn. Tuy nhiên, khi người phụ nữ mang bầu, người chồng đã phụ bạc để đi theo người đàn bà khác.

Uất hận, người phụ nữ tội nghiệp đã ra cây cầu thuộc bờ sông nối hai làng và trầm mình xuống dòng nước đang chảy xiết, mang theo lời nguyền: Những người đàn ông xã Tân Việt lấy phụ nữ xã Cẩm Chế sẽ chịu những kết cục oan nghiệt. Đó là căn cứ của lời nguyền xưa”, cụ ông Nguyễn Mạnh Thường (87 tuổi, người dân xã Tân Việt) kể.

Trong khi đó, một nguyên cán bộ cấp cao tỉnh Hải Dương nay đã về hưu và đang sinh sống tại làng Phương La, xã Cẩm Chế lại kể cho phóng viên một câu chuyện khác: “Ngày xưa, thời loạn, khi dân xã Cẩm Chế chạy loạn qua xã Tân Việt để ra đường lớn thoát thân thì thấy cây cầu nối hai bờ sông đã bị phá hủy. Vì thế mà dân hai làng có mối hiềm khích. Phải chăng, đó là căn nguyên của vấn đề?”.

Một điều hiển nhiên là những câu chuyện trên chỉ là những huyền tích không thể kiểm chứng và được thổi phồng lên, “thêm mắm dặm muối” qua truyền miệng dân gian. Tình yêu thời nào cũng có, do đó mà sự phản bội hay các mối hiềm khích có khi nào không tồn tại trên đời?.

Sinh ly, tử biệt là chuyện thường tình ở cõi nhân gian, nhưng khi gắn những tai nạn, những cái chết ngẫu nhiên vào một câu chuyện thấm màu sắc mê tín dị đoan tức là chính chúng ta đang làm tăng thêm sức mạnh của lời nguyền “chia loan rẽ phượng”, chính chúng ta đang gây ra sóng gió, cản trở cho những cặp uyên ương trai Tân Việt, gái Cẩm Chế.

Hầu hết những vị phụ huynh khi được phóng viên hỏi: Nếu biết con gái mình, hoặc con trai mình yêu con trai xã Tân Việt (hoặc con gái xã Cẩm Chế) thì có cấm không?. Đa số câu trả lời là: “Không cấm, nhưng không thích!”.

“Ngày xưa, tự do yêu đương chưa được như bây giờ nên khi tôi có một mối là người xã Tân Việt hỏi cưới về làm vợ, ông cụ nhà tôi cấm liền. Cụ bảo, lấy ai thì lấy, đừng lấy trai Tân Việt”, cô Thanh, người dân thôn Phương La nói.

Khi thực hiện bài viết này, phóng viên không mong bạn đọc sẽ bị cuốn vào những câu chuyện ma quái, không căn cứ. Điều mà chúng tôi mong mỏi là lời hứa của một vị lãnh đạo xã Cẩm Chế sẽ sớm được thực hiện một cách triệt để: Sẽ tổ chức tuyên truyền, giao lưu đoàn hội giữa hai xã để chứng minh rằng hôn nhân vững bền bắt nguồn từ tình yêu chân thành.

Thọ Phước

Theo: Pháp luật

TAMTHUC

Comment