No icon

nhung-dai-ho-bi-an-trai-dai-hon-km-o-peru

Những dải hố bí ẩn trải dài hơn 1km ở Peru

Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn đang thách đố tri thức của nhân loại. Bộ sưu tập những câu chuyện “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên về những hiện tượng lạ thường đã kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định!

Một di chỉ bí ẩn trải dài trên Thung lũng Pisco, Peru. Trên cùng một cao nguyên nơi các đường thẳng Nazca nổi tiếng được phát hiện, có hàng nghìn cái hố được khắc vào đá, tạo nên một dải hố kéo dài hơn 1,6 km.

Chưa biết được ai đã khắc những cái hố này, hoặc lý do tạo khắc chúng, nhưng hiển nhiên một công trình quy mô như vậy chắc chắn phải là một công việc khó nhọc, yêu cầu sức người làm trong nhiều giờ.


Một trong rất nhiều hình vẽ trên cao nguyên Nazca, Peru.

Dải hố ở thung lũng Pisco, Peru, chứa hàng nghìn cái hố. Được miêu tả là “có kích cỡ của người”, những cái hố này rộng khoảng 1 m, sâu khoảng 1- 2 m. Một số khá nông, cho cảm tưởng rằng chúng chưa được hoàn thiện. Chúng được chạm khắc để tạo thành một dải hố, với chiều ngang từ 8-10 hố, và chiều dọc trải dài khoảng 1,6 km dọc theo một địa thế đồi núi gập ghềnh. Ước chừng có khoảng 6.900 hố.

Một trong những hố này được sắp thành hàng với độ chuẩn xác cao, trong khi số khác trông có vẻ được xếp so le với nhau. Người ta ước lượng rằng cần nhiều thập kỷ để đẽo các tảng đá để lộ ra một dải hố như vậy, nhưng vẫn chưa biết được mục đích của công trình này là gì. Những người sinh sống ở khu vực này ngày nay không biết được những cái hố được tạo ra như thế nào, tại sao chúng được tạo ra, hay là ai đã tạo nên chúng.

Những cái hố bí ẩn ở Thung lũng Pisco, Peru. (Nguồn: Bruno7/Panramio, CC BY)

Cho đến nay người ta vẫn chưa khai quật được bất cứ món đồ tạo tác nào để có thể tiết lộ thêm các thông tin về những cái hố này. Một số người tin rằng bởi lẽ các hố này có “kích cỡ con người”, nên chúng có thể là một loại hình mộ táng theo chiều dọc, với mục đích chôn cất người chết. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa khôi phục được bất kỳ xương, đồ tạo tác, hay di thể của người nào để có thể củng cố cho giả thuyết trên.

Một số nhà khảo cổ học đã đưa ra giả thuyết cho rằng những cái hố này được đào lên để cất trữ thóc gạo, và các đồ thiết yếu khác. Xét đến số lượng và độ sâu của mỗi hố, rất có thể một nền văn minh nào đó đã từng sử dụng chúng để cất trữ một lượng lớn thóc gạo. Tuy nhiên, giả thuyết này đã gặp phải sự công kích. Bởi lẽ việc xây dựng các bình trữ thóc gạo có thể được tiến hành một cách dễ dàng hơn nhiều so với công sức bỏ ra để khắc một loạt các hố như vậy. Vì lý do này, có lẽ không một nhóm người nào sinh sống ở đây lại tiếp nhận một công việc khắc đá tạo hố nặng nhọc như vậy nếu có môt cách tốt hơn để cất trữ thóc gạo.


Ảnh chụp từ Google Maps cho thấy một dải hố dài phía bên trái, và dấu hiệu của một vùng định cư của con người ở phía bên phải.

Đăng tải với sự cho phép của trang Ancient Origins. Đọc bản gốc ở đây.

MR Reese, Ancient-Origins.net

Biên dịch: Quý Khải; Biên tập: Phan A

Nguồn:http://www.daikynguyenvn.com/khoa-hoc-cong-nghe/nhung-dai-ho-bi-trai-dai-hon-1km-o-peru.html

Comment