khi-phach-cua-nguoi-quan-tu-quan-van-truong-mot-minh-cam-dao-den-dong-ngo-du-tiec
Khí phách của người quân tử: Quan Vân Trường một mình cầm đao đến Đông Ngô dự tiệc
- bởi map --
- 12/04/2017
Câu chuyện Quan Vũ ‘đơn đao phó hội’ nổi tiếng ngàn năm, sau này đã được các nghệ nhân kể chuyện đời Tống, đời Nguyên nâng lên thành một giai thoại nhân gian, được dựng thành những vở kịch nổi tiếng. Ông La Quán Trung đã bám vào truyền thuyết dân gian và viết thành một trong tứ đại tác phẩm, Tam Quốc diễn nghĩa, khiến người đời sau không hết lời tán dương.
Tác giả La Quán Trung lấy nhà Hán làm chính thống và ủng hộ Lưu Bị, do đó Quan Vũ – người trợ giúp đắc lực của Lưu Bị được mô tả là nhân vật chính diện, vũ dũng hào hiệp, có khí phách anh hùng. Một trong những điển tích nổi tiếng nhất của ông chính là ‘đơn đao phó hội’, một mình một đao sang đất Đông Ngô dự yến tiệc.
Trong trận chiến Xích Bích, Khổng Minh lợi dụng lúc quân Tào và quân Ngô sống mái với nhau, đã khéo léo cắt cử các bộ tướng như Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Tử Long… đi chiếm cứ nhiều quận của Kinh Châu. Kinh Châu là một vùng đất cực kỳ quan trọng mà cả 3 nhà Tôn, Tào và Lưu đều muốn chiếm cứ. Có được Kinh Châu là có được nền móng để gây dựng cơ đồ.
Tại sao lại là Kinh Châu?
Kinh Châu là mảnh đất để lại rất nhiều câu chuyện kỳ lạ vào thời Tam Quốc, đó là nơi tranh giành quyết liệt giữa ba thế lực quân phiệt Nguỵ, Thục, Ngô. Những câu chuyện nổi tiếng như Tào A man đi tắt hẻm Hoa Dung, Giang Tả cầu hôn, mượn Kinh Châu, mất Kinh Châu, chặn sông giằng A Đẩu, Quan đại vương đơn đao phó hội… là những câu chuyện rất kỳ ảo được La Quán Trung vẽ thành những bức tranh hết sức đặc sắc trong một seri những câu chuyện được mắc nối đan kết với nhau thành một chuỗi những sự kiện lớn trong cả một quãng thời gian mười mấy năm binh lửa ngút trời.
Khi Tào Tháo chiếm Kinh Châu cũng mới chỉ bình định thực sự có 3 quận Bắc Kinh Châu là Nam Dương, Giang Hạ và Nam Quận, còn 4 quận Kinh Nam chỉ hướng về Tào Tháo mà đầu hàng trên danh nghĩa. Rồi khi Tháo bại trận Xích Bích phải chạy về Bắc lại thiết lập phòng tuyến mới ở Tương Dương, đất đai thu được chỉ là quận Nam Dương và một phần Giang Hạ.
Sau chiến dịch Giang Lăng, Chu Du lấy được một phần phía đông nam quận Giang Hạ và một phần Nam Quận, còn Lưu Bị áp dụng kế của Gia Cát mà tiến chiếm 4 quận Kinh Nam và một phần Nam quận làm đất cải tử hồi sinh cho sự nghiệp của mình.
Suốt quãng thời gian từ Kiến An thứ 14 đến năm Kiến An 24, tại Kinh Châu, những vị trí chiến lược như Tương Phàn, Giang Lăng do ba thế lực quân phiệt hùng mạnh thay nhau nắm giữ, tranh giành kèn cựa với nhau. Xét trên tình thế nhà Lưu lúc đó thì thấy rằng bên Lưu Bị mới manh mún nên rất ít anh tài.
Trong quân của Lưu Bị lúc đó, Quan Vũ là viên hổ tướng dũng mãnh nhất, là cánh tay phải của Lưu Bị, có danh tiếng cực lớn, khả năng thu hút quần chúng rất mạnh mẽ hơn đứt những mãnh tướng hàng đầu lúc bấy giờ. Đến Chu Du cũng phải ca ngợi Quan Vũ là viên tướng hổ báo. Lục Tốn sau này cũng phải tán tụng rằng Quan Vũ là hào kiệt trên đời.
TAMTHUCMối lo chủ yếu của Đông Ngô, vào lúc này, chính là Tây Thục chứ không phải Bắc Ngụy nữa. Kể từ sau trận Xích Bích, quân nhà Lưu đã từ cảnh sống vô gia cư, chết vô địa táng, ăn cơm bụi uống nước cống trở thành một thế lực thật sự hùng mạnh, rõ ràng có khả năng tranh bá đồ vương.
Sự kết liên giữa Ngô với Thục quanh trận Xích Bích cũng chỉ như một giải pháp tạm thời, bắt buộc phải thực hiện để sinh tồn. Khi Tào Ngụy đã bị đẩy lui, những mâu thuẫn bắt đầu bộc lộ, và thế tất phải trở nên xung đột khi có tranh chấp về mặt lợi ích.
Thực tế, trong cả 60 năm Tam Quốc, Ngô hầu như chưa bao giờ thực bụng kết đồng minh với bên nào, kể cả Ngụy lẫn Thục. Những hiệp ước của Ngô luôn luôn là một giải pháp tạm thời để củng cố vị trí của mình. Cho mượn Kinh Châu, chịu tước phong của Nguỵ, cầu hàng với Thục, kết bang giao, rồi hẹn nhau đưa quân phạt Trung Nguyên, đều là như thế. Ngô luôn nghe ngóng và đánh giá tình hình rồi mới hành động, để làm sao có lợi nhất cho mình.
Không lấy được Kinh Châu, Ngô hầu quyết không thể kê cao gối ngủ. Thật ra, nếu không có Kinh Châu, Đông Ngô sẽ rất cô thế, chưa chắc đã trụ nổi đến hết 60 năm. Không nắm được phần đất phì nhiêu ấy, chỉ cần hoặc Thục hoặc Ngụy ra binh thì nước Ngô đã rất khốn đốn vì phòng tuyến đã bị co cụm đi quá nhiều.
Quan Vũ ‘đơn đao phó hội’
Lưu Bị phái Quan Vũ trấn giữ Kinh Châu, nguyên là đất của Tôn Quyền. Tôn đòi lại mấy phen không được. Lỗ Túc bày mưu cho Tôn như sau: Lỗ đóng quân ở bờ sông Lục Khẩu, cho Cam Ninh, Lã Mông phục binh, mời Quan đến dự tiệc rồi xin trả đất, nếu không nghe thì sai 50 quân đao phủ đã mai phục sẵn cứ xông ra chém Quan giữa tiệc, rồi đánh chiếm Kinh Châu. Mặc dù biết rõ mưu kế của Lỗ Túc và bộ tướng đều can ngăn nhưng Quan Vũ vẫn nhận lời Lỗ Túc.
Đúng hẹn, Quan Vũ một mình một đao đến Lục Khẩu hội với Lỗ Túc và ra về an toàn. Phải chăng Quan Vũ quá liều? Không phải! Quan Vũ một mình đến phó hội vì 2 lý do sau:
Thứ nhất, Quan Vũ nắm được chủ trương, tính cách của Lỗ Túc. Sau khi Chu Du chết, Lỗ Túc làm Đại đô đốc của Đông Ngô. Phương châm của Lỗ Túc là: Khi nào Ngụy mạnh thì kết giao với Thục, khi nào Thục mạnh thì kết giao với Ngụy nhằm tạo thành thế Tam Quốc, cũng là muốn cho Đông Ngô vững bền.
Hơn nữa, Lỗ Túc là người sâu sắc, nên mặc dù tính kế như vậy nhưng ông cũng không muốn giết Quan Vũ chuốc thù với Thục. Do đó, khi đón Quan Vũ ở bờ sông, Lỗ Túc vội đến gần Quan Vũ thi lễ và nói nhỏ vào tai Quan Vũ “Ông đi cạnh tôi nhé”. Và, cứ như thế, Quan Vũ cầm Thanh long đao đi bên cạnh Lỗ Túc, nói cười vui vẻ làm cho bọn Cam Ninh, Lã Mông muốn ra tay cũng không được.
Thứ hai, Quan Vũ muốn cho Đông Ngô, đặc biệt là bộ tướng Cam Ninh, Lã Mông thấy được uy vũ của ông và cũng là sức mạnh của Thục. Và, muốn khẳng định “Quan Vũ còn thì Kinh Châu còn” Đông Ngô đừng mong chiếm đất của Hán thất.
Quan Vũ đội khăn xanh, mặc áo bào màu lục, ngồi thuyền đi đến. Trên thuyền ngoài Châu Thương cầm đao Thanh long đứng hầu chỉ có thêm tám, chín người lực lưỡng giắt mã tấu hộ vệ.
Uy vũ của Quan làm Lỗ Túc khiếp vía. Quan không chịu trả đất, một tay cầm đao, một tay nắm chặt Lỗ ra thuyền về thành an toàn. Quân Đông Ngô trước đã ém sẵn bên sông đành phải thúc thủ. Đời sau quá hâm mộ khí phách Quan, ví việc ấy còn hơn cả Lạn Tương Như nước Triệu thời Chiến quốc, một mình vào dự hội Hàm Trì, coi vua tôi nhà Tần chẳng vào đâu. Nên có thơ khen tặng rằng:
“Một đao phó hội uống thờ ơ,
Coi nhỏ Đông Ngô tựa trẻ thơ.
Khí khái anh hùng trong cuộc rượu,
Hàm Trì gấp mấy Lạn Tương Như.“
Nhiều người cho rằng, “Đơn đao phó hội” thể hiện uy dũng của Quan Vũ, điều đó đúng nhưng chưa đủ. “Đơn đao phó hội” còn thể hiện cái “trí” của Quan Vũ, “biết người biết ta”. Quả thật là “Trí dũng song toàn”.
Ánh Trăng tổng hợp
Nguồn:http://www.daikynguyenvn.com/van-hoa/cau-chuyen-quan-vu-don-dao-pho-hoi-noi-tieng-ngan-nam.html
Comment