No icon

nasa-muon-tao-la-chan-tu-truong-giong-trai-dat-de-hoi-sinh-su-song-tren-sao-hoa

NASA muốn tạo lá chắn từ trường giống Trái Đất để hồi sinh sự sống trên Sao Hỏa

Các nhà khoa học NASA vừa đề xuất một kế hoạch táo bạo – tái tạo bầu khí quyển Sao Hỏa, hồi sinh hành tinh đỏ cho các thế hệ người đổ bộ trong tương lai.

Bằng cách phóng một lá chắn từ trường khổng lồ lên không gian để bảo vệ Sao Hỏa trước các đợt gió Mặt Trời, NASA cho biết có thể khôi phục bầu khí quyển hành tinh đỏ, và địa khai hóa [1] môi trường Sao Hỏa để nước lỏng một lần nữa chảy trên bề mặt hành tinh.

Ngày nay, Sao Hỏa dường như là một vùng đất hoang lạnh giá, khô cằn, nhưng hành tinh đỏ được cho là từng chứa một bầu khí quyển dày có thể duy trì các đại dương sâu chứa nước lỏng cùng khí hậu ấm áp, thích hợp cho sự sống.

Các nhà khoa học cho rằng Sao Hỏa đã mất tất cả điều này khi từ trường bảo vệ của nó sụp đổ vài tỷ năm trước đây, để gió mặt trời – các hạt năng lượng cao phóng ra từ Mặt Trời – đang không ngừng làm xói mòn bầu khí quyển kể từ đó.

Gió Mặt Trời tấn công Sao Hỏa, làm xói mòn bầu khí quyển hành tinh. Bấm vào ảnh để phóng to. (Ảnh: Internet)

Gió Mặt Trời tấn công Sao Hỏa, làm xói mòn bầu khí quyển hành tinh. (Ảnh: Internet)

Hiện, các mô phỏng mới của NASA cho thấy có một cách để tái tạo bầu khí quyển dày vốn có của Sao Hỏa một cách tự nhiên – mà không cần viện đến biện pháp đánh bom hạt nhân hành tinh đỏ, như tỷ phú công nghệ Elon Musk từng đề xuất. Thay vào đó, NASA cho rằng một lá chắn từ trường đủ mạnh được phóng vào không gian có thể đóng vai trò thay thế cho từ quyển bị mất tích của Sao Hỏa, cung cấp cho hành tinh đỏ một cơ hội để tái tạo bầu khí quyển một cách tự nhiên.

Tại hội thảo Tầm nhìn Khoa học Hành tinh 2050 tổ chức vào tuần trước, giám đốc Ban Khoa học Hành tinh của NASA, ông Jim Green, cho biết việc đưa một từ trường nhân tạo vào không gian giữa Sao Hỏa và Mặt Trời trên lý thuyết sẽ tạo ra một từ quyển nhân tạo chặn đứng các dòng hạt tích điện trong gió mặt trời.

“Khi đó sẽ loại trừ được rất nhiều ảnh hưởng xói mòn của gió mặt trời lên tầng điện ly và khí quyển thượng tầng, cho phép bầu khí quyển Sao Hỏa qua thời gian tăng cường cả về nhiệt độ và áp suất”, ông Green giải thích.

TAMTHUC

Khi bầu khí quyển trở nên dày hơn, nhóm nghiên cứu ước tính khí hậu Sao Hỏa sẽ ấm lên khoảng 4 độ C, đủ để làm tan chảy băng khô (đá CO2) trên chỏm cực Bắc.

Khi điều này xảy ra, lượng CO2 trong khí quyển sẽ hấp thụ nhiệt lượng tương tự trên Trái Đất, từ đó kích hoạt phản ứng nhà kính và làm tan chảy băng đá trên Sao Hỏa, trả lại hành tinh đỏ nước lỏng dưới dạng sông ngòi và đại dương.

Nếu tất cả chúng đều xảy ra như dự đoán, thì có khả năng, chỉ trong vòng vài thế hệ, Sao Hỏa có thể khôi phục một vài đặc điểm thích hợp cho sự sống tương tự Trái Đất mà hiện đã bị thất lạc.

Nhóm nghiên cứu thừa nhận, cho tới thời điểm hiện nay kế hoạch này chủ yếu mang tính giả thuyết, nhưng đây quả là một viễn cảnh ấn tượng cho những năm tiếp theo. Nếu ý tưởng này thật sự khả thi, không biết nó sẽ tác động như thế nào đến viễn cảnh chinh phục Sao Hỏa.

“Khá giống Trái Đất, một bầu khí quyển dày cho phép đổ bộ lên bề mặt nhiều trang thiết bị khối lượng lớn, che chắn hầu hết bức xạ từ vũ trụ và mặt trời, mở rộng khả năng trích xuất oxy, và cung cấp một dạng nhà kính ‘ngoài trời’ cho sự sinh trưởng của cây cối”, nhóm nghiên cứu giải thích.

“Nếu có thể đạt được điều này trong một đời người, thì viễn cảnh chinh phục Sao Hỏa sẽ không còn quá xa”.

Chú thích:

[1] Địa khai hóa là quá trình biến đổi một hành tinh, vệ tinh tự nhiên hoặc các thiên thể khác để có khí quyển, nhiệt độ và hệ sinh thái phù hợp cho cuộc sống con người. Nó là một loại công nghệ hành tinh.

Ý tưởng về địa khai hoá hình thành từ khoa học viễn tưởng và khoa học thực thụ. Hiện nay, vẫn còn nhiều kiến thức về địa khai hoá chỉ là giả thuyết. Tuy nhiên, dựa vào những gì đã biết trên Trái Đất, dường như con người có thể tác động vào môi trường theo một cách tính toán trước để làm nó thay đổi theo ý muốn.

Quý Khải

Nguồn:http://www.daikynguyenvn.com/khoa-hoc-cong-nghe/nasa-muon-tao-la-chan-tu-truong-giong-trai-dat-de-hoi-sinh-su-song-tren-sao-hoa.html

Comment