gia-thuyet-moi-vat-chat-toi-la-thu-pham-khien-loai-khung-long-tuyet-chung
Giả thuyết mới: Vật chất tối là thủ phạm khiến loài khủng long tuyệt chủng?
- bởi map --
- 26/09/2016
Các nhà khoa học đang không ngừng đưa ra các mối liên hệ tiềm năng giữa các lực lượng vô hình ngoài không gian và những biến động địa chất đáng sợ trên Trái Đất sau khi đề xuất giả thuyết cho rằng vật chất tối có thể là nguyên nhân đứng đằng sau sự tuyệt chủng hàng loạt của loài khủng long thời cổ đại, và có thể cũng sẽ góp phần tạo ra các thảm họa trong tương lai.
Theo hiểu biết của những nhà khoa học, cho đến nay đã có 5 cuộc Đại Tuyệt chủng từng xảy ra trên Trái Đất, bao gồm:
- Cuộc Đại Tuyệt chủng kỷ Ordovic– Silur xảy ra trong khoảng 440–450 triệu năm trước.
- Cuộc Đại Tuyệt chủng kỷ Devon muộn xảy ra khoảng 360 triệu năm trước.
- Cuộc Đại Tuyệt chủng kỷ Permian– kỷ Triassic xảy ra khoảng 251 triệu năm trước. Đây được nhìn nhận là sự kiện tuyệt chủng khủng khiếp nhất trong lịch sử.
- Cuộc Đại Tuyệt chủng kỷ Triassic –kỷ Jurassic xảy ra khoảng 205 triệu năm trước.
- Cuộc Đại Tuyệt chủng cuối kỷ Creta xảy ra trong khoảng 65–66 triệu năm trước, với nguyên nhân được cho là do một thiên thạch khổng lồ va vào Trái Đất; đánh dấu sự kết thúc của đại Trung Sinh và khởi đầu của đại Tân Sinh.
Thảm họa khét tiếng nhất trong 5 lần Đại tuyệt chủng, vốn dẫn đến sự tuyệt chủng loài khủng long, đã xảy ra vào khoảng 66 triệu năm trước. Nguyên nhân được nhìn nhận là do một thiên thạch khổng lồ có kích thước ngang bằng quả núi đã đụng phải Trái Đất, tạo nên một thảm họa tức thời và rộng khắp trên phạm vi toàn cầu, theo tạp chí Scientific American. Những vụ va chạm như vậy từ thời cổ đại có thể lưu lại những dấu tích trường tồn trên bề mặt hành tinh, hiện vẫn còn có thể nhìn thấy dưới dạng thức các “vết sẹo” trên bề mặt địa chất; và một ví dụ điển hình là hố va chạm Chicxulub tại Bán đảo Yucatan và nhiều địa điểm khác trên thế giới.
Minh họa cảnh thiên thạch lao xuống Trái Đất. (Ảnh chụp màn hình/YouTube)
Các vụ va chạm thiên thạch, các vụ phun trào núi lửa giải phóng tro bụi, và những cơn bão khổng lồ thường được các nhà nghiên cứu viện dẫn như các bằng chứng không thể chối cãi của các sự kiện tuyệt chủng thời cổ đại. Tuy nhiên hiện nay các nhà khoa học đang hướng ra xa hơn và tự hỏi rằng liệu các vụ va chạm thiên thạch cùng những sự kiện địa chất mang tính hủy diệt khí hậu có thể đã được gây nên bởi những lực lượng nào đó bên ngoài, chưa từng được nhận biết trước đây.
Hố va chạm Pingualuit ở khu vực Nunavik, phía bắc tỉnh Quebec, Canada. Một lòng chảo hình tròn gần như hoàn hảo được tạo ra sau một cú va chạm với thiên thạch thời cổ đại hiện đã trở thành một hồ nước ngọt. (Ảnh: Wikipedia)
Theo một số nhà khoa học, các chuyến du hành mang tính chu kỳ của hệ Mặt Trời xuyên qua một đĩa mỏng vật chất tối có thể đã gây nên các đợt mưa sao chổi đổ xuống bề mặt Trái Đất cùng hiện tượng trồi lên của vỏ Trái Đất, dẫn đến các cuộc Đại Tuyệt chủng – và những cuộc tuyệt chủng này có thể đã xảy ra trên Trái Đất sau mỗi khoảng 26 cho đến 30 triệu năm.
“Trong quá khứ, các nhà nghiên cứu đã nhận ra mối liên hệ này [giữa vật chất tối và các sự kiện tuyệt chủng], và cho rằng có thể những đám mây bụi và khí, và ngay cả vật chất tối, trong mặt phẳng của Dải Ngân Hà đã – bằng một cách thức nào đó – làm chệch hướng quỹ đạo của các ngôi sao chổi, khiến chúng đâm vào Trái Đất, từ đó gây ra các cuộc Đại Tuyệt chủng”, tạp chí Khoa học Nature cho hay.
Vật chất tối hiện vẫn chưa phải là một lĩnh vực đã được các nhà khoa học nhận thức rõ ràng, nên các ảnh hưởng tiềm tàng của nó tới hệ Mặt Trời và các hành tinh hiện vẫn chỉ là một giả thuyết. Vật chất bí ẩn này được cho là một vật chất vô hình lưu chuyển và tương tác với không gian vũ trụ, và đã được tạp chí Scientific American miêu tả như một “cái khung giàn giáo vũ trụ giúp các thiên hà hợp nhất lại với nhau”. Người ta đã biết được sự hiện hữu của vật chất này bằng cách quan sát [tác động của] lực hấp dẫn của nó lên những vật thể khác.
Hình minh họa hệ Ngân Hà. Vòng hào quang của các vật chất màu xanh dương bao xung quanh thiên hà cho thấy sự phân bổ kỳ vọng của loại vật chất tối bí ẩn, một khái niệm đã được đưa ra lần đầu tiên bởi các nhà thiên văn học nhằm giải thích cho các tính chất xoay chuyển của thiên hà và cũng là một nhân tố căn bản trong các lý thuyết hiện nay về sự hình thành và phát triển của các thiên hà. (Ảnh: Đài thiên văn Nam Âu (ESO) / Wikimedia Commons)
Vì hiện tại có nhiều điều về vật chất tối chúng ta vẫn chưa biết, nên cần tiến hành các nghiên cứu bổ sung để vén mở bản chất của loại vật chất này, và cách thức nó đang tác động đến hệ Mặt Trời của chúng ta, cũng như Trái Đất và chính bản thân chúng ta. Để tránh có kết cục tận diệt giống như loài khủng long, chúng ta bắt buộc phải tìm hiểu và học hỏi.
Tác giả: Liz Leafloor, Ancient Origin
Đọc bản gốc tại đây
Thạch Khánh biên dịch
Nguồn:http://www.daikynguyenvn.com/khoa-hoc-cong-nghe/gia-thuyet-moi-vat-chat-toi-la-thu-pham-khien-loai-khung-long-tuyet-chung.html
Comment