phat-hien-hanh-tinh-moi-co-the-ton-tai-su-song-chi-cach-trai-dat-nam-anh-sang
Phát hiện hành tinh mới có thể tồn tại sự sống chỉ cách Trái Đất 14 năm ánh sáng
- bởi map --
- 04/09/2016
Tóm tắt bài viết
-
Đây là hành tinh có thể tồn tại sự sống, cách Trái Đất 14 năm ánh sáng.
-
Có thể tồn tại hàng tỷ hành tinh có thể tồn tại sự sống trong Hệ Ngân hà.
Hành tinh có thể tồn tại sự sống gần Trái Đất nhất cho đến nay đã lộ diện, khi chỉ cách chúng ta 14 năm ánh sáng. Đây là phát hiện của một nhóm các nhà khoa học người Úc từ Đại học New South Wales, nhờ sử dụng kính thiên văn 3,6 m tại Đài thiên văn Nam Âu (ESO) ở La Silla, Chile.
14 năm ánh sáng, tức 126 nghìn tỷ km. Nhưng đừng để con số đó làm bạn hoảng sợ, vì khoảng cách từ Trái Đất chúng ta đến sao Hỏa, người họ hàng gần nhất trong Hệ Mặt Trời, cũng chỉ khoảng 249 triệu km.
Đây là một trong ba hành tinh đặc rắn, có bề mặt đất đá, xoay quanh ngôi sao lùn có tên gọi là Wolf 1061. Tuy nhiên, chỉ hành tinh này, Wolf 1061c, mới nằm tại vùng “Goldilocks zone” (khu vực tồn tại sự sống), tức có khoảng cách không quá xa hay quá gần ngôi sao chủ để nước có thể tồn tại ở thể lỏng, vốn là nhân tố căn bản của sự sống.
“Thật tuyệt khi hướng ánh nhìn ra ngoài vũ trụ rộng lớn và biết rằng một ngôi sao rất gần chúng ta – một người hàng xóm gần – chứa một hành tinh có thể tồn tại sự sống. Đây là một phát hiện cực kỳ thú vị”, Tiến sĩ Duncan Wright từ Đại học New South Wales, trưởng nhóm nghiên cứu, nhận định.
Các hành tinh có thể tồn tại sự sống khác không nằm gần Trái Đất đến vậy. Bởi hành tinh này nằm khá gần với Trái Đất, chúng ta có cơ hội tốt để tìm hiểu thêm về nó”.
Hình mô phỏng ngôi sao Wolf 1061 và quỹ đạo chuyển động của 3 hành tinh quanh nó, trong đó Wolf 1061c được cho là có thể tồn tại sự sống. (Ảnh chụp màn hình/YouTube)
“Khoảng cách khá gần của các hành tinh với ngôi sao chủ Wolf 1061 cho thấy có nhiều khả năng những hành tinh này sẽ cắt qua mặt của nó”, Rob Wittenmyer, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, trao đổi trong một thông cáo trước đó.
“Nếu thật sự là vậy, chúng ta sẽ có thể nghiên cứu bầu khí quyển của những hành tinh này trong tương lai để xem xem liệu chúng có thích hợp cho sự sống tồn tại hay không”.
Trong số 1870 ngoại hành tinh nằm ngoài hệ Mặt Trời hiện đã được NASA xác nhận, Wolf 1061c có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì nó vừa có thể tồn tại sự sống lại vừa nằm gần Hệ Mặt Trời.
Video mô phỏng hệ ngôi sao Wolf 1061:
Chú thích:
Nhìn chung, một hành tinh chỉ cần tồn tại bên trong vùng Goldilocks zone, thì nó sẽ có khả năng tồn tại sự sống.
Nhưng theo TS Wright, hành tinh Wolf 1061c chưa hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết để trở thành một nơi định cư tiềm năng của nhân loại.
“Điều kiện sinh tồn trên hành tinh này không hề dễ chịu: Trọng lực ở đây gấp khoảng 1,8 lần trên Trái Đất và nhiều khả năng hành tinh này đang bị khóa chặt. Điều đó có nghĩa là một mặt của hành tinh này quay mặt trường tồn về phía ngôi sao Wolf 1061 và trở nên cực kỳ nóng (hấp thụ nhiệt liên tục từ ngôi sao), trong khi các mặt còn lại quay sang phía khác và trở nên cực kỳ lạnh”.
Dù vậy, TS Wright cũng nói thêm, vẫn có khả năng tồn tại một “khu vực chạng vạng (twilight zone)” quay mặt “một phần” về phía ngôi sao, do đó đây có thể là một vùng đất sinh sống khả thi, nhưng không hề lý tưởng và dễ chịu.
Người ta gọi hành tinh này là Siêu Trái Đất chính vì nó có một bề mặt đất đá và khối lượng gấp 4 lần Trái Đất.
Tuy nhiên đây mới chỉ là sự bắt đầu. Trong những năm vừa qua, với sự phát triển của khoa học công nghệ, các nhà khoa học đã tìm ra rất nhiều các hành tinh có thể tồn tại sự sống trong Hệ Ngân Hà.
Nguồn:http://www.daikynguyenvn.com/khoa-hoc-cong-nghe/wolf-1061c-hanh-tinh-co-the-ton-tai-su-song-chi-cach-trai-dat-14-nam-anh-sang.html
Comment