tuoi-tac-anh-huong-den-thanh-tich-the-thao-nhu-the-nao
Tuổi tác ảnh hưởng đến thành tích thể thao như thế nào?
- bởi map --
- 31/08/2015
Tôi nhớ lại khoảng khắc một vài năm trước: lúc đó tôi đang xem TV thì chợt nhận ra rằng nếu tôi tham gia Tour de France, thì ở cái tuổi 42 tôi sẽ là người già nhất trong giải đấu. Tôi cảm thấy buồn khi biết rằng giấc mơ tham gia giải đua xe đạp lớn nhất hành tinh đã chấm dứt… nó sẽ không thể xảy ra.
Tôi chưa từng thi đấu, chứ chưa nói đến việc tập đua xe đạp một cách nghiêm túc trong một vài năm.
Ngay cả trong những năm tháng “hoàn hảo” nhất tôi vẫn chưa đủ độ cho việc đua xe đạp. Chỉ là hiện nay tôi đã có một lý do… Tôi đã quá già, cách quá xa khỏi những năm tháng hoàn hảo của cuộc đời.
Vậy điều gì đã xảy ra? Liệu có tồn tại một nguyên nhân trên phương diện sinh lý giải thích cho hiện tượng những người bước sang giữa tầm tuổi 40 sẽ không còn có thể thi đấu tại mức độ chuyên nghiệp ở hầu hết các môn thể thao, hay đây là do một loạt các vấn đề ngăn trở, như thời gian dành cho việc tập luyện, động lực nội tại, việc quản lý thời gian biểu của con cái hay công tác cá nhân bận rộn?
“Tôi đã quá già” là một luận điệu phổ biến để bao biện cho tình trạng thành tích giảm sút trong lĩnh vực thể thao khi chúng ta già đi. Nhưng dưới đây mới thật sự là những gì đang xảy ra trong cơ thể qua nhiều năm, những nhân tố khiến các thành tích đẳng cấp thế giới trở nên dần dần xa vời. Và, điều thú vị là, có một vài yếu tố sinh lý có thể tăng cường sức mạnh thể lực nhưng dường như không bị ảnh hưởng bởi tình trạng lão hóa.
Độ tuổi ‘điểm ngọt’
Trong hầu hết các môn thể thao, có một độ tuổi gọi là “điểm ngọt”, mà ở đó sự kết hợp giữa các khả năng vật lý, kỹ thuật, và chiến lược hội tụ lại cùng một chỗ.
Trong hầu hết các môn thể thao, độ tuổi điểm ngọt rơi vào khoảng tầm 25 đến đầu 30 tuổi. Tuy rằng đã có nhiều trường hợp các vận động viên Olympic tranh tài, và đôi lúc giành huy chương, bên ngoài ngưỡng tuổi 50, nhưng đại đa số các trường hợp này đến từ các môn thể thao đòi hỏi kỹ năng đặc biệt và không cần nhiều sức mạnh thể lực, như bắn súng, bắn cung, đua thuyền, đưa ngựa và đấu kiếm.
Đối với các môn đòi hỏi sức bền, giới hạn tối đa để có thể tranh tài ở các mức độ thể thao cao nhất dường như xoay quanh độ tuổi 40.
Chris Horner đã giành chiến thắng trong giải đua xe đạp Vuelta a Espana năm 2013, một phiên bản Tây Ban Nha của Tour de France, khi tiếp cận gần độ tuổi 42. Điều này đã khiến ông trở thành quán quân già nhất của một giải Grand Tour trong lĩnh vực đua xe đạp.
TAMTHUCKhả năng sử dụng khí oxy tối ưu (VO2max) là một chỉ số đo lường sức bền theo độ tuổi. (VO2max) là một giá trị định lượng miêu tả lượng khí oxy cơ thể có thể sử dụng trên mỗi kilogram trọng lượng.
VO2max đo lường khả năng cơ thể đưa khí oxy đến phổi, khả năng oxy được lưu chuyển trong máu đến các cơ bắp đang hoạt động, và lượng oxy cơ bắp có thể sử dụng để kích hoạt sự co bóp.
Tập thể dục có thể làm tăng cường tất cả những phương diện này, và chỉ số VO2max càng cao bao nhiêu, sức bền của một người càng lớn bấy nhiêu. Tức là, họ có thể thực hiện nhiều công việc đòi hỏi sức bền hơn trên một trọng lượng cơ thể nhất định.
Trong nhóm người dân thông thường, chỉ số VO2max có xu hướng giảm khoảng 10% sau mỗi thập kỷ khi bước qua ngưỡng tuổi 30. Các vận động viên vẫn tiếp tục thi đấu và tập luyện chăm chỉ có thể giảm lượng sụt giảm xuống còn một nửa, xuống còn 5% mỗi thập kỷ sau khi bước sang ngưỡng tuổi 30.
Nguyên nhân chỉ số VO2max sụt giảm theo thời gian là vì nhịp tim tối đa cũng giảm dần.
Nhịp tim tối đa là chỉ số nhịp tim cao nhất (nhịp/phút) một người có thể đạt tới trong quá trình gia tăng cường độ các bài tập sức bền. Chỉ số này được dự đoán một cách tương đối bằng công thức sau: “220 – tuổi = nhịp tim tối đa”. Tuy nhịp tim tối đa thực sự của một người là một đại lượng dễ biến đổi, nhưng khi bạn già đi, nhịp tim tối đa của bạn sẽ giảm, bất kể bạn là một vận động viên cường tráng hay một người chỉ thích nằm dài trên ghế cả ngày.
Và điều này sẽ làm suy giảm cả hiệu suất của tim và sự vận chuyển khí oxy đến các cơ bắp, tức là khi chúng ta già đi thì chỉ số VO2max và thành tích sẽ thấp hơn trong các môn thể thao đòi hỏi sức bền.
Ngay cả nếu sự vận chuyển khí oxy đến các cơ bắp bị hạ thấp, thì khả năng các cơ bắp tận dụng hiệu quả lượng khí oxy tương thích với một khối lượng công việc nhất định sẽ vẫn được duy trì đến ngưỡng tuổi 60 và 70, mặc dù khối lượng cơ bắp sẽ có xu hướng sụt giảm khi chúng ta già đi, dẫn đến sự sụt giảm thành tích.
Đối với các môn thể thao sức bền mang tính cạnh tranh cao, các tay đua thuyền đã cho thấy lượng sụt giảm chỉ số VO2max ít nhất theo thời gian, nhưng sự khác biệt với các môn thể thao khác là không lớn. Có thể là vì chèo thuyền là một môn thể thao ít va chạm hơn so với đua xe đạp (có các cú ngã) và chạy thi (luôn phải chạy rầm rập).
Các tay đua thuyền cho thấy tỷ lệ sụt giảm VO2max nhỏ nhất so với các môn thể thao đòi hỏi sức bền khác. (Ảnh: Joel Ford/Getty Images)
Đừng nên bỏ sót yếu tố cơ bắp
Một số bằng chứng cho thấy đối với các môn thể thao đòi hỏi sức lực hay năng lượng cao, như cử tạ, thì các hạn chế liên quan đến độ tuổi có thể nằm ở các cơ xương, những cơ di chuyển xương và khớp của cơ thể.
Đối với các vận động viên cử tạ trên 40 tuổi (trình độ chuyên nghiệp), thành tích sẽ sụt giảm đột ngột so với các vận động viên sức bền trong các môn thể thao như chạy, bơi và đua xe đạp. Đây là điều dễ hiểu bởi cử tạ sử dụng các sợi cơ bắp loại 2 (gọi là nhóm co rút nhanh) để tạo ra sức lực. Nghiên cứu chỉ ra những tế bào này sẽ sụt giảm về số lượng và chức năng theo tuổi tác.
Không chỉ những tế bào này sẽ sụt giảm theo tuổi tác, mà hiện tượng này còn xuất hiện ở các tế bào hỗ trợ sự phục hồi và sinh trưởng của các cơ xương khi giảm thiểu việc tập luyện.
Những sự sụt giảm theo tuổi tác này không quá rõ rệt như trong nhóm cơ loại I, những sợi cơ có liên hệ chặt chẽ với các bài tập sức bền.
Thời gian hồi phục có thể kéo dài lâu hơn
Khi già đi, có nhiều vận động viên phàn nàn rằng khả năng phục hồi từ các bài tập nặng nhọc cũng sụt giảm theo.
Điều này có thể tác động đến cường độ và khối lượng tập luyện của tất cả các vận động viên. Nhưng trong nhiều môn thể thao đòi hỏi sự va chạm, như bóng bầu dục Mỹ, việc hồi phục từ các chấn thương và ảnh hưởng tích lũy của các cú va chạm nặng đã trở thành một nhân tố hạn chế khả năng tiếp tục thi đấu ở các cấp độ cao nhất.
Nhưng trong nhiều môn thể thao đòi hỏi sự va chạm, như bóng bầu dục Mỹ, việc hồi phục từ các chấn thương và ảnh hưởng tích lũy của các cú va chạm nặng đã trở thành một nhân tố hạn chế khả năng tiếp tục thi đấu ở các cấp độ cao nhất. (Ảnh: lmanifesto.info)
Lấy ví dụ, mùa bóng năm ngoái chỉ có hai vận động viên ở Giải Bóng bầu dục Quốc gia Mỹ NFL là Sav Rocca từ đội Washington Redskins và Adam Vinatieri từ đội Indianapolis Colts hiện vẫn đang chơi dù đã bước sang ngưỡng tuổi 40.
Các chấn thương cũng tác động xấu đến những người chơi các môn thể thao không va chạm. Đối với các vận động viên chuyên nghiệp, việc gặp phải nhiều chấn thương trong quá trình tập luyện cũng dẫn tới sự sụt giảm cường độ và khối lượng tập luyện, dẫn tới thành tích kém hơn trong ngày thi đấu.
Cầu thủ Adam Vinatieri của đội bóng Indianapolis Colts. (Ảnh: Al Bello/Getty Images)
Tâp luyện tốt hơn có thể giúp duy trì phong độ đỉnh cao
Tuy rốt cuộc tất cả các vận động viên sẽ suy giảm trong các cuộc đua thành tích do tuổi tác, nhưng với sự tập luyện và các bài tập phục hồi tốt hơn, trong những năm tới có lẽ chúng ta sẽ chứng kiến nhiều hơn các vận động viên ở tầm tuổi 40 vẫn có thể tranh tài ở cấp độ thể thao cao nhất. Bằng cách “tập luyện thông minh hơn, thay vì nặng hơn”, các vận động viên có thể giảm thiểu nguy cơ chấn thương, tối đa hóa thành quả từ việc tập luyện và giảm thiểu các ảnh hưởng của lão hóa.
Các vận động viên già cần nhiều thời gian hồi phục và thích ứng với việc tập luyện, nên các kế hoạch tập luyện cần phải thay đổi theo độ tuổi.
Lấy ví dụ, các bài tập cường độ cao, cách quãng chỉ tập trung vào chất lượng của việc luyện tập, thay vì khối lượng tập luyện đơn thuần, và có thể được các vận động viên già sử dụng hiệu quả để cải thiện sức bền.
Việc tập luyện nhiều môn thể thao đồng thời, như cử tạ và yoga, có thể giúp duy trì khối lượng và độ dẻo dai của cơ bắp, và giảm thiểu các chấn thương do vận động quá sức ở các vận động viên sức bền.
Việc nhấn mạnh vào các chiến lược “phục hồi tích cực” (một cuộc chạy hay bơi thư giãn vào những ngày nghỉ) và một thói quen ngủ nghỉ tốt hơn là điều quan trọng đối với các vận động viên ở mọi lứa tuổi, nhưng lại trở nên đặc biệt thiết yếu đối với các vận động viên già hơn.
Tuy nhiên, sự sụt giảm thành tích không chỉ đề cập đến sự thay đổi thể chất. Khi chúng ta già đi, động lực tập luyện nội tại cũng giảm dần. Ngay cả trong cộng đồng vận động viên, động lực tập luyện có thể thay đổi từ việc đặt ra các kỷ lục cá nhân sang việc duy trì sự sức khỏe và sự tích cực. Và đó là một động lực tuyệt vời cho tất cả vận động viên ở mọi lứa tuổi.
Tác giả: Christopher Minson, Đại học Oregon
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Nguồn:http://www.daikynguyenvn.com/khoa-hoc-cong-nghe/tuoi-tac-anh-huong-den-thanh-tich-the-thao-nhu-the-nao.html
Comment